Đối mặt với sinh tử thì phải mạnh mẽ

Nguyễn Ngọc Chu

Đại sứ Andriy Melnyk: “Một khi sự việc liên quan đến sự sống hay cái chết, đến sự tồn vong của đất nước tôi, thì tôi bất cần phải chọn lựa ngôn từ như thế nào”!

1. Nên học ai?

Lúc Tổng thống Nga Putin mang quân xâm lược Ukraine, không ít người cho rằng Ukraine phải “học Phần Lan”. Nghĩa là Ukraine giữ vị trí trung lập, không gia nhập NATO, thì tránh bị Nga tiến đánh.

Nhưng bây giờ, thì cả Phần Lan lẫn Thuỵ Điển lại có ý định “học Ukraine”, bỏ vị thế trung lập mà đầu đơn xin gia nhập NATO.

Nên học ai?

2. Mềm dẻo và cứng rắn?

Cũng không ít người chê lãnh đạo Ukraine không “mềm dẻo”.

Nhưng mềm dẻo để cam chịu cho kẻ mạnh “ăn thịt” dần, thì cuối cùng sẽ không tránh khỏi cái chết. Ngồi mà nhìn kẻ thù ăn thịt dần cho đến lúc mất mạng thì thà đánh dẹp chúng còn có cơ may sống sót.

Không phải mình “mềm dẻo” mà bắt người khác phải “mềm dẻo” như mình.Trong nhiều trường hợp, phải cứng rắn và mạnh mẽ chứ không phải “mềm dẻo”. Nhất là khi đối mặt với sự sống còn thì chỉ có thể cứng rắn và mạnh mẽ.

3. Khác biệt của lãnh đạo mạnh mẽ

Lãnh đạo Ukraine đã nhận được lời khuyên đầu hàng. Nhưng họ không chịu. Lãnh đạo Ukraine cũng nhận được lời khuyên cắt đất đổi lấy hoà bình. Họ cũng không chịu.

Lãnh đạo Ukraine, từ Tổng thống cho đến các Thành viên Chính phủ và các Đại sứ ở nước ngoài đều trẻ trung và rất mạnh mẽ. Chính sự mạnh mẽ của Lãnh đạo Ukraine đã làm thay đổi quan điểm của lãnh đạo nhiều nước.

Quan trọng hơn, sự mạnh mẽ của lãnh đạo Ukraine đã làm thay đổi cục diện của cuộc chiến Nga – Ukraine.

Đức là quốc gia đầu tàu của EU. Nhưng Ukraine đã từ chối ý định thăm Ukraine của Tổng thống Đức, tạo nên một scandal ngoại giao có thể nói là vô tiền khoáng hậu. Thật bất ngờ, trái với suy nghĩ thông thường, chính sự cứng rắn không khoan nhượng của lãnh đạo Ukraine cuối cùng đã làm thay đổi đường lối của lãnh đạo Đức. Từ không viện trợ vũ khí đến viện trợ vũ khí phòng thủ. Từ chỉ viện trợ vũ khí hạng nhẹ đến phải viện trợ vũ khí hạng nặng. Từ không cấm vận dầu hoả đến cấm vận dầu hoả. Từ chưa muốn cho gia nhập EU đến tạo điều kiện nhanh chóng gia nhập EU.

Thiết nghĩ, trường hợp thực tiễn Ukraine – Đức cho thấy, mạnh mẽ, thẳng thắn hiệu quả hơn so với “mềm dẻo”.

4. Tính cách Ukraine

Chỉ hơn 2 tuần sau ngày Tổng thống Nga Putin tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, hôm 10/3/2022, Đại sứ Ukraine tại Đức, Tiến sĩ luật học Andriy Melnyk (sinh năm 1975) đã có bài trả lời phỏng vấn cực kỳ thẳng thắn, mạnh mẽ cho kênh truyền hình WELT của Đức .

Là người nghiên cứu khoa hoc, Tiến sĩ Andriy Melnyk yêu thích ở trong phòng nghiên cứu hơn là đứng trên sân khấu để đôi co với các chính khách. Nhưng Ông không ngần ngại phê phán các chính trị gia Đức đến mức không cần giữ ý đến phương diện ngoại giao vì “một khi sự việc liên quan đến sự sống hay cái chết, đến sự tồn vong của đất nước tôi, thì tôi bất cần phải chọn lựa ngôn từ như thế nào”!

