Võ Thị Hảo
Hình minh họa. Nước được xả ra từ đập Xiaolangdi trên sông Hoàng Hà, tỉnh Hà Nam của Trung Quốc hôm 29/6/2016. AFP
Mỗi đập thủy điện đều có thể là một quả bom nước khổng lồ tàn phá mạnh hơn bom nguyên tử. Nguồn bom được tạo ra vô tận nếu nó còn tiếp tục vận hành. Đặc biệt với chất lượng xây dựng và bưng bít thông tin, điều kiện thanh tra và quản lý an toàn đập như ở VN, không vỡ đập hoặc gây hại mới là chuyện lạ.
Lũ quét sẽ còn tàn phá VN
Ngày 13/8/2018, Trung tâm khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo về đợt lũ mới từ ngày 16-17/8 trên hệ thống sông Hồng- Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Đà, sông Thao, sông Bùi có thể lên mức báo động 3. Các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên bái, Phú Thọ, Quảng Ninh và Cao Bằng có nguy cơ cao sạt lở đất và lũ quét. Ngập úng ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ (http://www.nchmf.gov.vn/web/vi-VN/104/51/11463/Default.aspx).
Lũ quét là gì?
Đó là tiếng réo rợn người, thường nghe như tiếng bom nổ trên đầu, do thủy điện xả lũ hoặc vỡ đập bất thần gây ra và lập tức quật tan tành từ nhà cửa, cây cối, kể cả nhà bê tông và đồi núi đá lở, sầm sập đổ xuống hạ lưu chỉ trong vài phút, ngập lút nóc nhà, xóa sổ hoặc cô lập cả một vùng. Ngay cả đến đất để canh tác cũng thường bị lũ bùn hoặc sỏi đá chôn sâu. Đương nhiên, thân thể người và gia súc, máu xương tim óc, quá mong manh trước mọi bạo lực, sẽ bị quật nát đầu tiên, khi lũ quét xảy ra.
Trước đó, ngày 9/8/2018, chỉ trong vài giờ, lũ về huyện Ia H’drai, Kontum, và quét sạch những gì chúng gặp trên đường đi, làm ngập khoảng 11 thôn làng, cô lập vùng này và đến tận bây giờ vẫn chưa có thông tin đầy đủ về thiệt hại này. Vì sao?
Lại trước đó, hồi cuối tháng 6, các đợt lũ quét ở vùng miền núi Tây Bắc đã khiến bao nhiêu người thiệt mạng? Không ai biết được, vì thông tin bị bưng bít và các báo đưa tin rất sơ sài về việc này.
Hình chụp hôm 25/6/2018: một người đàn ông đang đứng nhìn đống đổ nát từ căn nhà của mình do lũ ở tỉnh Hà Giang. AP
Phần quan trọng nhất là tìm nguyên nhân và trách nhiệm của người quản lý, đồng thời theo đuổi đến cùng việc đó để buộc nhà cầm quyền thay đổi giải pháp, cứu hàng triệu dân VN đang trên vực thảm họa mỗi ngày, thì các báo và nhà thanh tra không làm hoặc không thể làm. Vì sao?
Ngày 3/8. Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai cho biết, tính từ đầu năm đến thời điểm đó đã có gần 200 người chết, mất tích và bị thương, hàng chục ngàn căn nhà bị hư hại, ngập nước và phải di dời khẩn cấp, hơn 180 ngàn heta lúa và hoa màu bị ngập, gần 250 ngàn gia súc, gia cầm bị chết…
Lũ đã tàn phá và còn cảnh báo lũ lên nhanh tại đồng bằng sông Cửu Long. Mưa lớn và lũ quét sẽ tiếp tục dồn về Kon tum và vùng Tây Nguyên (theo http:/vietnamnet.vn/vn/thoi-su/moi-truong/lu-cuon-phang-moi-thu-o-yen-bai-dan-roi-ban-vua-di-vua-khoc-464513.html).
Nhiều đập thủy điện hiện đã được thiết kế và vận hành lâu nay tại Lào, VN chưa tính hết đến sức công phá của những vụ xả lũ thủy điện từ chi chít những đập từ thượng nguồn của TQ, ảnh hưởng trực tiếp đến các sông chính của Lào và VN…
Chính phủ Lào, ban đầu bưng bít thông tin thiệt hại do vỡ đập. Do sự phát hiện của dân và các phóng viên quốc tế, trong đó có BBC, chính phủ Lào đã buộc phải công nhận thêm số người chết và mất tích. Lào cũng cũng đã động chút lương tâm, quyết định dừng, rà soát lại các công trình thủy điện trên toàn quốc và mở cuộc điều tra về vụ này.
