Cù Huy Hà Vũ Ngục ký: Gặp Luật sư và Giám thị trước phiên tòa phúc thẩm (Kỳ 3 và hết)

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Kỳ 3

Giám thị Bùi Ngọc Bình

Tay cảnh sát trực không dẫn tôi ra thẳng khu nhà làm việc của Ban giám thị mà lại đưa sang sảnh phân khu A cách buồng giam tôi khoảng 5 mét. Sảnh này có diện tích khoảng 40 m2, thường được dùng làm nơi khám sức khỏe đại trà, cắt tóc cho phạm nhân, là chỗ ngồi nghỉ của những phạm nhân tự giác. Tóm lại là đủ rộng để làm sàn đấu võ. Không lẽ giám thị Bùi Ngọc Bình muốn so “quyền cước” với tôi thật?! Thắc mắc này ngay lập tức biến mất khi tôi bước chân vào.  

Giám thị Bùi Ngọc Bình và một số sĩ quan cảnh sát đã đợi sẵn, bên một cái bàn trên đó có bày một ấm trà và mấy cái chén. Đó không phải là dáng dấp của một cuộc “tỷ thí” được chuẩn bị. Ngược lại, khi thấy tôi mọi người đều đứng cả dậy, vẻ trọng thị. Viên thượng tá giám thị giới thiệu với tôi từng người: “Đây là trung tá H, phó giám thị. Đây là thiếu tá T, đội phó cảnh sát bảo vệ…”, rồi mời tôi ngồi. Cầm lấy chén nước sánh vàng thơm lừng mà Bình vừa rót ra mời, tôi đưa lên miệng nhấp. Vị nhân nhẩn đắng từ đầu lưỡi nhanh chóng chuyển sang vị ngọt khi vào đến vòm họng. Tôi khen: “Ngon! Trà Thái có khác!”. Phải nói ngay điều này: tôi không rượu, không bia nên một cách tự nhiên tôi trở thành một chuyên gia trà mạn. Bình nở mặt, lấy từ túi ngực một một gói “ba số”, mở nắp mời tôi. Tôi rút luôn vài điếu và để xuống bàn, nói là sẽ mang về cho mấy phạm nhân cùng buồng. Bình “OK”. 

Trại tạm giam số 1 – Công an Hà Nội. Ảnh: Kinh tế & Đô thị

Nội quy trại giam cấm hút thuốc trong buồng giam. Thế nhưng phạm nhân vẫn hút, miễn sao đừng lộ liễu. Thỉnh thoảng Ban (Ban giám thị) cho lục soát buồng giam, thu hết thuốc lào, thuốc lá lẫn bật lửa và các đồ vật bị cấm khác. Thế nhưng khi các cuộc lục soát kết thúc thì đâu lại vào đấy. Nghĩa là phạm nhân lại có thuốc lá, thuốc lào, lại có lửa để châm, và điều này, ngay cả khi không có bật lửa! Nhân đây cũng nên nói một chút về những “tài lẻ” của các bạn tù của tôi, những kẻ “đồng sàng” theo đúng nghĩa đen của từ này bởi tất cả đều trải lưng trên cùng bệ xi măng.

Tù nhân ở Việt Nam phải đối mặt với một sự hạn chế gắt gao về cả không gian sống lẫn phương tiện sinh hoạt. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu hàng ngày, họ buộc phải tự trang bị cho mình một số kỹ năng đặc biệt. Tạo lửa là một ví dụ. Chỉ với vài mảnh nứa, gỗ và áp dụng nguyên tắc ma sát, cụ thể là cọ các vật liệu này vào nhau, Tuấn và Tuấn Anh đã tạo ra nhiệt độ khá cao làm cháy miếng bông gòn hay vải vụn để sát bên. Còn để có nước sôi pha trà, hai cậu này đặt một chai “la vie” chứa chừng 2/3 nước trên một ngọn lửa liu riu để nhựa chai không bị biến dạng hoặc chảy. “Củi” là những mảnh của các xô, chậu nhựa bị đập vỡ bởi giấy báo nếu có thì cũng chỉ dùng để nhóm “bếp”. Điều này giải thích vì sao thỉnh thoảng những người tù lại xin trại giam cấp mới xô, chậu với lý do đồ đựng cũ đã “vỡ hỏng”! Tổng hợp lại thì kỹ năng nào cũng cần tới sự bền bỉ. Nói cách khác, sự bền bỉ chính là kỹ năng gốc giúp người tù thành công trong nỗ lực tồn tại ở chốn tột cùng của sự khắc nghiệt.

