Việt Nam cần học gì từ quân sự Nhật?

Trần Vũ Tác giả hiện sống tại Texas, Hoa Kỳ

Image copyright Getty Image caption Đô đốc Togo trên chiến hạm Misaka trong trận Tsushima năm 1903

Các sử gia liệt kê bốn nguyên nhân thành công của Nhật Bản là: Quyết tâm canh tân từ thượng tầng; Chiến lược thích ứng; Khả năng tiếp thu và vận dụng kỹ thuật Tây phương và Bản sắc ái quốc, kỷ luật và tính hiếu kỳ của dân tộc Nhật làm điểm tựa cho Minh Trị.

Trong bốn nguyên nhân thành công kể trên, dân Việt có thể tự hào sở hữu hai thành tố: Khả năng học tập rồi áp dụng kỹ thuật Tây phương và bản sắc ái quốc cùng tính hiếu kỳ du nhập những đổi mới.

Còn kỷ luật? Kỷ luật hay không là do kỷ cương nhà nước. Muốn một dân tộc kỷ luật thì nhà nước phải kỷ luật. Muốn một dân tộc hùng cường thì nhà nước phải có hùng khí.

Yếu kém quyết tâm và yếu kém kỷ cương ở thượng tầng quốc gia Việt Nam là nguyên nhân chính làm chậm phát triển quốc gia này.

Tự cường hay khước từ ý tưởng?

Tể tướng Otto von Bismarck trong những ngày cực thịnh của Đế chế Phổ đã rao giảng đức tin:

“Ngoại giao là vũ khí mạnh nhất của quân đội, trong điều kiện quân đội đó phải có thực lực để tiếng nói ngoại giao có trọng lượng, trường hợp quân đội chưa đủ mạnh, thế chiến lược của địa lý phải được khai thác để phủ dụ các tham vọng bằng chính sức mạnh của các tham vọng đối phương”.

Bismarck, bậc thầy của các hiệp ước, đã đi vào lịch sử Đức ở vị thế của một tể tướng giỏi nhất.

Đế quốc Phổ là một nền Quân chủ tuyệt đối. Nhật Bản dưới triều Minh Trị cũng là một nền Quân chủ tuyệt đối. Nhật Bản đã sao chép hiến chương quân chủ Phổ mà không phải hiến chương quân chủ Anh.

Các thủ tướng Nhật từ Hirobumi Ito, Kiyotaka Kuroda đến Aritomo Yamagata đã theo sát Bismarck. Vấn đề an ninh đặt ra tức khắc: phải có tấm khiên chắn trước khi lưỡi kiếm samurai được hiện đại hóa có thể vung lên lần nữa.

Đế quốc Anh coi sự lớn mạnh của Phổ là mối lo đã không muốn nhìn thấy hải quân Nga khống chế Thái Bình dương.

Hải quân Anh đủ sức hủy diệt riêng hải quân Phổ, Pháp, Nga, nhưng không đủ sức vừa phân chia ở Thái Bình dương và Đại Tây dương, vừa đương đầu với liên hiệp các hải quân đế quốc.

Nhật Bản trở thành một đối trọng cần thiết ở Viễn Đông. Liên minh với Nhật Bản có nghĩa hãm đường lan ra biển lớn của hải quân Nga từ căn cứ Vladivostok.

Vừa kiềm chế hải quân Pháp đã vào Đại Nam, vừa giảm ảnh hưởng của Tây Ban Nha từ Phi Luật Tân và cắm mốc đồng minh Anh trên đất Nhật Bản đối với Hoa Kỳ.

Đế chế Phổ chỉ còn lại đầu cầu Thanh Đảo để nhìn ngắm, không đáng lo. Hiệp ước hỗ tương hàng hải và liên minh hải quân Anh-Nhật sẽ là hòn đá tảng trong chiến lược canh tân Nhật Bản.

Các đế quốc Pháp, Nga, Phổ, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, tuy chậm trễ, đều nhìn thấy vị trí chiến lược của Nhật.

