Việt Dương
Khi số 6 Đặc san vừa hoàn thành thì chúng tôi nhận thêm được bài này của một độc giả – cũng là một cộng tác viên không thường xuyên viết cho BVN – gửi tới. Xin trân trọng đăng lên như một lời sơ kết cả chùm 6 số báo kỷ niệm 10 năm trang Bauxite Việt Nam ra mắt bạn đọc liên tục trong một tuần nay, do BVN khởi xướng. Nhưng Ban biên tập chúng tôi không can dự vào nội dung cũng như cách nhìn nhận của tác giả.
Trước khi khép lại chùm bài kỷ niệm, một lần nữa xin được bày tỏ ở đây tình cảm biết ơn của BBT chúng tôi đối với quý vị cộng tác viên đã nhiệt tình đóng góp vào sự thành công của 6 số đặc san đánh dấu 10 năm tồn tại của trang mạng.
Bauxite Việt Nam
Theo dõi biến cố Bauxite từ những ngày đầu, rồi đọc trang mạng Bauxite Việt Nam ra đời từ biến cố ấy đến nay (4.2009 – 5.2019), chúng tôi có mấy nhận định, xin ghi lại như sau.
1. Ra khỏi vòng tay của đảng
Từ khi dự án Bauxite ở Tây Nguyên được công bố (4/2009), trên ngôn luận chúng ta nghe được những lời cảnh cáo, can ngăn, yêu cầu chính quyền dừng dự án của tầng lớp trí thức tinh hoa của chế độ, trong đó có thể kể những vị như các lão tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Trọng Vĩnh, Đồng Sĩ Nguyên và Lê Văn Cương, những chuyên gia như Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn…, những nhà văn hóa như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Phạm Đình Trọng… Nhưng đặc biệt hơn là lần đầu tiên dưới chế độ độc tài toàn trị trên nửa thế kỷ, cả một tầng lớp trí thức đã đứng thẳng dậy, dõng dạc cất lên tiếng nói độc lập đúng thiên chức của mình trong bản Kiến Nghị ngày 12/4/2009 do học giả Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn và Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng khởi xướng, trình bày rất rõ ràng mọi sự sai trái và nguy hại của dự án khai thác bauxite bắt nguồn từ việc ký kết giữa TBT CSVN (Nông Đức Mạnh) với 2 TBT CSTQ (Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào), và đề nghị người thực thi là chính quyền VN dừng dự án. Bản Kiến Nghị khởi đầu với 135 nhà trí thức, sau 9 đợt, đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình của trên 3000 chữ ký của quí vị trí thức và nhiều thành phần xã hội người Việt trong ngoài nước. Từ đó dấy lên một cuộc vận động rộng lớn với việc dựng lên tờ báo mạng Bauxite Việt Nam.
Phải nói đó là một biến cố ghi dấu sự chuyển động lớn của trí thức Việt Nam dưới chế độ độc tài đảng trị mà tính chất của sự chuyển động ấy có thể nhìn thấy ở mấy mặt sau đây:
– Về vị thế: Tập thể trí thức của bản Kiến Nghị đã lần đầu tiên ý thức rõ yêu cầu bước ra khỏi vòng tay của Đảng Cộng sản, vượt khỏi thân phận công cụ lâu nay vẫn vô hình đè nặng lên họ, trở lại đúng thiên chức và lương năng của nó là sáng suốt đối thoại, phản biện với đảng và chính quyền, nói rõ với đảng những việc làm cố ý hay vô tình dẫn đến phá nước giết dân mà một hậu quả về mặt nhận thức, tuy không nói trắng ra nhưng ai cũng cảm nhận được là tự đưa đảng đến đóng vai thủ phạm.
– Về tiếng nói: Bản Kiến Nghị cùng với những Thư ngỏ gửi Nhà nước, Quốc hội của tập thể những người khởi xướng, đăng trên Bauxite Việt Nam đã kết tinh được những mối lo, điều trăn trở từ đáy lòng người khởi xướng và cả người ký tên – tức là một khối rất đông đảo – về nguy cơ của đất nước sẽ đi chệch quỹ đạo phát triển mà các dân tộc trên hoàn cầu đã và đang dấn bước, một khi dự án được tiến hành, đồng thời cũng ẩn giấu trong đó cái tinh thần “uy vũ bất năng khuất” của người trí thức như một sự tiếp nối cần thiết của truyền thống sĩ phu Việt Nam.
