Tấn công Ukraina: Putin thành tội đồ lịch sử

Thụy My

Lịch sử sẽ phán xét khắt khe Vladimir Putin về cuộc chiến tranh phi nghĩa, bàn tay ông ta vấy máu người Ukraina và người Nga. Cuộc xâm lăng Ukraina là bước ngoặt khởi đầu cho một « big bang » địa chính trị.

Các tuần báo Pháp dù xuất bản trước khi Vladimir Putin xua quân xâm lăng Ukraina, đã dành trọng tâm cho hồ sơ này. Le Point đăng ảnh ông Putin với dòng tựa lớn « Thời của bạo tàn » và câu hỏi « Phương Tây có sẵn sàng chưa ? ». Cũng với ảnh tổng thống Nga, L’Obs chạy tựa trang nhất « Putin, con đường mòn chiến tranh ». Trang bìa Courrier International là hình vẽ chiếc xe tăng và dòng chữ đỏ « Hướng về chiến tranh ? », còn The Economist đăng bóng đen khuôn mặt Putin nhìn nghiêng, trong đó có xe thiết giáp, phi cơ, chạy tít lớn « Ông ta sẽ dừng lại ở đâu ? »

Rạng sáng 24/02/2022, khuôn mặt lạnh lùng của Vladimir Putin xuất hiện trên tất cả màn ảnh truyền hình và trang web các phương tiện truyền thông, các nhà lãnh đạo phương Tây thức giấc trong bàng hoàng. Chiến tranh thực sự khởi đầu ngay trong lòng châu Âu, tưởng chừng có được hòa bình vĩnh viễn sau hai trận đại chiến. Trên trang web, các tuần báo phá lệ, cập nhật thời sự nóng hổi. Ấn bản cuối tuần của Le Figaro báo động « Trận đánh Kiev đã bắt đầu », Le Monde chạy tựa « Kiev bị kẹp trong gọng kềm, châu Âu dưới cú sốc », Libération cổ vũ « Ukraina, hãy vững lòng ».

Biểu tình khắp nơi để gây sức ép với Putin

Trong bài xã luận, Libération cuối tuần nhận định Vladimir Putin đã hoạch định tất cả, tính đến từng giờ. Hết bóp méo thông tin, tung hỏa mù cho các nhà lãnh đạo phương Tây, tấn công tin học, đến oanh tạc và xua quân qua biên giới. Ông ta đã dự kiến trước trạng thái sững sờ, lo sợ của châu Âu và toàn thế giới, biết rằng phương Tây bị trói tay vì không thể tiến hành « cuộc chiến tổng lực » giữa các cường quốc nguyên tử.

Nhưng sống khép kín trong boong-ke, Putin quên rằng đang trong thời đại internet. Tờ báo cho rằng vũ khí tốt nhất để đối phó với « tên điên cuồng nộ ở điện Kremlin » không phải là quân sự, mà là tổ chức những cuộc biểu tình quy mô trên khắp các đường phố từ Luân Đôn đến Roma, từ Paris đến Berlin. Xã hội dân sự có thể sẵn sàng thắt lưng buộc bụng (giá ngũ cốc, dầu khí tăng) để thúc đẩy Putin nhả con mồi ra.

Chiến dịch trừ khử tổng thống Zelensky

Xã luận Le Figaro mang tựa đề « Chiến dịch Zelensky » lưu ý, các quân xa của đội quân xâm lược Nga đều có sơn chữ « Z » màu trắng. Trong bộ chữ cái Nga, mẫu tự « Z » được viết là « 3 », nhưng rõ ràng chữ « Z » la tinh đã được dùng để ám chỉ biệt danh « Z » của tổng thống Volodymyr Zelensky. Người diễn viên trở thành nguyên thủ và giờ là tổng tư lệnh quân đội, đã bị rơi vào cơn lốc xoáy lịch sử, tập trung mọi thù ghét từ đồng nhiệm Nga. Tổng thống Ukraina trở thành một trong những mục đích chính của trận đánh chiếm thủ đô Kiev, lực lượng Nga được lệnh trừ khử ông – hoặc giết chết, hoặc lật đổ.

Tờ báo nhắc nhở không nên tin vào ngôn ngữ của Kremlin : « thương lượng » với Ukraina chỉ liên quan đến các điều kiện đầu hàng. Putin nói rằng chính phủ Zelensky là « một băng đảng nghiện ngập, tân quốc xã », tuy ông Volodymyr Zelensky gốc Do Thái và trong gia đình có những người bị Đức quốc xã sát hại. Vladimir Putin khuyến khích quân đội Ukraina « nắm lấy quyền lực » và sau đó đòi « giao nộp vũ khí ». Có nghĩa là nếu Kiev muốn tránh được biển máu, cần phải thay vị tổng thống dân cử bằng một chế độ chư hầu của Matxcơva.

