Animal Farm

Nguyễn Văn Tuấn

Trong mấy ngày này tôi tự dưng nhớ đến cuốn tiểu thuyết bất hủ “Trại súc vật” (Animal Farm) của văn hào George Orwell. Tôi mê cuốn này lắm vì lý do đơn giản là … học tiếng Anh. Nhưng câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết rất đáng nhớ và học trong các cuộc đổi đời. Ở Mỹ, học sinh trung học đều học cuốn này và phải viết luận văn về Animal Farm. Ở VN ít học sinh có dịp đọc cuốn này, và kể ra thì cũng đáng tiếc. Nhưng nếu đọc thì sẽ thấy sao những gì mô tả giống với tình hình thực tế?

Trại Súc Vật (Animal Farm) là một tác phẩm bất hủ của văn hào George Orwell, xuất bản lần đầu năm 1945. Tác phẩm được sáng tác theo phong cách truyện ngụ ngôn, mô tả một cuộc cách mạng ở nông trại Manor của ông Jones. Cuộc cách mạng chống lại ông Jones do các con heo lãnh đạo, nhưng những gì xảy ra sau đó cho thấy chính các con heo này trở thành độc đoán và hủ bại. Những câu chuyện, những mẫu đối thoại, những vai trò của các con heo trong Trại Súc Vật rất giống với những gì diễn ra ở các quốc gia theo thể chế toàn trị, và chính điều này làm cho tác phẩm trở nên kinh điển.

Có thể là tranh biếm họa về văn bản

Những “nhân vật”

Các ‘nhân vật’ trong Trại súc vật là những con heo. Dẫn đầu là con heo già thuộc hàng thủ lãnh tên Old Major, nó được mọi con vật khác trong trại kính nể vì sống lâu và có những ý tưởng đáng để các con vật khác học hỏi và tôn xưng làm lãnh tụ. Kế đến là con heo trẻ tên là Snowball, được xem là một con vật ‘trí thức’, có khả năng làm kinh tế. Đáng chú ý nhất là con heo Napoleon, con heo này còn trẻ, đầu óc mưu mô, xảo quyệt, có xu hướng bạo lực, và sau này trở thành một lãnh tụ độc tài. Bên cạnh con heo Napoleon là con heo Squealer có thân hình mập mạp, chuyên nghề tuyên truyền, nói trắng thành đen, đen thành trắng, sau này trở thành một cánh tay đắc lực cho heo Napoleon.

Ngoài những con heo đóng vai trò lãnh đạo trên, trại Manor còn có những con vật khác chỉ đóng vai trò ‘thường dân’ hoặc tay sai và bị lợi dụng. Boxer là một con ngựa, suốt năm này sang năm khác, chỉ biết lao động, chứ không suy nghĩ gì cả. Ngoài ra, còn có con ngựa cái tên Clover, ít nói và hay thắc mắc, nhưng không dám nói ra. Con ngựa Mollie thì chỉ thích được khen và nghe lời đường mật, dễ bị chiêu dụ cho làm những việc vớ vẩn. Ngoài 3 con ngựa, truyện còn có con lừa Benjamin, con quạ Moses, 3 con chó Blubell, Jessie, và Pincher. Ba con chó này sinh ra 9 con chó khác và sau này làm vệ sĩ cho heo Napoleon.

Cuộc cách mạng

Câu chuyện mở đầu bằng một buổi họp các con vật để heo già Old Major thuyết trình về tình hình hiện tại. Bằng một giọng nói trầm ấm, lên xuống đúng điệu, chậm nhưng rõ ràng, Old Major thôi miên các con vật về tình hình ông chủ Jones là một kẻ say xỉn, bóc lột các con vật để làm giàu bản thân, trong khi đó các con vật từ heo đến gà phải hy sinh làm thịt trứng cho y, các con vật khác như ngựa thì lao động tối ngày trong đói khát và đau khổ. Tình hình quá ư là bất bình đẳng. Old Major kêu gọi một cuộc cách mạng. Để tỏ tình đoàn kết, Old Major đề nghị các con vật nên gọi với nhau bằng danh từ “Đồng chí” (comrade). Tất cả các đồng chí phải bình đẳng với nhau. Các đồng chí phải nhận ra rằng con người đi 2 chân là kẻ thù. Nói xong bài diễn văn, Old Major lăn ra chết trước sự ngỡ ngàng và thương tiếc của các đồng chí trẻ hơn.

Sau khi heo Old Major qua đời, các heo đàn em phát triển ý tưởng của Old Major thành Chủ nghĩa Súc vật (Animalism). Chủ nghĩa Súc vật kêu gọi cách mạng bằng phương tiện bạo lực. Trong khi đó, lão Jones càng ngày càng sa đà vào cuộc sống bê tha, rượu chè, không chăm sóc trang trại như trước kia, và bắt đầu hành hạ súc vật. Lợi dụng tình hình đó và trang bị cho mình bằng một chủ nghĩa, các con vật nổi dậy làm cách mạng và đuổi lão Jones khỏi nông trại. Cuộc cách mạng thành công. Các con vật, thật ra là các con heo, trở thành chủ nhân mới của nông trại Manor, chúng đổi trên trại thành Animal Farm – Trại súc vật. Heo Napoleon nghiễm nhiên trở thành một lãnh đạo tối cao.

