Đặc san số 6 – Trang “Bauxite Việt Nam” 10 tuổi: một chặng đường, một lát cắt tươi tắn của xã hội dân sự Việt Nam

Nguyễn Quang A

D:\Pictures\Insigne BVN 2.JPG

D:\Pictures\Nguyễn Quang A 2.jpg

Mấy tháng sau khi ba trí thức nổi tiếng GS Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn và GSTS Nguyễn Thế Hùng lập trang Bauxite Việt Nam thì “người ta” tung tin về sự lục đục nội bộ, về việc nhận tiền nước ngoài,… rồi GS Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn bị gọi lên công an “làm việc”.  GS Huệ Chi, với tư cách Tổng biên tập, còn bị cơ quan An ninh điều tra đến khám nhà, hành hạ, thẩm vấn, lấy lời khai liên miên trong gần cả tháng trời. Với giới hoạt động bây giờ thì việc ấy quá quen thuộc, với nhà văn Châu Diên (Phạm Toàn) chắc cũng không lạ chuyện “làm việc” với an ninh văn hoá A25. Với GS Huệ Chi khi đó thì những chuyện như thế chắc là quá sốc, nhưng ông đã nhẹ nhàng, uyển chuyển và hết sức kiên cường lèo lái trang Bauxite Việt Nam hơn 4 năm trời và tiếp tục dẫn dắt nó cho đến hôm nay. Sau đó Nguyễn Huệ Chi học giả đã trở thành một Nguyễn Huệ Chi học giả-nhà hoạt động. “Người ta” tìm mọi cách để dẹp cái tờ báo mạng phản biện chính sách, không được nhà nước cho phép này và nếu không thể dẹp được thì gây khó dễ đủ bề. Khi đó ít người nghĩ Bauxite có thể sống qua được 1 năm, nói chi đến kỷ niệm 10 năm! Cần nhắc lại những khó khăn gian khổ ban đầu đó để có thể hiểu đúng tầm vóc lịch sử của Bauxite Việt Nam trong sự phát triển của phong trào xã hội dân sự Việt Nam.

Khởi đầu như một trang mạng phê phán dự án của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc về đầu tư khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Ý định ban đầu của sự “thoả thuận” Việt-Trung là Trung Quốc đầu tư hàng chục nhà máy bauxite khắp Tây Nguyên. Ý định đó đã vấp phải sự phản kháng rất bài bản của các nhà khoa học, các lão thành và các tổ chức NGO có đăng ký mà tiêu biểu là viện CODE và anh Phạm Quang Tú (Phó viện trưởng Viện CODE) từ hai năm trước khi trang Bauxite Việt Nam ra đời.

Đã luôn luôn có các tổ chức xã hội dân sự không có đăng ký và nhiều tổ chức “không nhạy cảm” vẫn hoạt động mà ít bị sách nhiễu, nhưng các tổ chức phản biện, “nhạy cảm” (hãy nghĩ về Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ) luôn luôn bị nhà cầm quyền coi là bất hợp pháp và bị đàn áp, dẹp tan hay/và bị thâu nạp thành, bị thay thế bằng tổ chức mới thực ra là cánh tay của ĐCS, cho nên khái niệm tổ chức xã hội dân sự không có đăng ký (đôi khi được gọi là phi-chính thức) ít được biết đến. Bauxite Việt Nam đã góp phần đắc lực làm cho khái niệm tổ chức xã hội dân sự phi chính thức trở nên quen thuộc.

Dưới sự phản biện mạnh mẽ của xã hội, mà Bauxite Việt Nam có công lớn, dự án bauxite đã được giới hạn ở hai nhà máy “thử nghiệm” chứ không tràn ra khắp Tây Nguyên. Đây là lần đầu tiên có sự phối hợp tự nguyện nhịp nhàng (tuy không có tổ chức) giữa các tổ chức xã hội dân sự  có đăng ký và không có đăng ký (CODE và Bauxite Việt Nam) trong phong trào phản đối các dự án bauxite (huỷ hoại môi trường).

Những người chủ chốt trong BBT của Bauxite Việt Nam, như nhà thơ Hoàng Hưng, Phó GS TS Hoàng Dũng,… cũng là những người nòng cốt của nhiều tổ chức xã hội dân sự không có đăng ký khác từ đó đến nay. Trong phong trào phản đối chặt cây ở Hà Nội ban đầu đã có sự phối hợp rất hiệu quả của các tổ chức xã hội dân sự không có đăng ký và có đăng ký, rồi an ninh phát hiện ra sự phối hợp và tìm mọi cách phá mối liên kết đó. Nhiều bạn trẻ trong phong trào đó là các fan nhiệt thành của Bauxite Việt Nam. Vai trò tạo sự kết nối, sự lan toả của Bauxite Việt Nam không phải nhỏ.

