Phùng Liên Đoàn
TS Phùng Liên Đoàn là một trong những cố vấn tin cậy của Bauxite Việt Nam. Trong dịp kỷ niệm đệ thập chu niên của trang mạng, ông gửi đến bài này như một ý tưởng đẹp, làm mục tiêu thiết thực cho BVN phấn đấu, thật đáng để BBT cùng các cộng tác viên phải suy nghĩ. Người viết hình như đã đoán được thời cơ của đất nước trước sau sẽ phải có một bước đổi thịt thay da như một đòi hỏi đã đến lúc chín muồi – mà chúng tôi cũng đã nói trong lời Cùng bạn đọc: Không đổi thay là chết – nên ông yêu cầu BVN hướng tới thành lập một Hiệp hội, đưa trọng tâm “khai dân trí” lên thành mục tiêu hàng đầu, nhằm “khua tỉnh” đồng bào (lời cụ Phan Châu Trinh) để theo kịp với trào lưu thế giới đang tiến nhanh như vũ bão, mặt khác cũng đang rất tỉnh táo lắng nghe động tĩnh trước những sự kiện khó lường như cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung…
Nhưng chúng tôi xin được lưu ý một điểm sơ suất nhỏ trong bài viết của vị Tiến sĩ để bạn đọc khỏi hiểu lầm: trong bài, người viết chỉ nhắc đến GS Nguyễn Huệ Chi như một người tổng chỉ huy trang mạng từ đầu đến cuối mà quên không nhắc đến GS Phạm Xuân Yêm, nhà vật lý lý thuyết nguyên Giám đốc nghiên cứu CNRS ở Đại học Paris VI, hiện cư ngụ tại Paris – người cũng từng là cố vấn của BVN ngay từ ngày đầu, và đến cuối năm 2013, biết BVN đang gặp nhiều khó khăn đã tình nguyện ghé vai san sẻ việc điều hành với GS Chi để chia bớt gánh nặng.
Lại nữa, nhìn vào nội dung, những vấn đề tác giả đặt ra thật hấp dẫn, song trong cơ chế độc đảng độc quyền hiện tại, khi mà một IDS sừng sỏ của TS Nguyễn Quang A cũng đến phải giải thể để cho đảng viên của Đảng Cộng sản tha hồ làm mưa làm gió, nói như nhà thơ Nguyễn Duy “cướp nay có đảng có đoàn”, bất chấp “cái lò” với người thụt bễ mang trên vai hai chức khủng và một trọng bệnh ngày ngày vẫn cố sấp ngửa thụt lửa lên để… “dọa được thằng nào hay thằng ấy”, thì thử hỏi một hiệp hội mà Bauxite Việt Nam sẽ hóa thân vào đó liệu có làm nên cơm cháo gì ít nhất là trong vài ba năm tới hay không, hay là sẽ bị các ông Cờ đỏ và các ông Dư luận viên “cánh tay nối dài”, cùng với đám Áo Xanh CACĐ đánh đòn hội chợ nhừ tử trước khi kịp công khai ra tuyên ngôn chỉ bàn bạc những chuyện làm sao cho người Việt ăn no mặc ấm, có sức khỏe và có việc làm là ba yếu tố sơ khởi của hạnh phúc theo tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc, chứ chưa động đến những mục tiêu nhạy cảm hơn? Cứ xem như ở Trung Quốc mới đây, có những thanh niên được đảng cho học hành tử tế, khi đã thành các nhà mác-xít thứ thiệt bèn tự động họp nhau lại đấu tranh cho quyền lợi của công nhân trước các ông chủ, và đều bị Tập Cận Bình bắt ráo vào tù đã đủ tởn rồi.
Cho nên, khoản tiền 1 triệu đô người viết thành tâm muốn treo lên để thách đố mọi người, là một khoản thiện nguyện đáng nể mà người Việt trước nay chưa ai dám rứt ruột bỏ ra cho canh tân đất nước, biết đâu rốt cuộc cũng chỉ có ý nghĩa biểu tượng như chùm nho trong bài thơ Chú cáo và giàn nho (Le Renard et les Raisins) của La Fontaine.
Bauxite Việt Nam xin được cảm tạ tấm lòng của người đề xuất nhưng chỉ e rằng mình phận mỏng cánh chuồn, khó lòng kham nổi.
