Henry Kissinger, người định hình các vấn đề thế giới dưới thời hai Tổng thống, qua đời ở tuổi 100

Thomas W. Lippman

Henry Kissinger, who shaped Cold War history, dies at 100 – The Washington Post,The Washington Post, November 29, 2023

Trần Nguyễn biên dịch

Henry KissingerHình chụp năm 2023.

Nhà ngoại giao này đã thực hiện quyền kiểm soát vô song đối với các vấn đề quốc tế và hoạch định chính sách của Hoa Kỳ. Ông ta cũng là mục tiêu của những lời chỉ trích không ngừng, những người cho rằng ông ta vô kỷ luật và vô đạo đức. 

Henry A. Kissinger, một học giả, chính khách và nhà ngoại giao nổi tiếng, người nắm giữ quyền lực vô song đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong suốt chính quyền của Tổng Thống Richard M. Nixon và Gerald Ford, và là người trong nhiều thập kỷ sau đó, với tư cách là nhà tư vấn và nhà văn, đã đưa ra những quan điểm định hình toàn cầu, chính trị và kinh doanh, qua đời ngày 29 tháng 11 tại nhà riêng ở Connecticut. Ông ta hưởng thọ 100 tuổi.

Cái chết được công ty tư vấn của ông ta thông báo trong một bản tuyên bố nhưng không đưa ra nguyên nhân.

Là một người nhập cư Do Thái chạy trốn khỏi Đức Quốc Xã, Tiến sĩ Kissinger nói được rất ít tiếng Anh khi đến Hoa Kỳ lúc còn là một thiếu niên vào năm 1938. Nhưng ông ta đã khai thác được trí tuệ nhạy bén, khả năng thông thạo lịch sử và kỹ năng viết văn để thăng tiến nhanh chóng từ một sinh viên đại học Harvard trở thành giảng viên Harvard trước khi chứng tỏ được bản thân ở Washington.

Kissinger khi còn là sinh viên Đại học Havard năm 1950. 

Là người duy nhất từng cùng lúc là cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng của Toà Bạch Ốc, ông ta đã thực hiện quyền kiểm soát chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ mà hiếm ai có thể sánh bằng nếu không phải là tổng thống.

Henry Kissinger và Lê Đức Thọ của Việt Nam đã chia nhau giải thưởng Nobel Hòa bình cho các cuộc đàm phán bí mật tạo ra Hiệp định Paris năm 1973 và chấm dứt sự tham gia của quân đội Hoa Kỳ vào Chiến tranh Việt Nam.  Ông ta nổi tiếng với chính sách “ngoại giao con thoi” (“shuttle diplomacy”) sau cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1973, đã giúp ổn định quan hệ giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập.

 Với tư cách là kiến trúc sư trong việc mở cửa lịch sử của Nixon với Trung Quốcvà là lý thuyết gia về chính sách hòa dịu với Liên Xô, Kissinger đã giành được nhiều tín nhiệm vì những thay đổi chính sách chấn động làm định hướng lại tiến trình các vấn đề thế giới.

Với tiếng Anh giọng Đức, sự hóm hỉnh sắc sảo, vẻ ngoài như cú vọ và niềm đam mê giao lưu ở Hollywood cũng như hẹn hò với các ngôi sao điện ảnh, ông ta ngay lập tức được công nhận trên toàn thế giới, trái ngược hoàn toàn với hầu hết những người tiền nhiệm khiêm tốn. Một cách không xấu hổ khi tán tỉnh công chúng, ông ta vừa là ngôi sao của báo lá cải, vừa là ngôi sao của các tạp chí nghiêm túc nghiền ngẫm các ý tưởng của ông ta về địa chiến lược. Khi ông ta được bổ nhiệm làm ngoại trưởng, một cuộc thăm dò của Gallup cho thấy ông ta là người được ngưỡng mộ nhất nước.

Nhưng ông ta cũng trở thành mục tiêu của những lời chỉ trích không ngừng nghỉ, những người coi ông ta là vô đạo đức. Ông ta đã không đến Oslo để nhận giải Nobel vì sợ xảy ra các cuộc biểu tình thù địch – Thọ (tức Lê Đức Thọ, N.D) thì thẳng thừng từ chối giải thưởng – và trong những năm sau đó, ông ta ngày càng bị thù ghét.

Những gì ông ta coi là thực dụng thì nhiều tác giả và nhà phân tích lại coi là hành động vônguyên tắc, không tôn trọng nhân quyền hay thậm chí coi thường cả mạng sống con người. Kissinger đã đạt được quyền lực, danh tiếng và sự giàu có ngoài mơ ước của hầu hết mọi người trong đời sống xã hội, tuy nhiên ông ta đã dành những thập kỷ cuối đời để bảo vệ bản thân và vị trí của mình trong lịch sử, giải thích rằng ông ta đã làm những gì phải làm.

Ronald Reagan và những người bảo thủ khác đã chỉ trích nỗ lực tìm kiếm sự hòa hợp với Moscow của Kissinger là sự bán đứng các quốc gia khi đó thuộc Hiệp ước Warsaw và các giá trị của Mỹ. Ngược lại, Tổng thống George W. Bush gọi ông ta là “một trong những viên chức thành đạt và được kính trọng nhất của đất nước” và các quan chức cấp cao của chính quyền Bush thường xuyên hỏi ý kiến ​​ông ta về các vấn đề quốc tế.

Bên cánh tả, những tiếng nói lớn tiếng cáo buộc ông ta là người thực dụng máu lạnh, đặt lợi ích chiến lược lên trên nhân quyền. Một số người chỉ trích ông ta cho rằng hiệp định Paris đã khiến đồng minh lâu năm là chính phủ miền Nam Việt Nam rơi vào số phận đen tối khi Bắc Việt nắm quyền kiểm soát. Những người khác cáo buộc ông ta đã để cuộc chiến tiếp tục trong ba năm trong khi thương lượng một thỏa thuận lẽ ra có thể đạt được ngay từ đầu.

Các nhà phê bình cho rằng Kissinger phải chịu trách nhiệm về vụ “đánh bom bí mật” vào Campuchia trung lập năm 1969 và về cuộc xâm lược trên bộ của Mỹ vào quốc gia này năm sau, làm mở rộng xung đột ở Đông Nam Á và dẫn đến việc quân sát nhân Khmer Đỏ tiếp quản đất nước.

Họ nói rằng chính sách của ông ta trong việc đề cao vua Iran như là trụ cột trong chính sách của Mỹ ở Vịnh Ba Tư đã khuyến khích ông vua này tăng giá dầu và nuôi dưỡng chứng hoang tưởng tự đại dẫn đến cuộc cách mạng Iran. Họ cáo buộc ông ta thông đồng trong cuộc đảo chính lật đổ chính phủ Cyprus năm 1974 và ủng hộ chiến dịch tàn bạo của Pakistan nhằm dập tắt cuộc nổi dậy ly khai ở khu vực ngày nay là Bangladesh vì Pakistan là đường nối bí mật tới Trung Quốc của ông ta.

