RFA
2023.12.01
Nhìn tổng quan, ba dự án thủy điện Đăk R’lấp đang đi ngược lại lời cam kết của Thủ tướng Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Theo văn hóa phương Đông, chữ tín phải được khẳng định từ những việc nhỏ nhất. Đặng Hùng Võ |
Cây cổ thụ trong Vườn Quốc gia Cát Tiên (ảnh minh họa). Vườn Quốc gia Cát Tiên
Hai bài viết về ba dự án thủy điện Đăk R’lấp 1, 2 và 3 trong Vườn Quốc gia Cát Tiên mà RFA đã đăng tải trong tuần qua nhận được sự quan tâm rộng rãi của giới chuyên gia và truyền thông.
Hiện vẫn có một số ý kiến trái chiều về dự án này, đặc biệt sau khi đại diện Vườn Quốc gia Cát Tiên khẳng định (trong cuộc họp diễn ra năm 2020) rằng các dự án này được dự kiến sẽ xây dựng “trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, là khu vực được bảo toàn nguyên vẹn của vườn quốc gia”. “Biên bản làm việc” ghi lại ý kiến của các bên trong cuộc họp này cũng có ghi rằng “Hiện tại chưa xác định được các dự án có ảnh hưởng đến phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Cát Tiên”.
Trước các vấn đề nêu trên, RFA phỏng vấn GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam về các vấn đề liên quan đến ba dự án thủy điện này.
– RFA. Xin Giáo sư cho một số nhận xét của mình về ba dự án thủy điện Đăk R’lấp 1, 2 và 3, từ góc nhìn của một chuyên gia về tài nguyên, môi trường.
– GS. Đặng Hùng Võ: Tôi muốn phân tích tác động tích cực và tiêu cực của ba dự án thủy điện Đăk R’lấp 1, 2 và 3 tại thượng nguồn sông Đồng Nai từ khung cảnh chung của toàn thế giới và thu hẹp dần tới khung cảnh của các địa phương nơi đề xuất các dự án thủy điện này.
Đối với khung cảnh toàn thế giới, kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu năm 1992 tại Rio De Janeiro (Brasil), các quốc gia đã sát cánh cùng nhau theo những cam kết được thống nhất tại các hội nghị COP hàng năm (COP1 năm 1995) về ứng phó với biến đổi khí hậu. Ban đầu là định hướng phát triển bền vững, và sau đó từng bước đã có các chương trình hành động cụ thể như hơn Nghị định thư Kyoto tại COP3 (1997), Hội nghị COP19 (2013) tại Ba Lan về vận hành khung REDD+ nhằm hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; COP21 (2015) tại Pháp về cơ chế thương mại carbon. Tổng quan lại, việc bảo vệ rừng tự nhiên, trồng thêm rừng, gìn giữ các khu đất ngập nước (công ước Ramsar), phát triển sạch được coi như những chiến lược của từng quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã cam kết với thế giới rằng Việt Nam sẽ giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 (2021) tại Glasgow, Vương quốc Anh. Để giảm phát thải ròng chỉ có một cách duy nhất là không làm suy giảm diện tích rừng, bảo vệ đất ngập nước và tổ chức sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt sao cho không phát thải khí carbon.
Nhìn tổng quan, ba dự án thủy điện Đăk R’lấp đang đi ngược lại lời cam kết của Thủ tướng Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Theo văn hóa phương Đông, chữ tín phải được khẳng định từ những việc nhỏ nhất.
Đối với khung cảnh địa phương, ba dự án thủy điện Đăk R’lấp sẽ phá hủy một phần khung cảnh của Vườn quốc gia Cát Tiên (khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới), khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên và khu đất ngập nước Bàu Sấu (khu Ramsar thứ 14999 của thế giới). Điều này có nghĩa là Việt Nam đã làm mất đi nhiều địa điểm mà UNESCO đã thừa nhận cần phải bảo vệ.
– RFA. Theo Giáo sư, ba dự án thủy điện ở thượng nguồn sông Đồng Nai, nếu được thực hiện, có thể tác động tới môi trường sinh thái, kinh tế, xã hội của toàn khu vực ra sao? Lợi ích (và thiệt hại, nếu có) về mặt kinh tế cho chủ đầu tư thì thế nào? Lợi ích và thiệt hại tổng thể (kinh tế, xã hội, văn hóa, tài nguyên, môi trường, du lịch…) cho Việt Nam sẽ ra sao?
