Y Chan
Nhiều người còn mắt tròn mắt dẹt trước điều khoản số 38, quy định rằng bất kỳ ai, cho dù có phải là cư dân Hong Kong hay không, cho dù có sống ở đặc khu hay không, đều sẽ phải chịu sự trừng phạt nếu vi phạm các quy định của đạo luật.
Những nhà bình luận chính trị đã gọi đây là hình thái mới, “một quả địa cầu một chế độ”, hay “đạo luật dẫn độ cấp vũ trụ” của Trung Quốc.
Đích thị là theo nội dung của những người soạn thảo ra nó, bất kỳ ai, người viết hay bạn đang đọc bài, thậm chí là một người ngoài hành tinh, chỉ cần có biểu đạt chỉ trích chính quyền đặc khu Hong Kong hoặc Đảng Cộng sản Trung Quốc, đều sẽ là đối tượng bị trừng phạt của luật này.
Và bạn hay người ngoài hành tinh đó không cần phải bước chân vào lãnh thổ Hong Kong hoặc Trung Quốc mới có thể gặp nguy cơ bị bắt giữ. Bất kỳ nơi nào có thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong hay Trung Quốc đều có thể trở thành nơi mà lực lượng chấp pháp của Bắc Kinh và đặc khu thực thi “luật an ninh quốc gia” của mình.
Với lo ngại đó, nhiều ý kiến đã kêu gọi các nước tạm ngưng hiệp ước dẫn độ với Hong Kong. Canada và Úc là những quốc gia đầu tiên ngưng việc hợp tác dẫn độ với đặc khu.
Tại Đài Loan, một danh sách 53 quốc gia hiện có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc hoặc/ và Hong Kong đã được liệt kê ra, cùng với lời cảnh báo người dân nên cẩn trọng khi đến những nước này (Việt Nam cũng nằm trong danh sách trên).
Một người ủng hộ Trung Quốc giương cờ Trung Quốc trước tấm biểu ngữ quảng cáo cho Luật An ninh Quốc gia tại Hong Kong, ngày 26/6/2020. Ảnh: Anthony WALLACE / AFP.
Tháng 5/2020, hai nghị viên của Hong Kong tổ chức một sự kiện từ thiện tại địa phương. Trong số những khách mời tham gia có các quan chức cấp cao của đặc khu lẫn đến từ đại lục. Không ai biết rằng các quan lớn đó đã vạch sẵn một kế hoạch bí mật, thuê xã hội đen ám sát hai chính khách này. Họ không có tư thù gì với hai nghị viên, chỉ đơn giản làm theo lệnh từ “anh lớn”, muốn gây bạo loạn khiếp sợ trong dân chúng, nhằm có cớ nhanh chóng thông qua “Đạo luật an ninh quốc gia”.
Tình tiết sau đó có chút thay đổi: hai nhân mạng mất đi, nhưng là của hai sát thủ được thuê. Cảnh sát, được quan lớn sắp xếp chờ sẵn, nhanh như chớp xuất hiện hạ gục hai tay súng ngay tại chỗ.
Kịch bản cuối cùng vẫn giữ nguyên: truyền thông rầm rộ đưa tin về các phần tử khủng bố, chính quyền ca ngợi lực lượng chấp pháp kịp thời bảo vệ trị an, luật an ninh quốc gia cần phải thông qua ngay không thể chậm trễ…
Đoạn trên là tập mở đầu trong năm tập phim ngắn của bộ phim “Thập niên”, được hoàn thành và công chiếu vào năm 2015.
Gọi là “công chiếu”, nhưng trên thực tế dưới áp lực của chính quyền Bắc Kinh, “Thập niên” không được bất kỳ rạp chiếu phim lớn nào tại Hong Kong tiếp nhận. Các nhà làm phim đã phải tổ chức các buổi chiếu dã chiến tại trường học, thư viện, dưới gầm cầu…
Truyền thông Trung Quốc gọi bộ phim này là “virus tư tưởng độc hại”, ra sức dẹp bỏ mọi nỗ lực tồn tại của nó.