Và họ nói Kissinger ít nhất phải chịu trách nhiệm gián tiếp về cuộc đảo chính do CIA khuyến khích nhằm lật đổ chính phủ xã hội chủ nghĩa được bầu cử hợp pháp của Salvador Allende ở Chile – cũng như vụ sát hại Tướng René Schneider, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Chile trước đó, người đã kiên quyết phản đối một cuộc đảo chính.

Hai trong số những nhà phê bình gay gắt nhất, Christopher Hitchens và William Shawcross, đã gọi Kissinger là tội phạm chiến tranh. Nhà báo Seymour M. Hersh, trong cuốn “The Price of Power” (Cái Giá Của Quyền Lực) cho biết Kissinger và Nixon về cơ bản là giống nhau: Họ “vẫn mù quáng trước cái giá nhân mạng phải trả cho những hành động của mình. Những người chết và bị thương ở Việt Nam và Campuchia – cũng như ở Chile, Bangladesh, Biafra và Trung Đông – dường như là vô nghĩa khi Tổng thống và cố vấn an ninh quốc gia của ông ta đối đầu với Liên Xô, đối đầu với những quan niệm sai lầm, với kẻ thù chính trị và với nhau.

Ít nhất, những người không ngưỡng mộ Kissinger cảm thấy rằng việc ông ta tập trung vào thực tế Chiến Tranh Lạnh và sẵn sàng xử dụng vũ lực – một cách công khai hoặc ngấm ngầm – để thúc đẩy các mục tiêu của Hoa Kỳ đã khiến ông ta mù quáng trước những cân nhắc về nhân đạo và nhân quyền.

Lấy một ví dụ, họ trích dẫn sự phản đối của ông ta đối với tu chính án Jackson-Vanik, đạo luật quy định quan hệ thương mại bình thường với Liên Xô với việc Moscow cho phép người Do Thái ở Liên Xô di cư. Bản thân là một người Do Thái tị nạn khỏi sự bách hại, Kisdinger coi việc sửa đổi là một trở ngại cho việc theo đuổi mục tiêu giảm căng thẳng của ông ta.

Sự sẵn lòng đặt lợi ích chiến lược lên trên các giá trị cao cả của ông ta đã được thể hiện vào tháng 7 năm 1975, khi ông ta thuyết phục Ford không gặp nhà văn người Nga lưu vong Alexander Solzhenitsyn tại Toà Bạch Ốc. Solzhenitsyn là một biểu tượng sống động của sựdũng cảm chống lại sự áp bức của Liên Xô, nhưng Kissinger lo ngại điều này sẽ tác động tiêu cực đến chính sách hòa dịu với Moscow của ông ta.

Ông ta nói, ông ta đang điều hành “trong một thế giới mà quyền lực vẫn là trọng tài tối thượng”. Reagan, khi đó là thống đốc bang California, đã đề cập đến vụ Solzhenitsyn khi Reagan tranh cử tổng thống của Đảng Cộng Hòa thách thức Ford vào năm sau.

Trong cuốn tiểu sử đầy đủ về Kissinger, nhà báo Walter Isaacson đã đi đến kết luận rằng Kissinger “có cảm tính bản năng về quyền lực và về việc tạo ra sự cân bằng toàn cầu mới có thể giúp Mỹ đối phó với hội chứng rút lui sau Việt Nam. Nhưng lại không có cảm tính như vậy về sức mạnh có được từ sự cởi mở của hệ thống dân chủ Hoa Kỳ hoặc về các giá trị đạo đức vốn là nguồn gốc thực sự khiến Hoa Kỳ có ảnh hưởng toàn cầu”.

Isaacson, người có toàn quyền tiếp cận Kissinger và nhiều bạn bè của ông ta, đã mô tả ông ta “tài giỏi, nhiều âm mưu, bí mật, nhạy cảm với các mối liên kết và sắc thái, dễ có xu hướng ganh đua và tranh giành quyền lực, quyến rũ nhưng đôi khi cũng dối trá”.

Kissinger, đáp lại những người chỉ trích, đã coi chính sách thực dụng có mệnh lệnh đạo đức của riêng nó.

“Lịch sử chỉ đưa ra những lựa chọn thay thế rõ ràng trong những trường hợp hiếm hoi nhất”ông ta viết trong cuốn sách “Ending the Vietnam War” (Kết thúc chiến tranh Việt Nam) xuất bản năm 2003. “Hầu hết các chính khách phải đạt được sự cân bằng giữa giá trị và nhu cầu, hay nói cách khác. theo cách này, họ buộc phải tiếp cận mục tiêu của mình không phải bằng một bước nhảy vọt mà theo từng giai đoạn, theo định nghĩa, mỗi giai đoạn đều không hoàn hảo theo những tiêu chuẩn tuyệt đối. Luôn luôn có thể viện dẫn sự không hoàn hảo đó như một cái cớ để thoái lui trước trách nhiệm, hoặc như một cái cớ để buộc tội chính xã hội”.

Hay như ông ta nói một cách thẳng thắn hơn trong một bối cảnh khác, “Không nên nhầm lẫn một nhiệm vụ bí mật với công việc truyền giáo”.

Thomas A. Schwartz của Đại học Vanderbilt, người đã phỏng vấn Kissinger vào cuối đời trong cuốn tiểu sử năm 2020 của ông ta, nhận thấy rằng ngay cả sau nhiều thập kỷ bị chỉ trích, nhà (cựu) hoạch định chính sách vẫn tuân thủ “triết lý quan hệ quốc tế của chính ông, rằng trong một thế giới bi thảm, một chính khách không thể lựa chọn giữa thiện và ác mà chỉ có thể lựa chọn giữa các hình thức khác nhau của cái ác”.

Một người nhập cư từ Đức

Heinz Alfred Kissinger sinh ra ở Furth, Đức, vào ngày 27 tháng 5 năm 1923. Ông ta đổi tên thành Henry sau khi cùng gia đình chuyển đến Hoa Kỳ.

Cha mẹ ông ta, Louis và Paula, là những người Do Thái thuộc tầng lớp trung lưu đáng kính, những người tự coi mình là người Đức hoàn toàn cho đến khi Adolf Hitler giáo huấn họ điều ngược lại. Thời trẻ Heinz yêu thích bóng đá và học rất xuất sắc, nhưng trong suốt những năm đi học, anh ta và bạnb è đã bị các băng đảng Đức Quốc Xã bắt nạt khi người Do Thái ở Furth ngày càng bị hạn chế và tẩy chay khỏi cuộc sống ở Đức.

Heinz mới 12 tuổi khi Luật Nuremberg tước quyền công dân của người Do Thái ở Đức. Cha ông ta mất việc dạy học. Được một người họ hàng ở New York bảo trợ, gia đình Kissinger đã đóng gói một vài thứ mà họ được phép giữ và rời Đức đến Hoa Kỳ vào tháng 8 năm 1938, ba tháng trước khi cơn thịnh nộ ở Kristallnacht đã kết liễu số phận của hầu hết những người Do Thái ở lại.

Sau này Kissinger nói rằng trải nghiệm này không để lại dấu ấn lâu dài trong tâm hồn ông ta, nhưng bạn bè và người thân khi được Isaacson phỏng vấn thì lại nói khác. “Kissinger là một người mạnh mẽ, nhưng Đức Quốc Xã có thể đã làm tổn thương tâm hồn ông ấy”, Fritz Kraemer, một người thân cận của Kissinger được Isaacson trích dẫn, nói.