– Về lập trường và phương pháp: Cũng là lần đầu tiên, kể từ sau vụ Nhân văn – Giai phẩm, trang mạng Bauxite Việt Nam tuy về ngôn từ chính thức không ở đâu có nêu rõ ra, thế mà dường như lại xác lập được và in đậm được vào trong tâm thức của công chúng một tuyên ngôn vô ngôn về con đường dùng ngôn luận đấu tranh ôn hòa để đòi dân chủ tự do và công lý. Đây mới là thành công quan trọng của ba vị khởi xướng, được thể hiện chủ yếu ở những diễn ngôn nhẹ nhàng, thâm thúy, chừng mực và cũng rất trực ngôn của người điều hành (xin xem lại các xã luận và “lời nói đầu” rải rác trên trang Bauxite Việt Nam và xem bài GS Nguyễn Huệ Chi trả lời báo Yomiuri Nhật Bản ngày 17.05.2009 (https://boxitvn.online/bai/62553).
Dưới chế độ độc tài toàn trị, trên nửa thế kỷ chỉ có đảng nói, còn dân cúi đầu nghe và làm. Vì thế Kiến Nghị yêu cầu chính quyền dừng dự án Bauxite thu được trên 3000 chữ ký trong một thời gian ngắn, có thể nói đó là một hiện tượng đặc biệt: Hết sợ cường quyền, bộc phá sự tù hãm. Nó rất mới lạ đối với Việt Nam, còn trong mấy nước dân chủ như Nam Hàn hay Đài Loan thì những cuộc vận động chống tệ tham nhũng hay chống một số dự án nào đó của chính quyền là chuyện thường và người ta có thể dễ dàng đạt tới những con số vài trăm ngàn hay hàng triệu chữ ký. Nhưng với Việt Nam, những chữ ký đồng tình chống dự án Bauxite thì phải nói có giá trị thiêng liêng, vì những chữ chống Bauxite đã vươt ra khỏi sự sợ hãi, biểu hiện tình thương dân, thương nước trước mối họa dân chết, nước mất.
2. Trận tuyến ngôn luận
Với vị thế độc lập, Bauxite Việt Nam đã trở thành Đài Quan Sát nhìn vào những chính sách, những việc làm của chính quyền và dùng Ngôn Luận để khai dân trí, đòi dân chủ. Vì thế trong thời gian 10 năm, Bauxite Việt Nam đã quy tụ được một đội ngũ đông đảo những người cộng tác mà qua lời Cùng bạn đọc trên Đặc san số 1, chúng tôi đã đếm được 68 cây viết (chắc chưa hết) gồm những nhà báo kỳ cựu, những nhà kỹ thuật, những học giả kiêm chính khách, những kinh tế gia, những luật gia, những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, các dịch giả, những khoa học gia, các lão tướng… Như thế Bauxite Việt Nam đã trở thành một diễn đàn ngôn luận lớn của những người từ trong chế độ đã thấy chỗ cùng của Đảng Cộng sản, nên đã vượt ra ngoài, vượt lên trên chế độ để tìm SINH, có LỘ cho nước, cho dân. Có thể nói Bauxite Việt Nam đã nghiễm nhiên trở thành một diễn đàn của tầng lớp trí thức đối diện với chế độ độc tài toàn trị đang tàn phá đất nước và con người.
3. Cuộc vận động đấu tranh lâu dài
Trong Cùng bạn đọc trên Đặc san số 1, Ban biên tập đã nhắc lại lập trường đấu tranh của Bauxite Việt Nam: “Trong điều kiện một đảng và một chế độ toàn trị độc quyền điều hành đất nước, mục tiêu hướng tới của BVN ngay từ buổi đầu là đấu tranh cho một lộ trình từng bước chuyển sang một xã hội dân chủ, trong đó người dân giành được các quyền cơ bản, có hạnh phúc cơm áo và được nói năng suy nghĩ tự do, với một bộ máy nhà nước triển giãn dần sự hành xử độc tôn để xích gần lại nguyên tắc tam quyền phân lập, tiến tới xóa bỏ độc quyền”.
