Bài học khi Malaysia muốn hủy các dự án Trung Quốc

RFA

Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc ông Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản VN ông Nguyễn Phú Trọng. AFP

Thủ tướng đương nhiệm Malaysia, ông Mahathir Mohamad, sau khi nhậm chức, tuyên bố sẽ hủy bỏ hai dự án trị giá hàng tỷ đô la do Trung Quốc đầu tư. Lý do nêu ra là ông không muốn Kuala Lumpur mắc thêm nợ. Đây là dự án đường ống dẫn khí và tuyến đường sắt dọc bờ biển miền Đông ở Malaysia được ký kết dưới thời Thủ tướng Najib Razak. Người đứng đầu chính phủ Kuala Lumpur nói rõ ông sẵn sàng chào đón đầu tư từ Hoa Lục với điều kiện đầu tư đó phải có lợi cho Malaysia.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, hiện đang sống ở Na-Uy cho rằng Việt Nam nên học hỏi đường lối cứng rắn với Trung Quốc của tân chính phủ Malaysia:

Tôi nghĩ VN nên có một chính sách kinh tế độc lập với chính mình. Một nền kinh tế phát triển một cách bền vững, ổn định không chỉ là một tương lai phồn thịnh mà còn là một tương lai độc lập cho đất nước mình. Để có sự độc lập, tự do và phồn thịnh đó thì mình không thể phụ thuộc quá lớn vào nền kinh tế của Trung Quốc và không thể nợ họ quá nhiều. Khi mình phụ thuộc vào họ thì mình không độc lập được, và sự thiếu độc lập này sẽ là đòn bẩy để Trung Quốc áp lực với đất nước mình. Họ sẽ gây ảnh hưởng về an ninh, quốc phòng và sự phát triển của đất nước nói chung.

Ông nhận định VN hiện đã đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, thể hiện qua nhiều dự án do Bắc Kinh bỏ vốn ra đầu tư. Tuy nhiên, theo ông, các số liệu cho thấy VN đang nợ bao nhiêu và nhận viện trợ bao nhiêu của Trung Quốc không được chính quyền công bố với dân.

Ông cũng cho rằng VN nên rà soát lại các dự án của TQ và đình chỉ các dự án không có hiệu quả về kinh tế và gây ảnh hưởng về an ninh quốc phòng.

Khi mình phụ thuộc vào họ thì mình không độc lập được, và sự thiếu độc lập này sẽ là đòn bẫy để Trung Quốc áp lực với đất nước mình.

TS. Nguyễn Huy Vũ

Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích cả hai mặt lợi-hại trong quan hệ kinh tế Việt – Trung:

Trung Quốc vẫn là một thị trường, một đối tác quan trọng trong thương mại, đầu tư với VN. Điều này có những ý nghĩa đóng góp đối với công cuộc xây dựng kinh tế ở VN. Tuy nhiên, TQ cũng như câu chuyện thương mại, đầu tư với các đối tác khác cũng có những vấn đề. Thứ nhất, về thương mại, VN thâm hụt khá lớn với TQ. Điều này liên quan đến cấu trúc nền kinh tế, cấu trúc thương mại, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp VN,…

Về đầu tư, bên cạnh các dự án phát huy các hiệu quả tốt, cũng có những dự án về mặt công nghệ chưa tốt và về mặt môi trường cũng chưa thân thiện.

Năm 2017, Việt Nam đánh dấu mốc vốn đầu tư nước ngoài FDI lớn nhất trong 10 năm, đạt hơn 35 tỷ đô la. Trong tổng số 115 quốc gia rót vốn vào VN, Trung Quốc đứng thứ 4.