Nhiều người Hong Kong, hưởng ứng lời tuyên truyền của Bắc Kinh, hoan hỉ tiếp nhận thứ “virus” này.
Cùng năm đó, tại Lễ trao giải của Liên hoan phim Kim Tượng, giải thưởng điện ảnh danh giá của Hong Kong và rất nổi tiếng trong khu vực, “Thập niên” được xướng danh cho giải cao quý nhất trong tiếng hô vang dội hội trường.
Những con người tự do không bao giờ chịu bị khuất phục.
Tương lai ai cũng thấy trước
Rất trùng hợp, cũng vào thời điểm này của năm 2020, chính quyền Bắc Kinh đã đạp lên dư luận để trùm cho bằng được “Đạo luật an ninh quốc gia” lên thành phố nhỏ bé Hong Kong.
Chỉ có điều khác với tưởng tượng của những nhà làm phim “Thập niên” vào 5 năm trước, những người cộng sản giờ đây thậm chí chẳng cần mất công bày trò thuê sát thủ tạo sự kiện khủng bố để trục lợi.
Nói như các nhà quan sát Đài Loan, Bắc Kinh bây giờ “diễn cũng chẳng thèm diễn”, thẳng tưng xé nát lời hứa “một quốc gia hai chế độ” đã được họ ký kết bằng giấy trắng mực đen vào năm 1984 với Vương quốc Anh.
Trên thực tế, đó là hệ quả mà gần như ai cũng thấy từ trước.
Nếu không phải vậy, Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo của Trung Quốc trực tiếp đàm phán cùng Thủ tướng Margaret Thatcher của Anh về vấn đề Hong Kong, trong suốt thập niên 1980 đã không phải năm lần bảy lượt uốn đủ tấc lưỡi để trấn an người Hong Kong lẫn thế giới rằng “chính quyền Trung Quốc đã hứa là làm”, “đó là lời hứa trịnh trọng nghiêm túc”, “hiệp định nói 50 năm không đổi tức là 50 năm sẽ không thay đổi”, “đời này không đổi, đời sau cũng sẽ không thay đổi”, “sau 50 năm lại càng không cần phải thay đổi”…
Ảnh: AP
Thực tế, chưa cần đến 50 năm, chỉ hơn 5 năm sau khi được Bắc Kinh tiếp quản, người Hong Kong đã nhận thấy lời hứa của chính quyền cộng sản “trịnh trọng” và “khả tín” đến mức nào.
Vừa tiếp nhận Hong Kong vào năm 1997, đến năm 2003 Bắc Kinh đã tìm cách đưa thêm Điều luật số 23 nhằm chỉnh sửa nội dung Hiến pháp của đặc khu, nhân danh “an ninh quốc gia” để dập tắt mọi mầm mống chống lại sự thống trị của đảng cộng sản.
Cú “nhá đòn” của chính quyền trung ương đã kéo hơn 500.000 người Hong Kong đổ ra đường biểu tình phản đối. Dự luật an ninh trá hình này bị xếp xó ngay sau đó.
Không ai nghĩ đó là kết thúc của câu chuyện. Người Hong Kong đã không còn ảo mộng nào về sự khả tín của những người cộng sản, còn Trung Quốc chỉ ngậm bồ hòn vì chưa đủ thực lực để làm tới.
Các cuộc biểu tình lớn trong hơn một thập niên tiếp theo, phản đối các chính sách “cải cách giáo dục” (cài cắm các nội dung yêu nước, yêu đảng cộng sản vào trong chương trình học), đòi quyền bầu cử trực tiếp lãnh đạo đặc khu, và nhất là mùa hè phản kháng chống lại Dự luật Dẫn độ bắt đầu từ đầu năm 2019, càng cho thấy cuộc hôn nhân cưỡng ép này không thể có kết cục tốt đẹp.
Nhưng màn hôn phối dị dạng đó không bắt đầu từ Hong Kong.
