Vụ BOT: ‘Phạt xe dừng quá 5 phút là đổ dầu vào lửa’

 

Một luật sư nói với BBC rằng Bộ Giao thông và chính phủ Việt Nam “nên tập trung giải quyết cái gốc của vấn đề” thay cho “giải pháp nhất thời”.

Tin cho hay, từ hôm 25/1, thanh tra giao thông tiến hành xử lý lái xe vi phạm biển cấm dừng đậu quá 5 phút được lắp đặt tại các trạm BOT.

Trước đó, Tổng Cục đường bộ Việt Nam gửi công điện hỏa tốc đến các nhà đầu tư BOT, Cục cao tốc, các cục quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành yêu cầu chủ đầu tư “lắp biển báo phân làn đường, biển báo cấm dừng, cấm đỗ xe tại trạm thu phí và phải hoàn tất trước ngày 25/1”.

“Tổng cục đường bộ Việt Nam yêu cầu các nhà đầu tư bổ sung các camera ở khu vực trạm, thu thập số liệu, trích xuất các file dữ liệu hình ảnh, thống kê các tình huống cố tình gây rối, kích động mất trật tự an toàn giao thông, gửi về Tổng cục đường bộ để gửi Bộ Công an và Ủy ban Nhân dân các tỉnh xử lý”, báo Tuổi Trẻ tường thuật.

Hôm 25/1, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói với BBC: “Thật ra quy định xử phạt dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông thì bị xử phạt từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đã được quy định từ năm 2016 trong một nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông chứ không phải đến nay mới có”.

“Tuy nhiên, vấn đề cần bàn ở đây được hiểu thế nào là “trái quy định”. Anh không thể đặt/đưa ra biển báo “trái quy định” rồi căn cứ vào cái sai trái đó đi xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông được”.

‘Giải pháp công bằng’

Luật sư Sơn phân tích: “Các công ty BOT chỉ đơn thuần là đơn vị kinh tế chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước về giao thông. Do đó, những biển báo cấm dừng, cấm đậu do chủ đầu tư BOT tự gắn không có giá trị pháp lý, cho dù biển báo đó có nguồn gốc từ đâu”.

“Ngay cả việc lắp đặt biển cấm dừng, cấm đỗ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thì cũng phải tuân thủ quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ. Chỉ những loại biển nào có trong quy chuẩn thì mới được sử dụng để làm căn cứ xử phạt”.

“Theo QCVN 41:2016, trong nhóm biển báo cấm thì chỉ có loại biển báo cấm theo giờ, nghĩa là các phương tiện không được dừng, đỗ xe trong một khung giờ nhất định chứ không có loại biển giới hạn thời gian dừng, đỗ theo từng loại phương tiện”.

Luật sư Sơn nói thêm: “Nếu chủ đầu tư BOT và Tổng cục đường bộ Việt Nam dùng “thủ thuật” này để giải quyết tình trạng ùn xe tại các trạm BOT là không khả thi”.

“Dừng xe để đóng phí có liên quan đến cả nhân viên thu phí. Do đó, việc dừng xe quá 5 phút không chỉ do lỗi của tài xế mà còn do lỗi của nhân viên thu phí (như thao tác chậm, không chuẩn bị đủ tiền lẻ, kiểm đếm chậm….) nên cũng rất khó xác định được yếu tố lỗi để xử phạt”.

“Nếu cả chục xe xếp hàng. Mỗi xe dừng 4 phút 59 giây rồi lăn bánh thì tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra. Hoặc họ có thể phản đối bằng cách khác, khi gần đến trạm thu phí họ cho xe lăn bánh một cách chậm chạm để đến chốt thu phí thì cơ quan chức năng cũng không thể làm gì được”.

“Theo tôi, Bộ Giao thông-Vận tải và Chính phủ nên tập trung vào giải quyết cái gốc của vấn đề là vị trí đặt trạm BOT không hợp lý chứ không phải là thu phí cao hay thấp”.

“Việc Tổng cục đường bộ Việt Nam phát đi thông báo hỏa tốc yêu cầu khẩn trương lắp các biển báo cấm dừng trong lúc người dân rất bức xúc về vị trí các trạm BOT chẳng khác nào đang “đổ dầu vào lửa”.

“Lẽ ra, giới chức ngành giao thông nên rà soát lại các dự án BOT và truy trách nhiệm những cá nhân liên quan trong việc “tư nhân hóa” mạng lưới giao thông công cộng bằng các hợp đồng BOT”.

“Từ đó, tham mưu cho chính phủ một giải pháp công bằng cho người dân chứ không phải đưa ra một giải pháp nhất thời, mang tính đối phó với người dân trong khi bức xúc của họ là hoàn toàn chính đáng”.

“Mọi quyết sách của Bộ Giao thông-Vận tải nói riêng và của Chính phủ nói chung phải đặt trên nền tảng công bằng thì mới có thể bền vững và đạt được sự đồng thuận trong xã hội”.

Theo văn bản của Tổng cục Đường bộ, các chủ đầu tư BOT được yêu cầu lắp biển báo phân làn đường, biển báo cấm dừng, cấm đỗ xe tại trạm thu phí trước 25/1.

Từ khi có biển cấm, mọi hành vi cản trở giao thông tại trạm thu phí sẽ bị phạt tiền với mức thấp nhất 800.000 đồng và cao nhất 2.000.000 đồng.

Hôm 18/1, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ký Công điện bày tỏ quan điểm cứng rắn về xử lý “các đối tượng xấu lợi dụng kích động, chống phá” tại các trạm thu phí BOT.

Văn bản nhấn mạnh không để “các đối tượng xấu càng lợi dụng, lấn tới, tiềm ẩn những hành vi gây mất an ninh trật tự, kể cả các tổ chức phản động lợi dụng phá hoại”.

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42784714

This entry was posted in Xã Hội. Bookmark the permalink.