Đỗ Kim Thêm
Robert Habeck (Grüne), Christian Lindner (FDP) và Olaf Scholz (SPD) tại Quốc hội. Liên minh giữa ba đảng đã thất bại vì các tranh chấp về chính sách kinh tế và ngân sách. Ảnh: dpa/Michael Kappeler.
Sau nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa tại Quốc hội về việc định hướng tương lai cho chính sách kinh tế và quân bình ngân sách, chính phủ Liên minh Đức đi đến chỗ bất hoà không còn giải pháp. Liên minh gồm ba Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Đảng Dân chủ Tự do (FDP) và Đảng Xanh (Grüne) cấp liên bang, còn được gọi là đèn giao thông (Đỏ, Vàng, Xanh) lâm vào cảnh bế tắc và đưa chính phủ Đức đến một cơn khủng hoảng trầm trọng.
Để ứng phó, tối thứ Tư, Thủ tướng Olaf Scholz (SPD) thông báo là chính quyền Đức do Liên minh ba đảng lãnh đạo sụp đổ, yêu cầu Quốc hội (Bundestag) đặt lại vấn đề về tín nhiệm chính phủ và sẽ bỏ phiếu vào tháng Giêng năm 2025. Theo dự kiến này, cuộc bầu cử mới cho Quốc hội sẽ diễn ra vào cuối tháng 3 năm 2025.
Tại sao chính quyền liên minh tan vỡ và những gì sẽ xảy ra từ nay cho đến ngày có cuộc bầu cử mới?
Nguyên nhân
Hai chủ đề chính gây sự bất đồng hiện nay của chính quyền liên minh là tình trạng ngân sách liên bang khiếm hụt và nội dung các chương trình cải cách kinh tế.
Để giải quyết hai vấn đề này, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck (Grüne) đề xuất lập ra một quỹ đầu tư và cơ sở hạ tầng, trong khi đó Christian Lindner, Bộ trưởng Tài chính và cũng nhà lãnh đạo đảng FDP, trình bày việc cần sửa đổi cơ bản các quyết định quan trọng trong chính sách kinh tế.
Theo quan điểm của Lindner, Đức phải tạm dừng áp dụng tất cả các quy định mới. Ngoài ra, một biện pháp tức thời phải được thay thế để bãi bỏ khoản phụ phí đoàn kết đối với tất cả mọi người và các mục tiêu về khí hậu của Đức phải thay bằng khuôn khổ của luật châu Âu. Lindner cũng đề nghị nên giảm thuế cho doanh nghiệp và có nhiều tự do hoạt động hơn, nhưng bù lại, để cải thiện ngân sách, không tăng nợ mới cho ngân sách và kiểm soát các công chi nghiêm nhặt hơn.
Tình hình kinh tế
Theo các khảo sát, nhìn chung, Đức sẽ còn phải liên tiếp đối phó với tình trạng suy thoái, tồi tệ nhất là ngành công nghiệp. Cuộc khủng hoảng toàn diện trong năm 2024 gây nhiều lo âu, thị trường thiếu nhân công, quân đội thiếu binh sĩ, nhưng doanh nghiệp ô tô VW sẽ đóng cửa nhiều nhà máy và cắt giảm nhiều việc làm là biểu hiện rõ nét nhất.
Sau khi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về ngành công nghiệp, Thủ tướng Scholz tuyên bố là cuộc khủng hoảng này cần được khẩn thiết giải quyết bằng một “hiệp ước dành cho ngành công nghiệp” bao gồm các biện pháp cụ thể sẽ tiếp tục thảo luận sau ngày 15 tháng 11.
Vào ngày diễn ra hội nghị, Đảng FDP cũng đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đối nghịch với sự tham gia của các hiệp hội mà họ không được mời dự trong hội nghị do Thủ tướng Scholz chủ trì.
Hai hội nghị cùng hướng về một mục tiêu, nhưng với hai diễn đàn và hai giải pháp riêng biệt đã gây sự chỉ trích gay gắt trong chính giới và công luận.
Sáng kiến về tăng trưởng
Vào tháng Bảy, chính phủ liên minh công bố các sáng kiến về tăng trưởng gồm có những biện pháp cải thiện đầu tư, giảm thủ tục quan liêu và gia tăng động lực làm việc. Nhằm mục đích trợ giúp cho các doanh nghiệp, Luật tạo chuỗi cung ứng được đề ra nhưng cũng gây nhiều tranh cãi.
Nhưng thực ra, các sáng kiến về tăng trưởng vẫn chưa được thực hiện và thậm chí còn chưa khởi xướng. Thí dụ điển hình là những biện pháp cải thiện thuế, dự kiến này sẽ có những cuộc đàm phán vô cùng khó khăn vì cần phải có sự đồng thuận của Hội đồng Liên bang (Bundesrat).