Đồng sàng dị mộng
Trong nửa thế kỷ qua, cả thế giới đã sống chung với một thứ nhận thức mơ hồ: chỉ có một chính quyền Trung Quốc tồn tại.
Nó bắt đầu từ việc phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, bắt tay với chính quyền cộng sản Bắc Kinh để rảnh tay đối đầu cùng Liên Xô, rồi từ đó Bắc Kinh hất cẳng Đài Loan khỏi Liên Hiệp Quốc vào năm 1971, trở thành đại diện duy nhất của những người Trung Quốc.
Tuy công nhận Bắc Kinh, Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục bảo hộ Đài Loan, đề phòng Bắc Kinh dùng vũ lực để chiếm đảo quốc này.
Sau nhiều thập niên gầm gừ trong tình trạng căng thẳng, bên nào cũng dạy con cháu mình một mai phải “giải phóng bên kia”, vào năm 1992, lần đầu tiên các quan chức Đài Loan và Bắc Kinh gặp nhau để rồi sau đó cho ra đời một thỏa ước với tên gọi “Cộng thức 1992” (1992 Consensus): hai bên cùng xác nhận rằng chỉ tồn tại “một nước Trung Quốc”, nhưng “nước Trung Quốc nào” thì lại để mập mờ ai muốn hiểu sao thì hiểu.
Bắc Kinh cho rằng “một Trung Quốc” ở đây là chỉ chính quyền cộng sản của mình, và việc Đài Loan chấp nhận thỏa ước trên chứng tỏ Đài Loan thuộc quyền quản lý của họ.
Chính quyền Đài Loan của Quốc Dân Đảng, bên ký thỏa ước, lại luôn khẳng định “một Trung Quốc” là chỉ “Trung Hoa Dân Quốc”, tên gọi chính thức của đảo quốc này.
Mỹ trong khi đó không thừa nhận “nguyên tắc một nước Trung Quốc” (One China Principle) như Bắc Kinh yêu cầu, nhưng nhiều thập niên qua vẫn thực thi đường lối ngoại giao theo “chính sách một Trung Quốc” (One China Policy): ghi nhận là Trung Quốc có nguyên tắc giống vậy.
Cuộc tình tay ba dị dạng này có vẻ có lợi cho tất cả: Bắc Kinh được tiếng làm “chánh cung”, Mỹ và phương Tây được miếng bánh béo bở từ thị trường tỷ dân, còn Đài Loan cất được nỗi lo lắng nửa đêm bị tay hàng xóm ập vào xâm hại.
Nhưng sự cân bằng lý tưởng này phụ thuộc vào những điều kiện lý tưởng tương tự: rằng Trung Quốc tiếp tục phát triển kinh tế và trở nên giàu có thịnh vượng, xây chắc niềm tin của các nhà lãnh đạo cộng sản về tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, rằng sự phát triển đó không ảnh hưởng tiêu cực đến những nước xung quanh, đảm bảo khu vực vẫn hòa bình ổn định, và rằng Đài Loan sẽ ngày càng xích lại gần thay vì gạt bỏ vòng tay âu yếm của Bắc Kinh.
Các điều kiện này đều đang thay đổi. Hay nói chính xác hơn, nó chưa bao giờ tồn tại, và giờ đây chỉ đang trồi lên lộ rõ.
Không mất bao lâu để Trung Quốc đi từ “một quốc gia, hai chế độ” của Đặng Tiểu Bình đến “một vũ trụ, một chế độ” của Tập Cận Bình. Ảnh: Getty Images
Bong bóng và các quả cầu lửa
Trung Quốc, sau nhiều thập niên cởi trói (mà họ vẫn tự hào gọi là “đổi mới”), hưởng lợi từ đầu tư nước ngoài, nguồn tài nguyên nhân lực giá rẻ, xuất khẩu hàng hóa ra khắp thế giới… với các con số tăng trưởng ấn tượng, vẫn chưa thể giải quyết tình trạng đói nghèo cho hàng trăm triệu người dân trong nước.