Image copyright Getty Image caption Nhật Bản học nhiều từ Otto von Bismarck còn Đại Nam không biết gì hết

Nhưng để lao vào Nhật Bản, Pháp cần bình định Đại Nam mà ở vào thời điểm 1868-1870 vừa chiếm được lục tỉnh Nam kỳ khiến đại thần Phan Thanh Giản phải quyên sinh đã là hết sức vì trên chiến trường Âu châu đại binh Phổ của thống chế Moltke đã bắt đầu gây chiến.

Không thể lao vào Nhật Bản, Pháp bắt buộc phải mua chuộc bằng cách ký các thương ước, thỏa ước, gửi kỹ sư giúp Nhật Bản nhằm giảm “sự thôn tính tinh thần” của Anh, với hy vọng trong tương lai sau khi giải quyết Phổ, có thể tách Nhật ra khỏi quỹ đạo Anh để trở về quỹ đạo Pháp.

Hà Lan tự biết sức không thể tranh giành với Anh, Pháp, chọn con đường giao thương bán vũ khí, tàu chiến, thương thuyền để kiếm lợi.

Tây Ban Nha đã kiệt sức. Hoa Kỳ, đứng trước hiệp ước liên minh Anh-Nhật quyết định chọn Phi Luật Tân làm thuộc địa vì giao chiến với Tây Ban Nha vẫn dễ dàng hơn với Hải quân Hoàng gia Anh cực kỳ hùng mạnh.

Phổ, hãy còn dồn hết nỗ lực giành lại Alsace và Lorraine, cố gắng thu phục Nhật bằng cách gửi các phái bộ quân sự cố vấn, tân trang và huấn luyện, trong cùng mục đích với Pháp lôi kéo Nhật Bản thành đồng minh.

Thế giới đã diễn ra như vậy và Nhật Bản đã sáng suốt nhìn thấy để trục lợi từ các tranh giành kình chống giữa các đế quốc. Các minh ước, thương ước, thỏa ước, hiệp ước chồng chéo càng củng cố vị trí trung lập của Nhật Bản cho đến 1894.

Phương châm của Otto von Bismarck: “Khối lượng các hiệp ước phải đem đến sức mạnh thay vì ràng buộc tay chân” đã được các thủ tướng Nhật thực thi.

Vương triều Nguyễn, không biết đến Bismarck, đã đánh mất nhiều cơ hội.

Năm 1804, Hoàng gia Anh cử Sir Roberts làm sứ thần mang phẩm vật và quốc thư dâng vua Gia Long xin thiết lập ngoại giao.

Năm 1831, Hoa Kỳ xin đề cử Shilluber làm tổng lãnh sự tại Huế. Năm sau, phái đoàn của Edmund Robert và Georges Thompson đến Trà Sơn trình quốc thư, hy vọng ký kết một hiệp ước song phương.

Quốc thư không ghi rõ danh hiệu hoàng đế Đại Nam, khiến vua Minh Mạng hạ bút phê: “Bất tất đầu đệ.”, có nghĩa văn thư thiếu chính danh, không cần đệ lên ngự lãm. [Đại Nam Thực lục Chính biên, dẫn theo sử gia Phạm Văn Sơn, Quân dân Việt Nam chống Tây xâm]

Dưới triều Thiệu Trị vào tháng 10-1847, toàn quyền Anh tại Hương Cảng John Davis, cùng hai chiến hạm đến cửa Hàn trình quốc thư của nữ hoàng Victoria muốn lập thương điếm tại Đà Nẵng, đề nghị liên minh chống Pháp hoàng Louis Philippe ở Á châu.

 

Image copyright Getty Image caption Triều đình Huế liên tục khước từ các cơ hội giao thương và canh tân

Cung đình Huế từ chối không cho John Davis diện kiến vua Thiệu Trị. Đến triều Tự Đức, nhà Nguyễn đánh mất những cơ hội cuối cùng khi khước từ các điều trần của các trung thần Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu, Nguyễn Điều, Nguyễn Hiệp, Lê Đĩnh, Phan Liêm, Bùi Viện mà ngay từ 1864 các sứ thần này sau khi đi sứ Hương Cảng, Xiêm La, Pháp, Mỹ trở về đã xin mở cửa thông thương và liên hiệp tìm sức mạnh.

