Phạm Đình Trọng
Án mạng giết hại thiếu tá công an Nguyễn Văn Sinh đêm 14.7.2007 ở đường vào cảng Đình Vũ, thành phố Hải Phòng là bản án quá đơn giản, không có gì phức tạp, không khó phá án, không khó tìm ra bàn tay vấy máu nạn nhân Nguyễn Văn Sinh.
Nhưng cũng như vụ án hai cô gái ở Bưu điện Cầu Voi, Thủ Thừa, Long An bị giết hại tối 13.1.2008, cơ quan điều tra không hướng vào truy tìm kẻ thủ ác đích thực nên vội vàng huỷ tang vật vụ án. Con dao, cái thớt ở chỗ hai cô gái bị giết, dính máu nạn nhân đương nhiên cũng có cả dấu vết bàn tay tội ác. Con dao bị giấu nhẹm; Cái thớt bị thiêu trong đống lửa; Cảnh sát điều tra ra chợ mua dao thớt mới thay thế chỉ cốt cho có tang vật… thì rõ ràng họ không cần truy tìm kẻ đích thực giết hai cô gái.
Tang chứng của thủ phạm đích thực bị huỷ bỏ mất tăm tích để tạo ra tang chứng áp đặt bằng bạo lực nhục hình ép cung, buộc tội người ngoại phạm. Bạo lực nhục hình ép cung đã tạo ra nhiều bản án tử hình oan rải ra trong không gian rộng lớn trên cả nước và kéo dài trong thời gian nhiều chục năm qua mà những tử tù oan Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn và những cái chết oan như Ngô Thanh Kiều là dẫn chứng.
Bản án tử hình Nguyễn Văn Chưởng cũng trong vòng xoáy bạo lực nhục hình, ép cung, như bản án tử hình với Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, nhưng khủng khiếp hơn, trắng trợn hơn và trùng trùng nhiều tầng lớp áp đặt hơn. Thiếu minh bạch, không có ánh sáng công lý nên trong bản án tử hình oan Nguyễn Văn Chưởng thấy lù lù những bóng đen, những khoảng tối trùm xuống bản án. Bịt bùng nhất, nặng nề nhất và khủng khiếp nhất là ba bóng đen Đỗ Hữu Ca, Dương Tự Trọng và Trương Hoà Bình.
Trong đó hai bóng đen tạo ra bản án tử hình oan cho Chưởng là Đỗ Hữu Ca và Dương Tự Trọng. Bóng đen Trương Hoà Bình, Chánh án Toà án Tối cao đủ tầm bao phủ chặn kín cánh cửa giải oan, xoá án oan cho dân đen lương thiện Nguyễn Văn Chưởng. Các bóng đen bịt kín buồng giam tử tù Nguyễn Văn Chưởng không còn một khe hở cho ánh sáng công lý soi vào đến nỗi Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đã từng là Chánh án Toà án Tối cao phải ngửa mặt lên trời than cho phận dân đen phải chịu oan khiên tức tưởi và tuyệt vọng: “Vụ án Nguyễn Văn Chưởng có phát hiện sai sót thì cũng hết đường kháng nghị!”.
Án mạng giết thiếu tá công an Nguyễn Văn Sinh đêm mưa gió 14.7.2007 ở đường vào cảng Đình Vũ, Hải Phòng xảy ra khi đại tá Ca đang là trưởng phòng điều tra tội phạm kiêm phó Giám đốc công an Hải Phòng. Vụ án xảy ra khi Ca đang hau háu nhìn lên chiếc ghế giám đốc và thượng tá Trọng là phó của Ca ở phòng điều tra tội phạm đang nôn nóng chờ Ca lên giám đốc để lại chiếc ghế trưởng phòng điều tra tội phạm kiêm phó giám đốc công an thành phố cho Trọng. Thèm khát chức quyền, có vụ án xảy ra, cả hai đều lấy bạo lực, nhục hình, ép cung làm phép màu phá án nhanh. Ca và Trọng đều rất rành phá án nhanh bằng bạo lực. Lúc này càng phải tỏ ra là người hùng phá án nhanh, ghi điểm son để lên chức.
Người dân và chính quyền tranh chấp đất đai chỉ là tranh chấp dân sự thường tình của cuộc sống vốn luôn phát sinh mâu thuẫn. Tranh chấp đất đai đã và đang diễn ra gay gắt trên khấp đất nước. Công an cưỡng chế thu hồi đất: tay khiên, tay dùi cui dàn hàng ngang đối mặt với hàng ngàn dân giữ đất kéo dài suốt nhiều năm. Khi căng thẳng nhất công an cũng chỉ vung tay, vung chân với dân. Dữ dội nhất cũng chỉ dùi cui khua loang loáng, gạch đá bay rào rào. Không ở đâu công an nỡ dàn trận, xả súng bắn dân tranh chấp đất đai với chính quyền.
Nhưng trong tranh chấp giữa gia đình nông dân Đoàn Văn Vươn với chính quyền huyện Tiên Lãng, Hải Phòng về mảnh đất gia đình Vươn đã đổ mồ hôi, đổ cả máu khai hoang lấn biển, Ca và Trọng đã huy động hơn một trăm tay súng công an dàn thế trận đối đầu bằng súng đạn với dân, xả đạn vào ngôi nhà đơn sơ, mỏng manh nơi vợ con Vươn, nơi đàn bà và trẻ con đang nương náu. Nổ súng bắn vào đàn bà, trẻ con, bắn vào người dân một nắng hai sương khai hoang lấn biển, mở đất sản xuất làm ra của cải và đóng thuế cho nhà nước mà Ca hỉ hả sung sướng khoe “trận đánh đẹp”.
