Cù Huy Hà Vũ Ngục ký: Gặp Luật sư và Giám thị trước phiên tòa phúc thẩm (Kỳ 1)

TS Luật Cù Huy Hà Vũ

Dẫn nhập

Sáng 2/8/2023 vừa qua, khi tôi đang ngồi đọc tin ở phòng khách kiêm thư viện của căn nhà nhỏ bé của vợ chồng tôi tại Little Sài Gòn thì Dương Hà hỏi giật giọng: “Anh có biết hôm nay là ngày gì không?”. Thấy tôi ớ ra, vợ thân yêu của tôi bèn nói: “Ngày này cách đây chẵn 12 năm, anh bị xử phúc thẩm đấy. JB Nguyễn Hữu Vinh vừa bắt đầu đăng lại loạt bài “Tôi đi dự phiên tòa phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ” trên FB của cậu ấy. Người ta còn nhớ tới “sự kiện” của anh, còn anh thì không nhớ. “Rõ chán!”, nàng bồi thêm. Quả thực, ngày đó tôi bị Tòa phúc thẩm – Tòa án tối cao của Việt Nam y án sơ thẩm, kết án 7 năm tù và 3 năm quản chế về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Nhưng giời ạ, thiên hạ còn bao chuyện oan khuất phải nói ra thì thời gian đâu mà nghĩ đến chuyện cũ của mình, vả lại nó cũng qua lâu rồi. Nghĩ vậy, nhưng chợt nhớ bà xã có gốc “Hà Đông” nên tôi nhanh chóng dàn hòa: “Những ngày vừa qua anh mải viết bài về vụ hàm oan Hoàng Văn Hưng trong đại án “chuyến bay giải cứu” nên quên khuấy đi mất. Bây giờ thì anh viết cái gì đó về cái ngày đó vậy, được chưa nào?”. Dương Hà gợi ý: “Nhân đây, anh cũng nên lên kế hoạch viết về những năm tháng anh bị tù đày đi. Để cho các con, các cháu nó còn biết!”. Ngẫm thấy vợ nói chí phải. Mình chẳng có của nả thì cũng phải để lại chút gì gọi là “phi vật thể” cho chúng nó chứ! Vả lại, các vĩ nhân còn chả nề hà viết về quãng đời của họ trong lao tù, còn mình chưa là cái gì thì sao mà sĩ diện được. Thực ra thì kể từ khi bị đưa đi thi hành án tại Trại giam số 5 ở Thanh Hóa, hầu như ngày nào tôi cũng viết nhật ký trên vở khổ to, tổng cộng ước trên 2000 trang. Thế nhưng khi tôi bị dẫn giải ra sân bay Nội Bài để bay sang Mỹ theo lời mời của Chính phủ Mỹ, toàn bộ đồ đạc cá nhân của tôi, trong đó có gần hai chục tập nhật ký, đã bị trại giam giữ lại. Nói cho đúng, tôi cũng đã đòi lại được mấy album ảnh của cháu đích tôn Cù Huy Xuân Hoàng để mang theo. 

TS Luật Cù Huy Hà Vũ tại phiên tòa phúc thẩm – Tòa án nhân dân tối cao, Hà Nội 2/8/2011. Ảnh: TTXVN

Khi hứa viết hồi ký với vợ thì tưởng như có thể “ăn tươi, nuốt sống”, cho ra sản phẩm ngay được. Đến khi bắt tay vào việc thì mới tá hỏa là phải giải quyết chí ít hai vấn đề sau đây thì dự án mới có thể khởi hành.

Thứ nhất, để những hồi tưởng về thời gian sống bất đắc dĩ nhưng đầy ý nghĩa ấy có được sự xuyên suốt, thì phải tìm cho chúng một cái tên chung, dù là tạm thời. “Ngục trung chuyện” hay “Những mẩu chuyện của thời đi tù”? Không được, thể nào cũng có kẻ nói là mình “bắt chước” mà không phải là “noi gương” lãnh tụ Hồ Chí Minh. “Hành trình đến tự do” ư? Không được nốt. Nelson Madela, người mà tôi cũng rất ngưỡng mộ, sẽ cười mà bảo: “Cái tên đó thuộc tác quyền của ta rồi”, Rốt cuộc lấy “Ngục ký” cho chắc ăn, bởi tra “ông” Google thì chưa thấy tác phẩm nào có tên thế cả. Cho dù nghe nó cứ cụt lủn thế nào ấy!