Tuấn, người đã nhiều lần “ra tù vào tội”, kể cho tôi nghe về một số kỹ năng đặc biệt khác mà người tù phát triển và ứng dụng giữa bốn bức tường của buồng giam. Càng nghe càng thấy thành phần bị cách ly khỏi xã hội này là bậc thầy trong việc sử dụng tối đa và hiệu quả những phương tiện có sẵn để đáp ứng nhu cầu không chỉ vật chất mà cả tinh thần của bản thân. 

Chẳng hạn, họ làm ra các vật phẩm thủ công, đôi khi là tuyệt tác, như đồ trang sức, đồ chơi mini với nguyên liệu là “rác” phi kim loại (giấy, nhựa và các đồ vụn khác). Sự khéo tay có tính thẩm mỹ của các tù nhân đã đang được nhiều trại giam ở Việt Nam khai thác để tạo ra các sản phẩm thương mại. Thế nhưng bản thân tôi và ngay cả Tuấn chưa từng nghe nói có hội chợ sản phẩm thủ công do tù nhân làm ra. Thiết nghĩ, Bộ Công an nên phối hợp với Liên minh hợp tác xã Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất thủ công để tổ chức các hội chợ như vậy. Điều này, bên cạnh hiệu quả thương mại được nhắm tới, sẽ làm những người bị kết án tù cảm thấy mình vẫn hiện diện trong xã hội, từ đó có một thái độ tích cực trong quá trình thi hành án.

Ở một khía canh khác, nhiều tù nhân tận dụng thời gian để phát triển đam mê của họ đối với nghệ thuật với viết văn, làm thơ, vẽ tranh, và thậm chí diễn xuất. Thứ đam mê mà đa phần trong số họ, vì lý do này hay lý do khác, đã không có dịp thể hiện khi còn ở ngoài đời. Học ngoại ngữ là một đam mê khác, được kích thích bởi nhu cầu giao tiếp với những tù nhân người nước ngoài bị giam kế bên. Tuấn Anh là một ví dụ, cậu ta tỏ ra khoái chí khi sử dụng tiếng Anh học ở phổ thông để trao đổi với mấy tù nhân người Malaysia. Tôi thì hứng thú với những bài hát tiếng Hoa của những bộ phim truyền hình như “Tây Du Ký”, “Huyền thoại” – mà những tù nhân người Trung Quốc can tội cướp của giết người đã bày cho tôi.

Sau một tuần trà, Giám thị Bình quay sang các sĩ quan dưới quyền, trịnh trọng: “Tiến sĩ Vũ đây là một anh hùng, dám kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Không phải một lần mà những hai lần. Ngày mai anh Vũ ra tòa phúc thẩm. Vậy ta sẽ làm một bữa để thết anh Vũ”. Rồi với giọng của một chúa tể, Bình phân công: “Thằng H., mày chuẩn bị món… Còn thằng T., mày chuẩn bị món… Rượu thì thằng C. lo. Không có thứ đó là không được đâu!” (giám thị trại giam ở đâu cũng vậy, đều là “ông vua con” bởi đặc thù của thiết chế trừng phạt này). Đúng lúc đó thì điện thoại di động của viên cai ngục đổ chuông. Bình bấm máy, “dạ” rõ to rồi nói: “Em đang ngồi với Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, ngày mai xử phúc thẩm anh ấy rồi”. Đoạn Bình ra hiệu xin lỗi rồi bước qua chỗ khác. Điện thoại xong, Bình trở lại, hỏi: “Ông Vũ có biết ai vừa gọi cho tôi không?” và nói luôn: “Đó là phu nhân của một đương kim ủy viên Bộ Chính trị. Bà ấy nói là cho đến lúc này, Bộ Chính trị vẫn chưa ngã ngũ về vụ xử anh Vũ”.

- Thế bà ấy có cho biết vì sao Bộ Chính trị chưa ngã ngũ không? Tôi hỏi.

- Bà ấy không cho biết, chỉ nói họp bàn lung lắm.

Tôi cười: “Tôi biết vì sao họ chưa ngã ngũ rồi”.

- Là sao? 

- Là vì, tôi nói, tôi là “kê cân” của chế độ. 

Thấy viên giám thị ngơ ngác, tôi nói: “Ông có biết tích “kê cân” không? Đó là một câu chuyện trong Tam Quốc Diễn nghĩa của Tàu.

Tào Tháo đem binh đánh Lưu Bị, bị tướng Mã Siêu chống cự rất hăng nên không tiến được. Tháo muốn rút quân về thì lại sợ quân địch chê cười nên chưa biết quyết bề nào. Một bữa, Tháo đang ăn bát canh gà, trong có cái gân gà thì tướng Hạ Hầu Đôn vào xin khẩu lệnh ban đêm. Tháo buột miệng: “kê cân!” (gân gà). 