Năm 1868, tức niên đại Tự Đức thứ 21, hoàng đế Tự Đức khước từ phê duyệt lá sớ của Đinh Văn Điền quê ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, xin cải cách huấn luyện binh sĩ, khai mỏ bạc, làm tàu hỏa, bỏ lệnh cấm nghiên cứu binh thư, thăng thưởng đúng đắn và giảm sưu dịch cho lính tráng.

Không đầy sáu năm sau, Francis Garnier hạ thành Hà Nội.

Chiến tranh đã luôn diễn ra bằng các động thái chính trị trước khi tiếp nối bằng vũ lực. Mà vũ lực chỉ xảy đến sau khi một phía thất bại chính trị. Chính phủ Việt Nam hôm nay đã bắt đầu các minh ước với Ấn Độ nhưng hãy còn quá chậm và quá ít, để thực sự xem là đang vận dụng đối sách của Bismarck.

Liên minh với các quốc gia vòng đai Thái Bình dương và tìm thêm nguồn trang bị quân đội từ Israel và Tây Âu phải là quốc sách trong mục tiêu kềm hãm Trung Hoa.

Niên đại Tự Đức thứ 21, tức năm 1868, khi Đinh Văn Điền dâng sớ cũng là lúc Minh Trị đăng quang. Canh tân Nhật Bản diễn ra khác hẳn: Nhiều thế hệ sĩ quan ưu tú như Heihachiro Togo, Isoroku Yamamoto, các thủy sư đô đốc tương lai thắng trận Đối Mã và Trân Châu Cảng, sang tu nghiệp ở Học viện Hải quân Anh. Ngược lại, các đề đốc Douglas rồi Willan sang Nhật mở các trung tâm huấn luyện hoa tiêu và thủy thủ.

Phía Phổ, thống chế Moltke gửi các sĩ quan Phổ qua Nhật để giám sát các khóa đào tạo bộ binh, cũng như nhiều sĩ quan lục quân Nhật theo học tại các học viện Phổ.

Liên minh Anh-Nhật đưa đến việc Anh giúp xây phân xưởng Kawasaki và khu công nghiệp Ishikawajima Harima Nhật – Phổ giúp kiến tạo ngành luyện kim do xưởng thép danh tiếng Krupp, chuyên đúc đại bác cho quân đội Phổ, đứng ra quy hoạch và trang bị.

Năm 1870, hải quân công xưởng Mitsubishi ra đời và ngay tức khắc sao chép cách thức chế tạo thủy lôi cùng mìn đại dương. Một trong những đặc điểm của các hợp đồng đầu tư kỹ nghệ này còn nằm trong điều khoản bắt buộc các đối tác, bên cạnh phân xưởng, phải mở lớp đào tạo chuyên viên và các lớp huấn nghệ cho công nhân cũng như thu dụng kỹ sư bản xứ.

Một hình thức chuyển giao kỹ thuật tuyệt đối, có thời hạn và trong điều kiện.

Đặc điểm khác: tất cả các công trình đầu tư vốn nước ngoài nếu do ngoại quốc xây cất, Nhật Bản vẫn sở hữu toàn bộ chủ quyền, từ đất đai đến nhà máy, các tập đoàn đầu tư thu lợi duy nhất từ khai thác.

Các đặc điểm này do Hội đồng Trưởng lão Genro kiến nghị chính phủ thi hành, trước khi quốc hội Kokkai ra đời biểu quyết các quốc vụ.

Trong lĩnh vực tài chánh, Nhật Bản vận dụng một công cụ của kinh tế tư bản mà triều đình Huế không biết đến: hệ thống ngân hàng.

Nếu vào năm 1870, hai công trình hỏa xa Tokyo-Yokohama và Kobé-Osaka phải vay mượn từ Âu châu và do chính các ngân hàng Âu châu quản trị chi trả, chưa đầy ba năm sau, ngân hàng Daishi đầu tiên của nước Nhật, thành lập vào năm 1873, sẽ đứng ra đảm trách tất cả vay vốn, chi thu, rồi quản trị thành công luật trái phiếu 1878 bắt toàn dân ký gửi công khố phiếu giúp tài trợ tuyến xe hỏa Tokyo-Kobe.

