Vì sao chỉ vài vụ án bị xử mang “dáng dấp” của tội tham nhũng?

Thanh Hà

VOV.VN – Đây là câu hỏi cực kỳ nan giải đối với các cơ quan tố tụng bởi tội phạm tham nhũng là loại tội phạm trình độ cao, nhiều đối tượng thậm chí đã có sẵn kế hoạch để đối diện với cơ quan bảo vệ pháp luật.

2 cựu Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông ra tòa trong vụ án tham nhũng

2 cựu Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông ra tòa trong vụ án tham nhũng

Trong Chỉ thị số 04-CT/TW được ban hành mới đây (2/6/2021), Ban Bí thư nhận định, tuy đã có chuyển biến tích cực trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt yêu cầu.

Tại một hội thảo khoa học mới đây được tổ chức ở Hà Nội, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ cho rằng, việc xử lý tội danh tham nhũng rất hạn chế. “Phần lớn là xử lý tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trong… chứ có xử được tội tham nhũng đâu”, ông Độ thẳng thắn nêu quan điểm.

Như vậy, có thể hiểu, nếu như không có đủ bằng chứng để đề nghị truy tố một tội danh thuộc nhóm tội phạm tham nhũng thì đồng nghĩa với việc không có cơ sở chắc chắn để kê biên, tịch thu, thu hồi tài sản do tham nhũng mà có.

Một vài vụ án mang “dáng dấp” của tội tham nhũng

Thực tế xét xử những vụ án liên quan đến vi phạm về kinh tế thời gian qua, có thể thấy khá nhiều bị cáo là những người từng giữ chức vụ, quyền hạn được đưa ra xét xử. ông Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, bị tuyên phạt 10 năm tù vì tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến việc nâng khống giá máy xét nghiệm; ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) bị TAND TP Hà Nội bị tuyên phạt 5 năm tù về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” do có vai trò chủ mưu, chỉ đạo và nhiều lần nhận tài liệu về vụ án Nhật Cường; ông Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân cũng phải ra tòa về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan việc chuyển đổi 3 khu đất quốc phòng ở TP Hồ Chí Minh sang đất kinh tế không đúng quy định, sai chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng…

Trong rất nhiều vụ án được đưa ra xét xử thời gian qua mà bị cáo là những người từng giữ chức vụ, có lẽ mang dáng dấp nhiều nhất của một vụ án tham nhũng đó là vụ cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son ra tòa về tội “Vi phạm quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Nhận hối lộ” liên quan đến những sai phạm nghiêm trọng trong vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG. Trong vụ án này, ông Nguyễn Bắc Son đã thừa nhận hành vi phạm tội, đã nhận hối lộ từ cựu Chủ tịch HĐQT AVG số tiền 3 triệu USD (tương đương 66 tỷ đồng). Trước ngày tòa tuyên án, gia đình ông Son đã nộp lại toàn bộ số tiền này.

Pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng đã từng bước được hoàn thiện. Nội dung này được nêu rõ trong Chỉ thị 04- CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư. Cụ thể, trong các quy định của Bộ luật Hình sự về nhóm tội phạm tham nhũng, có khá nhiều hành vi bị coi là tham nhũng: tham ô, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, hay giả mạo trong công tác.

Trong Luật phòng chống tham nhũng, các hành vi bị xếp vào tội tham nhũng còn rộng hơn nữa: Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Tại sao khó chứng minh tội phạm tham nhũng?

Thực tiễn tham gia bào chữa cho các bị cáo là những người có chức vụ, quyền hạn trong một số vụ án kinh tế thời gian qua, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Hãng Luật Hưng Yên), cho rằng, thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Một trong những nguyên nhân chính là các tội phạm về tham nhũng (Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tội tham ô, tội nhận hối lộ…) là nhóm tội có tỷ lệ tội phạm ẩn rất cao, việc chứng minh hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” của người phạm tội rất khó, bởi hành vi này có lúc chỉ là những câu nói, những chỉ đạo bằng miệng, cũng có thể là những ám chỉ mơ hồ… nên rất khó để xác định rõ.

Chưa kể, một yếu tố rất quan trọng trong những tội phạm về tham nhũng là “động cơ vụ lợi”, “mục đích cá nhân” thì cũng rất khó để chứng minh.