Ông phê phán các chính trị gia Đức vì hành xử của Đức đối với Putin là sai lầm. Andriy Melnyk nói: “ Y không phải là vị tư lệnh trên chiến trường, y là người của KGB. Và y biết chính xác người Đức suy nghĩ gì ở trong đầu. Hắn đã nắm bắt hồn vía người Đức. Có thể Putin biết rõ hơn ngày mai Olaf Scholz định làm gì, còn hơn bản thân ông ta nữa kia”.

Để hiểu thêm tính cách Ukraine, xin giới thiệu toàn văn Bài trả lời phỏng vấn của Đại sứ Andriy Melnyk cho kênh truyền hình WELT (Nguồn: “Mein Präsident hat mit Scholz telefoniert – als ob man mit einer Wand gesprochen hätte”, WELT, 10/03/2022; Lời Việt do tác giả Nguyễn Xuân Hoài biên dịch (https://nghiencuuquocte.org/tag/andriy-melnyk/)).

ĐẠI SỨ UKRAINE TẠI ĐỨC: PUTIN NHÌN THẤU TÂM CAN THỦ TƯỚNG SCHOLZ

Hỏi: Thưa ông Melnyk, với tư cách là đại sứ Ukraine, từ nhiều tuần nay ông đã phát đi thông điệp: “Chúng tôi cần sự giúp đỡ của các bạn!” Người Đức phản ứng như thế nào, đoàn kết, thờ ơ, hèn nhát?

Đáp: Điều này phụ thuộc vào người Đức nào mà người ta đối diện. Các phương tiện truyền thông, hầu hết đều đứng về phía chúng tôi, cũng như rất, rất nhiều người giúp đỡ chúng tôi. Chúng tôi xin cảm ơn các bạn! Với giới chính trị thì có phần khó khăn hơn ít nhiều.

Hỏi: Hiện cũng vẫn như vậy sao?

Đáp: Đúng thế. Mặc dù cuộc chiến này, địa ngục này, đã diễn ra được 14 ngày. Đó là lý do tại sao chúng tôi vẫn phải kêu cứu. Và chúng tôi vẫn hy vọng rằng chính nước Đức và Quốc hội hiểu được điều gì đang diễn ra.

Hỏi: Thủ tướng Liên bang Đức Olaf Scholz vừa mới tuyên bố không tham gia lệnh cấm vận dầu khí.

Đáp: Đó là nhát dao đâm sau lưng Ukraine. Chúng tôi tin rằng quan điểm này là không thể đứng vững về mặt đạo lý và nó sẽ giảm, không phải trong vài ngày tới, thì trong vài tuần tới. Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu thường dân Ukraine sẽ bị chết trong các vụ tấn công tên lửa.

Hỏi: Có đúng là trong NATO và EU Chính phủ liên bang Đức đã và vẫn luôn do dự nhiều nhất không?

Đáp: Tiếc rằng cảm nhận đó lại hoàn toàn chính xác. Lúc loại (các ngân hàng Nga) ra khỏi SWIFT đã như vậy, giờ ngưng nhập khẩu cũng vẫn thế. Điều đó đối với chúng tôi thật hết sức cay đắng. Và tôi nghĩ chắc hàng triệu người Đức phải rất xấu hổ vì luôn ở phía sau chứ không phải đi đầu trong hàng ngũ lãnh đạo.

Hỏi: Nguyên do tại đâu?

Đáp: Hầu hết người Đức coi chính sách về nước Nga của Berlin không chỉ thất bại trong vài tháng qua mà là thất bại trong vài năm qua và nhiều thập niên qua. Nhưng giới chính trị vẫn bám lấy cái chính sách đó. Ngoài ra, xã hội này đã quên cách sử dụng ngoại giao phòng ngừa và răn đe quân sự.

Hỏi: Ai là người chịu trách nhiệm chính về việc để Vladimir Putin tấn công Ukraine, Angela Merkel hay Donald Trump?

Đáp: Có một nhóm người đông hơn nhiều phải chịu trách nhiệm. Các chính phủ liên bang Đức tiền nhiệm có thể đã ngăn chặn được cuộc chiến này. Nguy cơ là rõ ràng, ít nhất kể từ năm 2014, kể từ khi Crimea bị sáp nhập và cuộc chiến của Nga diễn ra ở Donbass. Đối với chúng tôi đó là một bước ngoặt. Ngay cả Liên minh đèn giao thông (tức chính phủ Đức hiện nay – ND) cũng đã có nhiều thời gian để chủ động hành động và ngăn chặn thảm họa tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến Thứ hai. Nhưng ngoài việc xoa dịu Putin, hoàn toàn không có bất cứ điều gì khác. Cho đến khi chiến tranh bùng nổ.