Lindner đã kêu gọi thực thi việc cắt giảm thuế trị giá hàng tỷ đô la cho một số người có thu nhập cao và đồng thời lại cắt giảm lương hưu của những người nghỉ hưu.
Cuối cùng, Scholz cho rằng, về cơ bản các đề xuất này sẽ không cải thiện được tình hình vì đó là một chính sách khác biệt với chủ trương chung.
Các tranh cãi về việc tiết kiệm ngân sách năm 2025 cũng gây nhiều bất hoà. Với quan điểm hướng về hậu quả của cuộc chiến Ukraine, Scholz đã đề xuất dành một ngoại lệ đối với việc phanh nợ.
Đảng FDP đã cáo buộc cáo Đảng SPD và Đảng Xanh không chấp nhận những đề xuất của Đảng FDP để làm cơ sở cho việc thảo luận. Những bất đồng không còn có thể tìm ra được một giải pháp thoả hiệp nào. Sự tan vỡ này đưa nước Đức vào một giai đoạn bất ổn và làm cho mọi hoạt động chính quyền liên minh bị tê liệt.
Không còn cách nào khác hơn, Scholz đành tuyên bố là liên minh tan vỡ và quyết định giải mhiệm Lindner trong chức vụ Bộ trưởng Tài chính vì đã không hoàn thành nhiệm vụ xây dựng ngân sách và đánh mất sự tôn trọng của thành viên trong nội các.
Vấn đề tín nhiệm chính phủ
Vấn đề Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ là một công cụ mà Thủ tướng có thể sử dụng để biết xem liệu đa số Hạ viện có còn ủng hộ cho chính sách của chính phủ không, nếu không, hậu quả là sẽ dẫn đến việc bầu cử mới.
Thủ tướng Gerhard Schröder (SPD) đã áp dụng biện pháp này vào năm 2005. Việc Quốc hội tin tưởng vào các hoạt động của nội các chiếm một vai trò quan trọng trong sinh hoạt nội chính của Cộng hòa Liên bang.
Thông thường, khi Thủ tướng Liên bang muốn đặt ra vấn đề tín nhiệm hay không, sáng kiến này là tùy theo quyết định cá nhân. Thủ tướng Scholz cũng sẽ có cơ hội lãnh đạo chính phủ thiểu số cho đến ngày bầu cử đúng theo thường kỳ, dự trù vào tháng 9 năm 2025. Nhưng đứng trước tình thế khó khăn hiện nay, ông đã quyết định kêu gọi một cuộc bầu cử mới.
Diễn tiến của thủ tục
Thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm được quy định trong Luật cơ bản (Hiến pháp Đức) và bao gồm nhiều bước khác nhau:
• Bước 1: Theo Điều 68 của Luật Cơ bản, Thủ tướng đệ trình kiến nghị lên Hạ viện để yêu cầu bày tỏ sự tin tưởng nơi chính phủ của ông. Thủ tướng Scholz muốn thực hiện điều này ngay trong cuộc họp trong tuần đầu tiên của năm mới.
• Bước 2: Sau khi nộp đơn, Hạ viện chỉ có thể bỏ phiếu sau 48 giờ. Theo dự định của Thủ tướng Scholz, việc này sẽ xảy ra vào ngày 15 tháng 1 năm 2025.
• Bước 3: Sau khi mất phiếu tín nhiệm, Thủ tướng có thể đề nghị Tổng thống Liên bang giải tán Hạ viện.
• Bước 4: Tổng thống Liên bang sau đó có thể giải tán Hạ viện. Nhưng Tổng thống cũng không nhất thiết phải thực hiện và có 21 ngày để giải quyết vấn đề này. Nếu Tổng thống từ chối việc giải tán, sẽ có một chính phủ thiểu số hoạt động, nếu giải tán Hạ viện, sẽ có một cuộc bầu cử mới.
• Bước 5: Việc bầu cử Hạ viện mới phải diễn ra trong vòng 60 ngày kể từ ngày giải tán. Theo yêu cầu của Tổng thống Liên bang, Thủ tướng Scholz sẽ tiếp tục tại chức cho đến khi Hạ viện mới bầu được Thủ tướng mới.
Thay đổi nhân sự trong nội các hiện nay
Sau khi liên minh sụp đổ, ba bộ trưởng thuộc Đảng FDP không còn nằm trong chính phủ liên bang: Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, Bộ trưởng Tư pháp Marco Buschmann và Bộ trưởng Giáo dục Bettina Stark-Watzinger đã được Tổng thống Liên bang Frank-Walter Steinmeier ký giải nhiệm.
