Trọng Thành
Hội nghị Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26) đang diễn ra tại Glasgow, Scotland. Rất nhiều kỳ vọng được đặt vào COP26, như cơ hội cuối cùng giúp nhân loại giữ được nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C. Tuy nhiên, trước và trong hội nghị, giới khoa học, giới bảo vệ môi trường liên tục cảnh báo về việc «Đại dương» là một chủ đề lớn «bị quên lãng» tại dịp hội nghị hệ trọng này.
Biển khơi : nơi hấp thụ đến hơn 90% « lượng nhiệt dư dôi » trong khí quyển, và 25% lượng khí thải. © pxher
Đại dương chính là nơi hấp thu nhiệt trong khí quyển và khí thải, gây hiệu ứng nhà kính, quan trọng số một của hành tinh. Tương lai nhân loại liên hệ mật thiết với «đại dương». Theo nhiều chuyên gia, điều vô cùng đáng tiếc và nguy hiểm là chủ đề này gần như bị quên lãng tại thượng đỉnh Khí hậu COP26 (diễn ra từ ngày 31/10 đến 12/11/2021).
***
1/ Tại sao nói Đại dương là chủ đề lớn bị quên lãng tại hội nghị Khí hậu COP26?
Đại dương – khối nước bao quanh các lục địa, chiếm khoảng 70% diện tích bề mặt Trái đất – hết sức quan trọng với khí hậu trên Trái đất đặc biệt với việc hấp thu hơi nóng trong bầu khí quyển, một phần chủ yếu do khí thải CO2 tạo ra. Theo báo cáo của Nhóm chuyên gia liên chính phủ về Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC / GIEC) công bố tháng 9/2019, đại dương hấp thụ đến hơn 90% «lượng nhiệt dư dôi» của hệ thống khí hậu của Trái đất, và có thể tiếp tục hấp thu thêm từ 2 đến 4 lần lượng nhiệt đã hấp thu trong giai đoạn từ năm 1970 đến nay, nếu nhiệt độ Trái đất nóng lên không quá 2°C. Còn theo kịch bản nhiệt độ Trái đất tăng quá 2°C so với thời tiền công nghiệp, đại dương được hy vọng sẽ hấp thu từ 5 đến 7 lần so với tổng nhiệt lượng của giai đoạn 1970-2021.
Hấp thu trực tiếp khí thải gây hiệu ứng nhà kính là một chức năng quan trọng khác của đại dương. Kể từ những năm 1980 đến nay, ước tính đại dương hấp thu khoảng từ 20 đến 30% lượng khí thải cacbon do các hoạt động của con người tạo ra.
Như vậy, dễ dàng hình dung, không có đại dương, khí hậu Trái đất sẽ nóng lên gấp bội so với hiện nay. Vấn đề là đại dương có thể tiếp tục thực hiện được vai trò «cỗ máy điều hòa nhiệt độ» trên Trái đất này đến khi nào? Câu hỏi nói trên ám ảnh giới khoa học và giới bảo vệ môi trường, thế nhưng đã gần như không được giới chính trị chú ý.
Trước hết, trong số những quyết định lớn được đưa ra trong những ngày thượng đỉnh về Khí hậu đầu tiên tại Glasgow, với sự tham gia của hơn 100 lãnh đạo các nước, đại dương có thể coi như là chủ đề hoàn toàn vắng mặt.
Điểm lại lịch sử, trước Thượng đỉnh Khí hậu Paris 2015 (COP21), chủ đề đại dương không có mặt trong chương trình của các Hội nghị của các bên tham gia vào Hiệp định Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (gọi tắt là các COP). Le Monde trong bài tổng thuật của nhà báo Martine Valo nhan đề «Đại dương: Chủ đề lớn bị quên lãng tại hội nghị Khí hậu COP26 », cho biết cụ thể là: Bốn năm sau sự xuất hiện dè dặt của đại dương trong chương trình của COP, Nhóm chuyên gia liên chính phủ về Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC / GIEC) đã ra một báo cáo về «Đại dương và băng quyển trong bối cảnh biến đổi khí hậu». Tuy nhiên, bất chấp mức độ khủng khiếp của những tai họa về khí hậu được cảnh báo sẽ xảy ra nếu không quan tâm thực sự đến đại dương, đã có rất ít quyết định chính trị quan trọng được đưa ra.
