Trung Quốc và Việt Nam cân nhắc liên kết tuyến đường sắt xuyên qua vùng mỏ đất hiếm lớn của Việt Nam

Francesco Guarascio & Khanh Vu

ReutersDecember 1, 2023

Bauxite Việt Nam dịch

Một học sinh Việt Nam cầm cờ Việt Nam và Trung Quốc tại lễ đón Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội ngày 12 tháng 11 năm 2017. REUTERS/Hoàng Đình Nam/Pool/File Photo

Các quan chức cấp cao và nhà ngoại giao cho biết, Trung Quốc và Việt Nam đang thảo luận về khả năng nâng cấp đáng kể các tuyến đường sắt còn kém phát triển của họ để phát triển tuyến đường đi qua trung tâm đất hiếm của Việt Nam và đi đến cảng hàng đầu đất nước ở phía bắc.

Các quan chức và nhà ngoại giao cho biết, các cuộc đàm phán này là một phần trong quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm Hà Nội trong vài tuần tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, điều này sẽ khẳng định thêm vai trò chiến lược ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khi các cường quốc, trong đó có Hoa Kỳ đang tranh giành ảnh hưởng ở Việt Nam.

Hai nước đã đồng ý tăng cường quan hệ thương mại và thúc đẩy kết nối đường sắt, theo một thông tin được công bố trên cổng thông tin chính phủ Việt Nam hôm thứ Sáu, sau khi nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội.

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trước đó đã kêu gọi nâng cấp tuyến đường sắt nối Côn Minh ở miền nam Trung Quốc với thành phố cảng Hải Phòng của Việt Nam trong một tuyên bố đưa ra vào tháng trước, sau khi Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào có chuyến thăm hiếm hoi tới Việt Nam.

Các quan chức Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng với nước láng giềng phía Nam.

Việt Nam đã có đường sắt kết nối với Trung Quốc, nhưng hệ thống này đã cũ và năng lực vận chuyển từ phía Việt Nam còn hạn chế. Hai hệ thống này hiện không thể liên thông với nhau, nghĩa là các chuyến tàu phải dừng ở biên giới, và hành khách cùng hàng hóa phải được chuyển sang tàu của nước kia.

Tuyến đường sắt được nâng cấp sẽ đi qua khu vực có trữ lượng đất hiếm lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc là nước tinh chế đất hiếm với sản lượng lớn nhất trên thế giới.

Việt Nam đang cố gắng xây dựng ngành công nghiệp của riêng mình – điều có thể được coi là sự thách thức tiềm tàng với sự thống trị của Trung Quốc –, tuy nhiên, có vẻ như những tranh đấu trong nội bộ (Việt Nam) đang làm hạn chế các nỗ lực này. 

Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, tuần trước, các chuyên gia ngành đất hiếm của hai nước đã thảo luận về việc hợp tác mạnh mẽ hơn trong việc chế biến khoáng sản.

Vành đai và con đường?

Không rõ Trung Quốc sẽ đóng góp bao nhiêu cho việc nâng cấp tuyến đường sắt ở Việt Nam, và không rõ liệu Hà Nội có chấp nhận khoản tài trợ lớn từ Bắc Kinh cho việc này hay không.

Một nhà ngoại giao cho biết, tuyến đường sắt này có thể được coi là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, nhằm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới, nhưng không rõ liệu nó có được gắn nhãn là dự án BRI hay không.

Hôm thứ Sáu, chính phủ Việt Nam cho biết hai nước đã hoàn tất đàm phán nhằm thúc đẩy kết nối giữa các dự án cơ sở hạ tầng ở Việt Nam và BRI.

Tuyến đường sắt được tăng cường cũng có thể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy du lịch Trung Quốc đến miền Bắc Việt Nam, và hội nhập hơn nữa các ngành công nghiệp sản xuất của hai nước, mà thực chất các chuyên gia đã coi là sự cộng sinh, khi các nhà máy ở Việt Nam chủ yếu là lắp ráp các linh kiện sản xuất tại Trung Quốc. 

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và từ đầu năm đến nay cũng là nhà đầu tư chính, tính cả đầu tư từ Hồng Kông, khi nhiều công ty Trung Quốc chuyển một số hoạt động về phía nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.

Bất chấp mối giao thương kinh tế đang phát triển, hai quốc gia cộng sản vẫn đang có sự tranh chấp hàng hải kéo dài nhiều năm ở Biển Đông và cũng đã trải qua một cuộc chiến tranh ngắn ngủi vào cuối những năm 1970.

F.G& K.V.

 

This entry was posted in Quan hệ Việt - Trung, đất hiếm. Bookmark the permalink.