Bauxite Việt Nam
Nhân dịp 10 năm kỷ niệm ngày Bauxite Việt Nam ra đời khi nhiều trí thức Việt Nam đã can đảm phản biện các chính sách “lớn” của Đảng và nhà nước, phóng viên lão thành Lê Phú Khải đã đề nghị lập một ban giám khảo xét trao giải cho những cây viết đã tham gia diễn đàn Bauxite VN. Ông còn đề nghị giải Nhất trị giá 500 ngàn đồng, giải Nhì 300 ngàn đồng và giải Khuyến Khích 100 ngàn đồng. Chưa có ban giám khảo, ông lại đề nghị ngay trao giải Nhất cho tiến sĩ Tô Văn Trường, người đã phản biện rất hiệu quả.
Tôi rất kính trọng ý kiến của ông Lê Phú Khải, người tôi chưa được hân hạnh quen biết. Tôi cũng rất kính trọng tiến sĩ Tô Văn Trường, người tôi chưa được quen biết nhưng thật sự khâm phục những bài viết can đảm, sắc bén và có hiệu quả vào những chính sách của những ông nông dân lãnh đạo quyết chí thực hiện các công trình vĩ đại tối tân. Nhưng tôi cho rằng đề nghị của ông Lê Phú Khải quá khiêm nhường, có tính cách “mèo khen mèo dài đuôi”, và tự làm giảm giá trị ý kiến của mình với việc “gợi ý” trước cho ban giám khảo, một cách làm việc y chang cách của độc tài mà Bauxite Việt Nam phản bác.
Tôi có ý kiến “phản biện” xây dựng như sau.
Sở dĩ Bauxite Việt Nam sống được tới ngày nay là nhờ công trình tò vò ngày đêm của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và một vài đồng sự, cùng là chính sách tương đối khoan nhượng của người có uy quyền không hoặc chưa hãm hại những quí vị đó. Lịch sử sẽ ghi nhận những đóng góp của Bauxite Việt Nam và của những người đã khuyến cáo các sai lầm của Chính phủ như một luồng gió mới sau hai thế kỷ người Việt Nam phải khắc khoải trong nô lệ, chiến tranh và độc tài toàn trị.
Tuy nhiên, bây giờ thì làm gì nữa đây? GS Nguyễn Huệ Chi đã trên 80 tuổi, và nếu ngài buông tay thì liệu Bauxite Việt Nam có còn sống được không?
Bauxite Việt Nam ra đời qua bức xức việc khai thác boxit tại Tây Nguyên và trong một vài năm đầu đã lấy bức hình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người cũng có hai lá thư đề nghị không khai thác boxit gửi đến đảng của ông – treo lên làm biểu tượng cho mình. Ngoài chuyện phản biện việc khai thác quặng nhôm boxit có ảnh hưởng lớn tới môi trường và an ninh đất nước, Bauxite Việt Nam còn tiếp nối phản biện nhiều chính sách “lớn” khác của Chính phủ như điện hạt nhân, đường xe lửa cao tốc, cưỡng chiếm đất xây đô thị, sân bay Long Thành…. Khi hào quang Võ Nguyên Giáp lu mờ thì Bauxite Việt Nam lại vin lấy khẩu hiệu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của Phan Châu Trinh từ 100 năm trước để làm ngọn cờ tiếp tục. Nhưng Bauxite Việt Nam có thể tiếp tục không khi Giáo sư Nguyễn Huệ Chi buông tay? Bauxite Việt Nam có thể tiếp tục không khi nhiều người vẫn bàn chuyện xây dựng bằng các phương pháp cũ như “cần thay đổi cơ chế”, “cần một Lý Quang Diệu” và “cần đi tắt đón đầu để nhảy vọt” đã chứng tỏ không công hiệu cho lắm?
Tôi nghĩ không thể! Vì làm việc theo kiểu “độc thủ đại hiệp” và “bợm tiểu long” này không thể trường tồn nếu không có một tổ chức và một kế hoạch tài chính lâu dài. Ngày nay việc cải tổ cơ chế không còn là một đề tài cấm kỵ mà chỉ là vấn đề thời gian. “Chống tham nhũng” đã được Đảng Cộng sản và nhà nước của Đảng tuyên bố công khai và thực hiện ngay trong nội bộ chóp bu, một việc làm người dân bắt đầu thấy hồ hởi vì đó là nguyện vọng của toàn dân suốt 40-50 năm qua. “Nâng cao đời sống” của người dân, tức “hậu dân sinh” đã là lời nói cửa miệng của lãnh đạo từ cấp xã cho tới cấp trung ương. “Cải tổ giáo dục” tức “khai dân trí” đang là đề tài nóng bỏng của chính sách quốc gia và mọi “cộng tác” (tức đi xin viện trợ!) của Chính phủ ta với các nước tiền tiến dù nhỏ và ít người như Đan Mạch, Thụy Điển, Israel. Còn “chấn dân khí” là một việc khá trừu tượng nhưng lại đã có từ lâu vì người Việt đã chứng tỏ dân khí rất cao ngay khi người dân ít học và nghèo đói để rồi sẽ còn cao hơn khi người dân có hiểu biết ngang tầm thế giới và đời sống tương đối khấm khá hơn.