– GS. Đặng Hùng Võ: Nhìn vào bản chất, ba dự án thủy điện này sẽ làm mất rất nhiều rừng và thu hẹp khu đất ngập nước, làm giảm khả năng hấp thụ carbon tại Việt Nam. Những hồ thủy điện lớn sẽ hình thành tại đây, gây nguy cơ sạt lở và sụt lún đất, ngập lụt vì nước lũ do xả lũ từ hồ thủy điện và mất rừng làm đất thiếu kết dính do rễ cây tạo ra.
Về mặt xã hội, những nguy cơ nói trên còn gây ra các tác động tiêu cực trực tiếp vào đời sống của đồng bào dân tộc sinh sống tại đây. Điều này đã diễn ra ở nhiều nơi trong khoảng mươi năm gần đây. Nhìn lại, có thể hình dung ra bóng dáng của việc đánh đổi bền vững xã hội và môi trường để lấy phát triển kinh tế.
Cái được duy nhất là ba dự án thủy điện này có tiềm năng cấp điện lớn, đóng góp vào giải quyết khó khăn về điện trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa.
– RFA. Có nhiều ý kiến trái ngược nhau về một số vấn đề quan trọng của dự án, như diện tích chiếm dụng đất của ba đập thủy điện, hay vị trí của ba dự án thủy điện này trong Vườn Quốc gia Cát Tiên. Xin Giáo sư cho biết quan điểm của mình về vấn đề này.
– GS. Đặng Hùng Võ: Diện tích chiếm đất của ba dự án này là một điểm có nhiều ý kiến ngược với tính toán diện tích chiếm đất mà chủ đầu tư đề xuất các dự án đã ước tính.
Tôi nhớ lại, tình trạng tương tự cũng đã xảy ra khi xem xét để phê duyệt các dự án thủy điện nhỏ khoảng hơn hai mươi năm trước: chỉ tính diện tích đất để xây dựng nhà máy và vùng lòng hồ ở mức nước thấp nhất, không tính phần đất sẽ trở thành hồ thủy điện ở mức nước cao nhất.
Theo biên bản làm việc về ba dự án thủy điện tại địa phương, phía có ý kiến không đồng thuận đã đưa ra ba lý do: một là số liệu thống kê về diện tích đất rừng bị mất do các dự án này gây ra không khớp với thực tế; hai là tất cả diện tích đất sử dụng của các dự án nằm trong Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển, và đã là di tích quốc gia đặc biệt; ba là diện tích bị mất rừng thuộc khu vực có liên quan pháp luật quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên quy định tại Nghị định 83/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp 2017, Luật Đa dạng sinh học 2008, Luật Đất đai 2013, Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Du lịch 2017, Luật Di sản văn hóa 2001.
Đã có ý kiến như vậy thì phải đặt ra yêu cầu xác định diện tích đất, diện tích rừng bị mất thật chính xác, đúng thực tế, có kiểm tra và giám sát kỹ lưỡng của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và người dân, và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ba dự án thủy điện này đã được đưa vào Quy hoạch điện VIII cho giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, trong đó ba dự án Đăk R’lấp 1, Đăk R’lấp 2 và Đăk R’lấp 3 được liệt kê tại Phụ lục III – Danh mục các dự án thủy điện tiềm năng, cùng với yêu cầu “phải được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về tác động môi trường, đất đai, ảnh hưởng đến rừng của dự án” trong Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII.
Theo tôi biết, bản Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII đã được trình đến lần thứ tư nhưng vẫn chưa được Chính phủ đồng ý. Hơn nữa, nếu các dự án này được phép triển khai thì khâu xét duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng không dễ dàng vì chắc chắn phải đề cập tới vấn đề “phát triển sạch” một cách toàn diện gắn với cam kết của Thủ tướng với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng ba dự án thủy điện Đăk R’lấp có vị trí rất gần với hai dự án thủy điện Đồng Nai 6A và Đồng Nai 6B đã được đề xuất từ 10 năm trước cho Quy hoạch điện VII nhưng đã bị Chính phủ bãi bỏ. Đây là thông tin cần giới thiệu để thấy chính sách của Chính phủ cần đảm bảo tính nhất quán, khi có gì cần đổi mới thì cũng phải giới thiệu đầy đủ và rõ ràng.
Tìm cách phát triển kinh tế có hiệu suất cao là cần thiết, nhưng phải phát triển sạch để đảm bảo phát triển là bền vững. Phát triển nhưng không để lại bất kỳ rủi ro nào về môi trường và xã hội cho địa phương. Hơn nữa, cộng đồng quốc tế đã thống nhất các tiêu chí kỹ thuật cụ thể về phát triển sạch trong khuôn khổ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia.
RFA xin cảm ơn GS. Đặng Hùng Võ đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Nguồn: RFA Tiếng Việt