Isaacson viết, việc cha mình bị sỉ nhục và cộng đồng mình bị hủy diệt “khiến ông ta tìm kiếm trật tự, và khao khát được chấp nhận, ngay cả khi điều đó có nghĩa là cố gắng làm hài lòng những người mà ông ta coi là kém trí tuệ hơn”.

Những đặc điểm đó sẽ xuất hiện nhiều năm sau trong mối quan hệ của Kissinger với Nixon. Nhiều người biết ông ta trong Quân đội Hoa Kỳ, đời sống học tập và làm việc cho chính phủ của ông ta, cho biết mong muốn làm hài lòng tất cả mọi người và khao khát được khen ngợi của ông ta bắt nguồn từ mong muốn được chấp nhận của một kẻ bị ruồng bỏ.

Tại New York, Kissinger định cư ở Washington Heights, Upper West Side của Manhattan, một khu dân cư có phần lớn là người Do Thái. Kissinger đăng ký vào trường trung học công lập địa phương, George Washington, nơi ông ta nhanh chóng thông thạo tiếng Anh và xuất sắc trong các môn học khác. Kissinger làm việc trong một nhà máy sản xuất bàn chải cạo râu để kiếm thêm tiền và đăng ký theo học các lớp kế toán tại City College of New York.

Trước khi lấy được bằng, ông ta phải nhập ngũ vào năm 1943, trong Thế chiến Thứ Hai. Ông ta học ngành kỹ thuật trước khi được bổ nhiệm, ngay sau D-Day vào tháng 6 năm 1944, vào Sư đoàn Bộ binh 84 tại Trại đầm lầy Claiborne, LA. Ông ta gây được ấn tượng với một người lính nói tiếng Đức khác, tên là Kraemer – sau này được gọi là “người phát hiện ra Kissinger” – và được giao nhiệm vụ tình báo nhờ ảnh hưởng của anh này.

Khi Sư đoàn thứ 84 được triển khai tới Đức sau Trận chiến Bulge, Kissinger tự cảm thấy mình là một kẻ chiếm đóng chinh phục những người đã bức hại gia đình ông ta phải sống lưu vong chỉ vài năm trước. Ông ta nhận được huy chương Ngôi Sao Đồng và được thăng cấp trung sĩ vì công việc tổ chức chính quyền địa phương và truy lùng các thành viên của Gestapo.

Khi ông ta trở lại cuộc sống dân sự vào năm 1947, các trường đại học trong nước, ngay cảnhững trường ưu tú nhất, cũng đang chìa tay ra cho các cựu chiến binh trẻ. Năm 1950 ông ta gia nhập lớp học của Harvard khi còn là sinh viên năm thứ hai 24 tuổi, bắt đầu sự nghiệp học thuật đã đưa ông ta lên đỉnh cao của cuộc sống Mỹ.

Khi còn là sinh viên đại học, ông ta kết hôn với bạn gái thời trung học, Anneliese “Ann”Fleischer, một người tị nạn đang làm nhân viên kế toán. Họ có hai mặt con, Elizabeth và David, trước khi ly hôn vào năm 1964.

Tại Harvard, Henry Kissinger tránh xa cuộc sống xã hội của sinh viên, học tập chăm chỉ và tìm kiếm sự ưu ái của các thành viên quyền lực trong khoa Harvard như nhà khoa học George Kistiakowsky và nhà sử học William Yandell Elliott.

Thông qua những mối quan hệ như vậy, với tư cách là một sinh viên tốt nghiệp, Kissinger đã có thể thành lập tạp chí hàng quý về các vấn đề thế giới, Confluence, thu hút những người đóng góp như McGeorge Bundy, Walt Rostow, Hannah Arendt, Arthur Schlesinger Jr. và Paul Nitze.

Khi còn trẻ và chưa được biết đến nhiều, Kissinger đã bước vào thế giới của những đối thủnặng ký về chính sách đối ngoại, một thế giới mà ông ta sẽ thống trị.

Luận án tiến sĩ của ông ta được viết khi Hoa Kỳ đang thoát khỏi Chiến tranh Triều Tiên và khi Chiến tranh Lạnh với Liên Xô thống trị cuộc thảo luận chính sách. Để tìm kiếm những bài học có thể áp dụng, ông ta đã phân tích cách Hoàng tử Metternich của Áo và Tử tước Castlereagh của Anh khôi phục trật tự ở Châu Âu sau các cuộc chiến tranh của Napoléon.

Luận án với tựa đề “Một Thế Giới Được Khôi Phục” (“A World Restored”), đã sớm được xuất bản dưới dạng sách. Chuyện đó và và một bài báo trên Foreign Affairs – trong đó ông ta thách thức giá trị của chính sách trả đũa quy mô lớn trong chiến tranh hạt nhân – đã đưa ông ta đến con đường trở thành ngôi sao học thuật.

Henry Kissinger xin nghỉ phép ở Harvard để nhận công việc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại với tư cách là giám đốc nhân viên của một nhóm nghiên cứu về chủ đề vũ khí hạt nhân vàchính sách đối ngoại. Trong nhóm có những người nổi bật như chủ ngân hàng David Rockefeller, Trung tướng Lục quân James Gavin và Nitze, cựu giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao.

Bằng một động thái đoán trước được phong cách của một quan chức chính phủ cấp cao, ông ta đã biến đội ngũ nhân viên của hội đồng danh tiếng này thành một nhóm nghiên cứu cho cuốn sách của riêng mình. Henry Kissinger 31 tuổi khi viết một bộ sách dài 450 trang, “Vũ Khí Hạt Nhân Và Chính Sách Đối Ngoại” (“Nuclear Weapons and Foreign Policy”), lập luận ủng hộ chính sách hạn chế sử dụng vũ khí hạt nhân.

Vào khoảng thời gian đó, Kissinger gặp Nelson, anh trai của David Rockefeller, người lúc đó là cố vấn chính sách đối ngoại cho Tổng thống Dwight D. Eisenhower và sẽ sớm được bầu làm thống đốc New York. Nelson Rockefeller, một người lạc quan, đã trở thành người bảo trợ và cố vấn của Kissinger trong thế giới chính trị của Đảng Cộng hòa, mặc dù tính cách của họ rất khác nhau.

Kissinger tiếp tục giảng dạy và viết lách ở Harvard, nhưng vào thời điểm John F. Kennedy được bầu làm tổng thống năm 1960, ông ta muốn gia nhập hàng ngũ những người thực sự nắm giữ quyền lực trong các vấn đề quốc tế, và nơi để làm điều đó là Washington, không phải Cambridge. Ông ta trở thành cố vấn bán thời gian cho Kennedy và sau đó là Tổng thống Lyndon B. Johnson, nhưng lòng trung thành chính trị của ông ta vẫn dành cho Rockefeller.

Theo Henry Kissinger, sau khi Nixon đắc cử năm 1968, ông ta nhận được cuộc gọi với lời mời làm việc từ một phụ tá của Nixon. Nixon và Henry Kissinger hầu như không biết nhau, nhưng cựu thượng nghị sĩ Henry Cabot Lodge (R-Mass.), người từng là bạn đồng hành của Nixon vào năm 1960 và trở thành đại sứ Hoa Kỳ có ảnh hưởng tại Việt Nam và các nơi khác, đã tiến cử Kissinger làm cố vấn an ninh quốc gia. 