Tuy nhiên, có một sự kiện gây bất ngờ vào giờ chót cho Đảng FDP là Bộ trưởng Giao thông Vận tải Volker Wissing muốn ở lại nội các và tự nguyện rời khỏi Đảng FDP. Ông cho biết là muốn tham gia chính phủ với tư cách là một người không đảng và đồng ý rời khỏi Đảng FDP. Vào đầu tháng, trong một bài báo trên FAZ, ông trình bày là “Rút khỏi liên minh sẽ là hành động thiếu tôn trọng chủ quyền”.
Người kế nhiệm Bộ trưởng Tài chính là Jörg Kukies, hiện là Quốc vụ khanh tại Phủ Thủ tướng và được coi là một trong những cố vấn quan trọng nhất của Thủ tướng Scholz.
Các chức vụ của Bộ trưởng Tư pháp Buschmann và Bộ trưởng Giáo dục Stark-Watzinger sẽ được đảm nhận bởi các bộ trưởng đã là thành viên trong nội các. Ngoài Bộ Giao thông vận tải, Wissing giờ đây cũng sẽ lãnh đạo Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Nông nghiệp Cem Özdemir (Grüne) cũng tiếp nhận nhiệm vụ của Bộ Giáo dục.
Hậu quả
Liên minh chính quyền tan vỡ không đương nhiên có nghĩa là chính phủ không còn hoạt động. Thủ tướng Scholz muốn tiếp tục lãnh đạo một chính phủ thiểu số cùng với Đảng Xanh cho đến ngày có cuộc bầu cử mới. Vì Liên minh không còn chiếm đa số để biểu quyết nên gây ra nhiều hậu quả khác.
Lý do chính là, một mặt, Thủ tướng Scholz muốn đưa tất cả các dự thảo luật hiện nay được chung quyết trước Giáng sinh và kiên quyết là không thể có bất kỳ sự chậm trễ nào.
Các dự luật gồm có:
• Giảm thuế: Để giải quyết các tác động tiêu cực của tình tạng lạm phát, chính phủ quyết định bù đắp cho thuế thu nhập, nhờ thế mà tổng thu nhập ròng của công nhân sẽ được nhiều hơn kể từ ngày 1 tháng 1.
• Quỹ hưu bổng phải được chung quyết nhằm đạt được tình trạng ổn định lâu dài của Quỹ. Vào cuối tháng 9, trong cuộc họp đầu tiên, Quốc hội đã đề cập đến vấn đề này.
• Chính sách tỵ nạn: Chính quyền muốn thực hiện nhanh chóng các quy định mới trong khuôn khổ của Hệ thống tỵ nạn chung châu Âu.
• Trợ giúp cho ngành công nghiệp: Chính quyền muốn đảm bảo việc làm cho ngành sản xuất ô tô. Ngoài ra, giới hạn chi phí cho các doanh nghiệp cũng thực thi vào cuối năm nay.
Để thực hiện, mặt khác, Thủ tướng Scholz phải có được đa số để biểu quyết; do đó, ông cần sự ủng hộ của các đảng khác, điển hình là Đảng CDU. Dĩ nhiên thoả hiệp với Đảng CDU là một khó khăn mới và hy vọng sẽ được thông qua dù là có điều kiện.
Vấn đề ngân sách
Tương lai ngân sách liên bang cho năm 2025 vẫn chưa rõ ràng, vì Liên minh không còn đủ đa số để biểu quyết.
Nếu ngân sách không được chung quyết như dự kiến, thì kể từ tháng Giêng, ngân sách tạm thời sẽ được áp dụng, có nghĩa là, chỉ có những khoản chi tối cần thiết để duy trì cho các hoạt động quản lý và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý mới được chuẩn chi.
Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ Tài chính có thể chuẩn thuận hàng tháng cho các bộ sử dụng theo một tỷ lệ phần trăm kinh phí từ dự thảo ngân sách chưa được phê duyệt.
Ảnh hưởng
Việc chính quyền liên minh tan vỡ có nhiều ảnh hưởng đến các chính sách của Đức về an ninh, thương mại và khí hậu.
Một là trong lĩnh vực quốc tế. Chiến thắng gần đây của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đồng nghĩa với những thách thức to lớn đối với Đức và châu Âu. Với Tổng thống tân cử Trump, Đức càng khó lường đoán được mọi diễn biến của tình huống, nhất là sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine trong cuộc chiến chống Nga xâm lược. Đặc biệt trong giai đoạn quan trọng này, mà nội tình Đức lại tê liệt, thì vai trò trung gian tích cực của Đức giữa Mỹ, châu Âu và Ukraine càng suy yếu hơn.
