Hôm qua nghe tin Chủ tịch TP HN có ý kiến phản bác Trung tâm hành chính quốc gia Ba Vì chúng tôi vừa lên tiếng hoan nghênh vừa hơi trách ông phát biểu quá chậm. Nhưng hôm nay nhận được tin này thì mới rõ ra, đây mới đích thực là bọn tạo cơn sốt đất và bán đất ăn tiền dự án. Liệu UBND HN có chống chọi được với bè lũ này không khi mà giọng lưỡi đáo để của chúng là nói lấy được và quyết làm bằng được? Nghe bề ngoài thì “vì nước vì dân” gớm lắm, lại biết lo xa những mấy chục năm cho quỹ đất dự trữ của Hà Nội. Hãy sờ vào gáy xem cái gáy của quý vị sâu đến chừng nào. Cơn sốt đất vừa qua chưa đủ để tiêu xài ư? Bây giờ hễ các vị lên giọng chuyện gì là y như chuyện ấy đang sắp tiêu lẹm một khoản tiền thuế khổng lồ của dân, hoặc sắp phá nát một khối lượng tài nguyên đất nước đến nơi, đố khỏi.
ĐT
Trao đổi với phóng viên chiều 20- 8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho rằng, một số góp ý của Hà Nội đối với đồ án quy hoạch chung là không phù hợp, bởi sản phẩm mới nhất của đồ án đã được điều chỉnh sau khi xin ý kiến Quốc hội.
Góp ý trên hồ sơ cũ
Ông đánh giá như thế nào về góp ý của TP Hà Nội là không nên xây dựng Trung tâm hành chính mới tại Ba Vì và trục Thăng Long?
Trục Thăng Long không còn trong đồ án, mà đã đổi tên thành tuyến đường Hồ Tây – Ba Vì. Cũng cần nghiêm túc xem lại, trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cũng không đặt vấn đề Trung tâm hành chính quốc gia mới tại Ba Vì nữa.
Trong văn bản mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vẫn lo ngại Trung tâm hành chính tại Ba Vì, phải chăng ở đây có sự hiểu nhầm?
Văn bản của TP Hà Nội vẫn dựa trên những hồ sơ, tên gọi cũ, chưa được cập nhật những sản phẩm mới mà tư vấn – thiết kế đã làm. Sản phẩm hiện nay của tư vấn – thiết kế đã hoàn thiện và chuẩn bị trình Hội đồng thẩm định nghiệm thu cấp Nhà nước.
Tôi khẳng định trong toàn bộ hồ sơ hiện nay không còn nói đến Trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì nữa, mà khu vực 1.000 ha này giờ chuyển thành khu đất dự trữ.
Vậy việc quản lý các khu đất dự trữ này ra sao, ông có lo ngại sẽ có dự án “nhảy” vào các khu đất này?
Dễ xảy ra lắm. Vấn đề là phải có quy định quản lý đồ án quy hoạch chặt chẽ. Ông Lý Quang Diệu quy hoạch Singapore từ những năm 1965 mà bây giờ vẫn còn đất dự trữ để làm trường học, bệnh viện, khu dân cư. Trong đồ án sẽ nhiều khu dự trữ đất để xây dựng trường học, bệnh viện… sau này, chứ không phải riêng khu dự trữ tại Ba Vì.
Tuyến đường Hồ Tây – Ba Vì là cần thiết
Như vậy có thể hiểu những kiến nghị của TP Hà Nội lên Thủ tướng Chính phủ là những điều đã không còn trong đồ án?
Trung tâm hành chính quốc gia mới là không có. Trục Thăng Long mà nay đổi tên thành tuyến đường Hồ Tây – Ba Vì thì vẫn được bảo lưu trong đồ án. Chính phủ đã nghe báo cáo 4 lần, tại các cuộc triển lãm lấy ý kiến nhân dân đều nhận được sự đồng thuận trên 70%.
Đây là tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển lâu dài của Thủ đô. Theo chúng tôi, tuyến đường Hồ Tây – Ba Vì là cần thiết, bởi lưu lượng giao thông ra phía Tây Hà Nội rất lớn. Chúng ta phải nhìn bức tranh toàn cảnh của TP, không nên đặt vấn đề đường này đường kia cách nhau gần hay xa.