Tôi đề nghị Bauxite Việt Nam phải biến đổi thành một hiệp hội dân sự có tầm nhìn xa để làm việc chấn hưng quốc gia song song với chính quyền dù “mầu đỏ” hay “mầu vàng” nhưng không phụ thuộc chính quyền mà cũng không làm chính trị tìm cách “lật đổ” chính quyền. Nói một cách khác, Bauxite Việt Nam sẽ trở thành một sáng hội dân sự trường tồn luôn luôn hướng về một mục đích duy nhất là gây hạnh phúc cho người dân Việt Nam. Việc này các bậc tiền bối như Trần Nhân Tông, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quí Đôn, Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh và nhiều nhà ái quốc khác chưa ai làm nổi. Sự thực thì họ đã thất bại. Chúng ta cần học những thất bại của họ, những thành công của vĩ nhân trên thế giới, rồi khai phá những phương thức mới để giúp xây dựng đất nước Việt Nam.
Tiền nhân ta đã thất bại chưa đưa được nước Việt Nam sánh vai với nhiều nước khác vì hai lý do rất Việt Nam: đó là tình thế nước ta và tính khí người Việt Nam.
Tại sao vì tình thế?
Nhìn vào lịch sử Việt Nam thì ta thấy suốt một ngàn năm ta có chiến tranh, hết chống ngoại xâm lại đến tranh giành huynh đệ. Khi có chút hòa bình thì “phe thắng cuộc” làm vương làm tướng; ăn chơi phè phỡn; hủ lậu; ít nghĩ tới việc học hỏi, cải tổ để nâng cao đời sống của người dân. Quan trí và dân trí của ta còn có tính cách bộ lạc, chưa khai phá được tới trình độ phổ thông biết mình biết người, biết đời sống con người ngắn ngủi, biết các việc cần phải làm cho quốc gia được hưng thịnh bền vững.
Tại sao vì tính khí của người Việt Nam?
80 năm trước sử gia Trần Trọng Kim đã viết: “Người Việt có cả những tính tốt và tính xấu. Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu….Tuy vậy vẫn hay có tính tinh vặt, cũng có khi qủy quyệt, hay bài bác nhạo chế. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn sự hòa bình; nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật. Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc…” Những lời bộc trực sâu sắc này cắt nghĩa tại sao ta có nhiều anh hùng nhưng ít vĩ nhân, và chưa một người Việt Nam nào từ xưa tới nay lập được một chương trình bền vững để có nhiều người cùng chung tay kiến tạo một nước Việt Nam độc lập tự do, dân giàu nước mạnh, xã hội an bình văn minh.
Tôi đề nghị Bauxite Việt Nam — hay lấy một tên nào khác — nên được tạo lập thành một sáng hội có tầm nhìn xa và có cấu trúc trí tuệ cũng như vật chất chặt chẽ để nó có thể bền vững vài chục năm, hi vọng cả trăm năm.
Cấu trúc trí tuệ để sáng hội được bền vững gồm mục đích cao cả và tổ chức làm sao để tránh nạn độc quyền, quá khích, xu thời, tranh giành, vô kỷ luật, phản bội.
Cấu trúc vật chất để sáng hội được bền vững chủ đích là phải có tiền và cách gây quỹ và giữ quỹ để càng ngày càng có nhiều vốn hơn.
Theo tôi, mục đích cao cả nhất là tạo hạnh phúc cho người Việt Nam. Tại sao lại hạnh phúc? Hạnh phúc mỗi người mỗi khác, mỗi hoàn cảnh mỗi khác, nhưng lại là cứu cánh của mọi tôn giáo, mọi học thuyết, mọi chính sách, mọi tuyên truyền của loài người.
Liên Hiệp Quốc đã liệt kê bảy yếu tố con người cảm thấy hạnh phúc khi tương đối được yên tâm về: (1) có cái ăn, (2) có sức khỏe, (3) có việc làm, (4) có an toàn cá nhân, (5) có cộng đồng hài hòa, (6) có môi trường tốt, và (7) có cơ chế tốt.