Về vị tổng thống trẻ tuổi, Libération cho biết tối thứ Năm 24/02 ông đã xuất hiện chóng vánh trong cuộc họp video của Hội Đồng Châu Âu, thổ lộ : « Có thể đây là lần cuối cùng quý vị nhìn thấy tôi còn sống ». Volodymyr Zelensky không quên nói thêm : « Chúng tôi phải đơn độc bảo vệ đất nước. Ai sẽ chiến đấu bên cạnh Ukraina ? Nói thẳng ra, tôi chẳng thấy ai cả ». Tờ báo cho biết vấn đề an ninh của nguyên thủ Ukraina đã được phương Tây bàn bạc, ngoại trưởng Pháp Le Drian hôm thứ Sáu tuyên bố « Paris có thể giúp nếu cần ». Hiểu ngầm : đặc nhiệm Pháp có thể can thiệp.

Lực lượng quá chênh lệch

Quân đội Ukraina có thể kháng cự nổi người khổng lồ Nga hay không ? L’Express cho rằng tuy Matxcơva hơn hẳn Kiev về quân sự, nhưng quân đội Ukraina đã tăng cường sức mạnh trong những năm gần đây, và họ có quyết tâm.

Nếu năm 2014 Ukraina có 130.000 quân nhân kém huấn luyện và kém trang bị, thì nay có đến 209.000 quân chính quy và 900.000 quân dự bị, theo IISS. Chi tiêu quân sự từ 3 tỉ đô la năm 2014 lên 6 tỉ đô la năm 2020, chưa kể viện trợ của NATO 14 tỉ đô la từ 2014 để hiện đại hóa. Tháng 11/2021, Washington chuyển cho Ukraina 88 tấn đạn dược, gần bốn chục giàn phóng Javelin và 180 hỏa tiễn.

Tuy vậy Ukraina vẫn là chú lùn so với Nga, có chi quân sự gấp 10 (61 tỉ đô năm 2020). Ngoài 190.000 quân đang bao vây Ukraina, Matxcơva còn có 900.000 lính và 2 triệu quân dự bị. Không chỉ về số lượng, quân đội Nga hiện đại hơn rất nhiều. Không quân là điểm yếu nhất của Kiev, một số phi cơ có từ thời Liên Xô và phi công ít giờ bay, trong khi nhiều phi công Nga có kinh nghiệm ở Syria. Hải quân Ukraina có 15.000 quân còn Nga có đến 150.000.

Nhưng khoảng cách khổng lồ giữa hai quân đội không phải là ẩn số duy nhất của phương trình. Ngược với quân Nga đăng lính để kiếm sống, những chiến sĩ Ukraina sẵn sàng chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ quốc. Sau 8 năm chiến tranh ở Donbass, họ cũng thu thập được kinh nghiệm chiến đấu từng thiếu vắng hồi năm 2014.

Tướng Pháp Dominique Trinquant cảnh báo, xâm lăng toàn bộ Ukraina không dễ dàng như đi dạo chơi, số lớn vùng chiến sự khiến Nga sẽ thiệt nhiều quân. Theo thăm dò của Viện Xã hội học Quốc tế Kiev (KIIS), 1/3 người dân Ukraina khẳng định sẵn sàng cầm súng chống quân xâm lược, 21,7% tình nguyện tham gia phong trào kháng chiến dân sự. Về ngắn hạn, khó thể nghi ngờ chiến thắng quân sự của Nga nhưng về dài hạn, Nga sẽ sa lầy.

Mối đe dọa vũ khí nguyên tử

Không thể không chú ý đến sự kiện hôm thứ Năm 24/02 Vladimir Putin nhấn mạnh Nga sở hữu đủ loại vũ khí nguyên tử chiến lược (hỏa tiễn địa-địa, địa-không, bắn đi từ tàu ngầm) và chiến thuật (sử dụng trên chiến địa). Nhưng dù chiến lược hay chiến thuật, vũ khí hạt nhân có sức tàn phá vô cùng khủng khiếp. Ngay trong ngày, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đáp trả « Vladimir Putin cũng phải hiểu rằng Liên minh Bắc Đại Tây Dương là một liên minh nguyên tử ».

