Trần Gia Hân
2021-11-05
Tweet Nếu các lãnh đạo Việt Nam cứ nghĩ rằng dựa vào Trung Quốc để phát triển kinh tế thì câu chuyện Philippines dưới thời Duterte là đã quá rõ. Và để bảo vệ an ninh biển đảo thì Philippines cũng phải quay trở lại với Mỹ để nhờ Mỹ giúp đỡ. Đây có thể sẽ là gợi ý chính sách cho chính quyền Việt Nam, vì dù có quan hệ với Trung Quốc tốt đến mấy, tham vọng chiếm biển đảo của Việt Nam sẽ không bao giờ hết đối với các lãnh đạo Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc cho chúng ta biết điều đó.
Hình minh hoạ: Người lính hải quân đứng canh ở đảo Thuyền Chài thuộc quần đảo Trường Sa hôm 17/1/2013. Reuters
Mối thân tình với Trung Quốc đã chấm dứt
Mới đây, Tiến sĩ Derek Grossman – Một chuyên gia từ RAND đã nhận định rằng “Mối quan hệ giữa Tổng thống Philippines Duterte và Trung Quốc đã kết thúc” (1) khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đưa Manila quay trở lại với Washington khi căng thẳng gia tăng ở châu Á.
Kể từ khi lên nắm quyền cách đây năm năm, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte luôn tìm cách tránh thách thức Bắc Kinh vì cho rằng mối quan hệ thân thiện hơn với Trung Quốc sẽ mang lại cho Philippines các khoản vay và đầu tư trị giá hàng tỷ USD.
Có hai vấn đề nổi bật trong chính sách đối với Trung Quốc của Tổng thống Philippines: Một là thái độ thiếu linh hoạt của Tổng thống Duterte đối với Trung Quốc và hai là việc ông được cho là coi thường phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 do Chính quyền cựu Tổng thống Aquino giành được.
Duterte tuyên bố rằng Trung Quốc “sở hữu” biển Đông, Philippines “mắc nợ” Trung Quốc, và chiến tranh với Trung Quốc sẽ là “hành động tự sát”, có nguy cơ kích động chiến tranh hạt nhân nếu viện tới liên minh với Mỹ trong vấn đề biển Đông. Ông thậm chí còn coi căng thẳng ở biển Đông là sản phẩm phụ của sự cạnh tranh nước lớn giữa Trung Quốc và Mỹ, tuyên bố rằng Philippines chỉ có thể trở thành một “tỉnh của Trung Quốc” hoặc một “thuộc địa của Mỹ”.
Thật không may cho Duterte, Trung Quốc không chỉ hành xử hung hăng hơn đối với các tuyên bố chủ quyền của Philippines ở biển Đông mà còn chậm chạp trong việc đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và công nghiệp mới ở nước này.
Theo các chuyên gia, khi những cam kết về các khoản đầu tư tài chính lớn không được thực hiện và ngày càng có nhiều người chỉ trích Duterte đang “khom lưng uốn gối” trước Trung Quốc, thì chính quyền của ông bắt đầu thay đổi đường hướng vì lo ngại những hậu quả chính trị trước thềm cuộc bầu cử năm 2022.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bắt tay Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 25/4/2019. Reuters
Các cách tiếp cận khác nhau của Philippines
Duterte không phải là nhà lãnh đạo Philippines đầu tiên thử cách tiếp cận thỏa hiệp với Trung Quốc. Gloria Macapagal-Arroyo cũng đã làm như vậy trong nhiệm kỳ tổng thống của mình từ năm 2001 đến năm 2010. Ngược lại, Benigno Aquino III, người tiền nhiệm của Duterte, theo đuổi cách tiếp cận hoàn toàn trái ngược. Trên cương vị tổng thống từ năm 2010 đến năm 2016, ông đã tích cực chống lại các hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc. Kết quả là quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc liên tục dao động từ thái cực này sang thái cực khác. Cả ba vị tổng thống đều phải đối mặt với cùng một tình thế khó xử về chiến lược: Một Philippines yếu hơn về mặt quân sự nên đối phó như thế nào với một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh? Cuối cùng, Arroyo và Duterte đã xây dựng chiến lược của họ dựa trên sự chấp nhận vị thế yếu hơn của Philippines, còn Aquino thiết kế chiến lược của mình dựa trên việc tìm cách khắc phục điểm yếu đó. Trong số những phương thức quan trọng nhất trong chiến lược này, ngoài nỗ lực gây chú ý nhằm vận động Tòa trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở biển Đông, còn có công việc không mấy hào nhoáng mà ông đã thực hiện để khôi phục lực lượng phòng thủ bên ngoài của quân đội Philippines.