Liên Hiệp Quốc cũng đã liệt kê sáu yếu tố tượng trưng cho trình độ hạnh phúc của một quốc gia. Sáu yếu tố đó là: (I) GDP, (II) hệ thống cứu trợ người dân, (III) tuổi thọ, (IV) người bình thường có tự do chọn lựa, (V) Lòng tương trợ rộng rãi của người dân, (VI) Ít tham nhũng trong công việc Chính phủ cũng như doanh nghiệp. Ngoài ra, Liên Hiệp Quốc còn dùng yếu tố thứ bảy làm phương pháp đo lường thực nghiệm 6 yếu tố đó. Yếu tố này là, (VII) hỏi người dân “hôm qua bạn nghĩ gì, vui hay buồn?”. Với các yếu tố này, Liên Hiệp Quốc, qua chương trình Phát Triển Bền Vững, đã dùng nhiều phương pháp khảo cứu nhân văn và thống kê, để liệt kê tầng nấc hạnh phúc của hơn 150 quốc gia từ năm 2011 cho tới nay, mỗi năm lại chính xác hơn một chút.
Bauxite Việt Nam chủ yếu đã phản biện những vấn đề về yếu tố (6) và (7) của hạnh phúc cá nhân. Bauxite VN từ nay cần chú ý thêm tới các yếu tố từ (1) tới (5) nữa.
Bauxite Việt Nam chủ yếu đã phản biện những vấn đề về yếu tố (I) và (VI) của hạnh phúc quốc gia. Bauxite VN từ nay cần chú ý thêm tới các yếu tố từ (II) tới (V) nữa.
Nói mãi thì không chi bằng bắt tay làm việc. Tôi xung phong cống hiến 1 triệu USD tức là khoảng 24 tỉ VNđ tiền mồ hôi nước mắt của mình và gia đình, và thách đố GS Nguyễn Huệ Chi, ông Lê Phú Khải cùng quí bạn hữu xa gần gây thêm quỹ (cho tăng lên gấp 10!) để phản biện thực tế các vấn đề Việt Nam với tầm nhìn nhiều trăm năm. Tôi đề nghị phải khai quan trí từ ngọn, dân trí từ gốc và nhắm mọi chính sách vào việc nâng cao hạnh phúc cho người dân và cho quốc gia.
-
Khai dân trí từ ngọn, tức khai quan trí, bằng cách lập một tổ chức và hoạt động giống như Bauxite Việt Nam hiện nay, với các chi tiết sau:
-
Có một Hội đồng Quản trị không quá 5 người gồm những người có tâm huyết, có kinh nghiệm, có quen biết, có sức gây quỹ. Để tổ chức không sa vào nạn độc quyền, bè phái, cằn cỗi. Ủy viên phải có nhiệm kỳ, ví dụ 4 năm, và cứ mỗi năm thì thay một ủy viên mới.
-
Có một ban điều hành gồm một vài người tâm huyết, từng trải, không quá khích để điều hành trang mạng như GS Nguyễn Huệ Chi đã làm trong 10 năm qua. Cần phải có một ngân sách khiêm nhường để người điều hành sử dụng (Tiền lãi mỗi năm của 24 tỉ là khoảng 150 triệu, ngân sách đại khái của sáng hội vào năm đầu, nhưng sẽ tăng lên nhiều hơn khi có sự cộng hưởng của nhiều đóng góp khác). Trưởng ban điều hành cũng sẽ có nhiệm kỳ để thay máu mới mỗi ba bốn năm. Tìm được người tâm huyết và tài giỏi thì rất khó, nhưng ta vẫn khoe là nhân tài thì đời nào Tổ quốc ta vẫn có, và đó là một trách nhiệm của Hội đồng Quản trị.
-
Phải có qui chế và áp dụng triệt để qui chế đó để tránh trước các nạn độc tài, tranh giành, hối lạm, tư cách thiếu văn minh, phản thùng… là những nạn thường xẩy ra của mọi tổ chức của người Việt Nam ta.
