Thấy gì qua Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023?

Định Tường 

(VNTB) – Số lượng và chất lượng lao động thấp đã làm suy giảm đáng kể tính cạnh tranh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ở góc độ quản trị nhà nước, báo cáo cho rằng chưa thấy sự kết nối của quy hoạch từng địa phương với tổng thể vùng, cơ chế quản trị tài nguyên phân mảnh, cơ chế điều phối vùng và giữa các tỉnh thành còn rời rạc, chưa tạo kết quả mong đợi…

Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023 được công bố vào sáng ngày 12-12 tại thành phố Cần Thơ một lần nữa cho thấy bức tranh của vùng kinh tế châu thổ này, tuy có những điểm sáng đáng kể, song vẫn còn nhiều khía cạnh cần phải lưu tâm. Theo đó, ở góc độ điều hành thị trường, chuỗi giá trị còn bị chia cắt, các cụm ngành sản xuất lớn chưa hoàn chỉnh, thị trường tài chính tín dụng chưa thực sự phát huy để thúc đẩy, hỗ trợ cho các ngành chủ lực phát triển… Quá trình nghiên cứu cho thấy có những điểm nghẽn về thể chế, quản trị và liên kết vùng, nếu không có giải pháp kịp thời thì nó không chỉ làm tiêu hao nguồn lực mà có thể còn làm giảm động lực của bộ máy, không khai thác được lợi thế giữa các địa phương, không nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế vùng ĐBSCL nói riêng cũng như cho quốc gia nói chung. Điểm đáng lưu tâm là vòng xoáy đi xuống về nguồn nhân lực vẫn đang tiếp diễn, chất lượng lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo của vùng tuy có cải thiện song vẫn luôn là một quan ngại lớn. Trong năm 2022, tỷ lệ này tại ĐBSCL chỉ đạt 15%, thấp hơn cả Tây Nguyên (17%) và thấp hơn nhiều so với cả nước (26%). Số lượng và chất lượng lao động thấp đã làm suy giảm đáng kể tính cạnh tranh của vùng. Theo nhóm nghiên cứu, tuy nông nghiệp giữ vai trò quan trọng nhất trong GRDP của vùng nhưng lại không phải là động lực chính thúc đẩy kinh tế. Ngành này hiện tạo ra 34% GRDP của vùng, được đầu tư lớn thứ 2 với khoảng 32.000 tỷ đồng mỗi năm, nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng là 3%. Theo báo cáo, ĐBSCL giàu tiềm năng nhưng lại đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế của cả nước. Nếu như 2 thập niên trước vùng đóng góp khoảng 16% GDP của cả nước thì đến nay tỷ trọng này chỉ còn 12%. Còn so với TP.HCM, mức độ tụt hậu của ĐBSCL nghiêm trọng hơn khi chỉ xấp xỉ 3/4. 

Tại lễ công bố, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, trưởng nhóm nghiên cứu, đưa ra 5 khuyến nghị để khắc phục các nút thắt cho vùng ĐBSCL, đó là: 

1. Sửa đổi Luật Đất đai; 

2. Tư duy mới về an ninh lương thực; 

3. Quản trị và quản lý tài nguyên nước; 

4. Thể chế quản trị và điều phối vùng; 

5. Các thể chế liên kết phi chính thức và vi mô. 

Theo ông Tự Anh, chỉ khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2020, 2021 thì người lao động mới trở về ĐBSCL. Nhưng đến năm 2022 khi hết dịch, người dân lại di chuyển đến các vùng khác tìm kiếm việc làm và cho rằng “đó là quy luật khách quan của thị trường, lao động sẽ về đâu có nhiều cơ hội nhất, có điều kiện phát triển nhiều nhất”. “Đây là điều đáng suy nghĩ đối với các nhà làm chính sách. Khi chúng ta chấp nhận phải có lượng di dân, nhưng ngay khi di dân rồi thì với lực lượng còn lại vẫn thất nghiệp cao, vẫn thiếu công ăn việc làm. Thực trạng đó có nghĩa là chúng ta đang thiếu cơ hội nội sinh của nền kinh tế ĐBSCL”, ông Vũ Thành Tự Anh phân tích. 

Vẫn theo ông Tự Anh, có điều thú vị là ở ĐBSCL, dù các doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp nhưng tỷ lệ doanh nghiệp có lãi lại cao, với khoảng 52% các doanh nghiệp trong vùng báo cáo có lãi. “Có một lý do đằng sau chuyện này là không gian kinh tế chúng ta còn rộng rãi, mức độ cạnh tranh chưa quá gay gắt nên kinh doanh ở đây vẫn dễ có lãi hơn các vùng khác. Tuy nhiên có lãi đấy nhưng lãi rất mỏng, làm sao tăng lên. Lãi mỏng là do chi phí cao, chi phí logistics, nguyên vật liệu đầu vào đều cao, trong khi giá bán thì phải theo thị trường, cạnh tranh sòng phẳng các vùng khác” – ông Tự Anh lưu ý. 

Về mặt kinh tế, ĐBSCL đang phải đối diện với ít nhất ba “vòng xoáy đi xuống” bao gồm “vòng xoáy ngân sách”, “vòng xoáy lao động” và “vòng xoáy cấu trúc kinh tế”. Nhóm nghiên cứu chỉ ra thông điệp chủ chốt trong Báo cáo này là làm sao phá vỡ một số mắt xích của các vòng xoáy đi xuống về kinh tế - xã hội - môi trường, sau đó đảo ngược thành các vòng xoáy đi lên cho ĐBSCL. Tất nhiên, đây cũng chính là câu chuyện dài của vùng đất trù phú và cũng đã được bàn luận của rất nhiều diễn đàn trước đây.
Đ.T.

Nguồn: Vietnamthoibao.org

 

This entry was posted in Quản lý kinh tế, Đồng bằng sông Cửu Long. Bookmark the permalink.