Khoảng cùng thời với Bauxite Việt Nam, nhà giáo Phạm Toàn đã khởi xướng nhóm Cánh Buồm thu hút nhiều bạn trẻ, bạn già tham gia soạn sách giáo khoa, một công việc độc quyền của nhà nước, một lĩnh vực được coi là cấm kỵ, nêu một gương sáng về “quyền ta ta cứ làm”. Theo Hiến pháp, công dân Việt Nam có rất nhiều quyền “trên giấy” vì “người ta” đều thòng cụm từ “theo quy định của pháp luật” sau các quyền ấy. Thế nếu Quốc hội lười, hay ĐCSVN lười không chỉ thị cho Quốc hội, ra “pháp luật” để cho công dân thực hiện quyền hiến định của mình thì là lỗi của bọn lười ấy chứ đâu phải của người dân! Quyền góp ý, quyền tham gia quản lý nhà nước, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền xuất bản, quyền biểu tình, quyền lập hội,… đều có cả đấy nhưng không có quy định của pháp luật để dân thực hiện (hoặc nếu có thì là luật quản lý, hạn chế hay thực ra là cấm các quyền tự do đó, chứ không phải tạo điều kiện cho dân, như thế là luật vi hiến). Bauxite Việt Nam là một trong các tổ chức đầu tiên nhận ra sức mạnh của “quyền ta ta cứ làm” một cách xây dựng, ôn hoà, hiệu quả. Tính chính đáng, sức mạnh vô địch của chúng ta là ở chỗ đó.

Biến cái nhà cầm quyền coi là “bất bình thường” thành cái “bình thường” là một công lớn của Bauxite Việt Nam. Chế độ độc tài tìm mọi cách bóp nghẹt tự do ngôn luận, tự do báo chí. Bauxite Việt Nam là một tờ báo không có đăng ký. Bauxite Việt Nam đã góp phần quan trọng để xây dựng một nền báo chí mới, đích thực ở Việt Nam. Tuy chế độ này luôn nói có tự do báo chí với hàng trăm cơ quan báo chí, nhưng tất tần tật chỉ có một ban biên tập: ĐCSVN. Với sự phát triển của công nghệ, một mặt báo chính thống của ĐCSVN đang mất dần bạn đọc vì thông tin rập khuôn theo chỉ đạo, mặt khác có quá nhiều trang mạng cá nhân hay tập thể đưa tin chưa chính xác hay thậm chí tin giả. Nhu cầu thông tin (cầu thông tin ngày càng cao) của người dân cần được đáp ứng nhưng báo chính thống và mạng xã hội (bên cung) không đáp ứng nổi: có một lỗ hổng màu mỡ cho một nền báo chí nghiêm túc. Bauxite Việt Nam là một trong những tờ báo như vậy. Tuy đã có thêm Văn Việt, Việt Nam Thời Báo, Luật Khoa Tạp chí, Tiếng Dân,…, nhưng yêu cầu cấp bách để xây dựng một nền báo chí ra hồn, cạnh tranh ngang ngửa với nền báo chí phò chính thống là rất khẩn cấp để cung cấp cho nhân dân tin tức sốt dẻo, khách quan, có kiểm chứng, chính xác nhất có thể và những bình luận sắc sảo.

Còn có thể kể tiếp những đóng góp khác của Bauxite Việt Nam, nhưng bài đã quá dài, chỉ nói thêm: làm gì cũng cần phương tiện và con người. Tiền bạc, phương tiện không khó. Có những người con người nhiệt huyết, sáng tạo, độc lập mới là cái khó nhất. Tôi biết nhiều bạn trẻ ở tuổi 20, 30 rất quý trọng những người của Bauxite Việt Nam và Cánh Buồm. Có rất nhiều bạn trẻ quý các cụ Bauxite Việt Nam và Cánh Buồm và họ đã học, đang học và đang làm thậm chí còn tốt hơn các cụ Bauxite Việt Nam. Và đấy có lẽ là niềm hạnh phúc lớn nhất của Bauxite Việt Nam và của tất cả chúng ta.

N.Q.A.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in 10 năm Bauxite Việt Nam. Bookmark the permalink.