Nguyễn Minh Hoàng – Nhà công tác xã hội và phát triển cộng đồng
Tôi vừa đi khảo sát một số trường học ở một huyện miền núi phía tây Nghệ An để làm dự án.
Đập vào mắt tôi là hình ảnh những căn bếp tạm bợ xập xệ, xuống cấp với mái lợp bằng tôn hoặc fibro-cement thủng lỗ chỗ do hết niên hạn sử dụng, còn vách gỗ hở tứ phía do co ngót, mối mọt và mục nát. Có cả căn bếp phải che chắn bằng vải bạt vì vách gỗ cũng không còn.
Những căn bếp tuềnh toàng như vậy hoàn toàn không đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ dây chuyền một chiều cho đến tủ lưu trữ thực phẩm, bàn sơ chế, dụng cụ chế biến và nấu nướng, cấp thoát nước…
Vệ sinh, an toàn thực phẩm và những khó khăn về cơ sở vật chất là vấn đề của không ít địa phương, không chỉ ở nơi xa xôi hẻo lánh, mà diễn ra ngay tại các thành phố lớn. Rất nhiều sự việc tiêu cực liên quan đến bữa ăn của học sinh đã bị phát hiện. Thậm chí có cả vụ cho thuốc trừ sâu vào thức ăn của học sinh vì tranh chấp quyền nấu ăn tại một trường học ở Sơn La năm 2023. Ở cấp học lớn hơn, sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng phải ăn “cơm thừa canh cặn”.
Báo cáo gần đây của Bộ Y tế cho thấy, trong 5 năm qua, mỗi năm cả nước xảy ra trung bình 100 vụ ngộ độc thực phẩm với 23 trường hợp tử vong. Trong 5 tháng đầu năm 2024, có 36 vụ ngộ độc với 1.000 người bị ảnh hưởng được ghi nhận.
Nhưng đây chỉ là một phần của câu chuyện lớn hơn về bữa ăn trường học.
Continue reading →