Vì sao giáo trình “quản lý hành chánh công” của trường Fulbright “chưa thành công” tại Việt Nam?

Phú Nhun

(VNTB) – “Đầu vào” đa phần là học viên đến từ diện “Đảng quy hoạch” nên họ có phần giới hạn về khả năng tiếp nhận kiến thức từ môi trường tự do học thuật.

“Chúng tôi nỗ lực xây dựng một không gian đối thoại chính sách cởi mở và tích cực ở Việt Nam và khu vực, nhằm phụng sự lợi ích công, đặc biệt trong các lĩnh vực có tác động lớn lao đến đời sống xã hội” – Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright tại Việt Nam đã đưa ra tuyên bố như vậy. 

Theo tự giới thiệu thì Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright khởi nguồn từ Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) – dự án hợp tác giữa Trường Quản lý Nhà nước Kennedy (HKS) thuộc Đại học Harvard và Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh được thành lập năm 1995, ngay trước khi hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ.

Trong hơn hai mươi năm (1995-2016), FETP đã góp phần đào tạo một thế hệ lãnh đạo và quản lý mới ở Việt Nam trong suốt thời kỳ đất nước bắt đầu mở cửa và tiếp cận với kinh tế thị trường. Với vị thế cầu nối, FETP đã đóng vai trò trung tâm trong các thảo luận chính sách giữa Đại học Harvard và Chính phủ Việt Nam, và đóng góp quan trọng vào việc kiến tạo một không gian đối thoại chính sách thẳng thắn và mang tính xây dựng ở Việt Nam.

Năm 2016, FETP được phát triển thành Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) – đơn vị học thuật đầu tiên của Đại học Fulbright Việt Nam, trường đại học độc lập, phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam, với tham vọng vươn tới đẳng cấp quốc tế.

Trong bức tranh toàn cảnh liên quan đến FSPPM, bắt đầu từ 2008, Chương trình Lãnh đạo Quản lý Cao cấp Việt Nam (VELP) là diễn đàn đối thoại chính sách cao cấp của Việt Nam do Harvard Kennedy School (HKS) và FSPPM đồng tổ chức, kéo dài 5 ngày tại HKS với sự tham gia của các thành viên cao cấp của Chính phủ Việt Nam từ cấp Thứ trưởng trở lên, do một Phó thủ tướng hoặc Ủy viên Bộ Chính trị dẫn đầu.

VELP khởi nguồn từ sáng kiến của Chính phủ Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc và Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard, nhằm tạo ra một diễn đàn cho các nhà hoạch định chính sách cao cấp Việt Nam tham gia đối thoại với các học giả, chuyên gia hàng đầu thế giới về những diễn biến mới nhất về kinh tế - chính trị toàn cầu và hàm ý chính sách đối với Việt Nam, qua đó giúp các lãnh đạo Việt Nam nâng cao tầm nhìn chiến lược và năng lực phân tích chính sách.

Tính đến năm 2019, Trường Fulbright đã đồng tổ chức 7 chương trình Lãnh đạo Quản lý Cao cấp Việt Nam.

Tuy nhiên, những bê bối, tham nhũng, bè phái đã và đang diễn ra trong các nhiệm kỳ của Chính phủ Việt Nam cho thấy các lý thuyết học thuật của VELP khó có thể ứng dụng tại Việt Nam.

Và điều này cho thấy cần soạn được một bộ giáo trình thích hợp hơn, phù hợp hơn với thể chế chính trị Việt Nam là mọi quyền lực đều thuộc Đảng, với hệ thống lý luận riêng của Đảng, và người đứng đầu Đảng thì luôn bảo thủ với cung cách quản trị của riêng họ – như khi đến tận hôm nay Đảng vẫn không chấp nhận sự cạnh tranh quyền lực giữa các đảng phái trong mục tiêu phụng sự đất nước, nhân dân.

Đảng luôn mặc định về việc tự cho mình là vai trò độc tôn của quản trị quốc gia theo cách mà “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”.

Hiện tại thì giáo trình “Quản lý công” của Trường Fulbright ở Việt Nam viết rằng “quản lý công” là quá trình ra quyết định và hành động của các nhà quản lý trong khu vực công nhằm huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực để đạt được các mục tiêu của chính sách công, qua đó tối đa hóa giá trị công và phúc lợi xã hội.

Theo đó, các nhà quản lý công phải không ngừng đổi mới để có thể thích ứng với kỷ nguyên toàn cầu hóa, quốc tế hóa và số hóa như vũ bão hiện nay. Vì vậy, phần này được thiết kế để giúp học viên, đặc biệt là những công chức, chuẩn bị những kỹ năng, tư duy, và thái độ cần thiết để có thể trở thành nhà quản lý thành công trong thế giới VUCA (Volatility – Biến động, Uncertainty – Không chắc chắn, Complexity – Phức tạp, và Ambiguity – Mơ hồ).

Phần cuối của môn học thảo luận một số chủ đề quan trọng trong quản lý công ở Việt Nam. Để tăng tính tương tác, phần này bao gồm các bài thuyết trình của các nhóm, trong đó mỗi nhóm tập trung phân tích và giải quyết một (số) vấn đề của quản lý công tại Việt Nam hiện nay…

Xem ra các vấn đề học thuật của Trường Fulbright ở Việt Nam đã tránh đề cập trực diện đến vai trò của Tổng bí thư Đảng và các Bí thư Đảng - Đoàn ở trung ương và địa phương. Vấn đề học thuật về “Quản lý công” của Trường Fulbright cũng không đặt trong mối tương quan với chương trình đào tạo của thủ tục “cao cấp lý luận chính trị” ở hệ thống trường Đảng ở Việt Nam.

P.N.

VNTB gửi BVN

  

This entry was posted in Fulbright Việt Nam, Giáo dục, Hành chính công. Bookmark the permalink.