Thứ hai, lựa chọn sự kiện để bắt đầu hồi ký. Sẽ là hợp lý nếu bắt đầu bằng việc nhà cầm quyền bắt giữ tôi. Thế nhưng, như trên đã nói, tôi đã hứa với bà xã là trước tiên viết cái gì đó xoay quanh phiên tòa phúc thẩm. Vả lại, nếu bắt đầu bằng cái bắt đầu thì về nguyên tắc, các mẩu hồi ức đã phải sẵn sàng. Bởi chỉ có vậy thì trật tự về thời gian của các sự kiện mới được đảm bảo. Nhưng để được như thế thì phải rất lâu nữa những câu chuyện trong tù của tôi mới có thể đến với bạn đọc trong khi không ít người mong ngóng. Vậy để được việc, tôi sẽ áp dụng nguyên tắc “nhớ gì ghi nấy” cho “Ngục ký”.  

Sau đây là những gì đã xảy ra hôm trước và trong ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm, cái ngày mà tôi, Cù Huy Hà Vũ, chính thức trở thành tù nhân của chế độ cộng sản Việt Nam.

Luật sư Trần Quốc Thuận

Hôm trước phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày 2/8/2011, tại Tòa án tối cao, Luật sư Trần Quốc Thuận vào Trại tạm giam số 1  Công an Hà Nội để bàn việc bào chữa với tôi. Đó là một con người có nhân thân đặc biệt. Ông đã là Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nhưng trước hết,  một tù chính trị. 

Hoạt động bí mật trong Phong trào Thanh niên  Sinh viên  Học sinh ở miền Nam trước 1975, ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam và kết án tử hình, sau giảm xuống tù có thời hạn và đem giam ở Côn Đảo. Vợ ông là bà Võ Thị Thắng, có nhân thân đặc biệt không kém. Bà cũng bị chính quyền miền Nam đày ra “địa ngục trần gian” với bản án 20 năm tù. Trước tòa án binh Sài Gòn sau Tết Mậu Thân 1968, nữ sinh họ Võ đã đi vào lịch sử với một nụ cười cùng một câu nói phải gọi là bất hủ: “Liệu chính quyền các ông có tồn tại đến 20 năm để cầm tù tôi không?”.

Sự ngưỡng mộ đã dẫn dắt tôi tới thăm “Nụ cười Chiến Thắng” tại nhà riêng của vợ chồng bà ở thành phố Hồ Chí Minh. Dung dị, Võ Thị Thắng ân cần tiếp tôi và trải lòng nhiều điều… Đúng là “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay” (Nguyễn Du). Tôi sẽ trở lại những uẩn khúc này của cựu Ủy viên trung ương Đảng CSVN, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, và có lẽ cũng của không ít cựu tù chính trị xuất thân học sinh, sinh viên miền Nam một thời hừng hực tranh đấu…

Luật sư Thuận và tôi quen nhau cũng khá tình cờ. Ngày 11/6/2009, tôi khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng do ra quyết định cho phép Trung Quốc khai thác Bauxite ở Tây nguyên, một quyết định vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Cụ thể là vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ di sản văn hóa, Luật Quốc phòng, và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điều tệ hại bao trùm của quyết định này là “rước” Trung Quốc với dã tâm xâm lược không dấu diếm vào Tây Nguyên, vùng đất chiến lược quan trọng bậc nhất không chỉ của Việt Nam mà của toàn bán đảo Đông Dương khi xét đến Việt Nam, Lào và Campuchia như một liên kết địa  chính trị. Chả thế, người Pháp đã có câu “Ai làm chủ Tây Nguyên sẽ làm chủ cả Đông Dương”.

