Nhà chức trách Việt Nam yêu cầu các trạm thu phí BOT lắp biển cấm dừng, đỗ, trong nỗ lực dẹp cuộc phản đối thu phí của cánh lái xe đã kéo dài hàng tháng nay. Hai luật sư nói việc cắm biển có thể là vô lý và các lái xe có thể khiếu nại nếu bị phạt.
Các báo Việt Nam cho hay theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến ngày 25/1, có 19 trạm thu phí cắm biển cấm xe dừng quá 5 phút, và Thanh tra Giao thông sẽ xử phạt các tài xế vi phạm.
Một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nói các biển cấm mới lắp đặt đều “phù hợp” với Luật Giao thông Đường bộ, theo báo Pháp Luật Tp. HCM. Báo không nêu tên của quan chức này. Tờ báo dẫn lời vị quan chức nói rằng những xe “trả tiền lẻ lâu quá 5 phút” sẽ được người của trạm thu phí “mời ra vị trí khác để thu phí”. Vị quan chức bổ sung là xe nào “cố tình tắt máy hoặc hư hỏng” sẽ bị nhà chức trách “cẩu đi”.
Báo Tuổi Trẻ trích lời ông Nguyễn Văn Thành, một phó cục trưởng thuộc Tổng cục Đường bộ, cảnh báo rằng bên cạnh việc bị xử phạt, nếu lái xe “còn cố tình vi phạm” sẽ bị truy cứu trách nhiệm với mức xử phạt nặng hơn. Nhưng ông Thành không đi vào chi tiết.
Trong những năm gần đây, nhiều đường tránh được làm bằng vốn tư nhân theo phương pháp xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT). Các lái xe chỉ ra rằng các con đường như vậy nằm ở những nơi họ không thường xuyên đi qua, trong khi trạm thu phí BOT lại đặt trên đường quốc lộ gần đó làm từ tiền thuế của dân. Vì vậy, những người hay phải qua lại các con đường quốc lộ cho rằng việc thu phí và vô lý, không chấp nhận được.
Các vụ phản đối bắt đầu nổ ra vào mùa hè năm 2017, rải rác ở các tỉnh khác nhau. Trong số đó, gây chú ý nhất là việc các lái xe dùng “chiến thuật” trả tiền lẻ, gây ùn tắc xe cộ ở trạm Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, khiến trạm phải mở cho xe đi qua miễn phí trong hầu hết thời gian từ tháng 8 năm ngoái đến nay.
Sau một vài tuần lắng xuống trùng với thời điểm mọi người tiễn năm 2017, đón năm 2018, đầu tháng 1, một loạt vụ phản đối lại diễn ra tại các trạm BOT ở những tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Sóc Trăng, và thành phố Cần Thơ.
Các cuộc phản đối đã buộc các trạm phải giảm giá vé, hoặc tạm dừng thu phí, cho xe cộ qua lại tự do, hay còn gọi là “xả trạm”.
Giờ đây, với diễn biến mới là xuất hiện biển cấm dừng quá 5 phút và lời đe dọa về xử phạt, các đại diện cho giới lái xe tiếp tục phản ứng.
Ngay khi ý định cắm biển của Tổng cục Đường bộ được nêu ra cách đây ít ngày, ông Trần Quốc Toản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Tĩnh, nói với báo Đất Việt rằng chắc chắn các lái xe phản đối việc cắm biển cấm dừng, đỗ xe quá 5 phút tại các trạm BOT. Ông nói việc cắm biển bị xem là “công cụ chống lưng cho trạm BOT”.
Vị chủ tịch hiệp hội ở Hà Tĩnh nhận định “100% các doanh nghiệp, các nhà vận tải xe, các Hiệp hội vận tải ô tô trên đất nước” đang phản đối một số trạm BOT vì nguyên nhân quan trọng nhất là các trạm đó đặt không đúng vị trí. Ông Toản đòi các trạm BOT phải được đưa về đúng vị trí.