Đi vào chủ lưu đấu tranh dân chủ đó, Bauxite Việt Nam đã xông pha được 10 năm. Và từ lập trường đấu tranh của Bauxite Việt Nam, nhìn sang nội dung của những tờ báo mạng khác cùng những tổ chức dân sự của những người trẻ trong 15 năm trở lại đây, chúng tôi có một sự phấn khởi khi thấy ngọn cờ đấu tranh cho dân chủ, dân sinh và công lý đã được phất lên từ tay của chính những người con đẻ của chế độ xã hội chủ nghĩa và con em họ. Ngọn cờ dân chủ đã được phất cao từ trong lòng chế độ. Sự việc đó nói lên rằng sự toàn thắng của Đảng Cộng sản kể từ 1975, với chế độ phản con người đã tạo ra những đổ vỡ từ trong lòng nó, muốn hay không muốn cũng đẩy Đảng Cộng sản tới chỗ cùng. Cho tới nay thì ai cũng có thể thấy được chỗ cùng đó là Đảng Cộng sản đã cùng ở tư tưởng (chỉ còn những chính sách vá víu mâu thuẫn), cùng ở lãnh đạo (chỉ còn tăm tối, tham, ác và hèn), cùng ở chính nghĩa (đảng hăm hở dương cao “bốn tốt” và “16 chữ vàng” với Tàu Cộng – cũng có thể ở vào cái thế không đừng được nên đó là “bề ngoài cười nụ” chăng? – còn dân sợ mất nước, thù ghét và sợ Tàu), cùng ở lòng người (dân oan gọi lãnh đạo là cướp, dân vui trước những cái chết của mấy ông quan đầu triều, ông Hà Sĩ Phu gọi Đảng Cộng sản là một bọn cướp lớn, còn nhà thơ Nguyễn Duy lại xác định: Cướp nay có đảng có đoàn).
Khi Đảng Cộng sản và chính quyền của nó đã cai trị bằng tham nhũng và cướp bóc thì chính quyền đó chỉ còn một đường tuột dốc với một xã hội tan rã dần dần, mảnh này rồi đến mảnh khác trong cơ cấu nội tại, từ giáo dục, đạo đức, cung cách làm ăn sinh hoạt, quan hệ hàng ngày… giữa các tầng lớp, vị thế, nghề nghiệp, vùng sinh sống, do nó tạo ra. Có nhìn trong một tiến trình 10 năm, chúng ta mới thấy được giá trị to lớn của những tiếng gọi đàn và cũng là lời tiên tri của ngọn cờ dân chủ Bauxite Việt Nam.
Trước biến cố Bauxite, tiếng gọi đó như đã nói, là một tuyên ngôn vô ngôn (không ở đâu lên giọng điểm một, điểm hai, đó là cái mà chúng tôi gọi là vô ngôn), xác định trách nhiệm của trí thức trước lịch sử, trước sự tồn vong của đất nước: “Trong chuyện này (nâng cao dân trí, đánh thức dân khí), người trí thức và lớp người trẻ tuổi lại phải chấp nhận dấn thân chứ không còn giải pháp nào khác. Mình không làm thì ai làm? Mình không chủ động đảm đương lấy thì chờ ai đảm đương hộ? Mình không nhận việc thì cậy ai nhận việc thay? Cuộc đời của một dân tộc cũng như một cơ thể, cũng có khi cảm mạo và thời tiết thất thường, cũng có khi đau vì tai họa bất ưng, nhưng đành để chết đi một cơ thể, tội đó nặng lắm, vì đó là tội tự sát”.
Từ những lời chân tình nhận trách nhiệm trước lịch sử, được công bố trong Xã luận số 2, những vị trí thức của Bauxite Việt Nam đã dấn thân được 10 năm trước một núi việc với nhiều sóng gió, và trong cuộc đấu tranh này, trí thức không có lực, không có gì khác ngoài vũ khí ngôn luận với khối óc và tấm lòng, bày tỏ một cách ôn hòa sự phải trái, an nguy của nước, của dân. Đó là cuộc vận động tư tưởng, vận động ý thức: Nâng cao dân trí, trước những vấn đề cấp bách của xã hội và của đất nước mà thiết thân nhất là ý thức về sự tha hóa khôn cưỡng của Đảng Cộng Sản Việt Nam trước mối họa lệ thuộc Tàu Cộng. Như thế tiếng nói của Bauxite Việt Nam là tiếng nói của dân tộc, tiếng gọi của hồn nước./.
V.D.
Tác giả gửi BVN.
BVN chưa liên lạc được với tác giả để xin một tấm ảnh chân dung. Xin cáo lỗi cùng bạn đọc và sẽ bổ sung ngay khi tác giả gửi đến.