Thái Hạo
Trong dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GD-ĐT đề xuất một quy định mới, là không được “công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền”, tôi cho rằng quy định này là nguy hiểm, hậu họa sẽ khôn lường.
Thứ nhất, vì nó vi hiến. Hiến pháp Việt Nam 2013 tại Điều 25 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin”.
Thứ hai, nó sẽ dẫn đến tình trạng bưng bít thông tin, duy trì những sai lầm/sai trái, dung túng cho bất công và nuôi dưỡng cái xấu, cái ác.
Thứ ba, nó tước đoạt những quyền cơ bản nhất của con người và người dân mà hiến pháp đã quy định…
Bộ Giáo dục lý giải rằng “quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay” (VOV). Tôi không cho là thế. Quy định này không bảo vệ được nhà giáo, nó chỉ có lợi cho những cái sai, cái xấu.
Chính tiếng nói của người dân sẽ bảo vệ nhà giáo, bảo vệ môi trường giáo dục, tránh cho họ những bất công và ngăn họ trước những vi phạm vì sức mạnh của giám sát xã hội. Những vụ việc gần đây như vụ cô giáo Kiều Thị Giang ở Đăk Nông, nếu không có thông tin từ mạng xã hội và báo chí thì có lẽ bây giờ hiệu trưởng và giám đốc sở ở đó vẫn ung dung tác oai tác quái chứ không phải đã về vườn như vừa qua. Vụ cô giáo Hồ Thị Tâm (người bị bẻ tay đuổi ra khỏi lớp học ở Huế), nếu không có mạng xã hội và báo chí thì ông hiệu trưởng Thức chắc vẫn làm vua. Vụ ở trường Tiểu học Đông Thọ ở TP. Thanh Hóa nếu không có mạng xã hội thì đến giờ học sinh vẫn bị ăn chặn từng miếng thịt, cọng rau. (Nhân tiện, với vụ việc nghiêm trọng này, không biết chính quyền Thanh Hóa đã điều tra đến đâu rồi, mà đã hơn nửa năm đã trôi qua vẫn chưa có kết luận và xử lý?).
Nhiều, nhiều lắm, tôi chỉ điểm qua vài vụ thật gần và được đông đảo dư luận biết đến, để thấy tác dụng của tiếng nói người dân trong việc phản ánh và giám sát của họ. Xin hỏi, như những vụ việc trên, nếu dân không có tiếng nói, không được nói, thì ai là người đã bị chà đạp và đến giờ vẫn đang phải chịu bất công? Chính nhà giáo và học sinh. Như thế để thấy, sự lên tiếng của người dân và báo chí đã bảo vệ nhà giáo, chứ không hề có bất kỳ sự đe dọa hay ảnh hưởng xấu nào. Cũng nhân đây, vụ việc ở trường Đông Thọ, dù dậy sóng như vậy khi đã bị phơi bày, ấy thế mà đến nay vẫn chưa thấy một “kết luận chính thức” nào của “cơ quan có thẩm quyền”, thì hãy tưởng tượng xem, nếu không có tiếng nói của mạng xã hội, cái kết luận ấy chắc phải chờ kiếp sau!
Không ai có thể làm tổn hại đến danh dự của nhà giáo và nhà trường được, một khi họ đúng. “Sự thật cứu thế giới”, cây ngay không sự chết đứng, vàng thật chẳng sợ lửa, minh bạch là cách bảo vệ tốt nhất: bảo vệ những nhà giáo trung thực và giàu phẩm hạnh khỏi các thế lực xấu xa, bảo vệ học sinh khỏi những kẻ khoác áo nhà giáo nhưng làm những việc tồi tệ, bảo vệ môi trường giáo dục cho thế hệ trẻ, cũng tức là bảo vệ tương lai của đất nước.
Bất cứ ai đưa tin sai sự thật, có chủ đích xuyên tạc, bôi nhọ, xâm hại đến lợi ích của nhà giáo, thì đã có quy định của pháp luật với các chế tài cụ thể; hoặc người nào bị tổn hai/ làm hại, hãy khởi kiện, đó là văn minh.
Đừng nhân danh bảo vệ nhà giáo để tạo ra các điều luật vi hiến và làm cho xã hội ngày càng bị giam nhốt trong bóng tối yếm khí của sự bưng bít. Bảo vệ nhà giáo phải bằng cách trao quyền tự chủ chuyên môn cho họ, là phân định trách nhiệm rõ ràng, đừng bắt giáo viên phải làm người thu hộ hoặc bảo kê, là trả lương xứng đáng, là không cho hiệu trưởng cái quyền sinh quyền sát đến mức điều họ đi tiếp khách một cách ê chề nhục nhã như đã thấy. Cuối cùng, nhà giáo phải tự bảo vệ mình, bằng năng lực chuyên môn và phẩm hạnh, việc ấy không ai làm thay được.
(*) Tiêu đề do BVN đặt
Tác giả gửi BVN