Trong 20 năm, 7200 cây số đường xe lửa sẽ do ngân hàng này triển khai tài chánh.

Học thuyết gì cho Việt Nam?

Image copyright Getty Image caption Quân đội Nhân dân có công kháng Pháp nhưng phải tự cường và hiện đại hóa trong hoàn cảnh mới

Tuy nhiên, tất cả những thành tựu kể trên chỉ có thể đem đến một nước Nhật hiện đại mà chưa bảo đảm sức mạnh thật sự của Quân đội Thiên hoàng.

Để nắm chắc sức mạnh này, cần một học thuyết chiến tranh mũi nhọn mà Clausewitz đã định nghĩa: “phải song hành với chiến lược kỹ nghệ, thiếu chiến lược này sẽ trở thành một tư duy không thể xác. Kỹ nghệ càng tăng tiến, học thuyết phải càng tinh vi”.

Khi gửi các sĩ quan lục quân sang các học viện chiến tranh Kriegschule, do Scharnhorst sáng lập nhằm quảng bá tư tưởng Clausewitz, theo thỏa thuận ký kết với phái bộ của tướng Jacob Meckel đại diện Moltke, một cách trực tiếp, quân đội Nhật được uốn nắn theo suy nghĩ Clausewitz.

Cùng lúc tại các Hàn Lâm viện Hải quân Anh, các sĩ quan hải quân Nhật bám sát các học thuyết của Nelson, mà Đô đốc Horatio Nelson, với uy danh của thủy chiến Trafalgar, từng yêu sách: “Giữa một chiến hạm trọng tải nặng và hai chiến hạm trọng tải kém nặng, hai chiếm hạm chiếm ưu thế, với điều kiện hỏa lực không quá chênh lệch”.

Chiến lược võ trang của Nhật Bản sẽ không ra ngoài nhãn quan của Clausewitz và Nelson.

Đi sâu vào chi tiết: khi đặt đóng các tuần dương hạm trong các phân xưởng Anh, dựa trên khuôn mẫu chiến thuyền Anh, Nhật Bản đã thương lượng sửa đổi khá nhiều chi tiết, đặc biệt trong concept, cấu trúc tam giác bọc thép―hỏa lực―vận tốc, làm nên sức mạnh của một chiến hạm.

Có nghĩa, vừa trên khuôn mẫu Anh, vừa theo đơn đặt hàng của Nhật, tức theo nhu cầu và theo học thuyết chiến tranh trên biển của Nhật, theo phương thức “kỹ nghệ song hành chiến thuật” của Moltke kế thừa Clausewitz.

Image copyright Getty Image caption Hải quân Nhật tiêu diệt Nga trong trận chiến 1905

Học thuyết Nelson đưa đến Capital ships ― đúc tàu trọng tải không quá nặng, do vậy không bọc thép dầy, để tăng vận tốc. Ngược lại, hải quân Phổ ưu tiên che chắn và hỏa lực, đưa đến Panzerschiff ― hải vận chậm nhưng là cả một khối thép trên biển mà tiêu biểu là hai thiết giáp hạm Chen-Yuen và Ting-Yuen mà Mãn Thanh mua của Phổ.

Học thuyết Nhật Bản, khi xác định kẻ thù trước mắt là Trung Hoa, đã tìm cách đối phó: đúc và sắm nhiều tuần dương hạm hơn Mãn Thanh rồi dùng các tuần dương hạm này vây hai soái hạm Chen-Yuen và Ting-Yuen mà vì gia tốc chậm không thể triển khai đội hình nhanh bằng Nhật Bản.

Hải quân Nhật giảm thiểu tối đa lớp vỏ bọc thép để tăng đường kính đại bác lên đến 255 ly so với 315 ly của Mãn Thanh. Với trọng tải tuần dương hạm trung bình năm ngàn tấn, kích cỡ đại bác này là một kỷ lục, vì xuấ t hiện trước thời kỳ tàu Dreadnought.

