Công lý bất toàn

Nguyễn Anh Tuấn 

Ảnh: Trong một nền tư pháp hình sự không có chỗ cho con người, đây là cách tử tù Nguyễn Văn Chưởng kêu O-A-N. 

Mong muốn nắm bắt bản chất hay sự thật khách quan của một vụ án để phân xử đúng người, đúng tội quả thật là đẹp.

Vừa không bỏ lọt tội phạm, vừa không hàm oan người vô tội, có gì hoàn mỹ hơn thế?

Tuy nhiên, đẹp là một chuyện, khả thi hay không lại là chuyện khác.

Vì lẽ biết một sự việc hoàn toàn đúng như nó xảy ra có lẽ là đặc quyền của duy nhất Đấng Tạo Hoá, nên công lý toàn hảo như trên chỉ có thể đến từ quyền năng của Ngài.

Rất tiếc con người không nhờ cậy được Đấng Tạo Hoá, mà phải tự mình kiến tạo công lý, thông qua thiết chế nhân tạo là nhà nước, với các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Do không có quyền năng nắm giữ sự thật khách quan, con người chỉ xoay sở để tái hiện những gì thực sự đã xảy ra trong một vụ án.

Cũng khiếm khuyết như chính con người, quá trình tái hiện này tiềm ẩn vô số những thiếu sót có thể khiến kết quả lạc mất sự thật và gây ra oan sai.

Ý thức được khoảng cách giữa một sự-thật-được-tái-hiện và chính bản thân sự thật cùng những hậu quả nếu cố chấp đồng nhất chúng, con người, trên đà văn minh, tìm cách rút ngắn khoảng cách này.

Họ phân chia quyền lực điều tra, truy tố, xét xử cho các cơ quan nhà nước khác nhau để kiểm chứng lẫn nhau.

Họ ghi nhận, tôn trọng và bảo vệ hàng loạt quyền của bị cáo để cân bằng trước quyền lực ưu trội của nhà nước.

Quan trọng nhất, họ áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội.

Nguyên tắc này đòi hỏi rằng chỉ khi không còn bất kỳ nghi ngờ hợp lý (reasonable doubt) nào tồn tại, bị cáo mới bị coi là có tội.

Đây chính là lời nhắc nh con người về cái khoảng cách có thể được rút ngắn nhưng luôn luôn tồn tại giữa sự-thật-được-tái-hiện và chính bản thân sự thật.

Cũng là lời nhắc nhở rằng con người không phải Đấng Tạo Hoá nên luôn phải khiêm cung và tuyệt đối thận trọng trước mọi phán quyết liên quan đến người khác.

Bằng không, rất có thể tội ác vừa không bị trừng phạt mà còn nhân đôi, và công lý chẳng những không tựu thành mà còn bị sỉ nhục đến hai lần.

Nếu hàm oan người vô tội.

Lẽ dĩ nhiên, làm như vậy sẽ không thể tránh khỏi có những lúc chẳng tìm được ai để ràng buộc cho một tội ác.

Khi mà mọi phiên bản sự thật đưa ra đều không thể vượt qua những nghi ngờ hợp lý. Khi mà con người, dù cố gắng đến đâu, cũng chỉ đang tái hiện sự thật chứ không phải nắm trong tay sự thật.

Công lý trở nên bất toàn.

Nhưng chính thứ công lý bất toàn này lại đang là thứ công lý tốt nhất mà con người từng có, chừng nào con người vẫn là con người.

Ít nhất, vẫn tốt hơn nhiều lần thứ công lý toàn hảo giả hiệu của những kẻ phán xử luôn dương dương tự đắc rằng mình nắm giữ sự thật, bất chấp mọi nghi ngờ hợp lý.

Thứ công lý vốn không để lại gì khác sau lưng nó ngoài hàng hàng lớp lớp những mộ địa oan khiên.

Bài này được viết vào thời điểm tòa tối cao y án tử hình Hồ Duy Hải ba năm về trước, mặc cho công luận khi đó chỉ ra vô số khuất tất của vụ án. Không khác gì vụ Nguyễn Văn Chưởng bây giờ. 

Nạn nhân của nền tư pháp hình sự hết hạn sử dụng mang tên Việt Nam không chỉ có Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng. Họ là hai tử tù may mắn nhờ các bậc sinh thành đã chiến đấu kêu oan đến cùng với niềm tin và trực giác bản năng về sự vô tội của con em mình. Nhiều tử tù oan ức khác không có được may mắn đó, hoặc đang sống mòn trong niềm thống khổ không được biết đến, hoặc đã nằm im dưới ba tấc đất với nỗi oan bị đào sâu chôn chặt của mình.

Nền tư pháp hình sự Việt Nam hết hạn sử dụng ở chỗ trong khi tước đoạt gần như mọi quyền của bên bị buộc tội, nó lại ban cấp quyền lực tuyệt đối cho bên buộc tội, mà trong khuôn khổ chế độ đảng trị, chính là cơ quan công an. 

Như một con thú dữ, nền tư pháp hình sự này ăn thịt mọi con mồi được đưa đến trước mặt nó, bất kể là dân thường, điều tra viên, hay ủy viên Bộ Chính trị. 

Khi Đinh La Thăng trong lời cuối cùng trước tòa chỉ xin được đối xử như một con người, chúng ta biết rằng con thú này có thể ăn thịt cả những kẻ nuôi nó một khi kẻ đó sa cơ lỡ vận. 

Giải thoát khỏi con thú này bằng một chương trình cải tổ tư pháp dựa trên quyền con người chẳng những sẽ giúp giải tỏa u ám của đời sống quốc gia, mà còn trao tặng cho những người nắm quyền hiện tại một gói bảo hiểm phẩm giá. 

Rằng có thế nào thì họ vẫn sẽ được đối xử như một con người.

N.A.T.

Nguồn: FB Nguyen Anh Tuan

This entry was posted in án oan, công an tra tấn, Công an Việt Nam và sự lộng hành, Pháp luật Việt Nam. Bookmark the permalink.