Lam Giang biên dịch
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus và đang phải đối mặt với các mối đe dọa từ nhóm lính đánh thuê Wagner cũng như sự cảnh giác của giới tinh hoa Nga. Bên cạnh đó, vị thế hạt nhân của Nga, Đông Âu và thế giới đang ngày càng xấu đi.
Người dân chụp ảnh với một thành viên của Tập đoàn Wagner tại thành phố Rostov-on-Don, Nga, hôm 24/6/2023. (Ảnh: Roman Romokhov/AFP/Getty Images)
Nga đã chính thức xác nhận về việc chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật sang nước láng giềng Belarus. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, những vũ khí này sẽ chỉ được sử dụng nếu nhà nước hoặc lãnh thổ của Nga bị đe dọa.
Việc ông Putin cam kết bảo vệ lãnh thổ Nga bằng vũ khí hạt nhân (nếu cần) là điều dễ hiểu, mặc dù điều đó hoàn toàn là đạo đức giả khi xét đến việc Nga đem quân xâm lược Ukraine.
Cuộc chiến chống Putin
Nhưng chính xác thì ông Putin có ý gì khi nói đến mối đe dọa chống lại "nhà nước" Nga?
Điều này có thể được hiểu là bất kỳ mối đe dọa nào đối với chính ông Putin, vì về bản chất, ông là “nhà nước của Nga”. Trên thực tế, ông Putin có thể đang nói với phương Tây rằng bất kỳ mối nguy hiểm nào đối với cá nhân ông đều sẽ đối mặt với đòn trả đũa hạt nhân.
Còn cách hiểu nào khác không?
Mối đe dọa đối với nhà nước Nga còn biểu thị điều gì khác, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra những tuyên bố có vẻ như ủng hộ việc phế truất nhà lãnh đạo Nga? Mặc dù sau đó một phát ngôn viên của Nhà Trắng đã nhanh chóng đính chính tuyên bố của Tổng thống Mỹ về việc này, nhưng tại sao ông Putin lại nghĩ khác?
Đúng vậy, Ukraine đã rút lại yêu cầu xóa sổ ông Putin như một phần của thỏa thuận hòa bình.
Tuy nhiên, chiến tranh càng kéo dài và Nga càng gây ra nhiều chết chóc, thiệt hại và khủng bố cho Ukraine thì khả năng ký kết hoặc tôn trọng một hiệp ước hòa bình trong thời gian ông Putin nắm quyền ngày càng thấp.
Vô số mối đe dọa nội bộ
Ngay cả một số người trong giới tinh hoa Nga cũng nhận thức được thực tế này, cũng như việc ông Putin đe dọa đến sự tồn vong của chính họ.
Sự chia rẽ nội bộ này đã đặt nhà lãnh đạo Nga vào thế khó. Ngay cả khi giành chiến thắng trong cuộc chiến với Ukraine thì rất có thể ông Putin sẽ an nghỉ “dưới 2 tấc đất” trong thời bình. Nói cách khác, mạng sống của ông chủ Điện Kremlin còn phụ thuộc vào khả năng kéo dài chiến tranh của ông ta.
Hơn nữa, Hoa Kỳ có “bề dày lịch sử” về việc thay đổi chế độ ở các quốc gia như Libya, Iraq … Với nỗ lực tài chính và vật chất mà Mỹ đang đổ vào Ukraine và chống lại Nga, ông Putin có mọi lý do để cho rằng ông chính là mục tiêu cuối cùng.
Nhiều người thuộc giới tinh hoa Nga đang sợ hãi. Một số muốn phế truất ông Putin, trong khi những người khác nghi ngờ khả năng thắng thế của Nga trong cuộc chiến tại Ukraine.
Do đó, việc ông Putin quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus có thể là một “đòn trả đũa” đối với giới tinh hoa Nga cũng như đối với sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ vào Ukraine.
Trên thực tế, xét đến ý đồ và mục đích thì rõ ràng nhà lãnh đạo Nga đang mở rộng chiến tranh.
Belarus phần lớn phụ thuộc vào năng lượng của Nga và Tổng thống Alexander Lukashenko “mắc nợ” ông Putin về phương diện chính trị. Với mối quan hệ chặt chẽ này, một cuộc tấn công vào Belarus, nước giáp Ukraine ở phía bắc, có thể sẽ được coi là một cuộc tấn công vào chính nước Nga.