Làm việc cho Nixon

Trong Toà Bạch Ốc của Nixon, Kissinger là một người đàn ông phức tạp, đầy tham vọng, thường mưu mô xảo quyệt, phục vụ một vị tổng thống phức tạp, thất thường và thường xảo quyệt mưu mô. Mối quan hệ mật thiết nhưng không mấy thoải mái của họ càng được tăng cường bởi tầm quan trọng của các sự kiện làm nên lịch sử liên tiếp nhanh chóng nổ ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của Nixon.

         Tổng thống Nixon và Kissinger năm 1972

Ví dụ, chỉ một tuần vào tháng 9 năm 1970 dẫn đến cuộc xâm lược Jordan của Syria, phát hiện ra rằng Liên Xô đã gửi một tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân và các tàu chiến khác tới Cuba, Nixon ra lệnh cho CIA ngăn chặn việc bổ nhiệm Allende làm tổng thống Chile, và nối lại các cuộc đàm phán bí mật ở Paris với Bắc Việt sau 5 tháng gián đoạn.

Vào những lúc như vậy, Nixon thường thức suốt đêm, liên tục gọi điện cho Henry Kissinger và các quan chức cấp cao khác để đưa ra những mệnh lệnh kỳ quái mà họ không thể hoặc sẽ không thực hiện, và Henry Kissinger sẽ nổi giận với các nhân viên vì căng thẳng và những tiếng la hét vang lên.

Trong một ví dụ điển hình, Henry Kissinger đang ở Moscow để cố gắng đàm phán ngừng bắn trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1973 thì nhận được chỉ thị từ Nixon để đưa cho lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev một lá thư nói rằng Hoa Kỳ muốn có quan hệ đối tác lâu dài với Moscow để thiết lập hòa bình trong khu vực.

Henry Kissinger – người đang bận rộn cố gắng đạt được một lệnh ngừng bắn và biết rằng Nixon đang đối phó với cuộc khủng hoảng ở Toà Bạch Ốc vì vụ bê bối Watergate – không những từ chối đưa bức thư cho Brezhnev mà còn từ chối những hướng dẫn “không thể chấp nhận được”.

Henry Kissinger vội vàng viết một lá thư gửi cho cấp phó của mình, Brent Scowcroft, nói rằng ông ta “bị sốc trước giọng điệu của chỉ thị, sự phán xét kém cỏi trong bối cảnh bức thư gửi Brezhnev và việc không cho tôi biết trước rằng một thông cáo báo chí sẽ được đưa ra”. Ảnh hưởng của Liên Xô đang giảm dần ở Trung Đông; điều cuối cùng Kissinger muốn là củng cố điều đó bằng một thỏa thuận như Nixon đang tìm kiếm.

Trong suốt những giai đoạn căng thẳng đó, Henry Kissinger đã dành thời gian để dùng bữa và trò chuyện lâu với các thành viên được yêu thích của giới truyền thông, bao gồm Walter Cronkite của CBS, C.L. Sulzberger của tờ New York Times, Hugh Sidey của tờ Time, người bạn lâu năm và tác giả bảo thủ William F. Buckley Jr. và thậm chí cả nhà báo hài hước Art Buchwald.

Kissinger đã giành được sự khen ngợi từ báo chí mặc dù công việc quan trọng nhất của ông ta được thực hiện hoàn toàn bí mật – ông ta thường đến thăm các thủ đô nước ngoài trong các nhiệm vụ quan trọng mà không thông báo ngay cả cho các đại sứ Hoa Kỳ ở đó – và ông ta thao túng các nhà báo theo cách đã thao túng những người khác.

Trong những năm đỉnh cao quyền lực của ông ta, hầu hết các tin tức trên các phương tiện truyền thông chính thống đều mang tính chất nịnh hót.  Khi được một phóng viên hỏi liệu ông có thích được gọi là “Mr. Secretary” hoặc “Dr. Kissinger,” ông ta trả lời, “Excellency will do” (Thưa Ngài sẽ được thôi).

Danh tiếng được tạo ra bởi sự bão hòa của các phương tiện truyền thông đã góp phần tạo nên quyền lực và sự giàu có của ông ta trong những năm cuối đời. Nhưng việc tìm kiếm người nổi tiếng và được nhiều người ngưỡng mộ cũng khiến ông ta rơi vào một số khoảnh khắc xấu hổ, đặc biệt là cuộc phỏng vấn năm 1972 với nhà văn người Ý Oriana Fallaci. Fallaci hỏi liệu ông ta có nghĩ mình là một kỳ thủ ngoại giao không, nhưng ông ta lại đưa ra một cách so sánh khác.

“Người Mỹ”, ông ta nói, “giống như chàng cao bồi dẫn đầu đoàn xe ngựa bằng cách một mình cưỡi ngựa đi trước, chàng cao bồi cưỡi ngựa một mình vào thị trấn, ngôi làng, với con ngựa và không có gì khác. Anh chàng cao bồi này không cần phải can đảm. Tất cả những gì anh ta cần là được một mình, để cho người khác thấy rằng anh ta cưỡi ngựa vào thị trấn và tự mình làm mọi việc”.

Hình ảnh anh chàng “cao bồi đơn độc” này với một Tiến sĩ Kissinger thấp bé, đeo kính cận, có giọng nói như con cú vọ, đã gây ra sự chế giễu rộng rãi. Chuyện tương tự còn xảy ra nhiều hơn khi Sally Quinn của tờ The Washington Post, tại một bữa tiệc ở Georgetown, hỏi ông ta liệu ông ta có phải là “swinger” (người đu dây) hay không. “Chà, bạn không thể gọi tôi là người đánh đu vì công việc của tôi”, ông ta trả lời. “Sao bạn không coi như tôi là một tay chơi đu bí hiểm đi”Giống như hình ảnh “cao bồi đơn độc”, việc mô tả bản thân là “người đánh đu bí mật” đã ngay lập tức đi vào truyền thuyết của Kissinger.

Dù Henry Kissinger ve vãn báo chí bao nhiêu, ông chủ của ông ta, Nixon, lại ghét các phóng viên và tức giận khi giới truyền thông tung ra những tin tức rõ ràng đến từ các cá nhân bên trong chính quyền – đặc biệt là Pentagon Papers (Hồ sơ Ngũ Giác Đài), lịch sử về sự can dự của Hoa Kỳ vào Việt Nam, trong đó mô tả chi tiết về sự lừa dối của chính phủ trải qua nhiều đời.

Trong nỗ lực ngăn chặn “sự rò rỉ”, Nixon đã ra lệnh cho FBI nghe lén điện thoại của một sốphóng viên và các nguồn tin bị nghi ngờ của họ. Kissinger, người đã nổi cơn thịnh nộ thậm chí còn hơn cả Nixon khi tờ New York Times bắt đầu công bố Hồ sơ Ngũ Giác Đài vào năm 1971, đã cộng tác với chương trình bất hợp pháp này, cung cấp cho FBI tên của những người có điện thoại bị nghe lén. Các mục tiêu bao gồm các nhà báo, quan chức Bộ Ngoại giao và Quốc phòng, các thành viên trong ban tham mưu của Kissinger và người viết diễn văn cho tổng thống, William Safire.

