Thách thức nợ xấu ngày càng gia tăng

Triệu Minh

Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính sách cơ cấu nợ theo kiểu “cây gậy và củ cà rốt”. Khách hàng được giãn nợ, không chuyển sang nợ xấu, trong khi ngân hàng thương mại thì phải trích lập dự phòng rủi ro và không được hạch toán thu nhập. Thực tế này dẫn đến rất nhiều ngân hàng không mặn mà với việc hỗ trợ cơ cấu nợ cho khách hàng. Nợ xấu vì vậy sẽ dâng lên cao là tất nhiên. Chính sách hỗ trợ phải đồng bộ từ hai phía, khi đó mới có tác dụng.

Hoàng Lân

(KTSG) – Dù chính sách tái cơ cấu nợ mới của Ngân hàng Nhà nước đã được triển khai từ tháng 4-2023, nhưng nợ xấu của nhiều ngân hàng tiếp tục tăng trong quý 2-2023, cho thấy những thách thức mà nền kinh tế và hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt. Vậy nợ xấu khi nào mới đạt đỉnh?

Tái cơ cấu nợ và nợ xấu

Tại Hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm của ngành ngân hàng diễn ra vào giữa tháng 7-2023, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sau khi áp dụng Thông tư 02/2023/TT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 24-4-2023), tính đến cuối tháng 6-2023, đã có trên 18.800 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; tổng dư nợ (gốc, lãi) được cơ cấu giữ nguyên nhóm gần 62.500 t đồng.

Dù vậy, báo cáo tài chính quý 2 của một loạt ngân hàng công bố gần đây vẫn cho thấy nợ xấu tiếp tục tăng. Tuy đây là điều đã được dự báo trước, nhưng kết quả thực tiễn vẫn gây ra những lo lắng nhất định.

Như tại MSB, tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,71% đầu năm lên 2,56%, trong khi nợ xấu tuyệt đối cũng tăng 69% lên 3.496 t đồng. Còn tại TPBank, nợ xấu tăng mạnh gần gấp 3 lần so với đầu năm, lên 3.912 t đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu cũng tăng mạnh từ mức 0,84% lên 2,21%.

Tương tự, nợ xấu tại Eximbank cũng tăng 54% so với đầu năm, lên 3.625 t đồng, đẩy tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ mức 1,8% lên 2,75%. Tỷ lệ nợ xấu của VietA Bank tăng từ mức 1,53% đầu năm lên 2,49%, với số nợ xấu tuyệt đối tăng 73% lên 1.660 t đồng. Tỷ lệ nợ xấu tại NamA Bank tăng lên mức 2,7%…

Trong khi đó, nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại gốc quốc doanh là BIDV, VietinBank và Vietcombank cũng không thoát khỏi xu hướng chung, dù mức tăng có nhẹ hơn.

Đáng lưu ý, một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu vượt mốc 3%. Tỷ lệ nợ xấu của BaoViet Bank tăng từ mức 3,34% đầu năm lên 4,69%, còn ABBank tăng từ mức 2,89% lên 4,55%. Tại VPBank, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng mẹ tăng từ mức 2,8% đầu năm lên 3,87%, trong khi OCB tăng lên 3,18% từ mức 2,23% đầu năm.

Có thể thấy dù chính sách cơ cấu nợ đã được nhà điều hành triển khai quyết liệt, nhưng dường như vẫn chưa đủ để ngăn chặn xu hướng nợ xấu tăng tốc tại nhiều ngân hàng. Về phía các ngân hàng, nếu đánh giá doanh nghiệp không có khả năng phục hồi, có lẽ ngân hàng cũng không thể thực hiện cơ cấu nợ, mà chấp nhận chuyển nhóm nợ xấu theo đúng quy định.

Vì dù có cơ cấu nợ hay không, các ngân hàng vẫn phải đánh giá, phân loại và trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng, mà theo quy định của Thông tư 02 là phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024.

Các chuyên gia cho rằng rủi ro của việc cơ cấu nợ là khó khăn của doanh nghiệp sẽ đổ dồn về phía ngân hàng, vì vậy chính sách cơ cấu nợ được các ngân hàng xem xét rất kỹ. Ngoài ra, mục đích cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ là nhằm kéo dài thời gian vay và trả nợ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các nguồn vốn để phục hồi sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, khách hàng nào đã dính đến cơ cấu nợ là ngân hàng không dám giải ngân thêm hợp đồng mới. Vì vậy, lúc này việc cơ cấu nợ cũng ít nhiều mất đi ý nghĩa.

Bên cạnh đó, các khoản vay của những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được cơ cấu theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN, cũng đã hết hạn cơ cấu trong những ngày cuối tháng 6 vừa qua. Cụ thể, Thông tư 14 ban hành vào tháng 9-2021 quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 30-6-2022, với thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng cơ cấu lại.