Quan hành quân chủ bộ là Dương Tu thấy khẩu lệnh”kê cân”, liền cho quân mình thu xếp hành trang để rút. Hạ Hầu Đôn được báo tin, hỏi Dương Tu lý do. Tu đáp: “kê cân” là gân gà, gân gà ăn thì không có vị gì, mà bỏ thì tiếc. Nay tiến lên không được, mà lui về thì lại sợ người cười, thế nhưng trụ lại cũng vô ích, Ngụy vương tất rút quân trong nay mai”. Hạ Hầu Đôn thấy Dương Tu phân tích có lý, cũng cho quân thu xếp hành trang. Các tướng khác thấy thế cũng làm theo.

Đêm hôm ấy, Tào Tháo trong bụng bồn chồn, bèn lẻn khỏi trướng đi dò các trại, thấy quân sĩ của Hạ Hầu Đôn đang gói ghém hành lý. Tháo vội về trướng, triệu Hạ Hầu Đôn đến hỏi. Đôn nói là Dương Tu biết ý Tháo muốn rút quân. Tháo bèn gọi Dương Tu đến hỏi. Tu giảng rõ nghĩa của “gân gà”. Tháo nổi giận, nói Dương Tu làm náo động lòng quân, quát đao phủ đem ra chém. Hôm sau, Tháo bị thua trận, bản thân bị trúng tên của tướng của Lưu Bị là Ngụy Diên. Lúc đó Tháo mới nhớ đến lời Dương Tu, làm ma linh đình cho Tu rồi truyền lệnh rút quân. 

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ tại phiên tòa phúc thẩm – Tòa án nhân dân tối cao, 2/8/2011. Ảnh: Báo Người Lao động.

Bình sốt ruột: “Thế vì sao Cù Huy Hà Vũ lại là “kê cân – gân gà” đối với Bộ Chính trị?”.

- Tôi vô tội! Tôi không “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” như Viện Kiểm sát cáo buộc, tôi nhấn mạnh và giải thích: 

- Trước hết, Bộ Luật tố tụng hình sự quy định: “Khi điều tra truy tố và xét hỏi vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án phải chứng minh tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra”. Như vậy, chỉ khi nào Nhà nước nói rõ bằng văn bản rằng tôi đã gây thiệt hại cho Nhà nước như thế nào thì các cơ quan tiến hành tố tụng mới có căn cứ để xác định tôi có phạm tội hay không. Bản thân tôi đã nhờ Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà chuyển tới Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết văn bản của tôi đề nghị ông đại diện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia tố tụng với tư cách bị hại. Thế nhưng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã không hề hồi âm. Điều này chứng tỏ Nhà nước không bị thiệt hại và vì vậy cáo buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm vào tôi là hoàn toàn vô căn cứ.

Ngược lại là đằng khác, tôi quyết liệt bảo vệ Nhà nước bằng cách chống lại các hành vi xâm hại Nhà nước từ phía những người cầm quyền. Tôi liên tiếp kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng do đã ra các quyết định trái pháp luật xâm hại an ninh quốc gia, môi trường, văn hóa của người Tây Nguyên và quyền khiếu nại tập thể của người dân. Chẳng phải ông gọi tôi là anh hùng là bởi thế sao?! (Bình gật đầu).

- Viện Kiểm sát còn cáo buộc tôi đã kêu gọi Đa đảng, tôi tiếp tục. Thế nhưng cáo buộc này cũng vô lý nốt vì chính Hồ Chí Minh sinh thời đã chủ trương Đa đảng khi cho phép Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam song song tồn tại với Đảng Lao động Việt Nam. Hiến pháp 1980 đã khẳng định thực tế chính trị này khi ghi “các chính đảng”. Bất luận thế nào, việc tôi kêu gọi Đa đảng hay đưa ra các quan điểm khác biệt với Đảng Cộng sản Việt Nam là phù hợp với “Quyền tự do ngôn luận”, “Quyền được thông tin” được Hiến pháp quy định tại Điều 69 và “Quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp” quy định tại Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là thành viên. Chính Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tuyên bố: “Bất đồng chính kiến là chuyện bình thường. Ở Việt Nam không ai bị bắt giam vì bất đồng chính kiến”.

