Cải cách thể chế, thoát khỏi tư duy cũ để “bật” lên

Hà An phỏng vấn TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

07:34 17/05/2020

Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) đã khai mở mặt trận phục hồi nền kinh tế của đất nước. 5 mũi giáp công được coi là chiến thuật hình chữ V mà Thủ tướng chỉ đạo đang được các bộ, ngành địa phương và toàn thể DN ráo riết vào cuộc với quyết tâm cao độ và một tinh thần yêu nước nhiệt huyết.

Khát vọng vươn lên của nền kinh tế đã chiến thắng trên mặt trận chống dịch được cụ thể hóa bằng những hành động cụ thể và sự vào cuộc sát sao của Chính phủ. Nhưng, để nền kinh tế có sức bật thực sự như một chiếc lò xo bị nén cần có những thay đổi từ chính thể chế. Trong quá trình đó, sẽ có những chọn lọc, những mất mát thực sự.

PV chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật đã có cuộc trao đổi với TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam về vấn đề này.

TS Trần Đình Thiên

P.V: Thưa TS Trần Đình Thiên, với những thành tựu về chống dịch, cùng tinh thần và quyết tâm của toàn dân tộc trong công cuộc phục hồi kinh tế, ông đánh giá cơ hội và thách thức của chúng ta trong giai đoạn hiện nay như thế nào?

TS Trần Đình Thiên: Trước hết, chúng ta phải xác định dịch COVID-19 không chỉ là chuyện con virus. Dịch có nguồn gốc toàn cầu hóa và nó chính là yếu tố cấu thành nội hàm khái niệm toàn cầu hóa hiện đại. COVID-19 là tai họa nhưng cũng tạo cơ hội để thay đổi thế giới.

“Hậu COVID” là bước vào giai đoạn là bình thường “mới”, chứ không phải trở lại bình thường “cũ”. Nhưng bình thường mới là gì nhỉ? Ai cũng nói “bình thường mới”, có vẻ hiểu cả, nhưng chỉ mang máng. Trong khi đó, đích xác, cụ thể nó là gì thì dường như còn rất mù mờ. Không biết nó là gì thì làm sao trở lại nó được đây?

Bình thường mới của Việt Nam sẽ đặt ra 2 vấn đề: “Tìm cơ trong nguy” và xác định xem “có nguy trong cơ” không. Lâu nay, đa số hướng tới “tìm cơ trong nguy”. Tôi nhấn mạnh hơn khía cạnh “nguy trong cơ”. Ta bỏ lỡ cơ hội nhiều rồi, do “cơ biến thành nguy” mà không biết. Về “tìm cơ trong nguy”, phải xác định chúng ta vươn lên bằng những thay đổi từ nội lực, tìm kiếm những lợi ích chiến lược, tìm cơ hội để vượt lên đẳng cấp phát triển mới mà lúc bình thường, cố mãi không làm được.

P.V: Bình thường mới – khái niệm này nghe có vẻ đơn giản nhưng sẽ không dễ dàng, vì thực sự hiện tại chúng ta đang ở giai đoạn “bất bình thường”. Vậy có nghĩa trước đây, chúng ta là “bình thường cũ”?

TS Trần Đình Thiên: Tôi muốn nhấn mạnh “bình thường mới” là phải khác với cái cũ chứ không phải là trở về cái cũ. Lấy ví dụ việc đi học của trẻ em. Trước khi có dịch, trẻ con đi học bình thường. Khi có dịch, trẻ con mất mấy tháng học, giờ trở lại học và thi. Vậy “bình thường mới” ở đâu?

Tôi đồng ý Việt Nam chống dịch cực kỳ thành công. Song có vẻ chúng ta đang khá dễ dãi với mình, đang tự động trở lại cái cũ hơn là nhân cơ hội này thay đổi cái cũ, vươn lên cái mới.

Đối với nền kinh tế, có nhiều ý kiến cho rằng phải cứu trợ tất cả DN. Cứu trợ để DN phục hồi, để nền kinh tế “hồi sinh”. Nhưng hồi phục như thế nào? Cấu trúc của DN yếu như thế, cứu cho sống lại hệ thống cũ và yếu như vậy khi thế giới bứt lên đẳng cấp công nghệ mới thì ý nghĩa của việc “cứu” đấy là gì?