Hỏi: Nhưng sau đó trong phiên họp Quốc hội, thủ tướng Scholz đã đề cập đến từ: “thời cuộc thay đổi”.

Đáp: Tôi có tham dự phiên họp Quốc hội này. Có một cảm giác kỳ lạ, dường như các vị dân biểu trút được gánh nặng, thở phào nhẹ nhõm. Nó giống như bản thân mình đạt được thành tích và tất cả đồng loạt đứng dậy vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Từ đó đến nay mười ngày đã trôi qua. Nhưng chúng tôi, những người Ukraine, hầu như không cảm nhận được điều gì. Không có sự giúp đỡ nào tương xứng với mức độ tàn bạo và tuyệt vọng đang diễn ra ở quê hương tôi.

Hỏi: Thưa ngài Đại sứ, ngài xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện truyền thông Đức và trên Twitter. Ngài thách thức các chính trị gia, ngài giáng trả và mỉa mai. Việc sử dụng các ngôn từ đôi khi thiếu ngoại giao này có giúp ích gì cho việc truyền tải thông điệp của ngài không?

Đáp: Thưa ông, một khi sự việc liên quan đến sự sống hay cái chết, đến sự tồn vong của đất nước tôi, thì tôi bất cần phải chọn lựa ngôn từ như thế nào.

Hỏi: Đó là phong cách của ông hay là sự tuyệt vọng?

Đáp: Đấy không phải là phong cách của tôi, tôi thuộc diện trầm tính. Và tôi là một nhà khoa học, tôi đã viết nhiều sách. Tôi cảm thấy thoải mái nhất khi ở trong phòng làm việc của mình, chứ không phải khi đứng trước ánh đèn sân khấu nơi tôi phải tranh luận, đôi co với các chính trị gia. Qua đó tâm lý của tôi cũng không được lắng dịu. Ngày nào tôi cũng khóc và tôi phải cố cưỡng lại. Mặc dù vậy, sự lựa chọn từ ngữ của tôi không phản ánh sự tuyệt vọng, mà là một phương tiện để thức tỉnh mọi người. Cách đây năm sáu năm tôi đã cảnh báo người Đức, Putin muốn tiêu diệt người Ukraine chúng tôi. Tôi đã bị cười nhạo.

Hỏi: Việc chuyển giao vũ khí, mà chính phủ liên bang Đức đã từ chối trước khi bắt đầu chiến tranh, giờ đã được thông qua. Ông còn mong muốn điều gì ở nước Đức và cái gì đã được đáp ứng?

Đáp: 500 quả rocket Stinger và 1000 quả đạn rocket đã được phê duyệt, và cũng đã đến nơi. Ngoài ra còn có 23.000 mũ bảo hiểm, 1.300 áo giáp và 50.000 bọc lương khô cho quân nhân. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ so với những gì chúng tôi cần. Và cuộc chiến này có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng, chỉ cung cấp một lần là không đủ. Đó là lý do tại sao tôi đề nghị tiếp xúc hàng ngày với Bộ Quốc phòng và ngành công nghiệp quốc phòng. Nhất là chúng tôi không thể bảo vệ dân thường. Những ngôi nhà bị đánh bom để trả thù vì các cuộc tấn công trên bộ của quân đội Nga bị chặn lại.

Hỏi: Do đó Tổng thống Volodymyr Zelensky đòi phải có một vùng cấm bay?

Đáp: Và rất khẩn trương! NATO, Liên hợp quốc, OSCE – tất cả đều đã thất bại. Bây giờ chúng tôi khẩn cầu cần phải thực hiện một điều gì đó.

Hỏi: Thử tưởng tượng một lần nhé: NATO tuyên bố vùng trời Ukraine là vùng cấm bay. Người Nga tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công, đáp lại NATO đưa máy bay chiến đấu của họ đến, đồng nghĩa với chiến tranh.

Đáp: Đó là cách đánh giá của Đức và các nước NATO khác, ít nhất là vào lúc này.

Hỏi: Ông không chia sẻ đánh giá này à, hay là theo ông thì NATO phải chấp nhận đối đầu về quân sự với Nga?

Đáp: Đấy là quyết định của các vị. Tôi không đề cập đến chuyện binh sỹ Đức phải hy sinh mạng sống của mình vì Ukraine. Nhưng những gì tôi thấy ở người Đức là các quyết định của họ hầu như đều xuất phát từ nỗi sợ hãi.

Hỏi: Nước Nga là cường quốc nguyên tử.