Thủy chiến Hoàng hải chứng minh Panzerschiff khó đánh đắm, vì cả hai thiết giáp hạm Chen-Yuen và Ting-Yuen tuy trúng nhiều đại bác vẫn không chìm. Thủy chiến này đặc biệt chứng minh sự pha trộn hỏa lực của Panzerschiff với vận tốc của Capital ships, trong học thuyết Nhật Bản, chiếm ưu thế: tám tuần dương hạm Mãn Thanh đều bị đánh chìm.

Clausewitz, Moltke, rồi Nelson đã trao cho Nhật Bản định lý canh tân quân đội.

Anh và Phổ không phải là các đế quốc duy nhất hỗ trợ hiện đại hóa Nhật Bản. Kể từ 1886 đến 1890, Louis Émile Bertin với một ê-kíp trên 300 kỹ sư Pháp xây cất các công xưởng và quân cảng Sasebo, Kure, Yokosuka. Louis Émile Bertin giữ chức cố vấn tối cao của Minh Trị, gần như một thứ trưởng hải quân với quyền hạn quyết định, quy hoạch và tổ chức mọi thứ.

Các kỹ sư Pháp, dưới quyền Bertin, sẽ chỉ huy công nhân Nhật đóng những chiến hạm nặng đầu tiên ngay trên đất Nhật. 90 năm sau Gia Long, Minh Trị tìm ra cho mình một Bá Đa Lộc. 90 năm trước Minh Trị, Đại Nam đã có cơ hội này.

Kinh nghiệm Nhật Bản là một la bàn định hướng:

  • Đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, không tùy thuộc vào một quốc gia nào để có thể giữ vững độc lập chính trị về sau. Quân đội Nhân dân Việt Nam phải đủ can đảm từng bước thay thế vũ khí Trung Hoa vì không gì nguy hiểm bằng sử dụng vũ khí của kẻ thù khi chính kẻ thù có khả năng chế tạo và cải tiến vũ khí đó.
  • Không chỉ mua vũ khí mà phải sản xuất được vũ khí, qua thuê mướn kỹ sư thế giới, vừa giúp kỹ sư, sinh viên, công nhân Việt Nam học nghề.
  • Tập trung vốn vay vào việc xây cất công xưởng trước việc xây cất các đô thị cao cấp. Hy sinh của dân chúng phải được vận dụng thích đáng. Ký tối đa các hiệp ước với các quốc gia hỗ trợ canh tân.
  • Đặt ra lịch trình công nghiệp nặng phải đạt được trước khi kẻ thù trở nên quá mạnh. Sau nữa, xác định rõ rệt đối thủ quân sự cần kiềm hãm và khu vực phải đương đầu, để học thuyết chiến tranh tương thích. Nếu như ở cuối thế kỷ 19 thiết giáp hạm là vũ khí tuyệt đối, vào đầu thế kỷ 21, một tân không lực chiến thuật tầm xa có thể kiểm soát được Biển Đông.
  • Sau hết và quan trọng nhất là thâu thập tri thức thế giới.

Với công lao mở mang bờ cõi, nhà Nguyễn có thể được giảm khinh vì phương tiện thông tin yếu kém trong thế kỷ 19.

Với công lao kháng Pháp, chính quyền cộng sản sẽ không được giảm khinh nếu không hành động sau bài học nhà Nguyễn và Minh Trị.

Tể tướng Bismarck trong suốt thời gian cầm quyền đã củng cố tối đa quân đội để có thể áp đảo trên bàn đàm phán, ký nhiều hiệp ước chồng chéo mà mỗi một hiệp ước đem đến thêm cho đế chế Phổ thời gian cần thiết để tăng thêm cực thịnh.

Image copyright AFP Image caption Người Nhật đến đền Minh Trị: kỷ nguyên cải tổ vẫn đầy ảnh hưởng tới xã hội Nhật ngày nay

Mỗi quốc gia Âu châu đều vừa lo ngại, vừa muốn tựa vào sức mạnh quân sự Phổ. Với mỗi quốc gia Âu châu, Bismarck hứa hẹn hòa bình, bảo vệ, vừa chuẩn bị chiến tranh ngay cả với quốc gia vừa ký kết hiệp ước.

