Biện pháp gì để loại trừ bạo lực học đường?

Hình ảnh minh họa. Courtesy photo

Bạo lực học đường trở thành vấn đề nhức nhối khi nhiều video học sinh hành hung nhau xuất hiện lên mạng Internet. Các học sinh nghĩ sao về tình trạng này và cần có biện pháp gì để loại trừ bạo lực học đường?

Suy nghĩ của học sinh

Cảnh những nữ sinh đánh nhau ngay trong lớp học hay ngoài đường được lưu truyền trong giới học sinh, giáo viên cũng như phụ huynh tạo nên luồng dư luận phản ứng đáng kể.

Em Nguyễn Thị Tuyết một học sinh lớp 10 ở Nghệ An chia sẻ suy nghĩ sau khi xem cảnh bạo lực trong những video như thế:

“Là 1 học sinh của THPT thì em cảm thấy bức xúc khi được xem những Video, những clip hay là những thước phim quay cảnh đấm đá, đánh đập với những cô cậu học trò khoác trên mình những tấm áo trắng. Không ngờ các bạn ấy lại nỡ lòng nhẫn tâm ra tay đánh bạn với thương tích đáng đau lòng về thể xác và tâm hồn ảnh hưởng nhiều đến cho người bị hại và người thân của họ, người thân của mình cũng như nhà trường và xã hội.”

Em Hoàng Anh Thư một học sinh ở thành phố Nha Trang lại còn rất bức xúc khi thấy cảnh những học sinh khác đứng ngoài lại vỗ tay hoan hô trong lúc xảy ra đánh nhau:

“Họ cũng là con người có ăn có học nhưng tại sao họ lại đối xử với một người như vậy. Khi thấy bạn mình bị đánh vậy mình không có nên ủng hộ họ bởi vì đó là hành vi sai trái. Trong khi người kia đang đau khổ cầu cứu cái gì thì mình không được cười họ. Các em sẽ bị nặng ảnh hưởng về tâm lý nhiều hơn về tinh thần.”

Nguyên nhân

Nhận định về nguyên nhân dẫn đến chuyện học sinh “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với nhau một cách dễ dàng hiện nay, cô giáo Mộc Lan một giáo viên dạy ở Hà Nội nhận định:

“Đứng trên cái góc độ của chị cái học lực bạo đường nó cũng có xảy ra nhiều nguyên nhân và là cũng từng độ tuổi khác nhau. Đối với nam sinh nó thường có mâu thuẫn rất là nhỏ, đối với ở trên thành phố đó là cái cảnh mà con nhà giàu hơn các bạn thì có thể thì các bạn cũng ghen ghét và các bạn cũng cho là có cái gì hơn người cũng có thể bị đánh. Đối với nữ sinh thì nó tất cả những cái mối mâu thuẫn của nữ sinh cấp 2 cho kể cả lên cấp 3 thì nó đều dính vào cái là đa số là vì ghen tuông, và tình cảm trong đó có 1 số ít là ghen tuông về vật chất hoặc là ghen tuông về nhan sắc của nhau chẳng hạn”.

Hai nữ sinh đánh nhau giữa chốn đông người tại Hà Nội.

Còn học sinh tên Tuyết vừa có phát biểu đưa ra nguyên nhân theo đánh giá của bản thân:

“Theo em có rất nhiều nguyên nhân gây đến bạo lực học đường, như ở độ tuổi này thì thích thể hiện, thích ra oai đến với bạn bè, đến mọi người và muốn được mọi người chú ý hay là những lý do không chính đáng, không đâu vào đâu như: Nhìn đểu, nói móc, vênh, hay là cướp người yêu của nhau, không cùng đẳng cấp giáo dục trong nhà trường như: Nhà trường luôn đặt vấn đề dạy văn hóa lên trên vấn đề dạy nhân bản”.

Học sinh Hoàng Anh Thư có nhận định:

“Theo em nguyên nhân của bạo lực học đường là do bản thân của học sinh, do sự chuyển biến về tâm lí về mặt hành động của mình. Giống như là từ ảnh hưởng từ xã hội. Và do về lối sống của xã hội hiện nay các em sẽ học theo và có thể không suy nghĩ hành động của mình Thứ ba là ảnh hưởng từ nhà trường và thứ tư là ảnh hưởng từ gia đình”.