Đáp: Đúng thế. Nỗi lo sợ chiến tranh hạt nhân là có thể hiểu được, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc sợ hãi khi ra các quyết định. Cần phải nói rõ: đây là một cuộc chiến tranh nhằm tiêu diệt Ukraine. Ngày thứ Năm đen, ngày 24 tháng 2 năm 2022, cũng là một lời tuyên chiến với châu Âu và đặc biệt là với Đức, cho dù người Đức chưa muốn thừa nhận điều đó và hy vọng rằng họ sẽ thoát được khỏi vấn nạn này. Nếu người ta không chặn tay Putin lúc này thì chúng tôi sẽ không phải là nạn nhân cuối cùng của y. Vì vậy, tôi nghĩ vì lý do đó đáng để mạo hiểm.

Hỏi: Mạo hiểm đối với một cuộc chiến tranh nguyên tử?

Đáp: Putin là tội phạm chiến tranh và có lẽ y là một chính khách điên rồ, nhưng y không phải là một kẻ muốn tự sát. Do đó, tôi không tin sẽ xẩy ra chiến tranh nguyên tử. Mới hai tuần trước, người ta đã nói với tôi ở Berlin: Nếu một máy bay trực thăng của Nga bị tên lửa Đức bắn hạ, điều đó có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân. Hôm nay chúng ta đã tiến xa hơn một chút. Nhưng nỗi sợ hãi vẫn bao trùm. Đó là một phần trong tính toán của Putin. Y không phải là vị tư lệnh trên chiến trường, y là người của KGB. Và y biết chính xác người Đức suy nghĩ gì ở trong đầu. Hắn đã nắm bắt hồn vía người Đức. Có thể Putin biết rõ hơn ngày mai Olaf Scholz định làm gì, còn hơn bản thân ông ta nữa kia.

Hỏi: Vậy thì phải làm gì?

Đáp: Ông hãy để NATO tuyên bố vùng cấm bay. Để xem Putin có dám cho máy bay của y cất cánh. Hoặc là: mọi người nhìn thấy đoàn xe quân sự Nga dài 65 km hướng về Kiev. Tại sao châu Âu không tạo một đoàn xe cứu trợ còn dài hơn và tạo ra những bức ảnh sắc nét hơn? Để thể hiện: “Chúng tôi sát cánh các bạn.” Trong thực tế, người ta đang đứng nhìn cho đến khi chúng tôi đầu hàng. Cũng có thể đó là điều mà nền chính trị ở Berlin trông đợi. Nhưng điều đó sẽ không khi nào xẩy ra.

Hỏi: Với sự yếu kém về quân sự của mình, đầu hàng trong danh dự có phải là điều hợp lý nhất mà chính phủ Ukraine có thể làm để bảo vệ công dân của mình?

Đáp: Suy nghĩ này đã được gợi ý cho chúng tôi kể từ ngày đầu tiên của cuộc chiến, đây là điều độc địa nhất mà tôi từng nghe. Giờ đây, các tòa nhà chung cư, nhà trẻ và toàn bộ thành phố của chúng tôi đang bị đánh phá tan hoang. Nếu chúng tôi đầu hàng, điều tương tự sẽ xảy ra với tâm hồn chúng tôi. Quốc gia Ukraine sẽ bị tiêu diệt. Sẽ không còn Ukraine nữa.

Hỏi: Liệu Ukraine có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh này?

Đáp: Tôi chắc chắn 100% là chúng tôi có thể làm được. Về mặt đạo đức chúng ta đã thắng từ lâu, chúng tôi đang chiến đấu trên chiến trường. Tuy nhiên chúng tôi nhận thức được sự vượt trội của Nga. Đó là lý do tại sao chúng tôi cần cả những biện pháp trừng phạt thậm chí cứng rắn hơn và những đợt chuyển giao vũ khí nhiều hơn nữa.

Hỏi: Hơn hai triệu người tị nạn, điều đó cho thấy hy vọng đang tắt dần?

Đáp: Mọi người chạy loạn vì sợ bom đạn, phụ nữ và trẻ em. Đối với nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 60, chúng tôi có đợt tổng động viên.

Hỏi: Khi nói đến việc giúp đỡ những người tị nạn, giới chính trị và xã hội ở Đức không gặp khó khăn như vậy, ít nhất là cho đến bây giờ.

Đáp: Người ta không phải thuyết phục người dân ở đất nước tươi đẹp này giúp đỡ, trái tim của họ đã được đặt đúng chỗ. Nhưng chính phủ Đức có thể làm được nhiều hơn thế, chỉ với một cử chỉ đơn giản. Điều đó không tốn một xu, nhưng nó sẽ mang lại cho người Ukraine chúng tôi một niềm hy vọng.