2/ Đến khi nào đại dương không còn có thể tiếp tục thực hiện được vai trò «cỗ máy điều hòa nhiệt độ» trên Trái đất?
Đại dương – cái giếng khổng lồ hút nhiệt độ và khí thải – chủ yếu của Trái đất, nhờ đại dương mà nhiệt độ Trái đất «mới» chỉ tăng hơn 1°C so với thời tiền công nghiệp. Nhưng đại dương cho dù là khổng lồ đến đâu, thì «lá phổi» chính của hành tinh cũng không thể vận hành mãi mãi như thế này. Theo nhà đại dương học, chuyên về địa hóa học, bà Catherine Jeandel (giám đốc nghiên cứu CNRS – Pháp), mối quan hệ hài hòa đại dương – khí hậu tồn tại ổn định từ 8.000 năm nay có nguy cơ bị phá vỡ hoàn toàn, do các hoạt động của con người, đặc biệt là do khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Bài tổng thuật của Le Monde «Đại dương: Chủ đề lớn bị quên lãng tại hội nghị Khí hậu COP26» nhấn mạnh đến «thế cân bằng phức tạp» của cỗ máy hút nhiệt và khí thải có thể bị phá vỡ, do tác động của nhiệt độ và tình trạng acid hóa đại dương.
Plateforme Đại dương & Khí hậu – một liên minh của các cơ sở nghiên cứu khoa học về đại dương với các tổ chức bảo vệ môi trường – thường xuyên chuyển tải lo ngại của giới khoa học, khi chứng kiến những thay đổi lớn về nhiệt độ, các dòng hải lưu, và đời sống của các sinh vật trong môi trường biển.
Theo nhiều nghiên cứu khoa học, lượng oxy trong đại dương đã sụt giảm gần 2% mỗi thập niên, kể từ 1960. Cùng với việc nước biển nóng lên, việc thiếu oxy trong đại dương khiến đa dạng sinh học trong lòng biển giảm sút nghiêm trọng (chưa kể các hoạt động khai thác, tàn phá môi trường biển quy mô lớn vì lý do kinh tế hay lý do khác). Các vùng «biển chết» xuất hiện ngày càng nhiều.
Theo giới khoa học, những biến đổi mạnh mẽ này khiến cho khả năng hấp thu nhiệt và khí thải của đại dương bị suy yếu, và điều này có thể dẫn đến việc «một khối lượng lớn khí CO2 bị giữ lại trong bầu khí quyển» (tương tự như điều chúng ta chứng kiến trên đất liền, với việc nhiều vùng rừng lớn không còn là nơi hấp thu CO2, thải Oxy như xưa nay, mà bắt đầu trở thành nơi thải ra khí CO2 nhiều, như rừng Amazon từ mươi năm trở lại đây).
3/ Cộng đồng quốc tế có những nỗ lực nào đáng kể cho đến nay để hướng đến một giải pháp toàn cầu về đại dương?
Tại hội nghị Khí hậu COP26 lần này, ngày hôm nay 05/11, sẽ có cuộc họp bàn tròn về chủ đề «Tài chính đại dương», tiếp theo hội thảo bàn tròn sẽ là một kêu gọi «hành động vì đại dương», được đại diện các quốc gia ở cấp bộ đưa ra nhằm thúc đẩy «cộng đồng quốc tế có các biệp pháp đủ tầm cỡ nhằm bảo vệ sức khỏe đại dương».
«Tương lai của chúng ta phụ thuộc mật thiết vào sức khỏe của đại dương» cũng là kêu gọi của 37 tổ chức khoa học trên thế giới, đăng tải trên Le Monde, ngày 01/11, ngày thứ hai của thượng đỉnh COP26 (*). Ngày 05/11 đồng thời là ngày giới khoa học đại dương quốc tế giới thiệu với công chúng những hiểu biết căn bản, thiết yếu về mối quan hệ mật thiết đại dương với khí hậu tại COP26, với chương trình One Ocean Science.