Đang cùng bạn bè rôm rả về triển vọng vụ kiện, bỗng điện thoại di động của tôi đổ chuông. Đầu bên kia là một giọng miền Nam: “Anh Vũ à, tôi là Trần Quốc Thuận, cựu tù chính trị Côn Đảo. Tôi rất hoan nghênh anh kiện Thủ tướng Dũng”. Hỏi ra mới biết danh vị Nhà nước của ông cũng như biết được vợ ông là Võ Thị Thắng. Ông hiện là luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh. Tôi liền nói: “Anh cứ gọi em là em thôi. Anh chị là những bậc anh hùng mà em rất ngưỡng mộ”. Chuyện trò được một lúc, Luật sư Thuận kết thúc: “Tôi và bạn bè của tôi, đặc biệt những cựu tù chính trị Côn Đảo, rất ủng hộ vụ kiện này của Vũ và chúc Vũ thắng kiện”. Sau đó, thỉnh thoảng ông gọi điện và tâm huyết trao đổi về vụ kiện Thủ tướng Dũng cũng như một số vấn đề gây bức xúc lớn trong xã hội. Tóm lại là Trần Quốc Thuận và tôi tâm đắc với nhau dù chưa một lần gặp mặt. “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” là vậy!

Trước phiên tòa sơ thẩm ngày 4/4/2011 diễn ra tại Tòa án Hà Nội, có 3 luật sư của Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ nhận bào chữa cho tôi là Nguyễn Thị Dương Hà, Trưởng Văn phòng, Vương Thị Thanh và Hà Huy Sơn. Ngoài ra còn có các luật sư Trần Đình Triển và Trần Vũ Hải. Tất cả đều bào chữa miễn phí. Tuy nhiên sau đó Tòa án Hà Nội đã rút giấy phép bào chữa của vợ tôi với lý do “làm lộ bí mật vụ án”. Đây thực sự là một sự đàn áp khốc liệt từ cơ quan tiến hành xét xử vì việc Luật sư Dương Hà cung cấp cho báo chí các lời khai và tuyên bố của bị cáo Cù Huy Hà Vũ là hoàn toàn hợp pháp, bởi giai đoạn điều tra đã kết thúc. Vấn đề là phải bình tĩnh để chuẩn bị tốt nhất cho phiên tòa phúc thẩm. Ngoài 4 luật sư đã tham gia phiên tòa sơ thẩm, tôi nói Dương Hà mời thêm Luật sư Trần Quốc Thuận. Khi vào thăm tôi lần sau, vợ tôi hân hoan thông báo là Luật sư Thuận đã ngay lập tức nhận lời bào chữa và miễn phí. Ông còn hối gửi nhanh hồ sơ vụ án để ông đọc.

Luật sư Trần Quốc Thuận. Ảnh: BBC News Tiếng Việt

Gần cổng trại giam là một dãy nhà 2 tầng có chức năng hỗn hợp: vừa là nơi lấy cung, vừa là nơi tù nhân làm việc với luật sư và cũng là nơi gặp gia đình đến thăm. Khi tôi vừa được dẫn giải tới thì một người đàn ông vẻ mặt đôn hậu, dáng cao, người đậm, mặc sơ mi trắng cộc, tay xách cặp xuất hiện cùng một cảnh sát. Ông hóm hỉnh nhìn tôi. Luật sư Thuận đây rồi! Anh hùng thời chiến tranh mà tôi ngưỡng mộ đây rồi! Tôi tiến tới ôm ông thật chặt, như thể người thân lâu ngày gặp nhau. Viên cảnh sát đi kèm nói chúng tôi có một tiếng để làm việc.

Khi hai người đã ngồi vào bàn trong một căn phòng trên tầng 2, tôi hỏi ngay vị luật sư của tôi về kế hoạch bào chữa thì ông đưa cho tôi một túi ni lông đựng hai cái bánh giò gói lá chuối và một khoanh giò lụa và nói: “Vợ Vũ, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, nhờ tôi chuyển cho Vũ đó. Ăn đi rồi nói chuyện”. Ôi! vợ tôi sao mà tâm lý! Đây là một trong những món khoái khẩu của tôi, ngoài phở. Tôi đưa tay đón lấy, cảm ơn ông rồi bóc hai bánh giò ra ăn, còn khoanh giò lụa thì tôi vẫn để trong túi để chốc nữa làm quà cho Tuấn và Tuấn Anh là phạm nhân cùng buồng giam. Bánh vẫn còn nóng, ngạt ngào thơm. Nhân thịt nạc vai mộc nhĩ mờ ảo hiện dưới lớp bột trong veo… Ăn thì phải thật chậm rãi, để miếng bánh từ từ tan trong miệng thì mới thấm hết được cái hương vị của đặc sản Kẻ Chợ ngày xưa… Nhưng giờ là không phải lúc. Tôi nhanh chóng kết thúc những tấm bánh nghĩa tình vì thời gian với luật sư trước phiên phúc thẩm là vô cùng quý, có thể đếm bằng giây!   