Hỏi: Ông nói về cử chỉ gì?

Đáp: Vào ngày thứ ba của cuộc chiến, Tổng thống của tôi đã nộp đơn khẩn cấp xin gia nhập EU. Bây giờ chúng tôi muốn một tuyên bố của Chính phủ tại Quốc hội rằng: “Chúng tôi muốn công nhận Ukraine là một ứng cử viên gia nhập”. Với triển vọng trở thành thành viên EU, Đức có thể bù đắp cho mọi điều không hay đã xẩy ra đối với Ukraine trước đây.

Hỏi: Chính phủ đã phản ứng như thế nào?

Đáp: Hôm thứ hai, Tổng thống Zelensky của tôi đã gọi lại cho Thủ tướng Scholz. Nó giống như nói chuyện với một bức tường. Suýt chút nữa thì Tổng thống của tôi đã cúp máy khi ông nói: Vấn đề chính không phải là viện trợ nhân đạo, chuyện đó đàng nào cũng đang diễn ra. Chúng tôi muốn có quy chế ứng cử viên! Chúng tôi mong muốn Ủy ban Liên minh Châu Âu xử lý đơn của chúng tôi thật khẩn trương để Ukraine có thể được kết nạp muộn nhất trong vòng năm năm. Nhiều nước EU ủng hộ điều này, chẳng hạn như Ba Lan và Slovakia. Riêng Đức vẫn: Không, không, không, không.

Hỏi: Điều đó lại gây thất vọng cho Kiev một lần nữa?

Đáp: Gây tức giận. Đó là từ vô hại nhất mà tôi được phép sử dụng ở đây.

Hỏi: Trước chiến tranh, chắc chắn Ukraine không đáp ứng được tất cả các yêu cầu để có thể bắt đầu đàm phán về việc gia nhập. Năm năm, thực vậy sao?

Đáp: Chúng tôi biết đây là một quá trình lâu dài, và điều này hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của Ukraine. Tám năm nay chúng tôi đã rất cố gắng để xử lý mọi yêu cầu. Nhưng bây giờ chúng tôi mong muốn có một tín hiệu chính trị mạnh mẽ từ Berlin. Chúng tôi không cần những lời bào chữa cho ngày hôm qua, chúng tôi cần những quyết định đúng đắn cho hôm nay.

Hỏi: Nếu Ukraine vượt qua được cuộc chiến tranh này, những kinh nghiệm này sẽ để lại những dấu ấn gì? Liệu đất nước có thể từ bỏ định hướng châu Âu bắt đầu từ cuộc cách mạng Maidan?

Đáp: Chúng tôi sẽ vượt qua cuộc chiến tranh này! Sự vỡ mộng có thể khiến một số người nghi ngờ liệu chúng tôi có nên là một phần của EU còn do dự của ngày nay hay không. Nhưng tôi loại trừ khả năng chúng tôi dựa trên nguyên tắc Ukraine là trên hết. Ukraine sẽ vẫn là một quốc gia tự do và dân chủ. Đó là thông điệp quan trọng nhất của tôi: Bạn có thể bay từ Berlin đến Lviv trong một giờ đồng hồ cũng nhanh như đến Freiburg. Ukraine không phải là một nơi nào đó ở bên rìa của thế giới. Chúng tôi đang sống ở đây, trên lục địa này.

(Nguồn: “Mein Präsident hat mit Scholz telefoniert – als ob man mit einer Wand gesprochen hätte”, WELT, 10/03/2022. Lời Việt do tác giả Nguyễn Xuân Hoài biên dịch (https://nghiencuuquocte.org/tag/andriy-melnyk/)).

5. Cảm nhận

Mưu lược không đồng nhất với mềm dẻo. Đối mặt với sống chết thì chỉ có thể mạnh mẽ chứ không thể yếu đuối.

Ở thời điểm hiện tại, nhìn lại đường lối ngoại giao mà lãnh đạo Ukraine đã tiến hành trong hơn 2 tháng chiến tranh, mới thấy được giá trị của sự mạnh mẽ, thẳng thắn, rạch ròi. Mạnh mẽ, thẳng thắng, rạch ròi là vì phải đối mặt với sự sống còn, là vì nhìn thấu được tâm can của đối thủ và đối tác.

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Đức - Ukraine, Nga xâm lược Ukraine. Bookmark the permalink.