Tuy nhiên, nhiều dự án của chủ đầu tư Trung Quốc cho thấy rõ tính không hiệu quả như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, hàng loạt các nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm môi trường trong đó có chuỗi nhà máy Vĩnh Tân khét tiếng. Trong số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ của bộ Công thương, có đến 5 dự án liên quan đến yếu tố Trung Quốc. Truyền thông trong nước cũng thừa nhận nhiều dự án lớn hợp tác với Trung Quốc ban đầu thương yên ả nhưng càng về sau càng sóng gió sau mỗi lần bắt tay với Bắc Kinh.

Chuyên gia Nguyễn Huy Vũ nhận định:

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các dự án của Trung Quốc đầu tư vào VN kém hiệu quả về kinh tế và yếu kém cả về kỹ thuật là do tham nhũng. Nhưng chúng ta phải để ý tại sao lại là TQ mà không phải các nước Âu Mỹ, bởi vì ở các nước này chịu sự giám sát của chính quyền nước sở tại nên họ không thể dùng cách đút lót để giành dự án ở VN được. Trong khi các công ty TQ dễ dàng chia phần trăm cho các quan chức để được nhận dự án.

Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông do Trung Quốc đầu tư. Courtesy of FB Le Dung Vova

Một bài học khác cho VN được các chuyên gia nêu lên, đó là việc Sri Lanka buộc phải cho Bắc Kinh thuê cảng biển Hambantota trong 99 năm như một điều kiện để TQ giảm nợ cho Sri Lanka. Đây được cho là “bẫy nợ” trong nước cờ sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Bắc Kinh.

Trước đây một số quốc gia khác như Úc, Djibouti, Argentina, Namibia hay Lào đều rơi vào tình trạng tương tự đó là nợ Trung Quốc quá nhiều, phải cho thuê đất trả nợ. Tại quốc gia châu phi Djibouti, vào năm ngoái Bắc Kinh đã cho thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên, trên mảnh đất mà Djibouti phải cho thuê để chuộc nợ.

Hiện Myanmar cũng bị cảnh báo có thể trở thành “con nợ” của Trung Quốc khi cho xây cảng biển và khu công nghiệp Kyaukpyu trị giá hàng chục tỷ đô la do Trung Quốc tài trợ.

bên cạnh các dự án phát huy các hiệu quả tốt, cũng có những dự án về mặt công nghệ chưa tốt và về mặt môi trường cũng chưa thân thiện.

-TS. Võ Trí Thành

Đáp lại câu hỏi rằng VN có nên hạn chế nhận đầu tư từ Trung Quốc để tránh những hệ quả về sau không? TS. Võ Trí Thành cho biết:

VN hiện đang trong giai đoạn phát triển nên cần dựa nhiều vào công nghệ tốt hơn, kỹ năng quản lý tốt hơn, hiệu quả và sáng tạo hơn. Vì vậy VN muốn và đang thiết lập quan hệ đối tác với các nước phát triển nhất, xét về khía cạnh công nghệ, kỹ năng quản lý để học hỏi vươn lên.

Thứ hai, trong thế giới hiện nay còn nhiều rủi ro bất định, việc đa dạng hóa thị trường cả về đầu tư và thương mại cũng là một cách để giảm thiểu sự cố khi bất định xảy ra.

Ông cũng nói thêm VN cần cứng rắn giải quyết các vấn đề đang tồn tại với TQ đó là dựa trên luật pháp quốc tế cho các vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Còn về kinh tế, ông cho rằng Việt Nam cần nhấn mạnh với TQ rằng VN vẫn là một đất nước mở cửa, tuy nhiên VN quan tâm đến việc đầu tư của TQ phải đảm bảo gắn với công nghệ tốt, thân thiện với môi trường.

Chuyên gia Nguyễn Huy Vũ cho rằng cách duy nhất để minh bạch mọi dự án nhằm ngăn chặn tham nhũng và thất thoát không chỉ riêng với TQ là phải có dân chủ và có các phe đối lập để giám sát, chất vấn các dự án của chính quyền.

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/lessons-from-chinas-investment-in-other-countries-08162018131106.html

This entry was posted in Dự án của Trung Quốc. Bookmark the permalink.