Tuyến đường Hồ Tây – Ba Vì cùng với Láng – Hòa Lạc phục vụ cho tương lai, khi đô thị Hòa Lạc có 60 vạn dân, đô thị Sơn Tây 18 vạn dân. Phải có quy hoạch làm tuyến đường này để giữ đất. Nếu không, lỡ cấp phép dự án cho các chủ đầu tư vào khu vực này thì sau giải phóng mặt bằng sẽ vô cùng phức tạp.
Vấn đề là cần bổ sung các đầu thoát giao thông ra khỏi nội đô, chứ không phải như Hà Nội đếm thấy có nhiều đường rồi thì thôi.
Hà Nội khẳng định tuyến Hồ Tây – Ba Vì là hệ quả gắn liền với đề xuất chuyển Trung tâm hành chính quốc gia mới lên Ba Vì. Nay không còn Trung tâm hành chính mới thì tuyến đường này cũng không còn cần thiết?
Dù không có Trung tâm hành chính mới tại Ba Vì thì tuyến đường này vẫn rất cần thiết. Tuyến đường này có 3 chức năng. Thứ nhất là giao thông, giải thoát cho giao thông phía Tây Thủ đô. Thứ hai là vấn đề kỹ thuật. Bên dưới tuyến đường là các đường ống dẫn nước từ sông Đà về nội đô để cấp nước sạch cho thành phố, hệ thống nước thải, cáp điện ngầm cũng chôn dưới tuyến đường này.
Thứ ba là tuyến này tạo các điểm nhấn là các trung tâm vui chơi, giải trí, văn hóa. Tuyến Hồ Tây – Ba Vì (có đoạn Vân Canh – Vành đai 4 lớn nhất rộng 350 m, dài 3,5 km) để xây dựng các công trình văn hóa, giải trí phục vụ nhân dân thủ đô.
Hà Nội cũng cho rằng tuyến Hồ Tây – Ba Vì sẽ có nguy cơ phá vỡ ý tưởng hành lang xanh, tạo cơ hội cho các khu đô thị bám theo hai bên trục, ông có lo ngại điều này?
Không có chuyện giao thông phá vỡ hành lang xanh, chỉ có dự án mới phá vỡ hành lang xanh. Hiện nay chưa có dự án trên tuyến đường dự kiến này, còn khu đô thị có bám theo hai bên trục hay không là do sự quản lý của Hà Nội.
Như vậy là dù thay đổi tên từ trục Thăng Long sang đường Hồ Tây – Ba Vì thì quy mô tuyến đường vẫn như đề xuất ban đầu?
Đúng thế. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm tuyến đường tương tự như tuyến này. Không có lý do gì Thủ đô của một nước với dân số 100 triệu người trong tương lai lại không có một tuyến đường quy mô lớn như vậy.
Cuối tháng 8 sẽ quyết định
Nhiều đại biểu Quốc hội và trong văn bản mới nhất Hà Nội cũng lo ngại không có nguồn lực để làm tuyến đường quy mô lớn này?
Hiện Hà Nội đang mời các nhà đầu tư làm các tuyến đường vành đai 4 và 3, 5. Nhà đầu tư sẵn sàng làm theo phương thức BT, đổi đất lấy hạ tầng. Nhà nước không mất đồng nào cả. Vấn đề là đầu tư đúng hướng và thực hiện đúng quy hoạch. Chúng ta có thể phân kỳ để làm trục này, bước đầu chỉ làm 2-4 làn, còn lại trồng cây ở giữa để giữ đất.
Vậy kiến nghị vào phút chót của Hà Nội có ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt đồ án chung không, thưa ông?
Hiện hồ sơ đồ án đã cơ bản xong, đã trình Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước. Tất cả các nội dung của đồ án sẽ được báo cáo ra Hội đồng thẩm định, trước khi trình Thủ tướng phê duyệt. Cuối tháng 8 này Hội đồng sẽ họp quyết định.
Cám ơn ông.
Theo TP
Nguồn: http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Bo-Xay-dung-bao-luu-tuyen-duong-Ho-Tay–Ba-Vi/10151