Kissinger sau đó không phủ nhận đã tiếp tay cho việc nghe lén nhưng nói trong hồi ký rằng “Tôi chỉ đơn giản làm theo những gì mà tôi không có lý do để nghi ngờ là hợp pháp”. Ông ta cũng tố cáo “sự vô đạo đức của những người khinh thường lòng tin của họ, đã cố gắng phá hoại các chính sách quốc gia và mạo hiểm mạng sống của người Mỹ”.

Tham mưu trưởng của Nixon, H.R. Haldeman, cho biết chương trình nghe lén “bắt đầu với sự tức giận của Henry” về việc giới truyền thông phơi bày vụ đánh bom bí mật vào Campuchia.

Các cuộc không kích vào Campuchia trung lập và cuộc xâm lược trên bộ sau đó của quân đội Mỹ đã gây phẫn nộ khắp nước Mỹ và khiến một số nhân viên tài năng nhất của Kissinger phải từ chức, trong đó có Anthony Lake, người sau này trở thành cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng Thống Bill Clinton.

Nhưng Kissinger không hề hối lỗi. Ông ta cho rằng sự trung lập của Campuchia đã bị Bắc Việt Nam vi phạm trước tiên và Hoa Kỳ không có nghĩa vụ cho phép Hà Nội xử dụng Campuchia làm nơi ẩn náu để tấn công người Mỹ.

Hành động của Hoa Kỳ đã khiến Campuchia trở thành một bên tham gia vào một cuộc chiến mà nước này được trang bị rất kém và mở ra cơ hội cho đám sát nhân Khmer Đỏ tiếp quản đất nước, có thể là điều không may, nhưng đối với Kissinger thì đó không phải là vấn đề của ông ta.

Ngoài các máy nghe lén, nỗi ám ảnh của Nixon về việc rò rỉ thông tin đã dẫn đến việc thành lập đơn vị của Toà Bạch Ốc được giao nhiệm vụ ngăn chặn, gọi là “Những Thợ Sửa Ống Nước” (“The Plumbers”). Do đó, mầm mống của vụ bê bối chính trị Watergate và sự che đậy của Toà Bạch Ốc đã được gieo mầm để hủy hoại nhiệm kỳ tổng thống của Nixon. Bởi vì Kissinger không ra lệnh đột nhập bất hợp pháp hoặc tham gia vào các hoạt động che đậy, nên ông ta  gần như là người duy nhất trong số các cố vấn cấp cao của Nixon – thoát khỏi vụ Watergate mà không bị tổn hại gì để tiếp tục sự nghiệp chính trị.

Nixon được bầu chọn để kết thúc cuộc chiến tranh không được lòng dân ở Việt Nam, nhưng Kissinger đã thuyết phục Nixon rằng Hoa Kỳ sẽ mất hết uy tín trong các vấn đề thế giới nếu nước này đơn giản bỏ đi. Do đó, chiến tranh vẫn tiếp tục và mở rộng sang Campuchia trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của Nixon, mặc dù số lượng bộ binh của Mỹ đã giảm dần.

Khi Nixon và Kissinger giảm căng thẳng với Trung Quốc và Liên Xô và một cuộc tấn công quân sự lớn của Bắc Việt bị đình trệ vào mùa xuân năm 1972, Hà Nội cuối cùng đã chấp nhận một giải pháp thương lượng. 

Thỏa thuận mà Kissinger làm trung gian cho phép chính quyền miền Nam Việt Nam của Nguyễn Văn Thiệu tiếp tục giữ nguyên vị trí, nhưng cũng cho phép quân đội Bắc Việt bên trong miền Nam vẫn ở đó – và do đó bảo đảm cho sự sụp đổ của Sài Gòn hai năm sau, “khoảng thời gian vừa phải” mà Kissinger hy vọng đạt được.

Khi Thiệu từ chối các điều khoản, Toà Bạch Ốc phải quyết định xem điều gì tệ hơn: nối lại chiến tranh hoặc buộc một đồng minh lâu năm phải nuốt chửng một thỏa thuận tự sát. Để trấn an Thiệu và có thể giành được thêm một số nhượng bộ nhỏ từ Hà Nội, Nixon đã ra lệnh “Christmas bombing” (Đánh bom mùa Giáng sinh) thủ đô Bắc Việt, trong đó pháo đài bay B-52 của Mỹ đã thả bom xuống các khu dân cư trong chín ngày.

Các vụ đánh bom đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn thế giới – đặc biệt khi rõ ràng là thỏa thuận hòa bình mà Hà Nội cuối cùng đã đồng ý có những điều khoản gần giống như những điều khoản trong hiệp định cuối cùng mà Hà Nội đã chấp nhận trước cuộc tấn công trên không kéo dài 9 ngày.

Thỏa thuận môi giới

Không giống như Hiệp định Paris, không có nhược điểm nào đối với thành tựu có lẽ là lớn nhất của Kissinger: chính sách ngoại giao bí mật dẫn đến chuyến thăm của Nixon tới Trung Quốc vào tháng 2 năm 1972, một sự kiện đã định hình lại cán cân quyền lực toàn cầu. Tuy nhiên, Nixon, người đã xây dựng sự nghiệp chính trị của mình dựa trên sự phản đối chủ nghĩa cộng sản, từ lâu đã muốn đến Trung Quốc và người Trung Quốc cũng sẵn lòng.

Trong một chuyến đi đến Pakistan, Henry Kissinger đã trốn tránh đoàn báo chí lưu động bằng cách giả bệnh và bí mật bay đến Bắc Kinh để bảo đảm lời mời tổng thống (dành cho Nixon, N.D), điều khiến cả thế giới kinh ngạc khi được công bố.

Chuyến đi đã tạo ra “Thông cáo Thượng Hải” (“Shanghai Communique”), trong đó Hoa Kỳ thừa nhận “Đài Loan là một phần của Trung Quốc”. Hai nước cũng nhất trí rằng một khi nguyên tắc này được thiết lập, họ sẽ không làm bất cứ điều gì để thay đổi tình trạng gần như độc lập của Đài Loan. Đó vẫn là cơ sở chính sách của Hoa Kỳ và Trung Quốc về vấn đề gây khó chịu không ngừng này.

Một trong những thành tựu khác của Kissinger là hiệp ước kiểm soát vũ khí SALT I năm 1972 với Liên Xô, được đàm phán khi hai siêu cường hạt nhân rơi vào tình trạng hiếu chiến trong Chiến Tranh Lạnh và đối đầu với nhau trong các cuộc chiến ủy nhiệm trên toàn cầu. (SALT: StrategicArms LimitedTalks)

Các hiệp định SALT đặt ra các giới hạn đối với các hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo và việc triển khai tên lửa tấn công, đồng thời cam kết một cách hiệu quả rằng hai nước sẽ giảm bớt căng thẳng thay vì đối đầu.