Nói trên Đất Việt, ông Toản chất vấn tại sao nhà chức trách “không chú trọng giải quyết việc các trạm BOT làm sai mà lại xử lý người phản đối chuyện làm sai”.
Người đồng nhiệm của ông Toản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa Tp. HCM Bùi Văn Quản nói xử lý ùn tắc tại trạm BOT bằng cách lắp biển cấm dừng đỗ “cũng không giải quyết được vấn đề”. Ông Quản nêu nghi vấn liệu đó có phải là động thái “ép người dân” trong khi “cổ súy cho việc trạm BOT làm sai” hay không.
Hai luật sư Nguyễn Khả Thành và Võ An Đôn nói với VOA có những dấu hiệu cho thấy các quy định về biển báo và xử phạt mới là vô lý. Ông Thành nói việc trả tiền phí là giao dịch dân sự, dùng biển báo giao thông để can thiệp vào giao dịch như vậy là khiên cưỡng:
“Tôi mới đọc qua trên mạng, tôi cảm nhận sự vô lý đó, có sự vô lý trong đó. Biển cấm như vậy, nếu qua 5 phút rồi, mà những giao dịch này chưa xong thì ra sao, thế nào?”
Ông Đôn phân tích thêm:
“Nếu người lái xe vì lý do trả tiền, ví dụ trả tiền lẻ, dừng lâu quá 5 phút và bị phạt thì việc đó hoàn toàn trái quy định của pháp luật. Ngược lại nếu lái xe không vì lý do trả tiền, hoặc cố tình dừng xe để cản trở giao thông, việc đó là vi phạm pháp luật và xử phạt được”.
Theo ông Đôn – người bị khai trừ khỏi Đoàn Luật sư Phú Yên hồi cuối năm 2017 do những ý kiến trực ngôn ủng hộ tự do, dân chủ – các lái xe bị phạt một cách bất công có thể khởi kiện:
“Thứ nhất phải thu thập biên bản xử phạt hành chính. Thứ hai, khởi kiện ra tòa hành chính. Vụ kiện là vụ hành chính, giữa người khởi kiện là tài xế và người bị kiện là người ra quyết định xử phạt hành chính đó. Khi kiện, anh chứng minh rằng tài xế đó không có lỗi cố ý dừng xe để cản trở giao thông thì đương nhiên vụ kiện đó sẽ thắng”.
Luật sư Nguyễn Khả Thành cũng đồng ý với ý kiến ông Đôn đưa ra. Ông Đôn nói thêm tuy ông không còn được hành nghề luật sư nhưng ông sẵn sàng trợ giúp pháp lý miễn phí cho các lái xe.
Một tuần trước việc cắm biển cấm dừng đỗ, thủ tướng Việt Nam gửi công điện chỉ thị phải “bảo đảm an ninh trật tự” tại các trạm BOT. Công điện có đoạn nói một số người đã lợi dụng việc phản đối BOT để “gây rối, chống phá, phản động”. Thủ tướng đề nghị Bộ Công an và một số cơ quan liên quan “khởi tố” và “xử lý nghiêm” nếu có đủ bằng chứng.
Tiếp đến, hôm 24/1, trong một hội nghị của ngành công an, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ thị cấp dưới “giải quyết dứt điểm” các tình huống ở các trạm BOT để “không xảy ra điểm nóng”.
Một mặt tìm cách dẹp các hoạt động phản đối, nhà chức trách Việt Nam cũng có động thái xem sự bất hợp lý của các trạm BOT. Tuy nhiên, trong một phát biểu với báo Tiền Phong mới đây, Tổng cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho hay các giải pháp để xử lý các vấn đề BOT đang được nghiên cứu, và sẽ cần khoảng 2 tháng nữa, tức là sau Tết Nguyên đán mới có câu trả lời.
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/cam-dung-qua-5-phut-tai-cac-tram-bot-kho-kha-thi/4224744.html