Vì không có năng lực hiệu quả nào để bảo vệ các yêu sách trên biển của Philippines, Arroyo dường như đã thực hiện một giao kèo ngầm bằng cách chấp nhận làm suy yếu một cách có chừng mực các tuyên bố chủ quyền của Philippines nhằm đổi lấy sự hỗ trợ phát triển kinh tế từ Trung Quốc. Để đạt được mục tiêu đó, bà đã thiết kế Thỏa thuận về thăm dò địa chấn biển chung trong khu vực thỏa thuận tại biển Đông (JMSU), cho phép các công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc, Philippines và Việt Nam hợp tác thăm dò các nguồn năng lượng trong vùng biển tranh chấp. Thỏa thuận được trình bày theo hướng Manila công nhận tính hợp pháp của các tuyên bố chủ quyền tại biển Đông của các nước khác, một sự thừa nhận mà Bắc Kinh đã tìm kiếm từ lâu. Bên cạnh đó, bà đã ký tổng cộng khoảng 65 thỏa thuận song phương với Trung Quốc. Thật không may cho Arroyo, JMSU chưa bao giờ có hiệu lực do vi phạm Hiến pháp Philippines, vốn không cho phép bất kỳ sự nhượng bộ nào về chủ quyền quốc gia. Hơn nữa, việc bà vận động ủng hộ các công ty Trung Quốc, như ZTE, xây dựng mạng lưới băng thông rộng toàn quốc và một tuyến đường sắt đô thị ở Philippines đã dẫn đến các cáo buộc hình sự nhằm vào bà.
Người Philippines biểu tình ở thành phố Makati hôm 12/7/2021 nhân kỷ niệm năm năm phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế giữa Philippines và TQ liên quan đến Biển Đông. Reuters
Gió đã đổi chiều
Điều gì đã dẫn đến sự thay đổi chính sách này của Duterte? Derek Grossman cho rằng: “Có thể là vì Duterte cảm thấy hơi bối rối. Việc “sà vào” Trung Quốc chưa bao giờ đem lại kết quả như mong đợi. Chẳng hạn, Duterte hy vọng có thể đạt được một thỏa thuận thăm dò chung tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và tận dụng kế hoạch đầu tư và hạ tầng khổng lồ của Bắc Kinh là sáng kiến “Vành đai và con đường”, để hỗ trợ kế hoạch xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, hiện Duterte chỉ còn chưa đầy một năm tại vị nữa, nhưng chưa có giấc mơ nào thành hiện thực”.
Một số nhà phân tích chính trị cho rằng sau “triều đại” Duterte, Philippines có thể sẽ xóa bỏ một số dự án do Trung Quốc đầu tư sau khi vài quốc gia châu Phi rút lại những thỏa thuận tương tự với các doanh nghiệp Trung Quốc. A. Africa, Giám đốc Điều hành viện nghiên cứu chính sách Quỹ IBON cho biết: “Sau năm năm dài, chính quyền Duterte chỉ hoàn thành năm dự án trị giá 48 tỷ pesos. Tức là mỗi năm trung bình chỉ có một dự án trong số 5.586 dự án trị giá 6,7 nghìn tỷ peso trong chương trình cơ sở hạ tầng ‘Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng” (2).
Chưa kể đến việc, thời gian gần đây, Bắc Kinh đã gia tăng sự hung hăng và đe doạ ở Biển Đông. Năm 2019 và đầu năm 2020, Trung Quốc đã bao vây đảo Thị Tứ (mà Philippines gọi là Pag-asa) với hàng trăm tàu dân quân, dường như để ngăn chính quyền Philippines nâng cấp đường băng trên đảo và cải thiện cơ sở hạ tầng. Sau đó, tháng 1/2021, Trung Quốc đã trao quyền cho lực lượng hải cảnh nổ súng vào các tàu nước ngoài khi cần thiết và vào tháng 3/2021, hơn 200 tàu đánh cá Trung Quốc, nhiều tàu trong số đó có lẽ là tàu dân quân biển, đã neo đậu tại Đá Ba Đầu.
