Xã hội vốn đa dạng, phức tạp, muôn màu muôn vẻ. Và ý kiến về xã hội, về điều hành xã hội cũng vậy. Người ta hay nói muốn phát triển cần sự đồng thuận. Thực ra, nếu luôn luôn có sự đồng thuận thì xã hội không thể phát triển được. Cho nên xin đừng lạm dụng “sự đồng thuận” để trấn áp hay đe dọa những người có ý kiến khác mình. Sự đồng thuận đạt được theo cách như vậy chỉ là “sự đồng thuận ép buộc” và vì thế là giả hiệu và vô cùng tai hại cho sự phát triển của đất nước.
Chúng ta ta quá quen với cảnh số phiếu cao ngất 100% hay hơn 90% tán thành (một chính sách ở Quốc hội, hay bầu cho một người trong các đợt bầu cử), rồi vài năm gần đây người cũng quen dần là không có sự thống nhất cao đến như vậy. Thí dụ, Luật Viên chức vừa được 79,72% phiếu thông qua tại Quốc hội; thậm chí Dự án đường sắt cao tốc đã không được Quốc hội thông qua ở phiên họp trước. Tại phiên họp này của Quốc hội, các vấn đề bauxite, Vinashin trở thành các vấn đề nóng và nhiều ý kiến phê phán cách điều hành của Chính phủ. Đấy là một hiện tượng đáng mừng trong hoạt động của Quốc hội.
Không ai, hay không cơ quan nào, không mắc sai lầm cả. Cái khác nhau là ở chỗ có người, có cơ quan biết lắng nghe để sửa chữa, hay tranh luận lại một cách xây dựng với những người phê phán mình để cả hai cùng hiểu đúng hơn, cùng làm tốt hơn công việc của mình. Đấy là cách tạo “đồng thuận” tốt nhất, nếu cần đến đồng thuận; và cũng là một nội dung cốt yếu của dân chủ: tranh luận công khai, tôn trọng ý kiến thiểu số.
Ngày 14-11-2010 báo điện tử chính phủ có đăng hai bài về kỳ họp này của Quốc hội.
Nhà báo Nguyễn Chính trong bài “Dân chủ phải đi đôi với trách nhiệm khi phát ngôn trước công chúng”, đã viết “đáng tiếc có một số đại biểu khi đưa ra những phát biểu mang nặng tính chủ quan và võ đoán của mình trên diễn đàn Quốc hội đã khiến các cử tri phải kinh ngạc vì ở đó không thể hiện một tinh thần khách quan, xây dựng; một sự hiểu biết thấu đáo vấn đề mình đề cập đến, mà chỉ cốt bày tỏ cho được thái độ chủ yếu phủ định đối với các nỗ lực tháo gỡ khó khăn của cơ quan hành pháp hay các nhân vật có trách nhiệm theo phân công công tác. Thậm chí có những ý kiến, được hình thành trên những thông tin không chuẩn xác, chung chung, mang nặng tính hình thức hoặc chưa được kiểm chứng, nên đã mang màu sắc dân túy, nói lấy được, chứ không nhằm mục đích cùng kiến tạo hiệu quả đích thực cho công việc chung. Có đại biểu, tuy là trí thức nhưng khi phát biểu công khai lại không dựa trên các luận chứng khoa học mà chủ yếu lại nương theo tâm lý của một bộ phận mang nặng ác cảm với thực tế khách quan, cố tình bỏ qua những mảng sáng trong bức tranh toàn cảnh, theo kiểu mà dân gian thường lên án gọi là “bới lông, tìm vết”….”
Còn TS Đinh Thế Cường trong bài “Trong thử thách, khó khăn, càng cần chung sức, chung lòng”, cũng theo cùng cách. Sau khi đưa ra một số lời khen, ông tiến sĩ viết, “tuy nhiên, thật đáng tiếc đã có hiện tượng một số đại biểu đã có biểu hiện như muốn lạm dụng diễn đàn, đưa ra những nhận định hay thông tin nhiều màu sắc chủ quan, cảm tính, còn chưa được kiểm chứng hoặc về những lĩnh vực không phải chuyên môn sâu của mình nên khó có thể phán định chuẩn xác, thậm chí cả những kiến nghị không mang tính xây dựng, gây nên những dư luận không tốt trong xã hội”.
Bạn đọc tự đánh giá xem đấy là những phê phán mang tính xây dựng đối với các đại biểu Quốc hội hay là các lời “đe dọa” đối với họ. Phê phán mang tính xây dựng đáng được hoan nghênh, sự đe dọa phải bị lên án.
N. Q. A.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.