Putin hôm Chủ nhật tuần trước đã giám sát cuộc tập trận Grom có sự tham gia của lực lượng chiến lược (phụ trách vũ khí hạt nhân). Ngay những giờ đầu của cuộc xâm lăng, các hỏa tiễn đạn đạo Islander lưỡng dụng – có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc không – đã tấn công các mục tiêu Ukraina, cùng với các oanh tạc cơ chiến lược. Cũng trong ngày thứ Năm, hai pháo đài bay B-52 Mỹ – có thể thả bom nguyên tử – bay qua biển Baltic và Ba Lan. Cuộc so găng nguyên tử tạm dừng ở đây, nhưng vẫn có thể tái diễn, vào lúc các hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân đã hết hạn hoặc bị các cường quốc coi thường.

Theo Le Figaro cuối tuần, nếu quân đội và dân chúng Ukraina chống chọi được trước cỗ máy đàn áp, Sa hoàng Putin sẽ không ngần ngại phá hủy một phần lớn đất nước, và chiếm giữ một phần ba ở miền đông để nối liền khu vực nói tiếng Nga đến Transnistria. Mặc kệ cho châu Âu xoay sở với những tàn tích còn bốc khói ! Ông ta có dừng lại ở đó không ? Bây giờ thì chúng ta đã biết, đại đế thích chinh phục chỉ ngưng lại khi bị chận đứng.

Bàn tay Putin nhuốm máu

Cũng với câu hỏi, rồi Sa hoàng đỏ sẽ dừng lại ở đâu ? The Economist khẳng định « Lịch sử sẽ phán xét khắt khe Vladimir Putin về cuộc chiến tranh này », khi vô cớ tấn công nước láng giềng. Đây không phải là cuộc chiến không thể tránh khỏi, mà là một cuộc xung đột do chính Putin sản xuất. Những trận đánh và những cảnh thương tâm…rất nhiều máu của người Ukraina và người Nga sẽ đổ xuống, từng giọt máu vỡ tung tóe trên bàn tay Putin – tờ báo viết.

Trong nhiều tháng trời, Putin không xuất đầu lộ diện nhưng tập trung quân ở biên giới Ukraina, câu hỏi đặt ra là ông ta muốn gì ? Còn giờ đây đã gây chiến, vấn đề là ông ta sẽ tiến đến đâu ? Nghe tuyên bố của Putin trước cuộc xâm lăng, có thể nghĩ không có gì ngăn được nhà độc tài này. Trong bài diễn văn thu trước hôm 21/02 và được phát lúc ông tung ra những hỏa tiễn hành trình đầu tiên nhắm vào người anh em Slave, tổng thống Nga đe dọa đè bẹp tất cả những nước nào dám cản đường.

Ban đầu người ta cho rằng ông chủ điện Kremlin sẽ tự bằng lòng với việc kiểm soát Donetsk và Lougansk. Nhưng với cuộc tổng tấn công, mọi hy vọng đã sụp đổ. Dường như Vladimir Putin muốn chiếm toàn bộ Ukraina, như tình báo Mỹ và Anh đã khẳng định từ đầu. Thay vì cân nhắc lợi hại, ông ta được thúc đẩy bởi ý nghĩ hoang tưởng là người làm nên lịch sử. Một khi chiếm xong Ukraina, Putin không thể xâm lăng các nước NATO trước đây thuộc Liên Xô cũ, ít nhất là trong giai đoạn đầu, nhưng say men chiến thắng, sẽ tấn công tin học và lao vào trận chiến truyền thông. Bằng cách đó, Putin đe dọa NATO.

Không thể nói với nhân dân là quân đội Nga đánh vào những người anh em Ukraina đã góp sức giành tự do cho Liên Xô, ông ta khẳng định Nga chiến đấu chống Mỹ, chống NATO và tay sai. Truyền hình Nga không đưa tin chiến tranh với Ukraina, thậm chí không đề cập đến quân Nga ở Donbass. Nhưng sự thật thảm hại là Putin vô cớ tấn công một quốc gia có chủ quyền, giẫm đạp lên các nguyên tắc làm nên hòa bình cho thế kỷ 21.

Tội đồ lịch sử phải bị trừng phạt

Thế nên thế giới phải bắt ông ta trả giá thật đắt cho sự hung hăng này. Bắt đầu bằng trừng phạt nặng nề hệ thống tài chính, ngành công nghệ cao và giới tinh hoa giàu có. Khi Matxcơva công nhận hai nước cộng hòa tự phong, phương Tây chỉ trừng phạt nhẹ nhàng, nhưng nay không thể chần chừ nữa. Cho dù Nga đã chuẩn bị, nhưng do kinh tế vẫn kết nối với thế giới, sẽ phải gánh chịu thiệt hại, như chứng khoán ngay trong ngày đầu tiên đã sụt mất 45%, tuy phương Tây cũng bị thiệt.