Hậu quả

Rất nhiều trường hợp bạo lực đã được đăng tải trên mạng truyền thông, có nhiều trường hợp bạo lực học đường đã dẫn đến tử vong cho các nạn nhân, rồi nạn nhân họ sợ hãi, và mắc bệnh trầm cảm… không những vậy cô Mộc Lan cho rằng nó còn ảnh hưởng đến nhà trường.

“Hậu quả đầu tiên là nó làm ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, tâm lý của bản thân của những em là nạn nhân của bạo lực học đường, cái tổn thương về tinh thần là không thể tránh khỏi đó là cái thứ nhất.
Cái thứ 2 là nhìn chung về bạo lực học đường là nó ảnh hưởng đến cái quá trình rèn luyện đạo đức trong mỗi cái nhà trường ấy.”

Em Hoàng Anh Thư ở Nha Trang cũng thừa nhận hậu quả của nạn bạo hành trong giới học sinh:

“Đối với nạn nhân thì gây thương tích lớn về thể xác còn về tinh thần thì luôn tạo cho người đó 1 sự bất an, sợ hãi, lo lắng”.

Biện pháp

Là một giáo viên lâu năm cô Mộc Lan cho biết mỗi giáo viên nên quan tâm đến tâm lý học sinh và dạy kỹ năng sống cho học sinh trong mỗi tiết học:

 “Ngay bản thân mỗi cơ quan giáo dục và mỗi 1 người bên giáo dục cũng phải có hành vi giáo dục đúng mực và trong quá trình như bọn chị thường xuyên đi tập huấn là trong mỗi bài dạy là phải giáo dục kỹ năng sống cho học sinh”.

Còn em Tuyết lại cho một số biện pháp:

“Gồm có những biện pháp như: Tất cả chúng ta mọi tầng lớp hãy đề nghị đến cho nhà trường đưa ra các biện pháp giáo dục học sinh, rồi dành nhiều thời gian, thời giờ mỗi giáo viên dạy giáo dục nhân bản cho học sinh nắm bắt được tâm lý của học sinh đó. Rồi nhà trường cũng như xã hội tạo ra những cuộc chơi lành mạnh có sự giao lưu và kết bạn giữa các học sinh với nhau, bạn bè hãy tạo nên 1 sự hòa hợp, đoàn kết trong gia đình thì người lớn luôn là người làm gương mẫu. Các bậc làm cha, làm mẹ nên để ý đến con cái chăm lo cho con”.

Em Thư cho biết là chúng ta cần thay đổi về cả hệ thống giáo dục:

“Em nghĩ là cần phải thay đổi lại cải cách giáo dục của Việt Nam mình như thế nào cho tốt chứ đừng để bây giờ nó như vậy thì em thấy là nó thối nát quá”.

Để tìm hiểu thêm các giải pháp khắc phục chúng tôi có liên lạc với chuyên gia tâm lý Phạm Thanh Thanh Xuân và cô cho biết:

“Các giáo viên nên làm bạn với các em, bên cạnh đó nên tìm hiểu xem từ gia đình của các em, ba mẹ có quan tâm, có áp đặt các em quá không để hiểu các em hơn, các giáo viên cũng cộng tác với gia đình”.

Trong năm qua thì tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng và mức độ của nó cũng khá nghiêm trọng, thì chúng tôi có liên với ông Bùi Văn Linh phó giám đốc vụ học sinh – sinh viên của bộ giáo dục đào tạo trong năm học mới này bộ giáo dục có phương pháp để hạn chế bạo lực và ông cho biết:

“Cái này cũng chưa làm được ngay, bởi vì có một nội dung đang chờ ý kiến lãnh đạo bộ cũng như có một văn bản đang chờ chính phủ”.

Tiên học lễ hậu học văn đó là khẩu hiệu tại các trường học, nhưng thực tế chạy theo thành tích trong giáo dục, lơ là công tác dạy kỹ năng sống cho các em học sinh, kèm với việc xuống cấp đạo đức trong xã hội khiến bạo lực học đường trở nên phổ biến như hiện nay.

H.D

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/violence-at-schools-hd-09122015105002.html

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.