Tài năng của Bismarck là đã giữ cho thế chiến không bùng phát, quan hệ không bao giờ đứt với Anh, Áo, Nga, Thổ, các đối thủ tranh giành ảnh hưởng. Không thế chiến, nhưng Bismarck áp đặt lên Âu châu một nhãn quan Phổ, đến mức “Âu châu Bismarck” đã trở thành thành-ngữ.

Hồ Cẩm Đào rồi Tập Cận Bình đang áp dụng triệt để phương pháp Bismarck.

Tất cả những công cuộc canh tân và hiện đại hóa quân đội, về lâu dài đều dẫn đến chiến tranh. Trường hợp Nhật Bản là một điển hình, ngay khi sở hữu một hạm đội viễn dương đã khai chiến với Trung Hoa để giành lấy Cao Ly.

Trường hợp Phổ vẫn là một điển hình: sau khi canh tân, quân đội Phổ khai chiến với Pháp để giành lại Alsace và Lorraine, một thứ Lưỡng Quảng của Phổ.

Dân Việt có thể phản chiến hay yêu chuộng hòa bình, nhưng nếu các dân tộc khác không phản chiến và không yêu chuộng hòa bình, dân Việt sẽ rơi vào thảm cảnh bị khuất phục.

Trong quá khứ, nhà Nguyễn mỗi một lần cầu hòa là một lần cắt đất. Lịch sử đã diễn ra như vậy.

Tương lai cũng sẽ tiếp tục diễn ra như vậy, tuy có thể không ở hình thức chiến tranh quy ước, mà bằng xâm lấn kinh tế, chính trị và bằng tước đoạt quyền lợi giao thương.

Viễn cảnh một đế quốc Việt Nam khai chiến để giành lại Lưỡng Quảng quá xa vời, trong lúc cận ảnh Hán thuộc quá đen tối để cho phép dân Việt phản chiến mà không yêu sách chính quyền canh tân.

Trước câu hỏi: “Bao nhiêu chủ nghĩa dân tộc là đủ?” Câu trả lời giản dị: Không bao giờ đủ. Và cần gọi một cách chính danh là chủ nghĩa quốc gia, thay vì chủ nghĩa dân tộc, khi dung từ “dân tộc” ở đây mang âm hưởng vị kỷ.

Không thánh chiến, không kỳ thị, và cũng không lấn áp các dân tộc khác, chủ nghĩa quốc gia Việt Nam xây dựng trên nền tảng của sự tồn vong của chính quốc gia này. Vì lòng ái quốc vẫn là sức mạnh duy nhất của dân tộc này.

Dung nạp khái niệm “Phản chiến”, hay “Thế giới Đại đồng”, hoặc “Hòa bình Xanh” sẽ làm suy yếu quốc gia Việt Nam đang cần hiện đại hóa quân đội. Quốc gia này chưa đạt đến khả năng phòng vệ của Tây phương để cho phép an nhiên nhìn ngắm hòa bình.

Image copyright Getty

Lịch sử đã trưng bày đậm nét khả năng bất lực của Hội Quốc liên, của Liên Hiệp quốc và tính bất nhất của các nền dân chủ Tây phương. Lịch sử đang lập lại sức bành trướng của Thiên triều.

Quốc sách của Việt Nam hôm nay không thể khác quốc sách của Minh Trị: canh tân đất nước để có thể áp đặt sự hiện diện quốc gia trước đối phương và canh tân quân đội để đảm bảo cho sự hiện diện này một uy thế, cũng để có một lá chắn sau cùng sau khi tất cả các phương thức ngoại giao thất bại.

Quân đội trong lịch sử nhân loại đã luôn là điều kiện sống sót của một dân tộc.

Lịch sử là kho tàng của canh tân.

T.V

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/09/150915_japan_meiji_lesson_for_vietnam

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.