Thống kê từ nghiên cứu của Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho thấy 600 triệu người Trung Quốc có mức thu nhập dưới 150 USD/ tháng. Trong số đó, gần 300 triệu người thu nhập dưới 70 USD (khoảng 1,6 triệu) một tháng.
Nếu lấy mức thu nhập 290 USD/ tháng, cả nước có gần 1 tỷ người ở dưới mức này.
Trong khi Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố số liệu trên vào cuối tháng 5/2020 để cảnh báo, thì đầu tháng 6/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn kiên định mục tiêu “xóa bỏ hoàn toàn đói nghèo” vào năm 2020 như đã đặt ra 5 năm trước đó.
Có ý kiến cho rằng đại dịch COVID-19 xuất hiện sẽ là nguyên nhân khiến Trung Quốc khó hoàn thành mục tiêu trên. Thực tế có thể ngược lại. Nếu phải thừa nhận thất bại, đại dịch sẽ là cái cớ lý tưởng để Bắc Kinh chối bỏ trách nhiệm của mình.
Các nghiên cứu thống kê về thu nhập ở trên được hoàn thành vào năm 2019, trước khi dịch bệnh xuất hiện và gây hậu quả tại Trung Quốc cũng như khắp thế giới.
Những vấn đề về kinh tế của Trung Quốc cũng xuất hiện rất lâu trước khi có cuộc chiến thương mại Mỹ Trung do Donald Trump phát động.
Giá bất động sản tăng cao làm đầy túi một nhóm thiểu số có quan hệ cùng chính quyền nhưng bóp chết giấc mơ sở hữu nhà của đa số những người trẻ tuổi.
Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ trong và ngoài nước tạo ra các báo cáo hấp dẫn trong ngắn hạn, nhưng không đem lại bao nhiêu lợi ích thiết thực. Trong nhiều trường hợp nó còn thổi căng phồng các món nợ cho cả địa phương trong nước lẫn các nước sở tại nơi Trung Quốc đầu tư (đường sắt Cát Linh Hà Đông tai tiếng của Việt Nam là một ví dụ).
Số nợ thực tế của Trung Quốc cũng là một dấu hỏi lớn. Trong khi con số của chính quyền đưa ra là dưới 50% GDP, một ước tính của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho ra kết quả nợ công của Trung Quốc đạt mức 300% so với GDP.
Chính quyền nơi đây đóng cả ba vai: vừa là chủ nợ (kiểm soát các ngân hàng), vừa là con nợ (kiểm soát các công ty quốc doanh vay tiền), vừa đặt ra luật chơi để điều chỉnh hoạt động tín dụng.
Trong một hệ thống tuần hoàn khép kín, vừa đá bóng vừa thổi còi vừa tự vỗ tay hoan hô như vậy, không ai biết được các bong bóng kinh tế của Trung Quốc lớn đến đâu. Và một khi vỡ ra, cũng không ai hình dung được hậu quả sẽ như thế nào.
Bất chấp, hoặc có lẽ là một trong những chiến lược để đánh lạc hướng cho các bong bóng phập phù đó, Bắc Kinh không ngừng nuôi những quả cầu lửa quăng ra bên ngoài.
Từ việc liên tục gia tăng các hoạt động áp đặt chủ quyền đơn phương trên biển Đông (South China Sea) và biển Hoa Đông (East China Sea), tập trận thường xuyên dọa dẫm các nước xung quanh, đặc biệt là Đài Loan, sẵn sàng đối đầu cùng Ấn Độ trong xung đột biên giới, cho đến đường lối ngoại giao “chiến lang”, không ngần ngại gây hấn với mọi quốc gia “cả gan gây sự” với mình, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có vẻ như đang rất tự tin rằng thời của mình đã tới.
Quả cầu lửa mà họ dập lên Hong Kong là một minh chứng cho sự tự tin đó.