Việt Nam vẫn “sợ” Trung Quốc
Câu chuyện về các cách tiếp cận của Philippines đối với Trung Quốc qua ba đời tổng thống nối tiếp nhau đã cho chúng ta thấy những gợi mở cho các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trong cuộc cạnh tranh quyết liệt Mỹ – Trung như hiện nay, các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam vẫn đang “đu dây” đối với cả hai cường quốc này. Đối với Trung Quốc, lập luận luôn được đưa ra đó chính là dựa vào Trung Quốc để phát triển kinh tế. Mặc dù, Việt Nam không muốn “chọn bên”, nhưng sẽ tới lúc Việt Nam phải có định hướng về quan hệ đối với hai cường quốc này.
Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tuần trước công bố ảnh vệ tinh chụp cho thấy đội tàu Trung Quốc hiện diện trở lại trong khu vực cụm Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các tàu này rải đều ở khu vực phía Bắc cụm Sinh Tồn, một số quay lại neo đậu ở khu vực bãi Ba Đầu (3).
Hình vệ tinh chụp hôm 1/11/2021: các tàu gần đá Ba Đầu ở quần đảo Trường Sa nơi Philippines và Việt Nam phản đối sự hiện diện của các tàu Trung Quốc. Planet Labs Inc
Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định “Việc các tàu Trung Quốc hoạt động trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quy định của UNCLOS 1982 và đi ngược lại tinh thần, nội dung Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút tàu cá khỏi các vùng biển trên, tôn trọng chủ quyền Việt Nam” (4).
Liệu những lời phản đối như vậy có khiến cho Trung Quốc sẽ rút tàu khỏi khu vực Sinh Tồn hay không?
Trong một bài viết đăng từ ngày 22/10/2017, nhà báo Nguyễn Công Khế – Người sáng lập và là cựu Tổng biên tập tờ Thanh niên đã ghi chép lại như một nhân chứng lịch sử, vì khi đó, ông Khế đang gặp trực tiếp ông Võ Văn Kiệt – Cựu Thủ tướng Việt Nam. Ông Khế có kể lại câu chuyện “TẠI SAO HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VIỆT- MỸ NĂM 1999 BỊ TRÌ HOÃN.
Sáng hôm đó, tôi ngồi ăn sáng với chú Sáu Dân ( TT Võ văn Kiệt). Có điện thoại reo, chú Sáu đứng dậy nghe máy. Nghe điện thoại xong khoảng năm phút. Ông ngồi xuống bàn nói: Sáu Khải (Thủ tướng Phan Văn Khải) cho biết là lên đường đi New Zealand bằng tay không, tức là Bộ Chính trị lúc ấy không đồng ý ký Hiệp định song phương Việt-Mỹ nhân Hội nghị APEC tại đây mà hai bên đã thỏa thuận từ trước.
Ông Sáu rất phiền và thất vọng. Ông tiếp tục buổi ăn sáng và nói với tôi: bây giờ nếu muốn biết ký, ai có lợi và ai không có lợi, phân tích ra thì biết liền hà. Mỹ là một nền kinh tế lớn, ký hay không ký với ta họ không quan trọng lắm. Ta là một nền kinh nhỏ, èo uột và rất cần thị trường Mỹ. Ta không ký thì ta thiệt hại, Mỹ không bị ảnh hưởng gì cả. Ta không ký thì người có lợi nhất là Trung Quốc… Tôi còn biết ngay thời điểm đó, Đại sứ Trung Quốc, luôn thăm dò lúc nào ta ký Hiệp định song phương với Mỹ, và họ muốn ngăn cản ra mặt”.
Như vậy, Trung Quốc luôn tìm cách ngăn cản Việt Nam thúc đẩy quan hệ với Mỹ, và Bộ chính trị Việt Nam thì “rất sợ” Trung Quốc. Hiện nay, tình hình vẫn tương tự như vậy.
Nếu các lãnh đạo Việt Nam cứ nghĩ rằng dựa vào Trung Quốc để phát triển kinh tế thì câu chuyện Philippines dưới thời Duterte là đã quá rõ. Và để bảo vệ an ninh biển đảo thì Philippines cũng phải quay trở lại với Mỹ để nhờ Mỹ giúp đỡ. Đây có thể sẽ là gợi ý chính sách cho chính quyền Việt Nam, vì dù có quan hệ với Trung Quốc tốt đến mấy, tham vọng chiếm biển đảo của Việt Nam sẽ không bao giờ hết đối với các lãnh đạo Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc cho chúng ta biết điều đó.
T.G.H.
Nguồn: RFA Tiếng Việt