Sau khi đổi tên nông trại thành Animal Farm, các con heo lãnh đạo đặt ra 7 quy định đạo đức mới. Bảy quy định dạy rằng kẻ nào đi 2 chân là kẻ thù; kẻ đi 4 chân là bạn; các con vật không được mặc quần áo, không được ngủ trên giường, không được uống rượu; tất cả các con vật đều bình đẳng, và các con vật không giết lẫn nhau.

‘Chính phủ heo’ mới cho thành lập trường học để dạy dỗ các thế hệ heo nối nghiệp.

Trong ‘Chính phủ heo’, heo Squealer trở thành một nhà tuyên giáo xuất sắc. Squealer thuyết phục các con vật khác rằng các con heo lãnh đạo sống có đạo đức và luôn luôn có những quyết định sáng suốt, chí công vô tư. Bằng cách dùng các con số thống kê giả tạo Squealer thuyết phụ rằng các con heo có tư cách độc quyền sử dụng tài nguyên, có tư cách lãnh đạo nông trại. Các con heo duy trì vai trò lãnh đạo mà các ‘thần dân’ không hề có ý kiến. Heo Squealer tạo ra một kẻ thù tiềm ẩn là ông Jones, nó nói rằng một ngày nào đó ông Jones sẽ quay lại, và do đó tất cả phải cảnh giác.

Squealer dùng tuyên truyền để tẩy não các con vật khác, nói có thành không, không thành có, làm cho sự thật bị lu mờ. Chẳng hạn như khi con ngựa Boxer vì lao động cực nhọc nên chết, Squealer tuyên truyền rằng Boxer đã được các bác sĩ thú y tận tình cứu chữa, nhưng không qua khỏi và đã qua đời yên lành trong bệnh viện. Thật ra, Boxer được chở đến lò sát sinh, có thể là bán thịt! Khi Boxer chết, các con heo tổ chức tiệc giả bộ vinh danh Boxer, nhưng thật ra là lợi dụng dịp để ăn no nê và uống rượu … Whisky!

Học làm … người

Theo thời gian, heo Napoleon thu tóm quyền lực, tống khứ heo [kinh tế gia] Snowball ra khỏi ban lãnh đạo, và trở nên một kẻ độc tài hung dữ. ‘Chính phủ’ heo ra mặt đàn áp các con vật khác, bóc lột lao động của chúng, cắt giảm lượng đồ ăn của các con vật ‘thần dân’. Khi thần dân lên tiếng phàn nàn là bị đàn áp khốc liệt ngay.

Có những con vật như 4 con heo nhỏ, một con gà và một con ngỗng bị các con chó xử tử ngay sau khi bản án được tuyên bố, làm cho các con vật khác khiếp đảm. Khi con heo kinh tế Snowball đề nghị công nghiệp hóa sản xuất để giảm sự cực khổ cho các con vật, heo Napoleon cho mấy con chó ra hăm dọa và đuổi đi mất khỏi nông trại.

Một không khí khủng bố bao trùm lên nông trại, và các con vật khác chỉ biết lầm lũi, cúi đầu làm thân trâu ngựa cho heo. Đi đâu các con heo lãnh đạo cũng đeo roi để thị uy. Các con heo trở nên mập mạp hơn, giàu sang hơn, vì hưởng đặc quyền đặc lợi. Chúng sửa khẩu hiệu tất cả các con vật đều bình đẳng thành “tất cả các con vật đều bình đẳng, nhưng vài con vật bình đẳng hơn”.

Để củng cố sự cai trị, ‘Chính phủ heo’ ban phát bổng lộc cho những con vật trung thành. Những con chó có công đánh đuổi những con vật ‘phản động’ được gắn huy chương ‘Anh hùng bậc I’ và ‘Anh hùng bậc II’. Những con heo lãnh đạo bây giờ yêu cầu mọi người phải gọi chúng bằng danh xưng mới như ‘Lãnh tụ của chúng ta, đồng chí Napoleon’. Hệ thống tuyên truyền của Squealer ra lệnh cho các con vật làm thơ ca tụng Napoleon, và dạy rằng dưới sự ‘lãnh đạo anh minh’ của heo Napoleon, nông trại Animal Farm đã phát triển ngoạn mục.