Wagner đã thay đổi cuộc chơi
Tuy nhiên, Mỹ không phải là bên duy nhất trong cuộc xung đột tại Ukraine – cuộc xung đột đe dọa đến sự sống còn về phương diện chính trị và cá nhân của ông Putin.
Tập đoàn Wagner, một lực lượng lính đánh thuê của Nga do ông Yevgeny Prigozhin lãnh đạo, gần đây đã đe dọa tiến quân vào Moscow để đáp trả việc Moscow tấn công quân sự vào căn cứ của họ.
Cuộc đảo chính đã kết thúc chóng vánh mà không rõ lý do tính đến thời điểm này. Nhưng chúng ta đã biết, Tổng thống Belarus đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đối thoại giữa nhà lãnh đạo Nga và ông trùm Wagner, và cuộc nổi dậy ngắn ngủi nhưng nổi tiếng của ông Prigozhin đã làm tổn hại đến uy tín cũng như năng lực lãnh đạo và bảo vệ đất nước của ông Putin. Ông Lukashenko được cho là đã đề nghị ông Prigozhin tị nạn ở Belarus.
Nhưng một nỗi sợ hãi thậm chí còn lớn hơn ở Nga, và trên thực tế là trên toàn thế giới, là khả năng Tập đoàn Wagner đã sở hữu vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Ngăn chặn một thảm họa toàn cầu?
Wagner được cho là đã tiếp cận được một trong những căn cứ lưu trữ vũ khí hạt nhân của Nga ở vùng Voronezh thuộc miền Nam nước này. Theo hãng thông tấn chính thức TASS của Nga, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo rằng thế giới sẽ đứng trước bờ vực thảm họa nếu Tập đoàn Wagner có được vũ khí hạt nhân.
Rõ ràng, khả năng các chủ thể bất hảo, phi nhà nước sở hữu vũ khí hạt nhân ở bất kỳ quy mô hoặc khả năng nào sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân
Liệu lính đánh thuê Wagner có bán bất kỳ vũ khí hạt nhân nào mà họ nắm trong tay cho người trả giá cao nhất không? Hay họ sẽ sử dụng chúng để đe dọa ông chủ Điện Kremlin?
Hoặc cả hai?
Quyền tự chủ và quyền lực của Tập đoàn Wagner cản trở sự nhanh nhạy của ông Putin và có thể làm giảm uy quyền cũng như sự kiểm soát của ông đối với binh lính Nga. Một khi vũ khí hạt nhân nằm trong tay Wagner, uy quyền của ông Putin đối với thứ vũ khí hủy diệt này sẽ suy giảm đáng kể.
Thế giới của ông Putin chưa bao giờ phức tạp đến thế
Tình thế khó khăn hiện nay của ông Putin phức tạp hơn nhiều so với những gì ông dự tính khi quyết định tấn công Ukraine.
Hậu quả của cuộc xung đột đã rất thảm khốc đối với Ukraine và Nga, và những tác động của nó cũng gây rúng động cả trong và ngoài nước.
Binh lính của nhà lãnh đạo Nga đang phải đối mặt với vũ khí hiện đại của phương Tây đến từ châu Âu và Mỹ. Những người lính của ông đang trở nên vỡ mộng, uy tín của ông thì bị xói mòn, năng lực lãnh đạo của ông lại gây nghi ngờ và khả năng gây ảnh hưởng đến các sự kiện quân sự trọng yếu trong biên giới của chính ông cũng đang dần suy yếu.
Đồng thời, nhà lãnh đạo Nga cũng đang mở rộng phạm vi của cuộc xung đột khi chuyển vũ khí hạt nhân tới Belarus trong khi có thể mất quyền kiểm soát thứ vũ khí hủy diệt này ở Nga.
Rõ ràng là nhà lãnh đạo Nga không còn thời giờ để nghỉ ngơi.
J.G.
Tác giả James R. Gorrie sống tại Nam California. Ông cũng là tác giả của cuốn sách The China Crisis (Cuộc khủng hoảng Trung Quốc) và có nhiều bài đăng trên blog: TheBananaRepublican.com.
Nguồn: NTDVN.net