Bình đập tay vào bàn đánh bộp: “Ông nói phải lắm! Nếu Cù Huy Hà Vũ có tội thật thì việc gì Bộ chính trị phải họp bàn lên xuống! Vả lại, Cụ Cù Huy Cận tham gia ký Tuyên ngôn Độc lập và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là bậc “Khai Quốc Công Thần” thì làm sao Cù Huy Hà Vũ là con lại chống Nhà nước này cơ chứ! Ông già tôi cũng là lão thành cách mạng nên tôi hiểu rõ điều này mà!”.

- Về pháp luật và logic thì là thế, là tôi không có tội. Mà không có tội thì tôi phải được trả tự do. Có đúng không nào?! (Bình gật đầu). Thế nhưng do Đảng bị Thủ tướng Dũng bắt làm con tin nên sự việc trở nên phức tạp.

- Đảng bị Thủ tướng Dũng bắt làm con tin? Nghĩa là sao? Ông làm tôi đau cái đầu quá! 

- Là thế này. Như mọi người và bản thân ông, giám thị Bùi Ngọc Bình, đã thấy, Thủ tướng Dũng bắt và bỏ tù tôi là để trả thù tôi đã kiện ông ta ra tòa. Để che đậy sự trả thù cá nhân này thì Dũng lu loa lên rằng “Cù Huy Hà Vũ chống Đảng, chống Nhà nước”, khiến những nhân vật giáo điều, bảo thủ và cả một số người yếu bóng vía trong Bộ Chính trị hùa theo Dũng để bỏ tù tôi dù không có căn cứ pháp luật. Việc này đương nhiên gây hại cho chính “Nhà nước pháp quyền” mà Đảng hô hào từ một thời gian nay để dễ bề làm ăn với quốc tế, đặc biệt với các nước phương Tây vốn quen thượng tôn pháp luật. Tóm lại, bỏ tù hay trả tự do cho tôi đều vướng. Tôi là “kê cân – gân gà” đối với Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam là ở chỗ đó. 

- Vậy theo ông, Bộ Chính trị sẽ quyết theo hướng nào?

- Chắc chắn là “Vũ Như Cẩn (vẫn như cũ, nói lái), là y án sơ thẩm để bỏ tù tôi thôi. Đơn giản là Đảng, hay nói đúng hơn, lợi ích của các cá nhân thành viên Bộ Chính trị, là mục đích trong khi “Nhà nước pháp quyền” chỉ là phương tiện. Một khi phương tiện không còn phục vụ mục đích hay có cơ trở thành mục đích tự thân, thậm chí thay thế mục đích, thì đương nhiên phương tiện phải bị loại bỏ. Suy cho cùng, chừng nào Đảng còn tự cho mình quyền “lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, tức cầm quyền không thông qua bầu cử dựa trên cạnh tranh của nhiều đảng phái, thì không thể có “thần linh pháp quyền” như Nguyễn Ái Quốc đã nêu từ năm 1922 trong “Việt Nam Yêu cầu ca”! (1)

Bình gật đầu, nói: “Dù sao tôi cũng chúc ông ngày mai may mắn”. Các sĩ quan đứng cả dậy.

Thượng tá Bùi Ngọc Bình, giám thị Trại tạm giam số 1 – Công an Hà Nội. Ảnh: VNExpress.

Cầm mấy điếu thuốc để trên bàn, tôi đáp: “Mai tính sau. Chỉ biết hôm nay gặp Giám thị Bình và mọi người tôi có lãi cái đã. Chẳng những được uống, được nói, mà còn được gói mang về nữa chứ!”. Mọi người cười ồ.

“Mai tính sau”, nhưng thực ra tôi đã sẵn sàng cho trận đánh lớn ngày mai, tại tòa phúc thẩm. Nhân vật anh hùng của Cụ Đồ Chiểu lại hiện ra:

Vân Tiên ghé lại bên đàng,

Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.

Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ,

Chớ quen cái thói hồ đồ hại dân”… (2)

Chú thích:

1.    “Việt Nam yêu cầu ca” của Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh sau này) là chuyển thể thơ của “Yêu sách của nhân dân An Nam” gồm 8 điểm bằng tiếng Pháp đăng trên báo L’Humanité ngày 18/6/1919. Yêu sách này do chính Nguyễn Ái Quốc thay mặt “Nhóm những người An Nam yêu nước” gửi tới Hội nghị hoà bình do các nước thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất tổ chức tại Versailles, Pháp, trong nửa đầu năm 1919.

2.    “Lục Vân Tiên” là truyện thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn của Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ 19.

Garden Grove, California, 11/8/2023

C.H.H.V.

Xem Kỳ 1Kỳ 2

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống cùng phu nhân, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, tại California, Hoa Kỳ. (Tác giả ghi)

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in cù huy hà vũ, Luật pháp cộng sản. Bookmark the permalink.