Thủ tướng Séc: Nếu không chặn Putin, Nga sẽ đưa quân đến tận biên giới Đức

Tschechischer Premier: „Wir liefern Waffen, weil wir etwas Entscheidendes verstanden haben“, WELT, 07/05/2022.

Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài

“Tên lửa, thậm chí cả xe tăng, tất cả những gì mà chúng tôi có thể cung cấp” thì Séc đều gửi cho Ukraine. Trong một bài phỏng vấn, Thủ tướng Petr Fiala giải thích vì sao nước ông không thể làm khác. Trong chuyến viếng thăm của ông tới Berlin, Thủ tướng Séc đã đưa ra một đề nghị với Thủ tướng Scholz.

Hỏi: Thưa ngài Thủ tướng, Séc là một nước ủng hộ quan trọng đối với Ukraine, cả về quân sự. Các chuyến giao hàng tiếp theo đã được lên kế hoạch chưa?

Đáp: Chúng tôi đã chuyển vũ khí cho Ukraine từ trước chiến tranh. Chúng tôi là quốc gia đầu tiên. Và sau khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu, chúng tôi là một trong những quốc gia đầu tiên gửi vũ khí hạng nặng: tên lửa, xe tăng, bất cứ thứ gì có thể. Một số chúng tôi đã có trong kho, những thứ khác chúng tôi phải mua thêm. Chúng tôi làm điều này bởi vì chúng tôi hiểu một điều quan trọng: Ukraine không chỉ chiến đấu cho tự do và sự sống còn của chính người dân của mình, mà còn chiến đấu cho cuộc sống và tự do của người Séc. Nếu Putin không bị chặn lại ở Ukraine, quân đội của ông ta cuối cùng sẽ tiến tới biên giới của chúng tôi. Có thể đầu tiên là ở các nước Baltic, nhưng sau đó cũng sẽ sớm đến Cộng hòa Séc. Và có khi tới tận biên giới Đức.

Hỏi: Thỏa thuận giữa Praha và Berlin về vấn đề chuyển giao vũ khí có sự phối hợp chặt chẽ đến mức nào? Trước đây, chính phủ liên bang Đức phải miễn cưỡng chấp thuận việc chuyển giao (vũ khí) từ Cộng hòa Séc, vốn cần phải có sự chấp thuận của Đức.

Đáp: Đó là lý do tại sao tôi đến Berlin hôm thứ Năm để nói chuyện với Thủ tướng Olaf Scholz về chuyện này. Chúng tôi muốn phát triển hợp tác với Đức để có thể nhanh chóng giúp đỡ Ukraine. Đức có thể gửi vũ khí trực tiếp cho Ukraine. Nhưng Đức cũng có thể giúp chúng tôi chuyển vũ khí của Liên Xô cũ đến đó vì người Ukraine có thể sử dụng chúng, theo cách bù lại cho chúng tôi bằng vũ khí, khí tài của phương Tây.

Hỏi: Ngài nói, Ukraine không chỉ bảo vệ chủ quyền và người dân của họ, mà còn bảo vệ người Séc và người Đức. Thủ tướng có nghĩ ông Olaf Scholz cũng nhìn nhận vấn đề như vậy không?

Đáp: Ông ta phải nhìn nó theo cách đó, bởi vì đó là một thực tế. Putin đang gây chiến với châu Âu. Từ nhiều năm rồi! Kiểu chiến tranh lai, thông qua thông tin sai lệch, bóp méo và cả các cuộc tấn công mạng, và lặp đi lặp lại với lực lượng quân sự của mình. Putin công khai tuyên bố mục tiêu chiến tranh của ông ta: một châu Âu khác, giống như những năm 1990, tức là một châu Âu trước khi NATO và EU mở rộng, trong đó Nga một lần nữa muốn thống trị mọi thứ mà Liên Xô từng thống trị. Bảy năm trước, Nga sáp nhập Crimea. Lúc đó tôi chưa phải là một chính trị gia, mà là một nhà khoa học. Tôi đã xuất bản về vấn đề này vào thời điểm đó và dự đoán: Phản ứng yếu ớt của các quốc gia phương Tây đối với hành động gây hấn này sẽ không đem lại hòa bình. Bởi vì đó là một tín hiệu cho Putin thấy phương Tây suy yếu và ông ta có thể lấn tới. Trong văn hóa chính trị Nga có một khía cạnh của chủ nghĩa đế quốc. Điều này dẫn tới nhiều nguyên nhân khiến tôi phải quan tâm với tư cách là một nhà khoa học. Nhưng là một chính trị gia, điều quan trọng hơn hết cần phải nhận thức được là, nếu Nga không bị giới hạn trong một biên giới, họ sẽ luôn có ý đồ bành trướng.