Trong tình trạng bưng bít và bóp méo thông tin hiện nay tại VN, ai có thể tin rằng nhiều đợt vỡ đập thủy điện, vỡ đê gây lụt và lũ quét liên tục xảy ra ở nhiều vùng không ít dân cư mà số người thiệt mạng lại ít hơn chỉ một thảm họa trong vụ vỡ đập thủy điện ở Lào ngày 23/7/2018? Chỉ một trong 5 đập phụ Xepian- Xe Nam Noy tại Lào bị vỡ, lũ quét xuống khoảng 13 thôn bản miền thưa người mà đã có ít nhất 1.245 người chết và mất tích, chưa kể những thiệt hại khác, ảnh hưởng cả đến Campuchia và VN. Quá trình vỡ đập thủy điện dường như không thể kiểm soát nổi. Giờ trước mới chỉ là vết nứt, phút sau đã vỡ tung thành bom nước. Đập bị vỡ chỉ là một trong 5 đập phụ, chưa phải đập chính mà sức tàn phá còn khủng khiếp đến vậy, khi cả vài đập phụ hoặc đập chính bị vỡ thì sức hủy diệt sẽ còn đến mức nào!
Vẫn thản nhiên “đổi mạng dân lấy tiền”
Mọi sự khẳng định rằng đập nọ hay đập kia tuyệt đối an toàn, có thể chịu được vài quả bom nguyên tử chỉ là những khẳng định mang tính lừa đảo tàn nhẫn để trấn an dư luận, xây bằng được các nhà máy thủy điện nhằm kiếm lợi. Đập thủy điện sẽ vỡ từ bất kỳ vết nứt nào hoặc do động đất bởi chính nó hoặc chấn động địa tầng tạo ra, chưa kể mưa lũ thượng nguồn tăng đột biến hoặc từ những đợt xả lũ bất thần từ các đập trên thượng nguồn sông Hồng, sông Mekong mà VN không thể kiểm soát nổi.
VN đã nhiều lần vỡ đập thủy điện và xả lũ bất thường gây vô số thảm họa cho dân từ nhiều năm nay. Nhưng nhà quản lý VN dường như không hề động tâm trước thảm cảnh ngập lụt giết người hàng loạt do thủy điện xả lũ và những vụ vỡ đê đập gây bao cảnh tang thương cho đồng bào, nếu không họ đã không luôn khẳng định và chấp nhận lý lẽ “xả lũ đúng quy trình”.
Chính phủ vẫn an nhiên ưu tiên cho việc xây dựng thêm nhà máy thủy điện mới và trong báo cáo đã đưa trên báo chí không thấy nhắc đến những sai phạm và trách nhiệm trong khi vận hành các nhà máy thủy điện, cũng không có kế hoạch tạm dừng và rà soát lại các đập thủy điện đang vận hành đã phát sinh vết nứt hoặc không đảm bảo an toàn về các mặt khác.
Theo http://cafef.vn/da-co-hon-800-du-an-thuy-dien-duoc-phe-duyet-tai-viet-nam-20180809141740229.chn, Bộ Công thương VN vừa có báo cáo về công tác quy hoạch, xây dựng quản lý và vận hành các công trình thủy điện. Đặc biệt, sự kiện này diễn ra sau khi vỡ đập thủy điện ở Lào và một loạt sự cố do thủy điện gây ra ở VN.
Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thủ tướng phê duyệt, phát triển nguồn thủy điện vẫn là mục tiêu được ưu tiên, với mục tiêu công suất lắp đặt các nhà máy thủy điện đến năm 2030 đạt khoảng 25.400 MW (hiện nay là 23.182 MW).
