Con bò biết khóc!

Bạch Cúc 

Người tù đầu gấu nhất trong một trại tù ở Mỹ là một người đàn ông khổng lồ với đầu tóc và râu ria rậm rạp. Trên thân thể anh ta là hàng trăm hình xăm với những vết sẹo chằng chịt do đâm chém trong nhiều năm là giang hồ và tù tội. Anh ta được giao làm “đồ tể” lò mổ trong nhà tù, nghĩa là giữ nhiệm vụ chính trong việc giết mổ heo, bò, cừu… để cung cấp thực phẩm cho toàn trại và các nhà tù lân cận.

Lò mổ được làm bằng thép siêu cứng, một đầu rộng như cái phễu để lùa gia súc vào, đường ra càng lúc càng hẹp cho tới khi chỉ còn một lối đi nhỏ vừa đủ rộng để một con vật đi qua. Người đồ tể đứng chờ trước lối ra này, tay anh ta cầm một khẩu súng điện lăm lăm sẵn để thực hiện công việc giết chóc. Gia súc bò, heo, cừu được dồn vào cái phễu này bởi những con chó hung tợn và những ngọn đòn roi quất túi bụi để bắt buộc phải tiến lên và phải có một con chui tuột qua cái đường ống ra ngoài. Đàn gia súc ngửi thấy mùi chết chóc nên mặc con nào con nấy đều la hét dữ tợn và nhất quyết không muốn bước tới. Chúng vùng vẫy theo mỗi kiểu riêng khác nhau để kéo dài sự sống hay cố tìm cách chạy toán loạn để tìm đường trốn. Khi có một con dần tiến đến lối thoát, chúng cảm nhận được cái chết gần kề nên đều la hét quằn quại, rên rỉ rất lớn và luôn muốn quay đầu tìm cách thoát thân nhưng không thể!…

Người đồ tể được giao cầm một súng điện có công suất lớn, chỉ cần một lần bắn là có thể giết chết ngay một con bò lớn, nhưng khốn thay… anh ta không bao giờ nhắm được chính xác trong một lần bắn bởi mọi con vật đều lồng lên, xoay người liên tục vì thế anh ta luôn phải bắn hai phát. Phát đầu tiên là làm cho con vật nghe thấy sợ chết khiếp mà đứng yên bất động, phát thứ 2 mới là phát thật sự giết chết nó. Cứ thế, một phát là để cho kinh sợ và một phát là để lấy mạng, hết con này tới con khác, hết ngày này tới ngày khác…

Vào một ngày nọ, người đồ tể hung tợn này bỗng trở nên “kích động” dữ dội. Anh ta nhất quyết không chịu làm công việc hàng ngày mà mồm luôn gào thét, chửi bới và nhất quyết đòi gặp một Thiền sư. Nhà tù đành phải phái đến một người cho anh ta gặp. Vừa gặp Thiền sư, người đồ tể liền quỳ xuống, miệng vẫn chửi bậy và thề thốt với Thiền sư rằng: tất cả những điều anh sắp nói là sự thật và xin hãy tin anh ta…

“Hôm ấy nhà tù cần giết bò cung cấp cho các nhà tù gần đó và tôi vẫn làm công việc như thường lệ: cứ từng con, từng con bước lên và “đoàng, đoàng”, thế là xong một mạng nhưng…

Có một con bò bước lên với sự im lặng lạ k. Thậm chí không có một tiếng khụt khịt hay rên rỉ hay quay tới quay lui cái đầu như những con bò khác. Con bò này cúi đầu, chân nó bước từng bước một cách chắc nịch, chậm rãi và tự nguyện tiến đến sát gần chỗ tôi đứng. Nó không rên la, không quằn quại, không tìm cách trốn thoát, không gì cả…

Khi đã tiến đến đúng vị trí, con bò này ngẩng đầu lên và nhìn chằm chặp vào mắt tôi, nó cứ đứng im như thế tới cả phút.

Tôi chưa bao giờ thấy một chuyện k lạ như thế, sự việc trước mắt khiến tôi rùng mình và đờ đẫn. Tâm trí tôi bỗng hỗn loạn, bối rối vô cùng tận. Tôi không thể nào giơ súng lên được và cũng không thể nào rời khỏi cặp mắt của con bò. Thế là nó và tôi cứ trân trân nhìn nhau và tôi thấy:

Trong mắt trái của con bò, phía trên mi mắt dưới, nước bắt đầu tụ lại. Lượng nước đó càng lúc càng lớn cho đến khi mi mắt của con bò không thể nào ngăn được nữa và từng dòng nước lăn dài chậm chạp xuống mặt nó. Bên mắt phải cũng vậy, nước bắt đầu đọng lại và nhỏ từng giọt, từng giọt và chảy xuống ngày càng nhiều hơn…

Con bò đang khóc!…”.

