Công đoàn độc lập và báo chí tư nhân

Trúc Giang (VNTB)

Sẽ rất vô lý khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại có hệ thống báo chí riêng của mình, trong khi các công đoàn độc lập trong tương lai lại không thể có tiếng nói độc lập của mình qua báo chí.

Hiện tại, trong vụ việc của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn tỉnh Bến Tre) đang vấp cuộc đấu bất đối xứng với Bộ Trưởng Tô Lâm, khi mà Bộ Công an có một đội hình cơ quan báo chí đông đảo, lại điều hành trực tiếp lực lượng tác chiến mạng, nếu đấu tranh bằng ngôn luận, thì đại biểu Lưu Bình Nhưỡng dễ bị cả vú lấp miệng em.

Không phải ngẫu nhiên mà từ những năm 1990 đảng chủ trương qui hoạch mạng lưới báo chí không để các cơ quan chấp pháp hay trực tiếp điều hành kinh tế xã hội như UBND, ngành công an… ra báo, nhất là nhật báo. Tiếc là nguyên tắc đúng đắn đó không được tiếp tục triển khai.

Ảnh minh họa

Về lập luận, có thể thấy rằng trong thể chế quốc gia hiện đại có các mặt đối lập chung là “nhà nước pháp quyền” và “xã hội dân sự”. Theo đó, thể chế báo chí quốc gia cũng có các mặt đối lập chung về chủ thể là báo chí của nhà nước và báo chí của xã hội – tư nhân. Báo chí tư nhân trong quốc gia được nhìn nhận như một yêu cầu không thể thiếu khi có tự do sản xuất kinh doanh, trao đổi mua bán hàng hóa.

Trước 1975, Tổng Liên đoàn Lao công Việt Nam ở miền Nam Việt Nam có tờ Công Nhân do ký giả Trần Tấn Quốc làm chủ nhiệm. Nay nếu cho phép thành lập các công đoàn độc lập, thì những tổ chức này cũng cần có tờ báo riêng cho mình, không chịu sự ép buộc trong khuôn khổ định hướng tuyên truyền của cơ quan Tuyên giáo đảng, mà chỉ tuân thủ pháp luật chung của quốc gia.

Miền Nam trước 1975 có đủ loại báo chí tư nhân. Đâu phải chính quyền của tổng thống Ngô Đình Diệm, hay tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngờ nghệch không biết những tờ báo này đang khuynh hướng chống lại một số chính sách đương thời, nhất là trong bối cảnh chiến tranh. Thế nhưng chính thể Việt Nam Cộng Hòa không lo sợ báo chí tư nhân sẽ mất định hướng, sẽ xuyên tạc, bôi nhọ nhà nước, sẽ kích động bạo loạn, lật đổ.

Bởi nói theo ngôn ngữ thuần Tuyên giáo đảng, khi một nhà nước văn minh, tức trong sáng thật sự, hoàn toàn do dân, vì dân, không có lý do gì phải lo sợ. Nếu có một tờ báo nào đó đi ngược lợi ích của một nhà nước do dân vì dân, chính nhân dân sẽ vứt nó vào sọt rác, đẩy nó đến chỗ phá sản chứ không cần đến chuyên chính của nhà nước.

Công tâm mà nói, chừng chục năm trở lại đây, ở Việt Nam đã có “tư nhân hóa” báo chí và tư nhân tham gia làm báo. Tuy nhiên sở hữu măng-sét báo vẫn là cơ quan báo chí nhà nước, tư nhân chỉ tham gia liên kết, nôm na là ‘mua măng-sét’. Hệ lụy tất yếu là không tư nhân nào với tầm nhìn dài hạn, một ý hướng xây dựng lâu dài chịu liên kết theo kiểu này.

Giả dụ như mai này thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương [Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP], thì các tổ chức công đoàn độc lập nếu không có những cơ quan truyền thông cũng độc lập tương ứng, thì xem ra với lý do của nghĩa vụ “bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, sẽ không có tờ báo quốc doanh nào lên tiếng ủng hộ về các hoạt động như đình công, bãi thị, bãi khóa mà những nghiệp đoàn lao động tổ chức để đòi hỏi quyền lợi cho người lao động.

“Nhà báo phải làm thế nào để “nâng cao dân trí” nếu thông tin họ đưa ra chỉ có bảo vệ mà không có phê phán đảng và nhà nước? Theo quy định này thì có thể suy đoán “dân trí cao” có nghĩa là luôn bảo vệ và tin vào đảng và nhà nước hay không?”, luật gia Trịnh Hữu Long đặt câu hỏi. Điều này cũng được đặt ra cho đòi hỏi tiếng nói tự do ngôn luận ở những tổ chức công đoàn độc lập sẽ hình thành mai này khi Việt Nam thực thi CPTPP.

T.G.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in báo chí, Công đoàn độc lập. Bookmark the permalink.