Cảnh sát cảnh báo người biểu tình ở Hong Kong sau khi Luật An ninh Quốc gia có hiệu lực. Ảnh: AFP
Bàn tay che khắp vũ trụ
Luật An ninh Quốc gia Hong Kong được công bố, thảo luận, thông qua và ban hành trong thời gian kỷ lục. Nó thậm chí có hiệu lực từ trước khi người ta thấy được mặt ngang mũi dọc của đạo luật đó. Luật được ban hành vào ngày 30/6/2020, và phải đến nửa đêm, nội dung bản tiếng Hoa mới được công bố cho công chúng (riêng bản tiếng Anh, ngôn ngữ chính thức thứ hai được sử dụng tại Hong Kong, phải chờ đến ba ngày sau mới được chính quyền đặc khu công bố chính thức).
Đã có quá nhiều phân tích về đạo luật kỳ khôi này.
Nó vi phạm các quyền cơ bản nhất của người Hong Kong xưa nay dưới chế độ luật pháp hiện hữu của họ, như quyền tự do biểu đạt, quyền tụ tập biểu tình, quyền giữ im lặng, quyền được bảo lãnh, quyền riêng tư…
Nó trao quyền lực gần như vô hạn cho lực lượng cảnh sát; giờ đây có thể không cần thông qua trát tòa mà thực hiện mọi hoạt động giám sát, theo dõi, bắt giữ, thẩm vấn…
Nó cũng lập ra các đơn vị đặc biệt phụ trách “an ninh quốc gia” với lực lượng đến từ đại lục, chính thức công khai hoạt động tại Hong Kong mà không phải chịu bất kỳ sự quản chế nào của chính quyền lẫn luật pháp đặc khu. Đó là một dạng Cẩm Y Vệ của thời nhà Minh hay lực lượng an ninh chìm Gestapo của Đức Quốc xã, những tổ chức hoạt động ngoài vòng pháp luật, là công cụ tay sai đắc lực của chính quyền chuyên đàn áp khủng bố người dân.
Nó bao trùm cả luật dẫn độ và lồng ghép các nội dung “cải cách giáo dục”, những chính sách mà gần hai mươi năm qua người dân Hong Kong kiên quyết phản đối.
Và cuối cùng, để “bù đắp” cho các vấn đề phát sinh sau này đến từ những định nghĩa mập mờ, mâu thuẫn trong nội dung, đạo luật trao quyền diễn giải và quyết định cuối cùng cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, tức chính quyền trung ương.
Nghĩa là dấu chấm hết hoàn toàn cho cái gọi là “một quốc gia, hai chế độ”.
Nhiều người còn mắt tròn mắt dẹt trước điều khoản số 38, quy định rằng bất kỳ ai, cho dù có phải là cư dân Hong Kong hay không, cho dù có sống ở đặc khu hay không, đều sẽ phải chịu sự trừng phạt nếu vi phạm các quy định của đạo luật.
Những nhà bình luận chính trị đã gọi đây là hình thái mới, “một quả địa cầu một chế độ”, hay “đạo luật dẫn độ cấp vũ trụ” của Trung Quốc.
Đích thị là theo nội dung của những người soạn thảo ra nó, bất kỳ ai, người viết hay bạn đang đọc bài, thậm chí là một người ngoài hành tinh, chỉ cần có biểu đạt chỉ trích chính quyền đặc khu Hong Kong hoặc Đảng Cộng sản Trung Quốc, đều sẽ là đối tượng bị trừng phạt của luật này.
Và bạn hay người ngoài hành tinh đó không cần phải bước chân vào lãnh thổ Hong Kong hoặc Trung Quốc mới có thể gặp nguy cơ bị bắt giữ. Bất kỳ nơi nào có thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong hay Trung Quốc đều có thể trở thành nơi mà lực lượng chấp pháp của Bắc Kinh và đặc khu thực thi “luật an ninh quốc gia” của mình.