Hỏi: Bộ trưởng Ngoại giao của Ngài trong một bài báo đã nói về chính sách xoa dịu (Appeasement) đối với Nga. Trong bối cảnh của Đức, khái niệm xoa dịu là một lời cáo buộc đặc biệt gay gắt.

Đáp: Tôi không đến Berlin để đưa ra cáo buộc hay trách móc ai. Giống như nhiều người ở Trung Âu, tôi đang theo dõi rất kỹ cuộc thảo luận ở Đức. Và tôi hiểu rằng Đức rất khó để đảo lộn chính sách về nước Nga của mình chỉ trong vài tuần lễ. Trong nhiều năm, Đức luôn cố gắng thực hiện các thỏa thuận với Putin và phớt lờ mọi cảnh báo của chúng tôi. Đó là lý do tại sao tôi rất vui mừng khi Đức ý thức được rằng, cần phải có lập trường kiên quyết chống lại chính sách xâm lược của Nga, tăng cường đoàn kết và thống nhất của cả châu Âu, phải hết sức rõ ràng và kiên quyết.

Hỏi: Ngài hiểu rõ khó khăn như thế nào khi đảo ngược chính sách của Đức đối với nước Nga. Ukraine dường như thiếu sự hiểu biết này. Kiev thậm chí còn khước từ chuyến thăm của Tổng thống Liên bang Đức chúng tôi.

Đáp: Tôi đã ở Kiev vào thời điểm Kiev bị quân đội Nga bao vây và thành phố bị pháo kích. Volodymyr Zelensky hàng ngày phải đối mặt với những quyết định khó khăn nhất, quyết định liên quan đến sự sống và cái chết của các công dân. Họ đang có chiến tranh! Chúng ta phải hiểu rằng dưới áp lực này, ông ấy đã hành động và phát biểu theo cảm tính chứ không phải theo kiểu ngoại giao. Điều này có thể gây khó chịu cho một số chính trị gia phương Tây. Nhưng có thể chính nhờ điều đó mà có thể giúp dịch chuyển được điều này, điều khác.

Hỏi: Ngài có khuyên ông Scholz cũng đến thăm Kiev?

Đáp: Tôi không có lời khuyên nào. Ông Thủ tướng là một chính trị gia dày dặn kinh nghiệm. Nói chung, tôi muốn nói rằng các chuyến thăm từ các nước dân chủ là rất quan trọng đối với người dân Ukraine. Bởi vì chúng là một dấu hiệu chứng tỏ họ không cô độc, lẻ loi! Chúng ta thể hiện sự cảm thông và lòng trắc ẩn. Chúng ta không thể chỉ thể hiện điều đó bằng những ngôn từ đẹp đẽ từ các đô thị châu Âu. Chúng ta có thể thể hiện điều đó bằng hành động là tới thăm Kiev.

Hỏi: Một số người nổi tiếng của Đức đã yêu cầu Olaf Scholz trong một bức thư ngỏ là không nên chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Khi được hỏi liệu Ukraine đơn giản có nên đầu hàng hay không, một trong các tác giả đã trả lời, và câu trả lời đó lại liên quan đến đất nước của Ngài: Alexander Dubček chấp nhận cuộc xâm lược của Liên Xô vào năm 1968 và không điều quân đội Tiệp Khắc chống lại Hồng quân.

