LS Đài: Vụ xử Lê Đình Lượng ‘còn nhiều bí ẩn’

Tina Hà Giang/BBCvietnamese.com

Nhà bất đồng chính kiến Lê Đình Lượng nghe tuyên án tài phiên toà sơ thẩm ở Nghệ An hôm 16/8. GETTY IMAGES

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng hôm 16/8 bị tuyên án 20 năm tù, mức án cao kỷ lục cho người bị cáo buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài, cựu tù nhân lương tâm hiện định cư ở Đức, hồi tháng Tư năm nay, cũng bị tuyên án 15 năm tù với cùng tội danh, chia sẻ nhận định của ông về sự kiện này, qua một phỏng vấn với BBC vài giờ sau khi phiên toà kéo dài vỏn vẹn nửa ngày kết thúc.

BBC: Luật sư có nhận xét gì về việc cựu chiến binh Lê Đình Lượng bị tuyên án 20 năm, mức án cao nhất từ trước đến nay dành cho người bị cáo buộc tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền?

LS Nguyễn Văn Đài: Tôi cho rằng đây là một bản án bất công, mang tính trù dập và khủng bố đối với ông Lê Đình Lượng, một người hoạt động chính trị đối lập ôn hoà tại Việt Nam. Bản án này không chỉ nhằm vào cá nhân ông Lê Đình Lượng mà nó còn gửi thông điệp những người hoạt động chính trị khác. Tôi cực lực phản đối bản án này.

BBC:Theo lời của Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho ông Lượng, thì mức án 20 năm tù vượt ngoài khung đề nghị 17 năm của Viện Kiểm sát. Việc này có xảy ra thường xuyên tại Việt Nam không, và theo ông thì ý nghĩa của nó là gì?

LS Nguyễn Văn Đài: Việc Hội đồng xét xử quyết định mức án cao hơn rất nhiều so với đề nghị của Viện kiểm sát là điều rất hiếm hoi trong lịch sử tố tụng của Việt Nam, đặc biệt là trong các vụ án chính trị. Thông thường mức án trong các vụ án chính trị đã được các cơ quan như điều tra, an ninh, Viện kiểm sát, Toà án, ban nội chính họp và cân nhắc trước khi phiên toà diễn ra. Trong đó cơ quan an ninh Bộ công an giữ vai trò quyết định.

Nhưng trong quá trình xét xử các vụ án chính trị, bao giờ cũng có an ninh từ Bộ công an ngồi trong phòng kín theo dõi diễn biến phiên toà và họ sẽ quyết định mức án dựa vào thái độ của người bị xét xử. Khi Hội đồng xét xử vào nghị án, cơ quan an ninh Bộ công an sẽ yêu cầu Hội đồng xét xử phải tuyên mức án theo quyết định của họ.

Tôi không biết được diễn biến phiên toà ra sao, nhưng theo kinh nghiệm của cá nhân tôi thì trong quá trình xét xử, thái độ của ông Lê Đình Lượng đã làm những người ngồi trong phòng kín theo dõi phiên toà hết sức tức giận. Và họ đã ra tay quá nặng với ông Lê Đình Lượng.

BBC: Theo dư luận thì ông Lê Đình Lượng không phải là người nổi tiếng, không là lãnh đạo một tổ chức nào, cũng không phải là người gây được ảnh hưởng rộng lớn, tại sao ông Lượnglại bị xử nặng như vậy. Luật sư nghĩ vụ này có bí ẩn gì không?

LS Nguyễn Văn Đài: Đúng là trong phong trào đấu tranh dân chủ trên phạm vi cả nước thì ông Lê Đình Lượng được ít người biết đến. Nhưng ở các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thì ông rất có uy tín với người dân và cộng đồng Công giáo. Những người đấu tranh xuất thân từ hai tỉnh nói trên đều rất kính trọng ông và ông có ảnh hưởng với họ. Trong con mắt của an ninh Bộ Công an và tỉnh Nghệ An thì ông Lê Đình Lượng là cái gai cần phải nhổ đi từ lâu. Và lần này họ mới có cơ hội thực hiện được.

Đồng thời trong thời gian vừa qua, phong trào đấu tranh của người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh lên rất mạnh trong việc bảo vệ môi trường và chống dự án luật đặc khu. Nhân vụ án này, nhà cầm quyền cộng sản muốn khủng bố tinh thần của những người đang đấu tranh ở hai tỉnh này. Và tất nhiên còn những điều bí ẩn khác mà tôi không thể trả lời trong cuộc phỏng vấn này.