Tại sao không phải đặt vấn đề trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn, nên bớt phần cứu trợ các doanh nghiệp ốm yếu, ít có triển vọng vươn lên, dành một phần đáng kể để khởi tạo ra hệ thống DN mới, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đích thực? Ý của tôi là hồi sinh nền kinh tế bằng cách “thay máu” nó, chứ không chỉ cứu các DN “đời cũ” ốm yếu, để phục hồi nền kinh tế cũ, đẳng cấp thấp. Tôi nghĩ bình thường mới kinh tế chủ yếu là như vậy.

P.V: Thưa ông, quả thực đây là một cách nhìn mới, đi ngược lại ý kiến của (tạm gọi là) đám đông?

TS Trần Đình Thiên: Điều này dễ hiểu vì ở nước ta, nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ chiếm tuyệt đại đa số. Tôi xin nói thêm về đặc điểm nền kinh tế nước ta – đó là liên kết chuỗi rất kém, đặc biệt là nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ, cứ mạnh ai nấy làm. Ở các nước phát triển khác, các DN liên kết tạo thành chuỗi nên một “thằng” chết thì cả chuỗi chết, theo kiểu domino. Còn ở nước ta, DN khá “độc lập”, nên ít bị tác động.

Hơn nữa, với nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ, họ có năng lực xoay trở sinh tồn rất cao, không dễ “chết” đâu. Như cây cỏ trong bão tố ấy mà. Có thể rạp mình xuống trong gió rồi vươn dậy trong khi cây to rất dễ bị quật ngã. DN nhỏ có thể đóng cửa, dừng hoạt động trong thời gian khó khăn, khi có cơ hội, sẽ “hồi sinh”. Những DN này, cứ để phát triển theo tự nhiên. Nhà nước không có đủ tiền cứu trợ đâu. Nhưng cần “cởi trói”, đừng “hành” họ. Vậy là tốt rồi, tốt một cách cơ bản và thực chất.

P.V: Nhưng nếu chỉ cứu DN lớn thì nghe có vẻ phân biệt đối xử quá…

TS Trần Đình Thiên: Ngân sách như 1 bình sữa. Ví dụ nếu 100 ông đều trông chờ vào bình sữa này, mỗi ông sẽ chỉ có 1 giọt, có thể đủ để cả 100 ông cầm cự. Nhưng khi khủng hoảng đi qua, 100 ông này vẫn sống, nhưng đều rất yếu, đều vẫn “nằm bẹp”, không ông nào đứng dậy. Lấy ai cạnh tranh đây, lấy ai khôi phục kinh tế khi đối thủ “tràn vào”? Và đặc biệt, nền kinh tế sẽ không có gì thay đổi, không có sáng tạo, sẽ tiếp tục bị kịch “tụt hậu xa hơn”.

Nhưng nếu bình sữa đó, chúng ta chỉ tập trung cứu 50 hoặc 30 ông chẳng hạn, thì sẽ cứu tốt hơn, tạo sức bật cho họ vươn lên, không phải chỉ cầm cự qua ngày đoạn tháng nữa. Chính họ sẽ tạo sức hồi sinh cho những ông đang gay go vì chưa được cứu trợ đợt đầu. Đặc biệt, cứu được DN lớn sẽ tạo trụ cột phục hồi, tạo động lực phát triển cho cả nền kinh tế. Đó không phải kỳ thị hay phân biệt đối xử. Tình huống này, không nên dàn trải nguồn lực cứu sinh và phải chấp nhận trả giá. Cứu những DN có nguồn lực để họ đứng dậy được; tập trung hỗ trợ các DN khởi nghiệp – đó là cách lựa chọn khôn ngoan khi nguồn cứu trợ có hạn.

Nếu chúng ta tập trung cứu những DN nhỏ “đời cũ”, như đã nói, kết cục nền kinh tế vẫn cứ li ti, không thay đổi được đẳng cấp. Còn nếu tập trung hỗ trợ nguồn lực ít ỏi cho các DN khởi nghiệp, trên nền tảng công nghệ thì sẽ tạo ra một hệ sinh thái mới.

Tôi muốn nhấn mạnh điều đáng quan tâm lúc này là Chính phủ phải đặc biệt quan tâm thúc đẩy các trung tâm khởi nghiệp – sáng tạo, gắn với những DN có công nghệ tiên tiến, đủ sức tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Như thế, Việt Nam mới có thể vươn lên được. Với các DNNVV [? – doanh nghiệp nhỏ và vừa? – BVN], cần cởi trói cho họ, cùng với các ưu đãi chung, họ sẽ tự mình vươn dậy. Tạo cơ hội phát triển một lực lượng DN mới, “thay máu” cho nền kinh tế – đó là “cơ trong nguy” đúng nghĩa hiện nay.

