Quốc hội chỉ nên họp 3 ngày

Trương Huy San

Thật là phi chính trị khi cả nước đang căng mình chống dịch mà Quốc hội (QH) – với nhiều đại biểu đang là lãnh đạo chủ chốt ở địa phương – lại cứ ngồi trong Hội trường Ba Đình hàng tuần.

Về mặt lý thuyết, Việt Nam đã có một nền cộng hòa đại nghị. Việc ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XIII, như nhiều nền cộng hòa khác, Đảng CSVN cho thay đổi các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Chúng ta sẽ thấy việc thay đổi này là hoàn toàn bình thường nếu “cộng hòa đại nghị” vận hành trong một nền chính trị đa đảng chứ không chỉ vận hành đơn thuần “về lý thuyết”.

Nửa đầu tháng 4-2021, Quốc hội khóa XIV đã thay thế những người không còn tham gia BCT hoặc BCH TW khóa mới, trừ 4 vị trí cơ cấu chưa phải là đại biểu QH theo Hiến định. Cho dù trên thực tế, những nhân sự mới này sẽ tiếp tục vận hành bộ máy nhà nước cho tới sau Đại hội tới của Đảng thì về mặt lý thuyết, họ vẫn là nhân sự của QH khóa XIV. Và, cũng về mặt lý thuyết, họ phải được QH khóa XV bầu hoặc phê chuẩn lại tại kỳ họp thứ nhất, nghe nói diễn ra vào cuối tháng này

.

Cho dù QH khóa XV có gần 60% đại biểu mới (296/499) thì tuyệt đại đa số vẫn là đại biểu của Đảng. Đảng chưa có ý định thay thế các chức danh chủ chốt mà Hiến pháp quy định là do QH bầu (“Bộ Ba”, Chánh án TAND TC, Viện trưởng VKSND TC…); chỉ có 4 ủy viên UBTV QH được cơ cấu mới nhưng dạo tháng Tư chưa là đại biểu (thượng tướng Trần Quang Phương, trung tướng Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường và Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm).

Các chức danh QH phê chuẩn cũng ổn định, Chính phủ chỉ có 4 Phó Thủ tướng, không bổ sung vào chỗ khuyết của PTT Trương Hòa Bình.

Không còn thủ tục miễn nhiệm như hồi tháng Tư, và cũng không nên quá hình thức khi định thảo luận “số lượng PCT Quốc hội…” Hiến pháp chỉ quy định các chức danh phải do QH bầu hoặc phê chuẩn chứ không đòi QH phải dành thời gian thảo luận về những người mình sẽ bầu hoặc phê chuẩn ấy nhất là khi họ đều được sàng lọc qua các cấp đại hội của Đảng rồi.

Kỳ họp bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ mới thực chất và cần vai trò lớn hơn của QH. Các đại biểu chỉ nên lên hội trường để bỏ phiếu lần lượt các chức danh theo trình tự được ghi trong Hiến pháp. Các báo cáo thường niên cũng nên gửi văn bản trước hoặc sau cho đại biểu mang về đọc ở nhà. Quốc hội, vì thế, chỉ cần họp 3 đến 4 ngày là đủ.

Tập trung gần cả ngàn người (đại biểu và các cơ quan phục vụ…) trong một thời gian dài đã là trái với nguyên tắc chống dịch mà Hà Nội đang buộc người dân phải chấp hành.

Trong khi nước sôi lửa bỏng, dân tình gặp nhiều khó khăn, nhiều địa phương đang phải căng mình chống dịch, mà QH vẫn “diễn đủ các màn” thì vừa càng thể hiện tính hình thức vừa, với dân, là vô cảm.

PS: Trong 499 người trúng cử QH khóa XV: 151 đại biểu là phụ nữ (30,26%); 89 đại biểu là người dân tộc thiểu số (17,84%); 47 đại biểu dưới 40 tuổi (9,42%); 14 đại biểu là người ngoài Đảng (2,8%); 203 đại biểu khóa XIV tái cử hoặc đã từng là ĐBQH các khóa trước (40,68%); 296 đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội (59,32%).

T.H.S.

Nguồn: Fb Truong Huy San

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.