Hỏi thăm sức khỏe và tình trạng trong tù của tôi xong, Luật sư Thuận thông báo tình hình bên ngoài sau phiên tòa sơ thẩm xử tôi. Ông nói: “Đã có cả một phong trào đấu tranh đòi trả tự do cho Vũ, từ trong nước ra ngoài nước, từ các tổ chức xã hội dân sự cho đến các chính phủ Hoa Kỳ và Liên Âu. Mọi người bây giờ xuống đường nhiều lắm, khí thế lắm. Vừa rồi, công an đạp cả vào mặt một người biểu tình nhưng cũng không làm ai chùn bước”. Ngừng một lát, ông nói: “Có 3 khả năng cho phiên phúc thẩm ngày mai. Một là y án sơ thẩm 7 năm tù; Hai là giảm nửa án, còn 3-4 năm tù; Ba là trả tự do ngay tại tòa”. Tôi cười: “Anh Thuận ơi! Anh em mình quá biết chính quyền này mà. Không có chuyện Tòa tối cao giảm án hay trả tự do cho em đâu! Đây là án bỏ túi, đã được quyết định trước rồi! Về phần anh và các luật sư khác, em chỉ cần mọi người bảo vệ em hết mình, trên cơ sở lương tâm nghề nghiệp và công lý mà thôi”.

Những việc em làm là chính nghĩa  tôi mạnh mẽ. Em không ngán bất cứ mức án nào. Đến cái chết em còn coi nhẹ như lông hồng. Anh và chị Thắng là những tấm gương cho em đó thôi! Chỉ có điều em sẽ không tuyên bố như chị Thắng, “Liệu chính quyền các ông có tồn tại đến 20 năm để cầm tù tôi không?”. Chị thách thức như vậy là vì tình thế chính trị lúc đó là một mất một còn, chứ bây giờ đất nước thống nhất rồi, đâu còn chính quyền đối địch để mà tiêu diệt. Ngược lại là đằng khác, em chỉ muốn chính quyền Việt Nam ngày càng vững mạnh để có thể bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, mang lại hạnh phúc và thịnh vượng cho mọi người dân và đặc biệt, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trước xâm lược Trung Quốc. Luật sư Thuận gật đầu. 

Thế nhưng để Việt Nam có thể vững mạnh – tôi tiếp tục – thì đất nước nhất thiết phải có Dân chủ, Nhân quyền và Nhà nước pháp quyền. Mọi việc em làm đều nhằm mục tiêu đó. Luật sư Thuận lại gật đầu, nói: “Vũ yên tâm, đó cũng là mục tiêu của tôi và các luật sư khác. Mọi người sẽ làm hết sức mình để bảo vệ Vũ trong phiên tòa ngày mai”.

Một cảnh sát vào nhắc đã hết giờ. Trước khi chia tay để gặp lại nhau vào sáng hôm sau tại phòng xử án lớn của Tòa án tối cao, Luật sư Thuận chủ động bước tới và xiết chặt tôi trong vòng tay của ông. Có thể ông được tôi thuyết phục rằng sau ngày mai, sẽ còn rất lâu nữa chúng tôi mới có cuộc trùng phùng. Còn với tôi, cái ôm mạnh mẽ của cựu tử tù chính trị như thầm bảo: Không đàn áp nào ngăn nổi bước ta đi!

(Còn tiếp)  

Garden Grove, California, Hoa Kỳ, 3/8/2023

C.H.H.V.

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống cùng phu nhân, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, tại California, Hoa Kỳ. (Tác giả ghi)

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in cù huy hà vũ, Luật pháp Việt Nam, tù nhân lương tâm. Bookmark the permalink.