Bên cạnh đó cần củng cố sườn phía đông của NATO, chứng tỏ sự đoàn kết và triển khai ngay lực lượng phản ứng nhanh 40.000 quân tại các nước tuyến đầu. Việc huy động này khiến NATO thêm khả tín với nguyên tắc nếu đánh vào một nước thành viên coi như tấn công cả khối. Các quốc gia thành viên cũng cần viện trợ vũ khí, tiền bạc, lo nơi tạm trú cho người tị nạn và nếu cần, hỗ trợ một chính phủ lưu vong.

Một số người nói rằng thách thức Putin như vậy là quá rủi ro, vì ông ta không tiếp xúc với thực tại, hoặc vì Putin sẽ leo thang, tính toán sai lầm hoặc bám chặt lấy Trung Quốc. Nhưng sau 22 năm trên ngôi cao, ngay cả một nhà độc tài cũng ý thức được về vận mệnh và thăng trầm của quyền lực. Nhiều người Nga không muốn có một cuộc chiến đẫm máu chống lại người anh em Ukraina, phương Tây có thể khai thác điều này. Nhường nhịn Vladimir Putin với hy vọng ông ta sẽ biết điều hơn sẽ càng nguy hiểm. Putin càng được tự do dấn tới hôm nay, ông ta càng quyết tâm áp đặt cách nhìn của mình ngày mai. Và rốt cuộc máu sẽ đổ nhiều hơn để có thể ngăn được bạo chúa.

Nga tấn công Ukraina : Bước ngoặt lịch sử

Trả lời Le Point, nhà bình luận Dominique Moisi khẳng định « Lịch sử xoay chuyển từ hôm nay ». Cuộc xâm lăng Ukraina khiến phương Tây bước vào một kỷ nguyên mới, khởi đầu một big bang địa chính trị.

Lần đầu tiên kể từ 1945, ngay tại trung tâm châu Âu, một nước xâm lược một nước khác, bác bỏ quyền hiện hữu của quốc gia láng giềng. Tuy cũng có những xung đột như vùng Balkan, Nam Tư cũ, nhưng đó chỉ là sự tan vỡ của một đế quốc. Nga đưa quân xâm chiếm Ukraina là một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu hồi kết của thời kỳ hậu Đệ nhị Thế chiến. Thời kỳ này gồm hai giai đoạn : chiến tranh lạnh từ 1945 đến 1989, và hòa bình nóng từ 1989 đến nay.

Theo ông Moisi, Nga có thể nhanh chóng đạt mục tiêu. Tất cả những gì phương Tây làm được, hoặc quá ít, hoặc quá trễ. Giờ đây tốt nhất nên nghĩ đến chuyện sắp tới :  các nạn nhân tiềm năng của Putin có thể là Litva, Latvia, Estonia – ba nước Baltic là thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) và NATO. Nếu Matxcơva dấn lên mà phương Tây không phản ứng mạnh, sẽ là hồi kết của Liên minh Bắc Đại Tây Dương.

« Tên điên siêu vũ trang » và nguy cơ đại chiến thế giới

Liệu có thể là khởi đầu của một cuộc đại chiến thế giới hay không ? Chuyên gia Dominique Moisi không loại trừ khả năng này, vì bản chất Vladimir Putin là một kẻ phi lý lẽ, nắm mọi quyền lực chính trị của một nước là cường quốc nguyên tử chỉ sau Mỹ, và là cường quốc quân sự thứ ba thế giới. Một « tên điên siêu vũ trang ».

Những hình ảnh từ Ukraina – người già, trẻ em lang thang trên đường phố tìm nơi trú ẩn – gợi nhớ bóng ma quá khứ, khi Đức quốc xã xâm lược Ba Lan năm 1939. Rõ ràng có sự tương đồng giữa Putin và Hitler, cả hai đều đã nói rõ ý định : Hitler trong cuốn Mein Kampf, còn Putin trong một loạt diễn văn.

Trước mắt, cuộc xung đột giữa Nga và các nước dân chủ là món quà trời cho đối với Trung Quốc, từ lâu nuôi tham vọng thống trị thế giới. Còn phương Tây kể từ ngày 24/02 không còn có thể sống vô tư lự. Chiến tranh không còn thuộc về quá khứ, mà là hiện tại ở Ukraina và tương lai ở các nước châu Âu. Hậu quả lâu dài là về kinh tế : giá thực phẩm, năng lượng sẽ tăng lên, tình hình căng thẳng hiện nay hết sức bất lợi cho kinh tế toàn cầu.

T.M.

Nguồn: rfi.fr/vi

This entry was posted in Nga xâm lược Ukraine, Putin. Bookmark the permalink.