Người đồ tể này vẫn quỳ dưới chân nhà Thiền sư và anh ta bỗng òa khóc nức nở. Anh ta nói rằng sau bao nhiêu năm đâm chém có cả giết nhiều mạng người, chưa có điều gì chạm tới trái tim anh ta và khiến nó đau đớn đến mức vậy. Anh ta đã quăng cây súng điện và gào lên ầm ĩ rằng: “Nhà tù này muốn làm gì anh ta cũng được nhưng bắt buộc phải để cho con bò này được sống”!

Từ đó, anh ta ăn chay trường và “Con bò biết khóc” đã dạy cho người đàn ông bạo lực nhất biết ý nghĩa của “Sự sống”!

Vậy còn những tên “đồ tể” đang dồn ép biết bao người vào cảnh oan trái, đến bao giờ chúng biết lặng người quay đầu nhìn lại, để cảm thấy run sợ, để cảm thấy lương tâm cắn rứt khi nhìn thấy cảnh:

- Cha mẹ già của Tử tù Nguyễn Văn Chưởng với 17 năm ròng miệt mài viết hàng ngàn lá đơn, có những lá đơn thm đẫm máu và nước mắt kêu cứu cho con trong vô vọng!

- Người mẹ già của Hồ Duy Hải với thân cò héo hắt gầy mòn, đôi mắt quầng thâm đen chất chứa đau khổ, lê la kêu cầu công lý cho con trong mòn mỏi tuyệt vọng!

- Và đang có hàng trăm, hàng ngàn gia đình oan khuất khác đã tạo nên hàng đoàn Dân Oan đông nghìn nghịt với lời kêu cứu thấu trời xanh. Họ đứng trước cửa công quyền bất chấp dãi dầu mưa nắng, ăn lề đường, ngủ hè phố, van xin “ơn trên” xoi xét ở một đất nước mà khẩu hiệu tuyên truyền được dán khắp nơi: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”!

Người đồ tể ở trại tù Mỹ trong câu chuyện nói trên là người hung tợn với một quá khứ đâm chém giết người mà còn biết buông súng, quỳ xuống tạ tội khi nhìn thấy một con bò biết khóc. Khoảnh khắc nhìn thấy những giọt nước mắt của con bò, ông như được cứu vớt cả cuộc đời để nhận biết ý nghĩa của “Sự sống”!

Vậy còn những người đang nắm trong tay sinh mệnh của tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, những người quyền cao chức trọng, họ có biết:

Mọi sinh vật trong cuộc đời này đều có quyền được sống, huống chi là một con người! Nếu không oan khiên oan khuất, có lẽ Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải đã không còn sức để sống, để chờ đợi cho tới ngày hôm nay; 17 năm đã qua họ vẫn kiên cường trong ngục tối, không ngừng hy vọng tết những con Giống. Những con Giống này có thể không biết khóc nhưng thấm đẫm máu và nước mắt oan khuất của người tử tù. Chúng còn chất chứa bí mật oan khiên, không phải một mà là hàng chục con Giống đã được gửi ra ngoài với những lá thư được nhét bên trong cầu cứu trong vô vọng!

Đến bao giờ sự thật và công lý mới chiếu rọi xuống đất nước này, để những người đang cố ý lấy đi sinh mạng Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Huy Hải hiểu rằng: cứu một người là phúc đẳng hà sa, cố ý giết một người là trời không dung, đất không tha và chắc chắn họ sẽ phải trả giá, chết cũng không thể nhắm mắt!

Một con bò biết khóc mà còn được cứu, vậy 17 năm qua gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải đã khóc bao nhiêu ngàn lần mà vẫn chưa được cứu giúp? 

Vì vậy:

Tôi kêu gọi công lý cho tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải!

Đề nghị bãi bỏ án tử hình ở Việt Nam!

Còn bạn?

B.C.

Nguồn: FB Bạch Cúc

 

This entry was posted in án oan, Luật pháp Việt Nam, Luật tử hình. Bookmark the permalink.