Thành tựu to lớn thứ ba của Kissinger là “ngoại giao con thoi” (“shuttle diplomacy”) sau cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1973. Cuộc xung đột nổ ra hai tuần sau khi Kissinger tuyên thệnhậm chức ngoại trưởng trong khi vẫn giữ chức vụ cố vấn an ninh quốc gia tại Toà Bạch Ốc.

Trong hầu hết các chính quyền, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống đóng vai trò là người điều phối hơn là nhà hoạch định chính sách, làm việc với tất cả các cơ quan quan hệ quốc tế để đưa ra lời khuyên và phân tích tốt nhất cho tổng tư lệnh, bao gồm cả các phương án hành động. Đó không phải là phong cách của Kissinger.

Là một người đấu tranh chống quan liêu khéo léo và tàn nhẫn, Henry Kissinger đã loại Bộ Ngoại giao và Ngoại trưởng William P. Rogers ra khỏi những quyết định và sáng kiến ​​chính sách quan trọng nhất trong nhiệm kỳ đầu tiên của Nixon, đồng thời đã mở các kênh bí mật cho các quan chức cấp dưới nội các tại Nhà nước và Ngũ Giác Đài để thu thập thông tin mà người đứng đầu của họ không hề hay biết.

Rogers, một nhà ngoại giao lịch thiệp theo trường phái cũ, thậm chí còn không được thông báo về sáng kiến ​​của Trung Quốc cho đến phút cuối cùng. Sau đó, Kissinger đã loại ông ta ra khỏi cuộc gặp lịch sử của Nixon với lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông. Đó có lẽ là sự sỉ nhục tồi tệ nhất lặp đi lặp lại mà Rogers phải gánh chịu trên cương vị ngoại trưởng – ít nhất là cho đến khi Nixon miễn cưỡng quyết định thay thế ông ta bằng Kissinger sau khi tái đắc cử vào năm 1972.

Cuộc chiến kéo dài 16 ngày bắt đầu vào ngày 6 tháng 10 năm 1973, với các cuộc tấn công phối hợp vào Israel của Ai Cập và Syria khiến Kissinger phải đối mặt với những thử thách có lẽ là khắc nghiệt nhất trong sự nghiệp của ông ta. Nó đe dọa sự tồn tại của Israel, gây ra cuộc đối đầu với Liên Xô và lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập Saudi và các nhà xuất khẩu Ả Rập khác, làm tê liệt dòng nhiên liệu của thế giới.

Nixon gần như đã giữ Kissinger không cho tham gia vào các vấn đề Trung Đông vì ông ta làngười Do Thái, nhưng với công việc mới là ngoại trưởng, việc ông ta tham gia vào cuộc khủng hoảng này là không thể tránh khỏi.

Trong khi đó, Nixon sa lầy vào vụ Watergate, cố gắng chống lại các yêu cầu pháp lý phải giao nộp các cuộn băng của Toà Bạch Ốc.  Phó Tổng thống Spiro Agnew bị buộc phải từ chức vì bê bối tham nhũng.  Nixon đã sa thải công tố viên đặc biệt của Watergate Archibald Cox, và sau đó là Bộ trưởng Tư pháp Elliot Richardson và cấp phó của ông, William Ruckelshaus, đã từ chức trong Vụ Thảm sát Đêm Thứ Bảy (“Saturday Night Massacre”), ngay khi Kissinger đang trên đường đến Moscow để tìm kiếm lệnh ngừng bắn.

 “Ngoại giao con thoi”

Đối với Kissinger, Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger và Alexander Haig, tướng quân đội bốn sao từng là chánh văn phòng Toà Bạch Ốc, các mục tiêu khi bắt đầu cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973 bao gồm: Bảo đảm sự sống còn của Israel, ngăn chặn một sự sỉ nhục quân sự khác đối với người Ả Rập nếu và khi chiến tranh quay lưng lại với họ, hạn chế cơ hội cho Liên Xô khai thác cuộc khủng hoảng và thực hiện tất cả những điều đó mà không làm suy yếu thêm những gì còn sót lại trong quyền lực của Nixon.

Họ đã thành công trên mọi phương diện, nhưng chỉ vừa đủ. Sự thách thức trắng trợn của Kissinger đối với tổng thống đã giúp ông ta có thể thương lượng được kết quả mong muốn.

Quay cuồng với những thất bại ban đầu trên chiến trường, Israel đã cầu xin một cuộc vận chuyển khẩn cấp vũ khí của Mỹ và các thiết bị khác. Nixon sẵn lòng, nhưng Kissinger lo ngại rằng nỗ lực giải cứu rõ ràng của Mỹ thay mặt cho Israel sẽ phá vỡ mối quan hệ hòa hoãn khó khăn mới có được của ông ta với Liên Xô, quốc gia đang tiếp tế cho người Ả Rập.

Vào thời điểm quan trọng của cuộc chiến, khi Moscow đe dọa gửi quân tới cứu Quân đoàn số 3 của Ai Cập khỏi bị Israel hủy diệt, Kissinger và Haig đã ra lệnh cảnh báo toàn cầu về lực lượng hạt nhân của Hoa Kỳ – mà không thông báo cho Nixon, người đang bị phân tâm bởi mối đe dọa luận tội ngày càng tăng.

Cuối cùng, kết quả của cuộc chiến phần lớn là tích cực. Cuộc giao tranh kết thúc khi Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat đồng ý chỉ đạo các cuộc đàm phán quân sự với người Israel. Israel sống sót, và danh dự của người Ả Rập, tan vỡ vào năm 1967, đã được khôi phục sau cuộc tấn công thành công ban đầu của Ai Cập qua Kênh Đào Suez.

Kissinger đã có thể duy trì được những yếu tố thiết yếu của tình trạng hòa hoãn trong khi loại Liên Xô ra khỏi các cuộc đàm phán hòa bình sau đó. Mặt khác, các nhà xuất khẩu dầu Ả Rập, dẫn đầu là Ả Rập Saudi, đã gây ra sự hỗn loạn kinh tế bằng cách duy trì lệnh cấm vận đối với các chuyến hàng đến Hoa Kỳ do Hoa Kỳ tiếp tế cho Israel. Và các đội quân đối địch vẫn đối đầu nhau nguy hiểm dọc theo các tuyến ngừng bắn không ổn định.

Để kéo dài lệnh ngừng bắn mong manh và ổn định mối quan hệ giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập, Kissinger đã thực hiện nhiệm vụ đặc trưng của mình. Bắt đầu từ tháng 1 năm 1974, ông ta đã tới Trung Đông 11 lần để thúc đẩy các thỏa thuận rút quân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho một kỷ nguyên đàm phán hòa bình mới.

Nhiệm vụ nổi tiếng nhất trong số các sứ mệnh “ngoại giao con thoi” này là cuộc chạy marathon kéo dài 34 ngày vào mùa xuân năm đó, trong đó ông ta đã đến thăm Jerusalem 16 lần và Damascus 15 lần. Henry Kissinger cũng đã đi đến sáu quốc gia.

Những cuộc chạy marathon này không tạo ra bất kỳ thỏa thuận hòa bình lâu dài nào trong thời gian Kissinger nắm quyền, nhưng đã giúp ổn định một khu vực đầy biến động và loại trừ Liên Xô, củng cố Hoa Kỳ với tư cách là nhà môi giới quyền lực độc quyền.

