Chu Hồng Quý
Việc anh cảnh sát giao thông dẫn cụ bà qua đường có thể chấp nhận được, vì anh ta chỉ tranh thủ chút ít thời gian trong lúc làm việc. Còn việc bỏ vị trí làm việc để chở học sinh đi thi hay cả đơn vị công an bỏ nhiệm vụ, mặc cảnh phục chỉnh tề lội ruộng gặt lúa giúp dân chạy lụt – đó là tội chứ không phải công, là đáng lên án chứ không phải cần khen ngợi. Chở thí sinh đi thi mà xe máy chạy thộc vào trường thi hay dùng cả xe đặc chủng thì họ chẳng coi pháp luật và Quy chế trường thi ra tí cỏ rác nào nữa.
Nhưng, đó không phải là tội của ngành Công an. Mà là tội của các lãnh đạo cấp cao đã đầu têu làm gương, bày đường cho chuột chạy. Nếu Ủy viên BCT không đi giày da vớt bèo, Bộ trưởng Y tế không đi bắt bọ gậy thì làm gì có ai bắt chước.
Nhưng các lãnh đạo cấp cao rảnh háng làm chuyện ruồi bu cũng không phải lỗi của họ, mà là lỗi ở nhận thức của cả trăm triệu dân.
Chừng nào dân chúng còn hoan nghênh những việc làm nhảm nhí kia, coi đó là việc tốt, thể hiện "đạo đức cách mạng" của những công chức / lãnh đạo mẫn cán thì họ còn tiếp tục làm nữa, để mong được lên tivi nêu gương "người tốt, việc tốt". Giống như một đứa trẻ làm trò gì đó mà thấy người lớn vỗ tay cổ vũ thì em lại làm nhiệt tình hơn.
Ngân sách nhà nước bỏ ra nuôi lãnh đạo và công chức không phải để làm những việc mà ai cũng có thể làm được. Tiền lương dân trả cho công chức phù hợp với công sức của từng chức danh cụ thể. Nhận lương Ủy viên BCT và hưởng bổng lộc trọn đời không phải để làm việc vớt bèo. Ngân sách cũng không trả lương cho sỹ quan công an đi làm xe ôm.
Luật pháp quy định chức năng nhiệm vụ cụ thể cho công chức. Trách nhiệm của họ là hoàn thành tốt bổn phận của mình, đừng có "việc nhà thì nhác mà việc chú bác thì siêng".
Dùng một bộ trưởng cho việc bắt bọ gậy là lấy dao phay mổ trâu đi cắt tiết gà, lãng phí nguồn lực quốc gia. Nếu ai cũng làm đúng và tập trung làm tốt chức phận của mình thì xã hội mới phát triển. Đó mới là một xã hội lành mạnh. Trong một gia đình mà để mẹ đi cày, bố ở nhà cho con bú thì gia đình ấy sẽ sống thế nào?
Công sức của những lần như 30 phút bắt bọ gậy của cô Bộ trưởng Y tế kia để quay phim chụp ảnh có thể dành để ra các quyết sách cho ngành Y tế thì ngành Y đã không bê bết như hôm nay.
Anh cảnh sát giao thông nếu làm tốt nhiệm vụ của mình để giao thông thông thoáng thì em học sinh đã không bị chậm giờ tới trường thi do tắc đường. Còn, nếu các em lười nhác ngủ muộn đến mức chậm giờ thi thì đó là trách nhiệm của các em. Các em phải có ý thức trách nhiệm với chính cuộc đời mình. Việc giúp đỡ các em trong hoàn cảnh này là phản giáo dục. Mai kia, đất nước sẽ ra sao nếu trong xã hội toàn những người lao động lười nhác, vô trách nhiệm như những em học sinh ấy?
Công việc gặt lúa chạy lụt là khẩn cấp. Nhưng lực lượng lao động xã hội còn nhiều, chưa đến mức "cả nước đánh giặc, toàn dân là lính". Thu hoạch vài đám ruộng, liệu có đủ chi phí cho việc tổ chức rình rang đi gặt? Cũng như 300 em thanh niên tình nguyện áo xanh đi nhổ cải bắp giúp dân cả ngày, giẫm nát ruộng, giập bét rau để cuối ngày thu được tiền bán rau 160.000 đồng thì có đáng?
Mới đây, 3 anh công an bắn trộm dê rồi đổ cho nhầm lẫn. Cả xã hội ồn ào lên án, đồng loạt kết tội các anh đã ăn trộm còn bịp bợm man trá, dê không thể nhầm thành chim, dê nuôi không thể nhầm thành dê rừng, nhầm kiểu gì mà nhầm những 3 lần.
Hiếm ai trong những người kết tội 3 anh công an kia ý thức được rằng, sử dụng súng tự chế cũng là một tội lớn. Súng tự chế mà có thể bắn chết những con dê to hàng chục kg thì cũng có thể gây nguy hiểm cho người.
Là những người làm việc trong cơ quan bảo vệ pháp luật, có hiểu biết về luật pháp và có trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự mà lại đi ăn trộm, gây mất an ninh xã hội, còn phạm tội có tổ chức. Như thế đã là tội nặng rồi. Nhưng, theo quy định của pháp luật thì tội tàng trữ, sử dụng vũ khí sát thương và tội săn bắn động vật hoang dã còn nặng hơn tội ăn trộm dê của dân, thế mà chẳng mấy ai để ý.
Dù cho bắn dê rừng hay chim chóc thì cũng là tội. Luật pháp đã cấm sử dụng vũ khí tự chế gây sát thương, luật pháp cũng có quy định về việc bảo vệ động vật hoang dã. Nhưng phần đông dân chúng vẫn chưa coi những hành vi đó là vi phạm pháp luật.
Một xã hội mà phần đông dân chúng chưa có ý thức pháp luật thì đó chưa phải là xã hội của loài người văn minh.
Còn tại sao phần đông dân chúng không có ý thức pháp luật thì đó là nguyên nhân ở cấu trúc xã hội. Một xã hội được vận hành theo cách thức nào thì nó biểu hiện ra như thế qua nhận thức và hành vi của từng cá nhân trong xã hội đó.
C.H.Q.
Nguồn: FB Chu Hồng Quý