Với lo ngại đó, nhiều ý kiến đã kêu gọi các nước tạm ngưng hiệp ước dẫn độ với Hong Kong. Canada và Úc là những quốc gia đầu tiên ngưng việc hợp tác dẫn độ với đặc khu.
Tại Đài Loan, một danh sách 53 quốc gia hiện có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc hoặc/ và Hong Kong đã được liệt kê ra, cùng với lời cảnh báo người dân nên cẩn trọng khi đến những nước này (Việt Nam cũng nằm trong danh sách trên).
Các nhà hoạt động Hong Kong Nathan Law, Joshua Wong và Agnes Chow họp báo ngày 28/5/2020. Ảnh: AP
Quả cầu tiên tri?
Trong tập phim ngắn cuối cùng của bộ phim “Thập niên”, Hong Kong trở thành một “cấm địa”. Tất cả các sách báo, phim ảnh, hàng hóa, ngôn từ… đều phải chịu sự kiểm duyệt từng câu từng chữ.
Một người bán trứng địa phương bị các đứa bé trong trang phục “Thiếu niên quân” (một dạng “Sao đỏ” như của Việt Nam) báo cáo vi phạm vì dám dùng từ “bản địa” để quảng cáo trứng của mình.
Các thiếu niên quân này được lệnh đi khắp thành phố mỗi ngày để dò xét, kiểm tra từng ngóc ngách một. Trên tay mỗi cậu bé cô bé là một tờ giấy ghi danh sách những từ cấm sử dụng, và nếu phát hiện ở đâu có vi phạm, lập tức chụp ảnh ghi nhận báo cáo lại cho cấp trên.
Dưới chế độ kiểm duyệt này, đến cả truyện tranh Doraemon cũng bị cho là sách cấm.
Đó là Hong Kong vào năm 2025, trong phim. Trên thực tế, Hong Kong của năm 2020 đã bắt đầu trở thành một nơi giống vậy.
Các ngôn từ “kích động” bắt đầu bị cấm. Sách của những tác giả cổ xúy cho dân chủ bị rút khỏi thư viện. Các cửa hàng có biểu tượng thông điệp ủng hộ phong trào dân chủ buộc phải đóng cửa dọn sạch sẽ dấu tích.
Các nhà làm phim có khả năng tiên tri cũng không đọ lại được với thực tế phũ phàng.
Hong Kong từ lâu đã được xem là một tấm gương hai chiều, để Trung Quốc thông qua đó nghía ra thế giới, và để thế giới qua đó nhìn cách Bắc Kinh hành xử.
Khi những thông điệp nhận được từ tấm gương trở nên quá rõ ràng, nó trở thành một quả cầu tiên tri.
Người Đài Loan nhìn vào cách Bắc Kinh đạp lên lời hứa “một quốc gia hai chế độ” ở Hong Kong để rồi càng lúc càng kiên quyết chống lại móng vuốt của cộng sản. Họ không muốn “Hong Kong hôm nay, Đài Loan ngày mai” trở thành sự thật.
Phần còn lại của thế giới nhìn vào cách Trung Quốc lật đảo những lời hứa giấy trắng mực đen để rút ra bài học cho riêng mình.
Ba năm trước, quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công khai khẳng định “Hiệp ước Trung Anh” về vấn đề Hong Kong chỉ còn là một “văn kiện lịch sử”, “không có bất kỳ ý nghĩa lẫn giá trị thực tế nào”.
Ba năm sau, khi chính quyền Anh công bố ý định cấp quyền cư trú của hàng triệu người Hong Kong để chống lại Luật An ninh Quốc gia được thông qua, Bắc Kinh lại lớn tiếng cáo buộc Anh vi phạm hiệp định đã ký.
Có người đã từng liên tưởng cách Trung Quốc đàn áp Hong Kong với cách Đức Quốc xã đưa quân vào Rhineland trước Thế chiến II.
Rhineland là một vùng đất thuộc Đức, tiếp giáp với Pháp, Bỉ và Hà Lan. Sau Thế chiến I, theo Hiệp ước Versailles, Rhineland trở thành một vùng đệm phi quân sự. Mục đích của lực lượng đồng minh khi lập ra vùng đệm này là để bảo vệ Pháp khỏi sự tấn công bất ngờ của Đức.