Mối quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Ai Cập, vốn bị rạn nứt vào năm 1967, đã được khôi phục, và khi người Saudis đồng ý chấm dứt lệnh cấm vận dầu mỏ, con đường đã được mở ra cho một chuyến viếng thăm ăn mừng cuối cùng đến khu vực, bởi Nixon bị tê liệt về mặt chính trị, sắp bị buộc phải rời khỏi chức vụ do cuộc khủng hoảng Watergate.

Kissinger có cảm xúc lẫn lộn về sự sụp đổ của Nixon. Mặc dù ông ta là người kiến ​​tạo nên những chiến thắng vĩ đại nhất của Nixon, mang lại danh tiếng cho Nixon và phục vụ ông chủtrong những giờ phút đau khổ cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống diệt vong của mình, nhưng Henry Kissinger chưa bao giờ thực sự thích Nixon, một nhân cách đơn độc, luôn nghi ngờ giới tinh hoa trí thức Phương Đông hiện thân bởi Kissinger. Sau khi rời bỏ cuộc sống công cộng, ông ta tìm cách tránh xa những thất bại của Nixon.

Cảm xúc của Kissinger về tính cách của Nixon tràn ngập các cuộc gặp kỳ lạ cuối cùng của ông ta với tổng thống trước khi từ chức, như đã kể lại trong cuốn sách “Những ngày cuối cùng” (“The Final Days”) của Bob Woodward và Carl Bernstein.  Khóc nức nở, tổng thống quỳ xuống cầu nguyện và yêu cầu Kissinger tham gia cùng; ông ta đã làm vậy, ôm vị tổng thống quẫn trí trong tay một cách khó chịu.

Nixon từ chức vào ngày 9 tháng 8 năm 1974, và người thay thế ông, phó tổng thống Ford, sẽ thành lập đội an ninh quốc gia của riêng ông khoảng một năm sau. Ford đã chán Bộ trưởng Quốc phòng Schlesinger, người có tính cách cáu kỉnh và những tranh chấp bất tận với Kissinger đã khiến vị tổng thống dễ mến bực bội. Ông “dọn dẹp” nội các vào cuối tháng 10 năm 1975.

Ford sa thải Schlesinger, thay thế bằng chánh văn phòng Toà Bạch Ốc, Donald H. Rumsfeld. Ford thăng cấp phó của Rumsfeld, Dick Cheney, lên làm chánh văn phòng. Theo sự thúc giục của Kissinger, Ford đã cách chức William Colby khỏi chức vụ giám đốc CIA và đưa George H.W. Bush, lúc đó là giám đốc liên lạc của Mỹ tại Trung Quốc, thay thế Colby. Và Ford vẫn giữ Kissinger làm ngoại trưởng nhưng cách chức cố vấn an ninh quốc gia, giao chức vụ đó cho cấp phó của Kissinger là Scowcroft. 

Dưới thời Ford, tỷ lệ thành công của Kissinger giảm dần. Ông ta đã dành nhiều giờ trong một nỗ lực không thành công để hoàn thành thỏa thuận vũ khí chiến lược thứ hai với Moscow. Ông ta cũng không đạt được tiến bộ hơn nữa trên mặt trận hòa bình Trung Đông; mọi tương tác của Mỹ với Ai Cập và Israel đều trở thành kho thuốc súng cho chính sách đối nội và đối ngoại.

Người Do Thái tiên phong

Trước Kissinger, chức vụ ngoại trưởng chỉ do nam giới da trắng theo đạo Cơ Đốc nắm giữ. Toàn bộ cơ quan chính sách đối ngoại, tình báo và quốc phòng của đất nước gần như không có người Do Thái cho đến sau Thế chiến Thứ Hai.

Sau cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1973, hóa ra Kissinger đã mở cửa cho người Do Thái ở Mỹ làm việc tại một quốc gia quan trọng mà họ bị cấm: Ả Rập Saudi. Cho đến thời điểm đó, các công ty Mỹ và cơ quan chính phủ Mỹ, bao gồm cả quân đội và Bộ Ngoại giao, đã tuân thủ yêu cầu của Saudi rằng không có người Do Thái nào được đưa đến đó.

Nhưng người Saudi khó có thể loại trừ một ngoại trưởng, người Do Thái hay không, vàKissinger đã đến đó, vào năm 1974, cùng với các thành viên người Do Thái trong đoàn báo chí.

Trong hồi ký, Kissinger kể lại rằng Vua Faisal – người ghê tởm người Do Thái và thường xuyên đưa cho những vị khách quan trọng một bản sao “The Protocols of the Elders of Zion”  (Các Nghi Thức Của Các Trưởng Lão Của Zion), một văn kiện giả mạo bài Do Thái khét tiếng – đã tiếp đón ông ta với tất cả nghi lễ phù hợp với một vị khách quan trọng như vậy. 

Sự tiếp đón bao gồm một bữa tối tại cung điện hoàng gia, trong đó nhà vua đã trình bày bài phát biểu thường thấy về cách người Do Thái và những người cộng sản đang hợp tác với nhau để hủy diệt nền văn minh.

Kissinger chọn cách tỏ ra thích thú thay vì bị xúc phạm, nhưng dù thế nào thì ông ta cũng đãphá vỡ một điều cấm kỵ lâu đời vốn đã che mờ mối quan hệ Mỹ-Saudi trong 40 năm. Sau vụám sát Faisal vào năm sau, số lượng người Do Thái được phép vào Ả Rập Saudi ngày càng tăng.

Sự khó chịu với người Israel về những nỗ lực của Kissinger nhằm thuyết phục họ rút khỏi Sinai cuối cùng cũng qua đi, và một thỏa thuận rút quân mới ở Sinai đã đạt được sau một vòng ngoại giao con thoi khác vào cuối mùa hè năm đó. Nhưng lúc đó chính quyền Ford đã bị hoen ố bởi một thất bại nghiêm trọng hơn nhiều: Campuchia và miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản.

Tháng 4 năm 1975 là một tháng đặc biệt ô nhục trong lịch sử chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, và về cơ bản, Ford hay Kissinger không thể làm gì được. Không có lời cầu xin nào với Bắc Kinh hay Moscow để xử dụng ảnh hưởng của họ với Hà Nội, cũng như không có lời chỉ trích nào tại Quốc hội về việc từ chối chi thêm tiền viện trợ quân sự cho miền Nam Việt Nam, có thể ngăn chặn được điều không thể tránh khỏi khi đó.

Chính khách nổi tiếng

Kissinger đã nổi tiếng với những người trong cuộc về chính sách đối ngoại và những người theo dõi chính phủ khi ông ta mới vào Toà Bạch Ốc được hai năm. Sau đó, sáng kiến ​​về Trung Quốc đã đưa ông ta trở thành người nổi tiếng quốc tế mà hiếm có quan chức được bổ nhiệm nào ngang bằng – như thể ông ta là một ngôi sao điện ảnh kết hợp với một anh hùng chiến tranh. Vị học giả nhàu nát, đeo kính cận, đã ly dị học thuật đột nhiên trở thành thứ mà người viết tiểu sử Isaacson gọi là “biểu tượng gợi cảm ít có khả năng xảy ra nhất trên thế giới”.

