Vô tội và Ân xá

Thái Hạo

1. Vô tội

“Tôi không khẳng định rằng Nguyễn Văn Chưởng vô tội, tuy nhiên do còn những vấn đề ABC nên tôi cho rằng cần hoãn thi hành án tử…”. Đó là cách nói mà tôi đã gặp không ít trên nhiều trang FB mấy ngày qua. Nhưng thấy nó không ổn.

Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.

“Có tội” hay “vô tội”, đó là các thuật ngữ pháp lý chứ không phải cảm quan cá nhân; muốn khẳng định/kết luận một người là có tội hay không là phải dựa vào định nghĩa trên.

Nghĩa là, nếu giả sử trong thực tế, có một người đã ăn cắp tài sản của người khác, nhưng nếu các cơ quan tiến hành tố tụng chưa chứng minh được một cách thuyết phục thì người ấy nghiễm nhiên vô tội. Cho đến khi, sau 5 năm chẳng hạn, người ta tìm được chứng cớ đầy đủ và tiến hành truy tố, xét xử đúng trình tự pháp luật, một bản án được ban ra, thì người đó mới bị coi là có tội.

Giả sử sau một năm nữa, các cơ quan tố tụng đã “chứng minh theo trình tự, thủ tục” được rằng Nguyễn Văn Chưởng giết người, thì khi đó Chưởng mới bị coi là có tội. Còn bây giờ, với một bản án còn đầy mâu thuẫn, khuất tất, vi phạm nghiêm trọng trình tự tố tụng, chưa xem xét đầy đủ và khách quan chứng cớ buộc tội, thì phải khẳng định rằng Chưởng vô tội, và đây là một vụ án oan (đến thời điểm này). Xin xem chi tiết ở bài phỏng vấn Luật sư Lê Văn Hòa trên báo Dân Việt.

2. Ân xá

Ân xá/ân giảm là [quyết định của cơ quan quyền lực nhà nước tối cao hoặc nguyên thủ quốc gia] miễn hoặc giảm hình phạt PHẠM NHÂN đã có biểu hiện hối cải nhân dịp lễ lớn” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê). Luật Đặc xá 2018 cũng có định nghĩa tương tự.

Như vậy, chỉ gọi là ân xá/ân giảm/đặc xá đối với phạm nhân, tức người đã có tội (theo định nghĩa ở phần 1). Với người bị nhận một bản án còn đầy mâu thuẫn, khuất tất, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trình tự tố tụng, chưa xem xét đầy đủ và khách quan chứng cớ buộc tội, thì yêu cầu đúng đắn là điều tra lại, xét xử lại, chứ không phải xin ân xá. Mà theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 thì thẩm quyền này thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC kiến nghị, Chánh án TANDTC đề nghị. Khi có các yêu cầu, kiến nghị, đề nghị này thì bắt buộc Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định trước đó.

Tôi hiểu rằng, chúng ta, ai cũng vì thương và lo đến đứt ruột mà đang ngày đêm cầu mong cho Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải và tất cả những người đã bị kết án nhưng có dấu hiệu oan sai sẽ được sống; tuy nhiên, tốt nhất vẫn là nên thực hiện trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”, chứ không phải xin xỏ.

Tôi lại nhớ cô giáo Lê Thị Dung, khi được đề nghị, “nhận đi, rồi sẽ được về”. Cô đã dứt khoát từ chối, thà chết trong tù chứ không đánh mất sự tôn nghiêm.

Lúc này, nếu Nguyễn Văn Chưởng được “ân xá” mà trở về, chắc tôi cũng như mọi người, sẽ vui mừng đến vỡ òa. Nhưng lẩn khuất đâu đó trong nội tâm mình, vẫn sẽ luôn day dứt một nỗi bẽ bàng khôn tả, vì sự sống thiêng liêng cao quý của con người đã được ban phát một cách tội nghiệp.

Luật đã có, dấu hiệu oan sai thì quá nhiều, vậy lúc này, Chủ tịch nước bằng quyền hạn của mình, hãy ký quyết định hoãn thi hành án; và sau đó các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ cần căn cứ từ Điều 404 đến 412 (Chương XXVII) Bộ luật tố tụng hình sự 2015, là có thể cứu được các tử tù đang có nguy cơ chết oan.

Việc làm cần thiết và đúng đắn này, vừa giúp thể hiện được tinh thần thượng tôn pháp luật, vừa giữ được sự tôn nghiêm cho tất cả.

Đơn kêu oan cho con là tử tù Nguyễn Văn Chưởng được viết bằng máu của ông Nguyễn Trường Chinh.

T.H.

Thứ Ba, 8 tháng 8 2023

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in án oan, luật pháp, Thái Hạo, Vụ án Nguyễn Văn Chưởng, Xử án. Bookmark the permalink.