P.V: Vậy theo ông, chúng ta làm gì để nền kinh tế “bật” lên?

TS Trần Đình Thiên: Đổi mới khoa học công nghệ, phát triển kinh tế số. Phải làm chủ công nghệ, để kéo đất nước đi lên, thoát khỏi tụt hậu. Vai trò của công nghệ khiến trật tự thế giới có thể khác đi rất nhiều. Với Việt Nam điều này rất quan trọng do Việt Nam có kinh tế mở, tham gia rất nhiều các FTA. Dịch bệnh COVID-19 làm đứt chuỗi (từ thấp đến cao) nhưng rõ ràng, là cơ hội để nhìn thấy sau COVID-19 là yếu tố để kích di chuyển thay đổi cấu trúc. Vấn đề nền kinh tế đang đối mặt hiện không thuần tuý là kinh tế. Nó là vấn đề toàn cầu và tổng thể, nên phải giải quyết tổng thể, còn hồi sức cấp cứu rất quan trọng, nhưng có thể nó làm mờ đi những vấn đề chiến lược.

P.V: Xin ông nói rõ hơn về vấn đề chiến lược?

TS Trần Đình Thiên: Có 3 vấn đề; 1 là DN có phục hồi được không. Tôi nói làm sao để nền kinh tế Việt Nam đứng dậy được, chứ không phải tất cả DN đều đứng dậy được. Thứ 2 là để Việt Nam thoát khỏi lệ thuộc phát triển vào một số thị trường. Thứ 3 là năng lực để có thể “nhảy” vào nền kinh tế hiện đại.

Để làm được điều này, quan trọng nhất đó là phải có hệ thống thể chế tương thích, nguồn lực mới, thể chế mới công khai minh bạch mới mong tham gia vào chuỗi giá trị.

P.V: Chính phủ đã có chiến lược cụ thể và rất rõ ràng với 5 mũi giáp công gồm thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa…

TS Trần Đình Thiên: Chính phủ kiến tạo trong 3 năm qua đã đồng hành, hỗ hỗ trợ cho DN, đạt được những thành tựu rất căn bản, vững chắc. Kinh tế tư nhân tăng trưởng tốt song chưa đủ mạnh. Còn FDI, khi thế giới lộn xộn, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang, Việt Nam trở thành điểm sáng, thu hút được nhiều. Nhưng, có một con số đáng chú ý đó là số lượng FDI vào Việt Nam năm 2019 vừa qua: số dự án tăng lên gần 30%, nhưng vốn giảm 16%. Nghĩa là xu hướng “li ti hóa – phi công nghệ hóa”. Dự án vào Việt Nam vốn đã bé rồi càng bé hơn. Một phần khá lớn dự án này có nguồn gốc Trung Quốc. Đây là vấn đề không thể coi thường. “Nguy trong cơ” là không nhỏ.

Còn về giải ngân đầu tư công hiện rất chậm và ngày càng chậm, chứng tỏ căn bệnh cơ chế của ta đang trầm trọng. Ngân sách tồn đọng mấy trăm nghìn tỷ đầu tư công. Nếu ta giải ngân được, bơm được “dòng máu” này vào nền kinh tế, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho DN và toàn bộ nền kinh tế, thúc đẩy toàn bộ sản xuất. Khi đó, may ra, nền kinh tế bật dậy được theo hình chữ V và tạo điều kiện để bắt nhịp vào quỹ đạo kinh tế số. Bởi vậy, phải tập trung giải ngân đầu tư công. Việc hỗ trợ các DNNVV là của ngân hàng – giao việc cụ thể, còn Nhà nước là phải tập trung vào đầu tư công. Khi nền kinh tế “yên ấm”, ngân sách cần tiết kiệm chi. Nhưng khi kinh tế khó khăn như hiện nay, chính là lúc ngân sách phải mở rộng hầu bao để hỗ trợ DN, cứu nền kinh tế.

Tóm lại COVID-19 như một cơ hội lịch sử và chúng ta phải tập trung thay đổi mấy vấn đề, thoát khỏi tư duy cũ, cải cách thể chế, đầu tư phát triển khoa học công nghệ, kinh tế số, mở cửa được đầu tư công, tìm cơ hội để thoát khỏi lệ thuộc phát triển…

P.V: Xin cảm ơn ông!

H.A.

Nguồn: cand.com.vn

This entry was posted in Bản chất thể chế, Thể chế. Bookmark the permalink.