Thông qua nhiều chuyến viếng thăm trụ sở cố vấn của Rand Corp ở Santa Monica, California, ông ta bắt đầu xây dựng quan hệ với những nhân vật nổi bật trong ngành kinh doanh điện ảnh, bao gồm các diễn viên Gregory Peck và Kirk Douglas và giám đốc hãng phim Paramount Robert Evans. Ông ta cũng từng hẹn hò với các nữ diễn viên trẻ. (“Sẽ không có ai chiến thắng trong cuộc chiến giữa hai giới”, ông ta từng châm biếm. “Có quá nhiều tình thân thiết với kẻ thù”).

Mối quan hệ nổi bật nhất của ông ta với Jill St. John, một nữ diễn viên nổi tiếng với mái tóc đỏ rực – mà ông ta thích vuốt ve với những ngón tay của mình, ngay cả khi họ đang ăn tối với người khác. Trong số những người hẹn hò khác của ông ta có Shirley MacLaine, Marlo Thomas và Candice Bergen.

Tất nhiên báo chí đã chú ý đến điều này, nhưng các phóng viên không hề biết rằng Kissinger chỉ thực sự quan tâm đến một người phụ nữ mà hầu hết họ đều không biết gì. Đó là Nancy Maginnes, một nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại thuộc nhóm nhân viên của Nelson Rockefeller.

Với phả hệ trong Sổ đăng ký xã hội và đời sống xã hội ở câu lạc bộ đồng quê, cô ấy hoàn toàn khác với Kissinger. Cô sống ở New York nhưng là một vị khách kín đáo đến Washington vào những dịp cuối tuần khi ông ta ở đây. Họ kết hôn vào năm 1974.

Nancy và Henry Kissinger năm 2008. 

Ngoài vợ, ông ta để lại hai đứa con từ cuộc hôn nhân đầu tiên, David và Elizabeth, cũng như năm đứa cháu.

Henry Kissinger đã gặp Maginnes tại Hội nghị Quốc gia Đảng Cộng Hòa năm 1964, cả hai đều tham dự nhờ mối quan hệ của họ với Rockefeller. Là một đảng viên Đảng Dân Chủ khi còn trẻ, Henry Kissinger đã trở thành đảng viên Đảng Cộng Hòa trên danh nghĩa khi bước vào cuộc sống công cộng. Nhưng thái độ coi thường việc xây dựng nền tảng trong chính sách đối ngoại dựa trên lý tưởng của ông ta chắc chắn đã tạo ra căng thẳng với các nhà hoạch định chính sách của Đảng Cộng Hòa, những người tin rằng ông ta đã thỏa hiệp quá nhiều để theo đuổi tình trạng hòa hoãn với Moscow và hòa bình ở Đông Dương.

Mối quan hệ sau này của ông ta với cả hai tổng thống Bush nói một cách nhẹ nhàng là nhiều cảm xúc trái ngược, giống như với Cheney và Rumsfeld, những người kiến ​​tạo nên cuộc xâm lược Chiến tranh Iraq do Hoa Kỳ lãnh đạo năm 2003.

Cuộc sống sau khi rời chính phủ

Sau khi rời chính phủ vào cuối thời chính quyền Ford, Kissinger chấp nhận những vị trí tư vấn béo bở, nhưng đã dành phần lớn thời gian trong những năm đầu tiên để viết hai tập đầu trong cuốn hồi ký đồ sộ – gần 2.700 trang, được viết với sự giúp đỡ của biên tập viên người Anh Harold Evans. Đó là những cuốn sách bán chạy nhất. Tập sách khổng lồ thứ ba xuất hiện vài năm sau đó.

Harvard và Columbia đã đề nghị trao cho ông ta chức giáo sư, nhưng lối sống của Kissinger – được cho là bao gồm 150.000 USD/tháng cho nhân viên bảo vệ tư nhân và sở thích sử dụng máy bay riêng – không thể duy trì với mức lương học thuật.

Henry Kissinger bắt đầu kinh doanh, tư vấn cho các khách hàng doanh nghiệp blue-chip vềchính sách quốc tế. Ông ta đã xử dụng tên tuổi, danh tiếng và mạng lưới của mình để giải quyết các vấn đề và tạo mối liên hệ trên khắp thế giới với các ngân hàng, công ty bảo hiểm, nhà sản xuất dược phẩm và nhà sản xuất ô tô.

Công việc kinh doanh đã khiến Henry Kissinger trở nên giàu có nhưng cũng cắt bớt chức vụchính thức cuối cùng của ông ta trong cơ quan chính phủ.

Tổng thống George W. Bush đã bổ nhiệm ông ta làm chủ tịch ủy ban điều tra vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở New York và Washington. Việc lựa chọn đã gây ra sựchỉ trích gay gắt từ các thành viên Quốc hội và người thân của nạn nhân, những người yêu cầu Henry Kissinger công khai danh sách khách hàng của mình để tiết lộ những xung đột lợi ích có thể xảy ra. Ông ta từ chối làm như vậy, hoặc thanh lý công ty và từ chức sau vài tuần.

Ngoài công việc tư vấn, Henry Kissinger còn viết một chuyên mục tổng hợp về các vấn đề quốc tế và xuất hiện thường xuyên trên “Nightline” và các chương trình tin tức truyền hình khác.

Ngay cả trong những năm cuối đời, khi tuổi tác khiến ông ta chậm lại và giảm lịch trình đi lại, ông ta vẫn tiếp tục viết sách. Tính cách cũng như danh tiếng đã khiến ông ta trở thành một người tham gia được đánh giá cao trong các hội nghị và là khách mời được đánh giá cao trong các bữa tiệc. Ông ta đã viết những bài quan điểm cho các tờ báo vào những năm 90 tuổi. Tổng thống Donald Trump đã hỏi ý kiến ​​ông ta và ông ta là khách mời thường xuyên trong chương trình hài kịch của Stephen Colbert.

Vào tháng 7 năm 2023, ở tuổi 100, Henry Kissinger đã có mặt tại Bắc Kinh và nhận được sựchào đón nồng nhiệt từ các quan chức cấp cao Trung Quốc, những người ca ngợi ông ta làchính khách có một không hai ở Hoa Kỳ.

Trong suốt cuộc đời của mình, Henry Kissinger đã suy ngẫm về quyền lực và chiến lược theo các khía cạnh triết học và thậm chí cả hiện sinh, nhưng ông ta luôn tự mô tả mìnhlà một người theo chủ nghĩa hiện thực, có khả năng nhận ra những rủi ro nào đáng phải chấp nhận.

“Chính sách là nghệ thuật cân nhắc các khả năng; là bậc thầy có nghĩa là nắm bắt được mọi khía cạnh sắc thái của các khả năng”, ông ta viết khi còn trẻ. “Cố gắng xem nó như một khoa học chỉ dẫn đến sự cứng nhắc. Vì chỉ có rủi ro là chắc chắn; các cơ hội chỉ là ước đoán”.

T.W.L.

Lippman là cựu phóng viên của Washington Post, người đưa tin về các hoạt động ngoại giao của Tiến sĩ Kissinger tại Việt Nam và Trung Đông.

Nguồn bản dịch: Diễn đàn Thế kỷ

 

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.