Ngoại ngữ đại bại, tiến sĩ thảm hại

Lê Thanh Phong

Thêm một minh chứng cho sự tụt lùi, bế tắc của cái gọi là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa.

Bauxite Việt Nam

Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” đã chi đề nghị quyết toán giai đoạn 2011-2016 hơn 4.258 tỉ đồng. Nhưng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, đề án không đạt mục tiêu cả về số lượng người học lẫn chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

4.258 tỉ đồng đi về đâu? Đó là câu hỏi nhức nhối, bởi vì mục tiêu thất bại thì đồng tiền đó quá vô ích. Chưa kể, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra những thất thoát, lãng phí trong sử dụng nguồn tài chính này như mua sắm phần mềm và giáo trình cao hơn gấp 10 lần chỉ tiêu, chỉ tập trung kinh phí vào mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học ngoại ngữ, chưa chú ý đến đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ.

Vì sao người ta thích mua sắm hơn là đào tạo giáo viên nhỉ? Ai cũng có thể trả lời được câu hỏi này. Và với cách sử dụng tiền bạc vung vít, không hiệu quả thì cho dù 100 đề án với hàng chục nghìn tỉ đồng, mục tiêu dạy và học ngoại ngữ cũng chỉ nằm trên giấy, và cho dù có kéo dài đến 100 năm cũng thế thôi.

Và đây nữa, được đầu tư 14.000 tỉ đồng, nhưng “Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020” (Đề án 911) tính đến hết năm 2016 được đánh giá là thất bại. Cụ thể, nhiều chỉ số đạt dưới 10%, nhiều người bỏ không đi học, có người bỏ học giữa chừng, hết thời hạn nghiên cứu sinh nhưng không bảo vệ chiếm tới 45%. Có thể nói Đề án 911 thất bại vô cùng thảm hại. Thế là tiền tan thành mây khói, nhiều nghiên cứu sinh tiêu tốn từ 1,5 – 1,8 tỉ đồng nhưng không “tậu” được cái bằng tiến sĩ. Nhiều khoản chi sai chế độ, không đúng quy định, tiền núi cũng không đủ cho các cô cậu đi học tiến sĩ kiểu “lò ấp” này. Chưa kể nhiều trường hợp có bằng nhưng chưa chắc đã có thực chất.

Đề án ngoại ngữ cũng kéo dài, đề án đào tạo tiến sĩ cũng tiếp tục, rồi tiền sẽ được bơm vào, đó là sự bất công bên cạnh lãng phí và thất thoát. Các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước kinh doanh thất bại, gây thất thoát, lãng phí thì những người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, thậm chí là trách nhiệm hình sự, không ít người đã vướng vòng lao lí. Vậy thì những người được giao nhiệm vụ thực hiện các “dự án kinh doanh chữ nghĩa và bằng cấp” này làm ăn thất bại, tiêu tốn hàng nghìn tỉ đồng của Nhà nước, chẳng lẽ không ai chịu trách nhiệm, chẳng lẽ lại tiếp tục được bơm vốn để “làm ăn”?

L.T.P

Nguồn: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ngoai-ngu-dai-bai-tien-si-tham-hai-584979.ldo

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.