-
Khai dân trí từ gốc, bằng phương pháp khuyến khích mọi người tự học các đức tính cần thiết của người dân trong một xã hội văn minh. Khuyến khích tự học không gì bằng tạo ra những cơ hội hấp dẫn để mọi người tự tìm đến học, thay vì bị nhồi sọ. Tôi đề nghị lập một mạng lưới để trăm ngàn người — chủ yếu là học sinh, sinh viên, giáo viên — có thể gửi bài về gương nhân ái, liêm chính, trọng sự thật, không độc tài, tạo công ăn việc làm, dạy nghề, khuyến khích từ thiện, khuyến khích cứu trợ… có liên quan tới 7 yếu tố hạnh phúc cá nhân và 6 yếu tố hạnh phúc quốc gia. Mỗi bài phải là sưu tầm hoặc kinh nghiệm cá nhân về những sự kiện có thực, chứ không phải hư cấu loại “sáng tác kiểu Việt Nam không giống ai”, hoặc loại “Không Tử viết” hoặc loại “Có một vị Thiền sư…”. Ta đặc biệt khuyến khích học sinh và sinh viên tìm kiếm các gương trên thế giới và viết ngắn gọn dễ đọc để thi đua được tuyển chọn in thành sách giống như Reader’s Digest hoặc báo Kiến thức Ngày nay. Mỗi bài được chọn đăng sẽ được giải thưởng, hoặc bằng một số sách in, hoặc bằng tiền mặt. Sách sẽ bán rất rẻ, để ai cũng có thể mua cho mình hoặc tặng cho người khác. Vì các câu chuyện có thật trong sách sẽ là muôn hình vạn trạng, cho nên ai cũng có thể tìm thấy hoàn cảnh của mình tương tự một gương có thật nào đó, khi mình vui hoặc khi mình buồn, khi mình thành công hay khi mình thất bại. Tôi tin rằng sách in hàng năm này sẽ thành sách gối đầu giường của nhiều triệu gia đình. Đọc riết thì cách hành xử của mình sẽ khác đi, sẽ hướng về chân thiện mỹ. Người trẻ tuổi đọc các gương sáng như vậy thì khi lớn lên nếu làm lãnh đạo chính trị hay doanh nghiệp thì cũng sẽ anh minh hơn, nhân đạo hơn, công bình hơn. Là vì “có học”!
-
Trong việc tổ chức hai bộ phận giúp khai quan trí dân trí trên dưới cùng một lúc, ta cần có một Ban Giám sát với mục đích sát sao hàng năm là quyết tâm thanh lọc loại bỏ những yếu tố xấu để mục đích lâu dài bền vững của sáng hội Bauxite Việt Nam — hay một tên khác — được trường tồn. Nước láng giềng ta là Thái Lan có hòa bình và độc lập đã 237 năm — từ năm 1782 — , đã tránh được nạn bị người Âu đánh chiếm biến thành thuộc địa, đã qua được cả nạn Đại chiến thế giới I và II, nạn chiến tranh tàn khốc tại Việt Nam, Lào và Cambot. Bauxite Việt Nam nên theo gương đó mà khai dân trí quan trí người Việt. Ngày nay người Thái chỉ giầu gấp 2 gấp 3 ta, nhưng chỉ số hạnh phúc theo Liên Hiệp Quốc sau 8 năm nghiên cứu đều đặn, thì hơn ta gấp bội. (Thái Lan đứng hạng 32 trước kia và 46-52 trong vài năm qua khi quân nhân độc tài, trong khi Việt Nam đứng hạng 94 trong số 156 nước được Liên Hiệp Quốc khảo sát).
Thua thiên hạ một chút thì đã sao? Nghèo hơn thiên hạ một chút thì đã sao? Hãy dẹp tự kiêu ngông cuồng xuống để biết rằng điều căn bản là người dân được sống yên ổn tương đối có cái ăn, có sức khỏe, có việc làm, không lo bị cướp bóc, có hàng xóm láng giềng tốt, có môi trường sạch đẹp, và có Chính phủ giữ vững tự do, độc lập và pháp luật cho người dân. Và biết rằng căn bản lãnh đạo cho quốc gia là nâng cao thu nhập cho người dân, tổ chức việc cứu nạn nhanh chóng và hiệu quả, tổ chức cơ chế minh bạch giảm thiểu tối đa tệ nạn cửa quyền tham nhũng, tạo cơ hội cho người dân có sự chọn lựa tự do trong mọi chính sách công và đời sống hàng ngày.
Các việc trên phải là công tác trường kỳ của Bauxite Việt Nam.
Tôi mong GS Nguyễn Huệ Chi và bạn hữu tâm huyết thực hiện việc tổ chức kế nhiệm này trước khi nghỉ tay gác kiếm!
P.L.Đ.
Ông Phùng Liên Đoàn, sinh năm 1940; quê Bát Tràng, Hà Nội; tốt nghiệp trung học tại Saigon năm 1958, tốt nghiệp Cử nhân và Thạc sĩ tại Mỹ năm 1964; đã về Việt Nam làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt; đã lại đi Mỹ học Tiến sĩ điện hạt nhân tại Massachusets Institute of Technology và làm việc hơn 40 năm tại Mỹ về ngành điện hạt nhân, phóng xạ và bảo vệ môi trường. Ông đã để dành tiền cả đời chỉ nuôi con ăn học nhưng để toàn thể số tiền còn lại làm các việc thiện nguyện tại Việt Nam.
Tác giả gửi BVN