Như vậy, trong khi chính sách cơ cấu nợ theo các quy định cũ đã hết thời hạn, việc cơ cấu nợ theo chính sách mới đang được thực hiện dè chừng, còn bối cảnh nền kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, nợ xấu của hệ thống theo xu hướng tiếp tục tăng là điều có thể hiểu được.

Vẫn chưa đạt đỉnh?

Dù đã tăng mạnh trong nửa đầu năm nay, nhưng theo giới chuyên gia, hiện chưa phải mức đỉnh của nợ xấu bởi nhiều khoản nợ vẫn còn được cơ cấu theo Thông tư 02. Tới khi Thông tư 02 hết hiệu lực, những khoản nợ này sẽ chuyển nhóm, khiến con số nợ xấu thực tế gia tăng mạnh hơn nữa trong năm 2024.

Việc cơ cấu nợ theo quy định mới có lẽ sẽ phải được thực hiện rốt ráo hơn trong thời gian tới, nếu không muốn dòng vốn lại bị tắc nghẽn và các rủi ro của hệ thống gia tăng quá nhanh, trước những khó khăn của nền kinh tế hiện nay. Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê (TCTK), riêng trong tháng 7 vừa qua, có 6.884 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 34,9% so với tháng trước và tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, đã có 113.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động của các doanh nghiệp bị thu hẹp cũng tác động tiêu cực lên thị trường lao động, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng các khoản vay của khách hàng cá nhân tại ngân hàng. Số liệu cho thấy số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1-7-2023 giảm 3,9% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó giảm mạnh nhất là ở nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 4,4%).

Cũng theo khảo sát của TCTK, các nguyên nhân chính làm cho thu nhập giảm được các hộ gia đình đánh giá là: 39,5% hộ gia đình có thành viên mất việc làm/tạm nghỉ việc; 23,9% hộ đánh giá do chi phí đầu vào cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh của hộ tăng và 22,3% hộ đánh giá do giá bán các sản phẩm từ các hoạt động sản xuất - kinh doanh của hộ giảm.

Rõ ràng với thu nhập bị giảm sút, cộng thêm thị trường bất động sản sụt giảm, các khoản vay của hộ gia đình hay khách hàng cá nhân bị trễ hạn thanh toán và có nguy cơ chuyển thành nợ xấu là điều tất yếu. Việc thị trường bất động sản đóng băng cũng ảnh hưởng lên hoạt động xử lý, thu hồi nợ xấu của các ngân hàng, khiến nợ xấu cũ xử lý chậm, chưa xong nhưng đã phải đối mặt với nợ xấu mới.

Cần lưu ý là trong quý 2 vừa qua cũng chứng kiến các ngân hàng nói chung và một số công ty tài chính tiêu dùng tiếp tục chuyển nhóm nợ trên hệ thống thông tin tín dụng của NHNN-Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), góp phần khiến nợ xấu tại nhiều ngân hàng tăng vọt do phải ghi nhận nhóm nợ của khách hàng đang vay theo nhóm nợ cao nhất của khách hàng này thể hiện trên CIC.

Như Eximbank giải thích, nợ xấu tăng do khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến dư nợ cho vay chuyển sang nhóm nợ cao hơn, trong đó có một phần từ việc chuyển nhóm nợ trên CIC từ các tổ chức tín dụng khác.

Hay như Techcombank cho biết, nợ xấu tăng nhẹ chủ yếu từ nhóm khách hàng bán lẻ do tăng trưởng dư nợ cho vay không thế chấp của ngân hàng và kinh tế tăng trưởng chậm lại cùng khó khăn của ngành bất động sản. Đồng thời, tác động từ phân loại lại nợ theo CIC, chủ yếu liên quan đến dư nợ vay mua nhà tại các ngân hàng khác cũng khiến nợ xấu tại ngân hàng này nhích tăng.

Yếu tố lãi suất tăng mạnh cũng có những tác động nhất định lên rủi ro nợ xấu của các ngân hàng. Như tại ACB, tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 2,12% đầu năm lên 2,3%, mà theo đánh giá của ngân hàng là do mặt bằng lãi suất tăng cao từ cuối năm 2022, gây áp lực lên khả năng trả nợ của khách hàng, đã góp phần làm tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng tăng cao.

Trong khi đó, việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trễ hạn thanh toán trong nửa đầu năm nay cũng là yếu tố khiến các khoản cho vay của một số ngân hàng bị chuyển nhóm theo, và xu hướng này có thể sẽ chưa dừng lại.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán VCBS nhận định chất lượng tài sản ngân hàng có xu hướng đi xuống, song tỷ lệ nợ xấu nội bảng và mức trích lập dự phòng dự kiến chưa tăng đột biến trong năm 2023 nhờ chính sách hỗ trợ gia hạn trái phiếu doanh nghiệp tái cơ cấu các khoản vay. Song hoạt động xử lý nợ xấu tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng, trong khi bất động sản là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay.

T.M.

Nguồn: Thesaigontimes.vn

 

 

This entry was posted in Nợ xấu, Tài chính ngân hàng. Bookmark the permalink.