Hai là trong lĩnh vực châu Âu. Thí dụ điển hình nhất là trong ngắn hạn, Đức phải đầu tư ồ ạt cho năng lực phòng thủ của châu Âu và gia tăng hợp tác với Pháp và các đối tác khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius (SPD) kêu gọi khẩn thiết phải tăng thêm quân viện và cảnh báo rằng Vladimir Putin đang huy động ngành công nghiệp Nga để sản xuất tối đa vũ khí và đạn dược. Đáng lo ngại nhất là khả năng sản xuất của Nga trong ba tháng còn nhiều hơn toàn bộ Liên minh châu Âu trong một năm. Putin sẵn sàng sử dụng lực lượng vũ trang của mình kể cả huy động binh sĩ Bắc Hàn. Trước mắt, chính phủ Đức đành phải chịu thất bại vì không thể bày tỏ thiện chí hợp tác để phô trương thanh thế.
Ba là nền kinh tế Đức đang suy thoái và tụt hậu so với các quốc gia có nền kinh tế lớn khác. Tình trạng bất ổn này diễn ra làm cho hầu hết các doanh nghiệp hạn chế các đầu tư mới. Các hộ gia đình tư nhân càng lo âu nhiều hơn với tình trạng lạm phát không suy giảm, nên phải dành tiền tiết kiệm hơn là mạnh tay tiêu thụ.
Trước tình hình này, giới doanh nhân đã kêu gọi chính quyền thực hiện các cải cách toàn diện và nhanh chóng, nhất là phải giảm giá năng lượng, vốn dĩ đang cao so với tiêu chuẩn quốc tế. Ngoải ra, tệ nạn quan liêu cũng phải giảm bớt và cơ sở hạ tầng đang xuống cấp sẽ phải được sửa chữa kịp thời.
Nhìn chung, chính quyền liên minh thất bại làm cho tình hình kinh tế sẽ càng tiếp tục xấu hơn và cũng không có hy vọng gì để tạo nên những đột phá khởi sắc trong năm tới.
Lý do chính là vì chính quyền không tạo ra một khuôn khổ tài trợ cho doanh nghiệp trong các đầu tư mới và thúc đẩy cho tư nhân trong việc tiêu thụ nhiều hơn.
Để giải quyết, hầu hết chính giới Đức đã lên tiếng ủng hộ cho cuộc bầu cử mới nhanh chóng vì cho rằng Đức không thể nào chịu đựng được nữa khi những bế tắc nội chính còn kéo dài.
Friedrich Merz, nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), không đồng ý với lịch trình của Thủ tướng Scholz và yêu cầu tiến hành ngay việc bỏ phiếu, chậm nhất là vào tuần tới. Nếu đạt được, một cuộc bầu cử mới có thể diễn ra vào cuối tháng Giêng.
Công luận cũng đồng tình tương tự. Theo một cuộc thăm dò mới nhất của ARD-DeutschlandTrends cho thấy là 53% người Đức ủng hộ bầu cử Quốc hội liên bang sớm. Trong khi đó, 40% muốn là liên minh tiếp tục cầm quyền cho đến khi có cuộc bầu cử liên bang đúng hạn.
Kết luận
Chính quyền Đức sẽ phải đối mặt với một tình tăng trưởng kinh tế chậm lại, các tầng lớp dân chúng đấy bất an và các giới lãnh đạo không còn một viễn kiến thiết thực để xây dựng một xã hội an bình và thịnh vượng.
Tình hình này đòi hỏi chính giới cần có một chiến lược mới để thích nghi. Cụ thể là xây dựng liên minh đảng phái và quan hệ đối tác sẽ đòi hỏi một tinh thần thoả hiêp nghiêm túc và kiên định. Vấn đề cốt lõi của Đức là khủng hoảng niềm tin, nỗi lo của người dân về hoàn cảnh kinh tế và tương lai của họ trong khi các giới lãnh đạo các Đảng chạy theo các ưu tiên chuyên môn làm cho tình trạng phân hoá ngày càng trầm trọng, đến độ bộ máy công quyền trở nên tê liệt.
Cuối cùng tin vui cũng đã đến. Thủ tướng Scholz tuyên bố sẵn sàng để đàm phán giới chính giới đối lập về việc ấn định ngày bầu cử mới sớm hơn dự định. Hy vọng là nước Đức sẽ có một khởi đầu mới tốt đẹp để cho sinh hoạt của chính quyền được hồi sinh.
Bài liên quan:
Gió đã xoay chiều Chính sách ngoại giao mới của Đức
Đ. K. T.
Tác giả gửi BVN