Vào năm 1936, lấy cớ Pháp ký các hiệp ước tương trợ với Liên Xô, gây hấn với mình, Hitler cho quân vào chiếm đóng vùng phi quân sự Rhineland. Các nước đồng minh khi đó đã không có phản ứng gì trước động thái này của Đức. Với bước mở đầu không bị ai khó dễ, Đức Quốc xã nhanh chóng tiến đánh các quốc gia khác, mở màn cho Thế chiến thứ II ngay sau đó.
Dĩ nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng, nhất là giữa hai thời kỳ lịch sử rất khác biệt, nhưng giá trị cảnh báo thì không bao giờ thừa.
Vẫn có những người cho rằng việc Trung Quốc áp đặt Luật An ninh Quốc gia lên Hong Kong là chuyện bình thường, vì “nước nào chẳng có luật an ninh quốc gia”.
Cựu tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu còn khẳng định Luật An ninh Quốc gia của Hong Kong cũng chẳng khác chi Luật An ninh Quốc gia của Đài Loan mà chính phủ của bà Thái Anh Văn ban hành.
So sánh từng nội dung, từng điều luật, từng định nghĩa, hay từng câu chữ của các đạo luật trong trường hợp này là một việc vô nghĩa.
Sự khác biệt cơ bản nằm ở thể chế tạo ra luật pháp đó.
Như bình luận của Giáo sư Donald Clarke, một chuyên gia về luật tại Đại học George Washington, nếu thể chế đã quyết định bạn có tội, luật có thiếu hay sai cũng chẳng ảnh hưởng gì.
Và đây chính là bản chất của vấn đề: không thể so sánh Luật An ninh Quốc gia, Luật An ninh mạng, hay bất kỳ đạo luật nào được tạo ra bởi những thể chế độc tài với luật pháp ở những thể chế dân chủ.
Ở một chế độ mà người dân không có quyền quyết định, nơi mọi cơ chế thực thi, giám sát, tài phán đều dưới quyền một người/nhóm người, nơi mà minh bạch là một thứ xa xỉ, còn sự thật trở thành điều cấm kỵ, không thể có hy vọng gì vào sự công bằng, vốn là giá trị cơ bản nhất mà luật pháp mang lại.
Hong Kong, vùng đất của Trung Quốc nhưng nhiều thế hệ qua đã quen với một thể chế minh bạch, một văn hóa tự do và nền luật pháp công bằng, sẽ khó có thể bị biến thành một thành phố ngoan ngoãn của đại lục, hay trở nên giống như một Việt Nam của hiện tại.
Người dân Trung Quốc hay Việt Nam nhiều thế hệ qua đã luôn bị chụp trong những chiếc lồng, lâu đến mức không ít người nhìn ra bên ngoài tưởng rằng những ai bay lượn tự do là có bệnh. Người Hong Kong trong khi đó từ lúc sinh ra đã tự do tung cánh.
Bắt những kẻ tự do ngoan ngoãn chui lại vào lồng là một chuyện không tưởng.
Hong Kong có trở thành một quả cầu tiên tri phản ánh tương lai của thế giới hay không, hạ hồi phân giải.
Nhưng có một điều rõ ràng, quả cầu thủy tinh này giúp soi rõ nhiều bài học của quá khứ. Một trong số đó là cái giá của việc thỏa hiệp với cái ác.
Mọi cuộc hôn nhân dị dạng, đặc biệt với những thế lực đàn áp tự do của con người, mãi mãi không có kết cục tốt đẹp.
Y.C.
Đọc thêm:
-
Đạo luật Hong Kong và quyền tùy nghi hành pháp của tổng thống
-
Bảy bài học, tốt có xấu có, từ mùa hè không yên ả của Hong Kong
Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.
Nguồn: luatkhoa.org/2020/07