Khi quyền lực đã được củng cố vững vàng, heo Napoleon bắt đầu tha hóa. Nó vi phạm những quy định do nó đặt ra lúc ban đầu. Cùng với các con heo lãnh đạo khác, heo Napoleon tập ngủ trên giường. Chúng uống sữa, ăn đồ ngon, ăn chơi phè phỡn. Chúng học những thói quen của ông Jones như uống rượu, và kinh ngạc hơn là chúng tập đi bằng 2 chân! Chúng cho rằng đi bằng 2 chân là … quý phái. Đáng ngạc nhiên hơn, các con heo lãnh đạo bắt đầu quay về cái thời của ông Jones. Chúng không cho gọi nhau là “Đồng chí” nữa. Chúng trả lại tên nông trại là Manor Farm (tức bỏ tên Animal Farm).

Những bài học

Phải nói George Orwell là một thiên tài, một nhà tiên tri. Ông nhìn thấy trước một cuộc cách mạng cả mấy mươi năm, và đã tạo ra những con vật nhân cách hóa tuyệt vời. Chẳng hiểu sao ông chọn mấy con heo làm con vật lãnh đạo, có lẽ vì ông cũng nghĩ heo là loài vật thông minh và là loài vật xã hội (social animal)?

Tác phẩm Animal Farm đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản vài năm trước.

Đọc qua tác phẩm và chỉ cần một chút quan sát, ai cũng có thể liên tưởng những câu chuyện trong tác phẩm với tình hình thực tế ở các nước làm cách mạng. Khởi đầu là một nhân vật có khả năng thuyết phục người dân về những bất công của chế độ hiện hành; kế đến là làm cách mạng hay đảo chính bằng bạo lực; cách mạng thành công, họ đặt ra những tiêu chuẩn đạo đức cách mạng mới; họ dùng tuyên truyền để nhồi sọ người dân; theo thời gian họ trở nên độc đoán, chuyên quyền, sa đọa; khi họ giàu lên, họ quay về những giá trị tiền cách mạng từng làm cái cớ để họ tiến hành ‘cách mạng’. Đúng một vòng tròn.

George Orwell chắc đã quan sát chế độ Soviet, nên mới tạo ra được những cơ quan, những nhân vật được nhân cách hoá đến những danh xưng đặc trưng Soviet. Những danh xưng kiểu như “Lãnh tụ anh minh” và huy chương “Anh hùng” đúng là sản phẩm tuyên truyền thời Soviet.

Con heo Napoleon với bản chất hung dữ và bạo động chính là tượng trưng cho Stalin. Bầy chó là hiện thân của bộ máy công an, có nhiệm vụ bảo vệ heo lãnh tụ Napoleon và đàn áp bất cứ ai dám thách thức lãnh tụ. Con heo Snowball dù có tài kinh bang tế thế và là một khai quốc công thần nhưng khi đã dám thách thức quyền lực của heo Napoleon là bị cho ‘lưu vong’ ngay.

Một con heo đóng vai trò quan trọng cho ‘Chính phủ heo’ là heo Squealer, nó hiện thân của hệ thống tuyên truyền tẩy não bằng dối trá và nhồi sọ. Heo Squealer tận dụng những thủ thuật nguỵ biện để tấn công những con vật bất đồng ý kiến với ‘lãnh tụ anh minh’. Những xảo thuật như tấn công cá nhân và ‘name calling’ được sử dụng triệt để. Squealer rất thành công gieo vào đầu mấy con gà và bò về công lao của heo Napoleon. Đẻ được trứng, uống được nước ngọt, tất cả đều nhờ ơn của “lãnh tụ anh minh” heo Napoleon.

Trại Súc Vật còn mô tả những thành phần xã hội có học nhưng thích được khen (như con ngựa Mollie), những kẻ biết chuyện nhưng im lặng như con ngựa Clover, và những kẻ chỉ nhắm mắt làm tay sai như ngựa Boxer. Trong xã hội do mấy con heo lãnh đạo, bạo lực và tuyên truyền được vận dụng tối đa; một cái là phương tiện trấn áp, và một cái là tẩy não để các ‘thần dân’ không còn phân biệt được đâu là thật và đâu là giả. Ai bất đồng ý kiến với chúng được cho cái nhãn ‘kẻ thù của nhân dân’ và phải bị triệt tiêu. Cách cai trị hà khắc này đến nay vẫn còn được áp dụng ở một số nước. Trại Súc Vật đúng là một kiệt tác phản ảnh một cách sâu sắc những mâu thuẫn trong các xã hội toàn trị, và cũng là một lời nhắc nhở rằng “Quyền lực làm cho con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối”.

____

Phiên bản hoạt hoạ bằng tiếng Anh rất hay. Chú ý giọng đọc của con heo thủ lãnh rất thuyết phục và làm cho người nghe mê mẩn. Rất dễ học tiếng Anh qua cách phát âm:

https://www.youtube.com/watch?v=2b-CMtKhTl0

N.T.

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

This entry was posted in độc tài, Trại súc vật. Bookmark the permalink.