Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Hãy nhìn rõ các quan chức trong tù trước khi duyệt cho tàu chạy!

Hoàng Hải Vân

Có thể là hình ảnh về tàu hỏa và ngoài trời

Ảnh: Báo Tiền Phong

Hội đồng kiểm tra Nhà nước về nghiệm thu công trình xây dựng đối với dự án đường sắt Cát Linh Hà Nội chưa thông qua hồ sơ nghiệm thu công trình này, theo báo Tiền Phong.

Hẳn Hội đồng có lý do để không phê duyệt tuỳ tiện.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra công trình đã áp giá nhân công không đúng quy định đã làm tăng chi phí thêm 222 tỷ đồng, Bộ Giao thông cũng làm văn bản xin Thủ tướng xem xét để đưa vào dự toán, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chính thức trả lời đây không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, cũng theo báo Tiền Phong. Tân Chính phủ có lý do để không có ý kiến bừa bãi.

Chưa duyệt cho tàu chạy không chỉ vì 16 khuyến cáo về an toàn do Tư vấn ACT đã đưa ra mà Bộ Giao thông muốn phớt lờ mà còn hàng loạt những khuất tất nếu được làm rõ thì chắc chắn sẽ phải chỉ ra những người có trách nhiệm.

Bộ Giao thông đang tiếp tục làm văn bản thúc ép Hội đồng Kiểm tra Nhà nước duyệt cho tàu chạy.

Ai muốn phê duyệt cho tàu chạy, trước hết hãy nhìn cho kỹ một loạt quan chức cấp cao bị đưa vào lò và bị tống vào tù vì những sai phạm đối với các dự án đầu tư để giữ thân. Còn những kẻ đã nhúng chàm trong dự án này vẫn đang lỳ mặt thì không tính.

Nếu như làm cho minh bạch giống như các dự án trong hàng loạt các vụ án đã diễn ra thì đối với công trình đường sắt Cát Linh – Hà Đông có ít nhất 3 cụm vấn đề phải làm rõ :

Thứ nhất. Ai đã ký với Trung Quốc tự đặt mình làm thân nhược tiểu để vay vốn với những điều kiện áp đặt: Chỉ định nhà thầu của Trung Quốc; Chỉ định tư vấn của Trung Quốc; Mua vật tư thiết bị của Trung Quốc, tất cả đều theo giá cả do phía Trung Quốc quyết định, gây tổn hại vô cùng lớn cho tài sản của nhân dân và chủ quyền quốc gia? Ai đã chỉ đạo không áp dụng đấu thầu quốc tế và ai đã tham mưu, tất cả đều phải đưa lên thớt, bất kể những kẻ đó là ai, đã về hưu hay đương chức.

Thứ hai. Việc chậm trễ tiến độ công trình và đội vốn, trách nhiệm của ai? Nếu trách nhiệm của nhà thầu sao không bị phạt? Nếu trách nhiệm của chủ đầu tư sao không xử lý?

Tôi còn nhớ có lần nhà thầu Trung Quốc đã viện dẫn sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào hoạt động phi pháp tại vùng biển nước ta bị Việt Nam cực lực phản đối, coi đó là một trong những lý do làm chậm trễ tiến độ công trình với hàm ý đổ lỗi cho phía Việt Nam ta. Với việc đổ lỗi đó, rõ ràng việc cho vay này còn mang đậm màu sắc ràng buộc chính trị.

Tất cả những chuyện đó cũng cần được minh bạch hoá.

Thứ ba. Không chỉ làm tăng chi phí 222 tỷ đồng do áp giá nhân công sai mà còn hàng loạt vấn đề về chi phí và giá cả khác cần phải điều tra phanh phui mọi sự che giấu. Nhà thầu và chủ đầu tư có câu kết với nhau để bòn rút tài sản quốc gia hay không? Lợi ích được chia chác như thế nào?

Những thứ đó kiểm toán không làm nổi, phải điều tra mới ra.

Tàu Cát Linh-Hà Đông chưa chạy cũng chưa chết ai, nhưng 3 vấn đề trên cùng với 16 khuyến cáo an toàn của ACT mà không được làm rõ thì đất nước này sẽ khó có thể ngóc đầu lên được!

H.H.V.

Nguồn: Fb Hoàng Hải Vân

This entry was posted in Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Mặt thật Tàu cộng. Bookmark the permalink.