Việt Nam – Nhật Bản đồng minh tự nhiên

Lưu Trọng Văn

Bản gốc tiếng Nhật của cuốn sách có tên là Hiểu Việt Nam sẽ biết được nguy cơ của Nhật Bản (ý nói hiểu lịch sử quan hệ Việt Nam – Trung Quốc sẽ thấy nguy cơ mà Nhật Bản trực diện ngày nay). Khi hiệu đính bản dịch tiếng Việt và viết Lời giới thiệu tôi đã đề nghị sửa lại đề sách như trên và tác giả đã đồng ý.

Tran Van Tho

Đó là tựa đề cuốn sách của Umeda Kunio, nhà ngoại giao chiến lược hàng đầu của Nhật, cựu Đại sứ Nhật tại Việt Nam do NXB Omega+ phát hành.

clip_image002

Cựu Đại sứ Umeda Kunio bằng nguồn tư liệu lịch sử, bí sử và trải nghiệm của mình đã làm một việc chưa từng có trong quan hệ Nhật – Việt là chứng minh hai Dân tộc là Đồng minh tự nhiên đến đương nhiên của nhau mà không cần bất cứ hiệp định đối tác nào.

Ở đây không chỉ có các lý lẽ mà trùm lên tất cả đó là tình cảm, tình yêu, cảm xúc của người Nhật đối với người Việt và ngược lại. Hai Dân tộc chỉ có thể là đồng minh tự nhiên khi và chỉ khi có những đồng điệu ngôn ngữ, văn hoá, lối sống hài hoà với thiên nhiên, có cùng cảnh ngộ về mối lo chung về an ninh, về kẻ thù chung và giấc mơ cộng đồng phát triển tương hỗ chung.

Sẽ rất bất ngờ khi Umeda Kunio đưa ra minh chứng rất nhiều từ Nhật – Việt đồng âm, đồng nghĩa với nhau, rất nhiều sự giúp đỡ nhau trong lịch sử cùng những nguy cơ chung về an ninh biển đảo trước bành trướng của Trung Quốc.

Nhật hoàng cùng các đời lãnh đạo Chính phủ Nhật nhận thức rõ và luôn coi VN là quốc gia tin cậy nhất của mình ở châu Á. Thông điệp này hàng chục năm nay luôn được gửi đến các nhà lãnh đạo VN và rất may mắn đã được các nhà lãnh đạo VN chân thành đón nhận và đáp ứng tương xứng.

Đọc hồi ký Chuyện của chúng tôi của Bộ trưởng KHĐT Võ Hồng Phúc cũng rất rõ sự thật này.

Nhật trở thành một đất nước văn minh và hùng mạnh ngoài ý chí tự cường còn nhờ sự khiêm nhường và lòng biết ơn.

Trong cuốn sách Nhật Bản – Việt Nam là đồng minh tự nhiên của mình, cựu Đại sứ Umeda Kunio đã đưa ra sáu điều mà người Nhật mang ơn người Việt Nam:

1. Thế kỷ 13, Nhật đã tránh được cuộc tấn công xâm lược thảm khốc của quân Nguyên Mông do Trần Hưng Đạo đã lần thứ ba đánh tan quân Nguyên Mông, dẫn đến chúng không còn đủ lực tấn công Nhật.

2. Năm 1905 chiến tranh Nga – Nhật, khi hạm đội Bantic với 40 tàu của Nga hoàng ghé cảng Cam Ranh, trước khi tấn công Nhật, những người Việt ủng hộ Nhật đã cho bùn vào dầu hoả nhiên liệu của hạm đội Nga, góp phần giúp hạm đội Nhật chiến thắng hạm đội Nga hoàng.

3. Năm 2005, Việt Nam và Singapore là hai nước duy nhất trong Asean ủng hộ Nhật ứng cử là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tới cùng, bất chấp Trung Quốc chống đối quyết liệt, khuyến khích dân Trung Quốc biểu tình bài Nhật.

4. Năm 2010, quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản căng thẳng vì tranh chấp biển đảo, Trung Quốc cấm xuất khẩu đất hiếm cho Nhật hòng làm tê liệt công nghệ điện tử của Nhật, Việt Nam đã chủ động bàn với Nhật cùng khai thác đất hiếm ở Việt Nam.

5. Năm 2011, sóng thần gây thảm hoạ ở Nhật, người Dân VN tạo ra phong trào quần chúng chủ động quyên góp giúp đỡ Nhật Bản.

6. Năm 2017, Hội nghị Apec tại Đà Nẵng, VN đã kết hợp tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và chủ động mời Thủ tướng Nhật Abe đồng chủ trì hội nghị cùng VN.

Chính sự được chủ động chủ trì này Nhật và VN đã cứu được Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương TTP mà Nhật sẽ là nòng cốt, bất chấp TT Trump rút khỏi Hiệp định.

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Quan hệ Nhật - Việt. Bookmark the permalink.