Đáp: Khi còn bé tôi đã chứng kiến xe tăng Nga ở các thành phố của chúng tôi, và tôi biết điều đó đã ảnh hưởng đến thế hệ của tôi và thế hệ cha mẹ tôi như thế nào. Đó là một thảm họa khủng khiếp. Nhưng điều đó không thể so sánh được [với tình hình Ukraine bây giờ], bởi vì Tiệp Khắc khi đó là một phần khu vực ảnh hưởng của Liên Xô. Nếu người ta muốn tìm kiếm một so sánh lịch sử, thì có một sự so sánh khác, đó là Hiệp ước Munich năm 1938, khi các chính trị gia phương Tây bỏ rơi đất nước của tôi để nhượng bộ với Hitler. Điều đó đã không mang lại hòa bình, mà là một cuộc chiến khủng khiếp nhất. Vấn đề là các đế quốc bành trướng và các chế độ độc tài chỉ hiểu được [ngôn ngữ của] sức mạnh. Chúng ta thấy một chính sách mềm yếu trước Nga sẽ tồi tệ như thế nào, nó đã dẫn đến việc sáp nhập Crimea, trước đó là cuộc chiến ở Gruzia và nhiều thảm họa khác.

Hỏi: Ngài tán dương sự cứng rắn và kiên quyết. Làm thế nào để điều đó phù hợp với thực tế là bây giờ, khi cuối cùng EU đã đồng ý về lệnh cấm vận dầu mỏ, Cộng hòa Séc lại muốn có một thỏa thuận đặc biệt để họ có thể mua được dầu của Nga lâu hơn?

Đáp: Chúng tôi luôn ủng hộ các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và chúng tôi cũng ủng hộ lệnh cấm vận dầu mỏ. Nhưng điều đó đặc biệt khó khăn đối với Cộng hòa Séc, vì chúng tôi ở cuối đường ống dẫn dầu. Chúng tôi sẽ không có đủ dầu nếu không có nguồn cung của Nga. Chúng tôi đang làm những gì có thể để thay đổi điều đó. Nhưng sẽ mất hai năm. Và để làm được điều này, chúng tôi cần sự đoàn kết, chia sẻ của các quốc gia nhận được nhiều dầu hơn từ các quốc gia khác.

Hỏi: Thủ tướng Hungary Viktor Orbán dọa sẽ phủ quyết lệnh cấm vận đối với dầu mỏ, khí đốt, than đá.

Đáp: Đề nghị anh đừng lẫn lộn điều đó với chúng tôi! Đó không phải là lập trường của chúng tôi! Chúng tôi sẽ không chặn, chúng tôi chỉ muốn có sự đảm bảo nhất định về việc được cung cấp từ các nguồn khác. Về phần Orbán: chúng tôi đang nói chuyện với ông ta trong nhóm Visegrad [gồm Séc, Slovakia, Ba Lan và Hungary]. Tôi thừa nhận phần lớn những gì Orbán nói về cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine gây khó cho chúng tôi. Nhưng cho đến nay, cuối cùng Hungary cũng đã đồng ý với tất cả các biện pháp trừng phạt. Điều này không phải ngẫu nhiên, mà có liên quan đến nhóm Visegrad.

Hỏi: Nếu sự đoàn kết chống Nga là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với châu Âu, thì có phải là một sai lầm khi Cộng hòa Séc trong những năm qua đã liên kết với Orbán trong nhóm Visegrad?

Đáp: Nhóm Visegrad là một công cụ trong chính sách Châu Âu của chúng tôi, và chúng tôi đã đạt được nhiều thành tựu trong hơn hai mươi năm qua. Nhưng cũng có các công cụ khác. Chúng tôi có quan hệ rất tốt với các nước láng giềng khác, với Áo và đặc biệt là với Đức. Thật không may, những gì chúng ta có thể đạt được cùng nhau không chỉ phụ thuộc vào những gì chúng ta muốn, mà còn phụ thuộc vào việc liệu chúng ta có thể tìm được các đối tác muốn làm việc tích cực với mình hay không. Điều đó không phải luôn luôn xảy ra với nước Đức trong quá khứ.

T.P.

Nguồn: Nghiencuuquocte

Đọc thêm:

Đại sứ Ukraine tại Đức: Putin nhìn thấu tâm can Thủ tướng Scholz!

This entry was posted in EU - Ukraine, Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.