9-1-2024
1. Phạt xe leo lên vỉa hè là đúng. Vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ. Gạch lát vỉa hè chỉ chịu được lực giẫm của người đi bộ, xe cứ băng lên, gạch bật lên bể. Nhưng giá cho thuê vỉa hè để bán hàng có giá từ 20 ngàn đồng đến 350 ngàn đồng/1 mét vuông/tháng. Người đi bộ sẽ đi thế nào? 2. Phạt xe vượt đèn đỏ là đúng. Nhưng phạt xong mới thấy không cho xe máy quẹo phải khi đèn đỏ cũng không ổn. Tại sao ban đầu không thấy không ổn ngay đi? Luật phải đi trước hành vi, Luật phải dự đoán được hành vi. Vừa chạy xe vừa tụt xuống chỉnh phụ tùng cho hợp lý chừng nào tới nơi? Này không phải đẽo cày giữa đường nữa mà vừa cày vừa đẽo chớt cha con trâu. 3. So sánh ra mới thấy có nhiều điểm mức phạt vi phạm giao thông ở VN còn cao hơn cả ở Singapore dù thu nhập bình quân đầu người của Sing cao hơn VN gấp 20 lần. Nếu anh không vi phạm thì ai phạt được anh. Tại sao ở Sing mức phạt thấp? Vì ở Sing ý thức giao thông cao. Tại sao ý thức giao thông cao? Do hệ thống Luật nghiêm khắc từ những điều tủn mủn nhất, do nền Giáo dục chi tiết cặn kẽ, do tuyên truyền ý thức pháp luật tốt. Cũng do họ có đủ điều kiện cần và đủ để hạn chế vi phạm pháp luật: hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tốt. Nếu nói vậy thì ý thức giao thông của người Việt kém và cần phạt cao để đi vào khuôn khổ. Nhưng cơ sở hạ tầng của chúng ta đã đủ để người tham gia giao thông đạt được lợi ích khi tham gia giao thông chưa? Tại thành phố kinh tế đứng đầu cả nước, hệ thống tàu điện vẫn chưa hoàn thành. Muốn đi tàu điện phải chen chúc chờ cả tiếng đồng hồ. Người dân, học sinh muốn đi bộ tới trường hoặc tới trạm xe buýt phải đấu trí với phân chó, với vỉa hè đầy bàn ghế, rác, xe dựng lấn chiếm vỉa hè hợp lệ phí. Cơ sở hạ tầng chưa tốt, tài xế sợ bị phạt không dám vượt đèn đỏ. Đèn đỏ hư cứ đỏ quạch mấy tiếng đồng hồ, giao thông tê liệt, ùn ứ kéo dài. Một bên vào chấp hành với ý thức văn minh. Một bên vào chấp hành vì sợ mất nhiều tiền, mất đi thu nhập, mất chén cơm. Khuôn khổ có lẽ là vào khuôn để chịu khổ chăng? |
1. Có lẽ chưa ai quên được vụ “ra quân dẹp vỉa hè” gắn với tên tuổi của ông Đoàn Ngọc Hải. Tất nhiên, nhiều người ủng hộ, lý do thì nhiều và cũng thuyết phục thôi. Nhưng cuối cùng ông Hải cùng chiến dịch ấy đã thất bại. Thất bại có phải vì kém năng lực “dẹp loạn”? Chưa hẳn.
Việt Nam có một “nền kinh tế vỉa hè” sôi động.
Vì sao sinh ra cái “nền kinh tế” ấy?
Nếu trẻ em đi học được miễn phí, người già được bảo trợ, ốm đau có bảo hiểm lo, thất nghiệp có trợ cấp để đảm bảo an toàn cho cuộc sống, thì thử hỏi có ai lao ra ngoài để kiếm ăn chật đường như thế nữa không?
Việt Nam chưa đáp ứng được những điều kiện căn cơ ấy, cuộc sống của cả một gia đình đôi khi phụ thuộc cả vào gánh xôi hay chiếc xe máy cà tàng của một người. Họ mà nghỉ làm một ngày thì con đói, trẻ thất học, ốm đau không có tiền lấy thuốc, điện cắt, nước cắt… Phải lao ra đường thôi. Đói, đầu gối phải bò. Dẹp làm sao được khi chưa bảo đảm cho người dân những điều kiện an sinh cần thiết.
Logic ở đây là chỉ cần làm tốt các chính sách phúc lợi xã hội thì muốn ra đường tìm mua một bát hủ tiếu gõ ăn cho đỡ nhớ “ngày xưa” thôi cũng khó, không cần dẹp, tự nó sẽ biến mất.
2. Một ví dụ khác là những chiếc công nông ở nông thôn và miền núi. Khi thuê họ chở cho một xe đá, lùi lên cái dốc cỡ hơn 30 độ, nhẹ tênh. Cũng chở chừng ấy, nhưng với một chiếc xe ô tô “đời mới” cùng tải trọng thì chỉ còn biết đứng một chỗ mà quay bánh và xịt khói đen, không tài nào lên được. Nông thôn, với đặc thù đường đê, đường đồng, địa hình phức tạp, chở đất đá, phân bón, sản phẩm nông nghiệp, thì những chiếc xe thô sơ như thế là một lựa chọn “ưu việt”.