Theo Le Monde, ngoài Hội nghị về Khí hậu, tương lai của đại dương – cũng là tương lai của nhân loại – cũng sẽ được quyết định tại một số «sân chơi» khác. Ví dụ như tại Cơ quan Quốc tế quản lý Đáy biển, hay trong khuôn khổ Ủy ban Bảo tồn Động, Thực vật biển Nam Cực (CCAMLR). Trong cuộc họp ngày 29/10 vừa qua, Liên Hiệp Châu Âu và 25 quốc gia tham gia vào Ủy ban này vẫn không đạt được đồng thuận cần thiết để thành lập các không gian biển mới được bảo vệ tại vùng biển Nam Cực (**). Đây là năm thứ năm liên tiếp, các thành viên CCAMLR không đạt đồng thuận.
Về phía Liên Hiệp Quốc, các thương lượng để thiết lập một thỏa thuận tương lai có tính cưỡng chế về mặt pháp lý, để bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển khơi, vẫn chưa đạt kết quả. Tiến trình xây dựng một thỏa thuận biển quốc tế bắt đầu khởi động từ năm 2012, nhưng chặng đường đi đến một hiệp ước quốc tế trong lĩnh vực này vẫn còn xa. Cho đến nay, vùng biển rộng mênh mông, với tổng diện tích ước tính khoảng một nửa diện tích bề mặt Trái đất, thường được gọi chung là «biển khơi» được coi là một không gian gần như không chịu sự chi phối của luật pháp quốc tế (***).
Trong khi cộng đồng quốc tế dường như dậm chân tại chỗ trong mục tiêu hướng đến một hiệp ước về biển khơi, một số sáng kiến tiếp tục được đưa ra ở cấp độ địa phương. Trở lại hội nghị COP26, trong những ngày đầu hội nghị, Ecuador thông báo mở rộng gấp rưỡi Khu bảo tồn biển nổi tiếng, được coi là thuộc loại lớn nhất thế giới, giữa Galapagos và Costa Rica (rộng thêm 60 000 km2).
Đánh động công luận về tình hình đại dương nguy ngập cũng là nỗ lực của nhiều tổ chức bảo vệ đại dương tại COP26. Hôm 02/11, hiệp hội Ocean Rebeillon (Đại dương Nổi dậy) đã biểu tình trước cơ sở lọc dầu duy nhất tại Scotland, nơi diễn ra thượng đỉnh.
Ghi chú:
(*) Lời kêu gọi của 37 tổ chức khoa học khẩn thiết: «Đại dương giờ đây cần phải nằm ở trọng tâm» của các quyết định liên quan đến khí hậu. Bà Françoise Gaill, phó chủ tịch của Plateforme Đại dương & Khí hậu và ông François Houllier, chủ tịch tổng giám đốc của Viện nghiên cứu Pháp về khai thác biển (Ifremer), nằm trong đại diện các tổ chức ký tên vào kêu gọi này.
(**) Khu vực biển được bảo vệ (AMP) rộng hơn 1,55 triệu km² tại Nam Cực ở biển Ross được CCAMLR là khu AMP cuối cùng được CCAMLR lập ra vào năm 2016, và là một trong hai AMP của Ủy ban Bảo tồn Động, Thực vật biển Nam Cực. «Quốc tế lập khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới tại Nam Cực», RFI, ngày 28/10/2016.
(***) «Hơn ba tháng sau thỏa thuận lịch sử về hạn chế biến đổi khí hậu tại Thượng đỉnh COP 21 (Paris), cộng đồng quốc tế bước vào một cuộc trường chinh mới: tìm kiếm khuôn khổ pháp lý mang tính cưỡng chế đối với việc «bảo vệ và sử dụng bền vững hệ đa dạng sinh thái» của đại dương» («Quốc tế đàm phán về quản lý đại dương», RFI, ngày 20/04/2016). Theo giới bảo vệ môi trường, cộng đồng quốc tế phải hướng đến mục tiêu bảo vệ ít nhất 30% diện tích đại dương trước năm 2030.
Các nhà tranh đấu của hiệp hội bảo vệ môi trường Ocean Rebellion (Đại Dương Nổi Dậy) đeo mặt nạ hình can dầu, biểu tình chống năng lượng hóa thạch gây hại cho Khí hậu và Đại dương, trước địa điểm tổ chức COP26, Glasgow, ngày 29/10/2021. REUTERS – RUSSELL CHEYNE
T.T.
Nguồn: RFI Tiếng Việt