Trúc Giang (VNTB)
Mặc dù là đại biểu của cử tri Bến Tre, nhưng khi trả lời báo chí thì phải có ý kiến cho phép của Đảng, đoàn Quốc hội./span>
Đầu giờ chiều ngày 9-11, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã đến trung tâm báo chí của Quốc hội, nói rằng “Kể từ giờ phút này, không phỏng vấn và đưa tin tất cả những vấn đề liên quan đến vấn đề này, liên quan đến tôi. Những vấn đề mà tôi có thể “tâm sự” ngoài lề thì không coi đó là cuộc phỏng vấn và đề nghị các bạn không đăng tải những vấn đề này nữa để chờ ý kiến, quyết định của Đảng đoàn Quốc hội” [*].
Theo vị đại biểu tỉnh Bến Tre, Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không có bất cứ chỉ thị hay cho phép nào đối với ông để trả lời phỏng vấn báo chí. “Có nghĩa là tôi phải chấp hành nghiêm túc, các vấn đề đang chờ ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội. Nếu đăng tải bài viết trong ngày hôm nay mong các bạn gỡ chờ các quyết định chung. Tôi sẽ chấp hành mọi quyết định của cấp có thẩm quyền”. Ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Tiếng là thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, nhưng ông Lưu Bình Nhưỡng không phải là người dân tỉnh Bến Tre. Công việc làm của ông cũng không liên quan gì đến tỉnh Bến Tre. Ông Lưu Bình Nhưỡng có học vị tiến sĩ luật kinh tế, có 20 năm làm giảng viên Đại học Luật Hà Nội. Ông Lưu Bình Nhưỡng từng là phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Ông hiện còn là phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Thụy Sĩ.
Ảnh minh họa.
Mặc dù với bề dày lý lịch chuyên môn về luật như vậy, song đáng buồn thay với “quyền được nói”, ông Lưu Bình Nhưỡng phải thừa nhận rằng ở Việt Nam các quy định của đảng cộng sản đứng trên pháp luật nhà nước, trên cả Quốc hội, trên cả Hiến pháp.
Trước đó, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng là đại biểu Quốc hội ủng hộ thông qua dự luật an ninh mạng, với lý do “Việc các đối tượng xâm nhập và đưa lên các trang mạng xã hội những nội dung chống đối đường lối, chính sách của Đảng đã gây bức xúc trong dư luận, nên các đại biểu như tôi suy nghĩ cần phải ủng hộ để Luật ra đời”. [Nguồn: http://bit.ly/2PMjjyM]
Sở dĩ dài dòng như vậy để khẳng định một điều là rất nhiều tình tiết ở nghị trường, nếu tỉnh táo nhìn thấu đáo sẽ nhận ra dường như đó chỉ là vở diễn; mà nhiều khi diễn rất lộ liễu.
Người viết nghĩ rằng ông Lưu Bình Nhưỡng vừa vào vai diễn cho vở tuồng dân chủ ở Quốc hội. Bởi ít nhất với vị trí là phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Thụy Sĩ, và ông cũng đang là phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Việt Nam, ông phải hiểu rất rõ rằng chốn nghị trường được mặc định không phải là cá nhân ông ấy, mà là cử tri nơi ông ấy đại diện. Tư cách này chính là luận lý để luật pháp dành cho nghị sĩ quyền miễn trừ.
Chỉ có cử tri nơi bầu cho ông Lưu Bình Nhưỡng mới có thể kỷ luật ông ấy. Khi đó Mặt trận chủ trì hiệp thương và tiến hành trình tự thủ tục phế truất tư cách đại biểu Quốc hội của ông Lưu Bình Nhưỡng. Logic vận hành quyền lực của Quốc hội là như thế. Đảng đoàn Quốc hội không phải là một cơ quan có thẩm quyền hợp pháp xác định nội dung phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng là đúng hay sai. Luật Tổ chức Quốc hội xác lập rõ điều đó.
Tuy nhiên ở đây cũng có thể là một kịch bản đẩy đưa cố tình của vị đại biểu Quốc hội của tỉnh Bến Tre, khi ông muốn tái khẳng định rằng ở Việt Nam cương lĩnh Đảng quan trọng hơn Hiến pháp [http://bit.ly/2yKMx7y].
Ông Lưu Bình Nhưỡng từng là phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật kinh tế, Đại học Luật Hà Nội. Khi bấm nút thông qua dự luật An ninh mạng, với trải nghiệm của người 20 năm dạy luật kinh tế, người viết tin rằng ông Lưu Bình Nhưỡng quá biết rằng luật này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các cam kết về thương mại và dịch vụ ở các lĩnh vực liên quan, được quy định trong Hiệp định về Thương mại Dịch vụ (GATS), một văn kiện của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Cũng cần lưu ý, vào tháng 10 năm 2017, tại Hội đồng về Thương mại – Dịch vụ của WTO, nhiều thành viên WTO đã phê phán dự luật An ninh mạng của Việt Nam. Đại diện Việt Nam đã từ chối bình luận vì không muốn ảnh hưởng tới công tác thảo luận của Quốc hội, nhưng hứa sẽ xem xét lợi ích của các bên. Nhìn chung, trong lịch sử GATT/WTO, các thành viên đều rất hạn chế viện dẫn ngoại lệ về an ninh vì nguy cơ xói mòn hệ thống thương mại đa biên. [Tham khảo: http://bit.ly/2OxHcW8]
Từ vụ việc của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho thấy mai này khi thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương [Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP], riêng trường hợp hình thành các tổ chức công đoàn độc lập, e rằng lại vấp vết đổ của chuyện “chờ ý kiến, quyết định của Đảng đoàn”.
Trước mắt, từ câu chuyện đang xảy ra với đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, đòi hỏi nền tảng để thành lập các công đoàn độc lập là phải dứt khoát chấm dứt phân biệt về “quyền lợi chính trị” giữa “công dân – đảng viên” và “công dân – không đảng viên” trong tất cả mọi hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật; bao gồm cả “quyền được nói”.
Chú thích:
Trong buổi chất vấn chiều 31-10, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra các con số từ Bộ Công an: Không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện Kiểm sát 86%, vi phạm trong tống đạt là 100%.
Ngày 5-11-2018, Thượng tướng Lê Quý Vương thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, đã ký văn bản gửi Đảng đoàn Quốc hội, yêu cầu đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đính chính lại những nhận định, đánh giá liên quan đến số liệu trên và không có các lời nói, hoạt động làm phức tạp thêm tình hình; đồng thời có hình thức xử lý vi phạm có liên quan đến việc phát ngôn và đánh giá, nhận định tình hình gây dư luận xấu.
T.G.
VNTB gửi BVN