Ngoài số lượng các nhà máy thủy điện đã đưa vào vận hành, còn có 143 nhà máy thủy điện đang được xây dựng, và Việt Nam vẫn đang nghiên cứu đầu tư 290 dự án nữa. Có thêm 463 dự án chưa xây dựng, nguyên do trước hết là vì chưa có nhà đầu tư quan tâm hoặc không đáp ứng được các tiêu chí về kinh tế, xã hội, môi trường…
Nhà cầm quyền đương nhiên biết rằng thủy điện không phải là nguồn cung cấp năng lượng xanh, không phải không phát sinh khí thải như quảng cáo ban đầu nữa. Họ biết những đập thủy điện đã gây ra hàng loạt hậu quả như thay dổi cấu trúc địa tầng, động đất, biến đổi hệ sinh thái, tạo khí mê tan, giết rừng, ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi thủy sản, trồng trọt, nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân.
Có nhiều cách làm ra điện, nằm trong tầm tay nhà cầm quyền mà không phải đổi bằng việc giết người hàng loạt và tàn phá môi sinh.
Những người hữu trách đương nhiên phải tìm phương án thay thế phù hợp thời đại, an toàn cho đất nước và phải vô hiệu hóa ngay các nhà máy thủy điện đã gây hại hoặc đang có nguy cơ hiểm họa.
Nhà cầm quyền phải lập tức tìm nguyên nhân, đền bù, bảo vệ cho dân và đưa dân vùng hạ lưu thủy điện đến một nơi sinh sống tốt, lâu dài hơn trước, truy tố trách nhiệm hình sự và tội xâm phạm an ninh quốc gia đối với những kẻ gây hại , trong đó có những người nằm trong hệ thống phê duyệt, quản lý, xây dựng và vận hành dù trực tiếp hay gián tiếp…
Cảnh tượng người dân leo lên nóc nhà sau khi đập Xe Pian- Xe Namnoy vỡ. AFP
Điều gì khiến hệ thống cầm quyền VN cố bảo vệ các nhà máy thủy điện gây hại bằng mọi giá? Điều gì khiến sau vô số đợt lũ quét gây giết người hàng loạt và hủy hoại cả vùng môi sinh rộng lớn, nhà quản lý vẫn lạnh tanh khẳng định ”xả lũ đúng quy trình”?
Thủy điện làm ra điện. Điện làm ra tiền. Nhưng vấn đề là tiền chảy vào túi ai và kẻ nào đã nhẫn tâm quyết đổi mạng dân lấy tiền từ thủy điện?
Ở VN, tài nguyên và công quỹ quốc gia bị lạm dụng. Ai nắm được thủy điện, tiền từ tài nguyên quốc gia tự động chảy đêm ngày bất tận vào túi kẻ đó…
Muốn dòng tiền ấy không ngừng lại, máu của dân VN phải chảy vào túi những kẻ lạm dụng thủy điện. Năm 2017, mưa lụt nhiều, năm đó các doanh nghiệp thủy điện bội thu tiền bán điện và dân thiệt hại nhiều nhất.
Làm sao đếm nổi thực sự có bao nhiêu xác đồng bào VN bị vùi lấp dưới những trận xả 5.000 m3/s, gây lũ quét bất thường mà thường chỉ báo trước nhiều khi chỉ 5 đến 10 phút. Cả ngôi nhà, quả đồi, thậm chí núi đá còn bị sạt lở, quật tan tành, nói gì đến thân xác đồng bào!
Điện hay kim cương cũng không thể đặt trên sinh mạng con người, đặc biệt là trên hàng triệu dân và an ninh quốc gia. Không thể vì cần điện mà hy sinh dân VN. Không có bất kỳ lý do nào để đặt việc làm ra điện cao hơn mạng người, nhất là hàng loạt, hàng triệu người dân.
Tất cả mọi vụ việc “giết người hàng loạt” do xả lũ đều được nhà cầm quyền bảo kê bằng lý lẽ “xả lũ đúng quy trình”.
Nếu xả lũ như vậy mà đúng quy trình, thì quy trình ấy đã được thiết kế để thả sức giết dân đổi lấy tiền bạc cho những nhóm lợi ích đứng sau các nhà máy thủy điện?!
Báo chí và mọi công dân VN cần kiên trì, mạnh mẽ, theo đuổi đến cùng để đòi công lý cùng sự an toàn cho người VN. Đó còn là nghĩa đồng bào tối thiểu.
Nếu sự việc xảy ra đúng như cảnh báo, sắp tới, VN sẽ còn vô số người chết oan ức vì xả lũ thủy điện “đúng quy trình”.
Bao nhiều người chết nữa thì ngành thủy điện và nhà cầm quyền mới động tâm?
V.T.H.
Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/how-many-people-need-to-die-08172018110820.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do