Cùng nhận định trên, luật sư Nguyễn Phú Thắng (Công ty luật Intercode, Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho rằng, thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng khi tiến hành điều tra, truy tố và xét xử các tội phạm về kinh tế mới chỉ xoay quanh nhóm tội phạm về chức vụ nên chúng ta ít thấy các vụ án về nhóm tội phạm tham nhũng là bởi cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi vụ lợi, trục lợi hay động cơ cá nhân của hành vi vi phạm pháp luật. Các hành vi này có thể gây thất thoát hoặc gây lãng phí tài sản của Nhà nước nhưng cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi chiếm đoạt tài sản hay tư hữu tài sản, vụ lợi, trục lợi hay vì động cơ cá nhân.

“Đây là loại tội phạm có trình độ cao, có mối quan hệ xã hội, quan hệ công tác rộng, chưa kể việc chứng minh tài sản bị chiếm đoạt là cực kỳ khó khăn bởi đường đi của những tài sản này rất lắt léo, nhiều khi không do chiếm đoạt trực tiếp, vụ lợi trực tiếp mà qua rất nhiều thủ đoạn, nhiều trung gian khác. Từ đó việc chứng minh trục lợi hay vụ lợi của hành vi phạm tội là rất khó khăn. Trong khi đây là dấu hiệu bắt buộc để thỏa mãn các tội danh thuộc nhóm này”, luật sư Thắng nêu rõ.

Cũng theo luật sư Thắng, tội phạm tham nhũng về nguyên tắc phải thu hồi tài sản do hành vi phạm tội mà có, tuy nhiên quá trình chứng minh tài sản chiếm đoạt được rất khó khăn, gian nan đối với các cơ quan tiến hành tố tụng dẫn đến khi người ta không vụ lợi, trục lợi thì không thể truy tố, xét xử và kết tội tham nhũng được mà chỉ có thể truy tố bằng các tội phạm về chức vụ khác tương ứng với hành vi phạm tội và kết quả điều tra.

Tội phạm tham nhũng đã có sẵn kế hoạch đối mặt với cơ quan bảo vệ pháp luật

Đây là vấn đề vô cùng nan giải đã được đặt ra ở nhiều hội nghị hội thảo liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng. Chúng ta đều hiểu không một hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức nào mà lại không có yếu tố trục lợi, tư lợi. Nhưng về nguyên tắc xét xử, đòi hỏi phải có chứng cứ vật chất chứ không thể suy diễn cảm tính, cho nên cơ quan tố tụng muốn buộc tội một người nào đó tội tham nhũng chắc chắn phải có chứng cứ vật chất, phải có chứng cứ, tài liệu để chứng minh có việc nhận tiền, lợi ích từ hành vi phạm tội.

Chưa kể, “người phạm tội thường đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, thậm chí có khi đã chuẩn bị sẵn kế hoạch đối phó với cơ quan bảo vệ pháp luật về mặt chứng cứ khiến việc chứng minh tội phạm rất khó khăn, kéo dài, mất nhiều thời gian của cơ quan tố tụng”, luật sư Thắng cho biết thêm.

Để tháo gỡ vấn đề này, luật sư Nguyễn Phú Thắng cho rằng, không có cách nào khác là phải làm tốt từ đầu công tác phòng chống. Thực tế, những đối tượng bị xử phạt về tội chức vụ hay tội tham nhũng thì cũng đều là người phạm tội, có chăng chỉ khác ở tội danh. Cùng với đó, công tác tuyên truyền giáo dục, công tác cán bộ ngay từ cơ sở cần được tăng cường mạnh hơn nữa, thường xuyên hơn nữa, đặc biệt cần có những biện pháp răn đe mạnh hơn nữa thông qua sự nghiêm minh của các bản án.

Thái độ cương quyết của đảng, pháp luật, nhà nước phải được phản ánh chân thực và đúng đắn trong các bản án xét xử để tạo hiệu ứng, có tác dụng răn đe phòng ngừa chung.

T.H.

Nguồn: VOV

This entry was posted in Chống tham nhũng. Bookmark the permalink.