Phá án nhanh của đại tá Ca, của thượng tá Trọng là vậy! Phá án bằng bạo lực tàn bạo, man rợ, không còn tính người.
Án mạng giết thiếu tá Sinh có màu sắc, có bóng dáng cuộc thanh toán của xã hội đen, của thế giới ngầm. Không hề có chỉ dấu của vụ giết người, cướp của. Giết người cướp của phải nhằm vào người có của và tay không, yếu thế. Chẳng dại gì nhằm vào công an có súng. Công an đi công vụ trong đêm cũng chẳng ai mang theo của. Có chăng chỉ vài đồng tiền lẻ. Một vụ cướp có tổ chức, có chủ mưu mà Chưởng bị vu cho là chủ mưu không khi nào ra tay giết một mạng người chỉ vì vài đồng tiền lẻ.
Trời mưa gió; Đêm khuya; Đường vắng. Thiếu tá Sinh mặc áo mưa đi xe máy một mình thì không thể là đi tuần. Lâu không thấy Sinh về, đồng đội của Sinh là cảnh sát Phạm Hồng Quang đi tìm thấy Sinh bị giết thì ứng xử của Quang cũng không phải là ứng xử của một cảnh sát với một án mạng, lại là án mạng với đồng đội của mình.
Với cảnh sát, xử lý án mạng là việc thường ngày, là kỹ năng nghiệp vụ. Nghiệp vụ phá án hàng đầu cảnh sát nào cũng phải thuộc lòng là bảo vệ hiện trường, bảo quản nguyên trạng tang vật. Nhưng Quang đến nơi Sinh bị giết liền xoá bỏ ngay hiện trường, thu giấu ngay tang vật.
Quang lột áo mưa, áo cảnh sát, dép… của Sinh gửi ở phòng bảo vệ công ty gần nơi án mạng. Quang thu giữ điện thoại di động, khẩu súng ngắn của Sinh đến chiều hôm sau, 15.7.2007 mới giao lại cho đơn vị đưa vào tang vật vụ án. Quang giữ điện thoại của Sinh một đêm và nửa ngày. Liệu lịch sử những cuộc liên lạc của điện thoại có còn nguyên vẹn và đầy đủ?
Vội vàng xoá bỏ nguyên trạng hiện trường vụ án, Quang như muốn che giấu nguyên nhân đích thực dẫn đến cái chết của Sinh. Đây là chi tiết rất quan trong, một hướng cần khai thác đến nơi đến chốn để truy tìm ra kẻ thủ ác đích thực.
Nhưng Ca và Trọng không quan tâm đến sự việc và con người có thật trong vụ án. Ỷ vào bạo lực, có sự táng tận lương tâm, có sự trống rỗng tính người để bắt bất kỳ dân đen thân cô thế cô nào cho nếm bạo lực “trận đánh đẹp” của Ca, cho nếm nhục hình, ép cung của đàn em Ca và Trọng, đều phải nhận tội giết người. Đó là thủ thuật phá án nhanh nhất của Ca và Trọng.
Chưởng đã kê khai các cuộc gọi đi, gọi đến điện thoại của Chưởng – 0974.863.087, tối ngày 14.7.2007 là căn cứ rất xác đáng, đủ cơ sở xác định vị trí và hành vi của Chưởng ở thời điểm xảy ra vụ án giết thiếu tá Sinh. Xác minh điều đó là xác minh sự ngoại phạm của Chưởng nên Ca và Trọng lờ đi. Ca và Trọng chỉ dùng bạo lực, nhục hình, ép cung mới nhanh chóng buộc Chưởng phải nhận tội giết thiếu tá Sinh đêm 14.7.2007!
Bạo lực nhục hình, ép cung của lũ cô hồn trong trại giam của công an Hải Phòng chưa đủ, Ca và Trọng còn liên kết với công an Bắc Giang, nơi có nhà giam Kế với những cô hồn máu lạnh, thành thục xài bạo lực, nhục hình, ép cung tạo ra những án oan tử hình Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long chấn động cả nước. Bị đòn nhừ tử ở trại giam công an Hải Phòng, Nguyễn Văn Chưởng lại bị dẫn giải lên Bắc Giang, tống vào nhà giam Kế cho những cô hồn đã buộc Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn chỉ được lựa chọn một trong hai sự nghiệt ngã: Hoặc nhận tội giết người. Hoặc ăn đòn đến chết. Với sự ra đòn của những cô hồn đó, dù không giết người, Chưởng cũng phải nhận tội giết người để được sống mà kêu oan.
Bạo lực, nhục hình, ép cung cả với những tiếng nói trung thực. Nguyễn Trọng Đoàn, em Chưởng, Trần Quang Tuất, Trịnh Xuân Trường cùng quê với Chưởng đã viết giấy xác nhận tối 14.7.2007 Chưởng có mặt ở quê, thôn Trung Tính, xã Bình Dân, huyện Kim Thành, Hải Dương, cách nơi án mạng giết thiếu tá Sinh 40 cây số. Bạo lực, nhục hình, ép cung buộc Đoàn, Tuất, Trường phải viết giấy bác bỏ giấy xác nhận cũ, phải viết lại theo lời mớm của công an.
Đỗ Hữu Ca và Dương Tự Trọng đã làm ra bản án tử hình của Nguyễn Văn Chưởng bằng bạo lực nhục hình, ép cung như vậy. Những bản án tử hình oan với Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn, Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải tạo nên bóng đen Trung cổ man rợ trùm lên nền văn minh sông Hồng, trùm lên đất nước văn hiến đang cùng loài người đi vào nền văn minh sáng lạn, văn minh tin học.
P.Đ.T.
Nguồn: FB Phạm Đình Trọng