Ở các vùng nông thôn hay Tây Nguyên với địa hình nhiều đồi núi, ruộng rẫy rộng lớn, đường chủ yếu là đường đất, thì những loại xe như công nông, máy kéo, xe tự chế…, là một loại công cụ hữu ích giúp đỡ rất lớn cho sản xuất và phát triển kinh tế. Mà dân giàu thì nước mới mạnh. Cùng một tải trọng, nếu phải bỏ những loại xe ấy và thay bằng ô tô tải thì vừa quá túi tiền của người dân, vừa không có năng suất. Vì vậy, thay vì cấm đoán tuyệt đối, nên quy định địa bàn và loại đường cho những xe ấy hoạt động, để phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, giúp dân thoát nghèo.
Ở các nước tiên tiến, đường sá tốt, sản xuất nông nghiệp đã được chuyên môn hóa và công nghiệp hóa, phương tiện vừa rẻ vừa chất lượng, vì thế nếu cấm các loại xe như trên thì cũng không ảnh hưởng gì, thậm chí không cần cấm thì người dân cũng tự bỏ.
3. Quay lại với Nghị định 168 – quy định về xử phạt vi phạm giao thông. Hạ tầng ở Việt Nam còn quá nhiều vấn đề, từ hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, chất lượng đường sá, phân bố dân cư… Đấy là chưa nói đến một thực tế rộng lớn hơn gắn với mục 1 ở trên: Người dân đang phải mưu sinh bằng muôn phương nghìn kế, ai cũng phải đổ ra đường, ráo mồ hôi là hết tiền. Trong khi đó, như chúng ta đều biết, thu nhập của người dân đang ở mức thấp, điều ấy làm cho cuộc mưu sinh càng thêm khốc liệt, khiến tình trạng giao thông nhiều nơi nhiều lúc như chiến trường.
Vậy thì phải giải quyết những vấn đề nền tảng như trên: Phân bố lại dân cư, quy hoạch lại đường sá, bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế về hạ tầng, chăm lo phát triển kinh tế… Đó là những công việc phải làm trước và làm đồng bộ.
Để nâng cao ý thức đi đường, giảm thiểu tai nạn, thì xử phạt (thật nặng!) là một biện pháp hữu hiệu, nhưng chưa phải là biện pháp bền vững nếu không đáp ứng được các đòi hỏi khác như đã nêu. Với thu nhập, mức sống, sự gian nan trong kiếm ăn như hiện nay của người dân, nhưng với thực trạng hạ tầng giao thông như đang tồn tại, thì mức phạt cũng phải hợp lý. Một lỗi đèn đỏ mà phạt tới 20 triệu đồng thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Bằng quan sát trong những ngày qua và suy luận, ta có thể hình dung được phần nào, như gây ùn tắc giao thông, tạo ra và duy trì vòng xoay nghèo đói, tích tụ sự bất mãn… Đã xuất hiện nhiều hình ảnh các tài xế cắt/đốt bằng lái, đã xuất hiện nhiều tiếng khóc nức nở trên vỉa hè, đã xuất hiện nhiều cảnh đánh nhau giữa người dân với Cảnh sát giao thông, đã xuất hiện cảnh không nhường đường cho xe cứu thương trước đèn đỏ… Khâu vận chuyển hàng hóa – vốn là huyết mạch của nền kinh tế – có thể bị ảnh hưởng lớn khi mức phạt quá cao đã gây căng thẳng cho người làm nghề vận tải, khiến ùn ứ, ngưng trệ, đội chi phí…
4. Nếp sống văn minh là mục tiêu chắc chắn phải hướng đến và cần không ngừng được xây dựng, nhưng không thể duy ý chí. Phải luôn tìm được “điểm cân bằng” giữa chính sách và thực tiễn, để các chính sách ấy vừa dìu nền kinh tế đi lên, vừa giáo dục được mọi người về nếp sống văn minh. Chính sách đi quá chậm sẽ gây nên tình trạng hoang dã, nhưng chính sách đi quá nhanh (hoặc sai lầm) sẽ xa rời thực tế, không những không giúp được xã hội phát triển mà còn để lại nhiều hậu quả lâu dài.
Ai đi học trong nhà trường chắc cũng còn nhớ điều mà các nhà lý luận của chủ nghĩa Marx đã nói: “Tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”. Đã đồng ý với điều ấy thì rõ ràng cần “tôn trọng tồn tại xã hội”, ra sức xây dựng một “tồn tại xã hội” tốt đẹp, để từ đó ý thức xã hội có mảnh đất màu mỡ để mọc lên và được nuôi dưỡng bền vững. Sự tác động trở lại của “ý thức xã hội” (ví dụ như luật pháp) đối với tồn tại cũng phải dựa trên thực tiễn đa chiều, phong phú, thì mới tạo nên tính tích cực và bền vững được, bằng không sẽ gây nên tác dụng phụ nguy hiểm.
T.H.
Tác giả gửi BVN