Ông Lê Đình Lượng với một biểu ngữ về thảm họa môi trường tại miền Trung Việt Nam. Ảnh FACEBOOK LỖ NGỌC

BBC: Luật sư có thể phân tích những điểm tương đồng và tương phản giữa bản thân luật sư, ông Trần Huỳnh Duy Thức, và ông Lê Đình Lượng về các phương diện: việc làm, tội bị cáo buộc, bối cảnh lúc bị xét xử, ảnh hưởng cũng như bản án của mỗi người?

LS Nguyễn Văn Đài: Chúng tôi đều có nét tương đồng là cùng bị cáo buộc có những hoạt động nhằm lật đổ cái gọi là”chính quyền Nhân dân”. Và trên thực tế chúng tôi đều có những hoạt động nhằm cổ suý cho một nền chính trị đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam. Chúng tôi bị cáo buộc là tham gia đảng chính trị hoặc thành lập tổ chức hội. Tất nhiên những hoạt động của chúng tôi làm nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lo sợ, bởi những hoạt động đó đe doạ đến quyền lãnh đạo tuyệt đối của họ. Họ không bao giờ muốn trên đất nước Việt Nam có sự ra đời hay tồn tại của các tổ chức, đảng phái chính trị. Bởi hiện nay, đa số người dân Việt Nam đã bất mãn và mất niềm tin vào nhà cầm quyền cộng sản. Nếu có hoạt động của các đảng phái, tổ chức chính trị thì dần dần người dân sẽ tìm đến và đi theo. Đến một lúc nào đó sẽ hình thành một lực lượng đối lập mạnh, lúc đó chế độ độc đảng cộng sản sẽ không còn. Và với những tội ác mà đảng cộng sản Việt Nam đã gây ra cho đất nước và dân tộc, chắc chắn sẽ có một Toà án công lý để xét xử họ.

Và hiển nhiên, chúng tôi đều bị mức án rất nặng là từ 15 năm trở lên. Riêng tôi, trong quá trình điều tra, họ nhiều lần đe doạ sẽ áp dụng mức rất cao 20 năm hoặc chung thân. Nhưng cuối cùng vì nhiều lý do mà họ chỉ kết án 15 năm.

BBC: Theo luật sư sự kiện này sẽ ảnh hưởng lên giới bất đồng chính kiến như thế nào? Ông có lời khuyên gì cho ông Lượng và gia đình ông ấy?

LS Nguyễn Văn Đài: Chắc chắn sẽ có ảnh hưởng chút ít đến tâm lý và những hoạt động của những người bất đồng chính kiến trong nước.

Nhưng những mâu thuẫn về lợi ích giữa người dân và nhà cầm quyền cộng sản, sự suy đồi của chế độ cộng sản, sự yếu kém trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân không được giải quyết mà ngày càng gây phẫn nộ cho Nhân dân. Do vậy sự tham gia của các từng lớp Nhân dân vào phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ sẽ ngày càng tăng cao chứ không hề suy giảm như mong muốn của nhà cầm quyền cộng sản.

Tôi khuyên họ nên chống án. Và có lẽ giải pháp vận động quốc tế để ông Lê Đình Lượng được đi tị nạn chính trị cần được cân nhắc và tính đến từ bây giờ. Bởi vì ông Lê Đình Lượng đã có tuổi và với mức án như vậy, thật bất công cho ông khi phần cuộc đời còn lại của ông phải ở trong ngục tù cộng sản.

BBC: Giới bất đồng chính kiến nên rút tỉa kinh nghiệm gì sau phiên xử ngày hôm nay?

LS Nguyễn Văn Đài: Chắc chắn là mọi cá nhân, tổ chức hoạt động đấu tranh cho tự do, dân chủ ở trong nước đều phải rút kinh nghiệm ngay từ sau vụ án của Hội Anh Em Dân Chủ và vụ án này. Đó là phải thay đổi phương thức tổ chức và hoạt động để phù hợp với việc đàn áp khốc liệt của nhà cầm quyền cộng sản. Tôi đã soạn thảo chiến lược đấu tranh cho tự do, dân chủ ở Việt Nam trong tình hình mới áp dụng cho Hội AEDC và sẽ sớm được công khai công bố. Tất cả các tổ chức, cá nhân khác có thể tham khảo và áp dụng cho họ.

T.H.G. – N.V.Đ.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45217625

This entry was posted in Lê Đình Lượng, tù nhân lương tâm. Bookmark the permalink.