Vũ Đình Trọng
Báo Quảng Ninh đưa tin, ngày 15 Tháng 5, 2020, tại huyện Vân Đồn, UBND tỉnh tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ về việc thí điểm thành lập Ban Quản Lý Khu Kinh Tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh.
Bản tin quan trọng như thế, nhưng bị chìm trong hàng loạt tin tức từ vụ án Hồ Duy Hải.
Theo bài báo, cùng với Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh) đã được Trung ương Đảng CSVN xác định là ba khu kinh tế trọng điểm, ba điểm đột phá phát triển Bắc-Trung-Nam của đất nước. Trong đó, Vân Đồn là khu kinh tế duy nhất nằm trong khu vực hợp tác kinh tế Việt-Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc bộ mở rộng, cầu nối ASEAN – Trung Quốc, Hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore, trong Vùng Kinh tế Trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh) (1).
Năm 2018, người dân nhiều tỉnh thành đã xuống đường phản đối Luật Đặc Khu cho Trung Quốc thuê đất 99 năm, khiến Quốc Hội phải hoãn bàn bạc để thông qua dự luật Đặc Khu. Tuy nhiên, nhiều công trình do Trung Quốc đầu tư vẫn tiếp tục được xây dựng tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Người dân không còn nghe danh xưng đặc khu nữa, thay vào đó, tháng 11 năm 2019, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ký cho phép thí điểm Khu Kinh Tế Đặc Biệt ở Vân Đồn, và ngay sau đó Quốc hội bấm nút thông qua việc miễn thị thực cho người “Nước Ngoài” đến các Khu Kinh Tế Đặc Biệt ấy.
Thực chất tính chất hai khu này như nhau. Có thể ví von, chính phủ chỉ “thay màu da…” mà thôi!
Hai năm trôi qua, kể từ ngày Quốc hội hoãn thông qua Luật Đặc Khu, hơn 90% căn hộ tại Vân Đồn đã được người Trung Quốc đứng tên thì việc “thí điểm thành lập Ban Quản Lý Khu Kinh Tế Vân Đồn” không còn ý nghĩa gì nữa, mà chỉ là một cách hợp thức hóa chuyện đã làm.
Điều này đã được bà Chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Đơn Vị Hành Chính – Kinh Tế Đặc Biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, từ năm 2018:
“Bộ Chính Trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật” (2).
Rõ ràng, khi Bộ Chính trị đảng CSVN đã quyết, thì Quốc hội chỉ bàn cách thực hiện thôi, chuyện người dân biểu tình hay phản đối như thế nào đi nữa, vẫn không ảnh hưởng đến quyết định của Bộ Chính trị.
Theo lời giải thích của bà Ngân, người ta có thể hiểu mục đích mở Đặc Khu Kinh Tế, hay Khu Kinh Tế Đặc Biệt là để kiếm tiền: “Mục đích làm đặc khu là phải được cái gì đó, bỏ ra một đồng để thu lại vài chục, vài trăm đồng. chứ không phải để 10 – 20 năm tới đánh giá lại thì không được gì”.
Bà Ngân không nhắc gì đến sự toàn vẹn lãnh thổ, theo lời cảnh báo của các chuyên gia và sự can ngăn của các đại biểu Quốc hội. Hôm nay, Đặc Khu Vân Đồn chính thức đi vào hoạt động, mở đầu cho sự thôn tính đất đai từ phương Bắc, sẽ dẫn đến thảm họa khó lường.
Có những dấu hiệu cho thấy, chủ trương, chính sách được soạn ra chỉ để bảo vệ, đem lại lợi ích cho một số cá nhân, một số nhóm, thì chắc chắn mầm họa mất nước nằm ở đó. Chuyện “miễn thị thực” tại các Khu Kinh Tế sẽ mở đường cho Trung Quốc từng bước thôn tính các đặc khu này. Chỉ vào chục năm nữa, khi thế hệ thứ hai, thứ ba người Trung Hoa bén rễ, và người Việt ở đó nói tiếng Hoa sõi hơn tiếng mẹ đẻ, chuyện họ đòi tự trị và thần phục “Trung Hoa Vĩ Đại” sẽ thành hiện thực.
Ngày đó sẽ không xa.
Nguồn:
(1) http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202005/cong-bo-nghi-quyet-cua-chinh-phu-ve-thanh-lap-ban-quan-ly-khu-kinh-te-van-don-2483556/index.htm?fbclid=IwAR1o1akbfU_Ph4jqM4n9oacLBZJVgtSx_HgjolJvamscyga5nnJnTcw09Mg
(2) http://vneconomy.vn/chu-tich-quoc-hoi-phai-ban-de-ra-duoc-luat-dac-khu-20180416130046666.htm
V.Đ.T.
Nguồn: saigonnhonews.com