Vệt đất trong sinh tồn bất định

Khải Đơn

6.1.2025

 Mối quan hệ chúng ta đã mất với đất và tiếng gọi trở về. 

Photo by Curioso Photography on Unsplash

Trong khoảnh đồi phía sau làng tôi, bà lão trồng cả một vùng khoai mì lên xanh um. Khoai mì là thứ dễ trồng, trong nắng gay gắt kéo dài hay những ngày thiếu nước trầm trọng. Nhưng bà hay càm ràm: “Mì ăn hết đất rồi là đất bỏ”.

Không hiểu vì sao câu nói đó của bà hàng xóm ở lại trong tôi rất lâu sau này. Một chút tri thức kinh nghiệm của người gieo trồng đủ loại trên đất để mưu sinh kết thành một câu: Cây khoai mì hút cạn tất cả, để lại đất cằn cỗi, trống trơn. Khi những khoảnh rẫy không thể đủ nuôi bốn miệng ăn nữa, gia đình tôi chuyển về thành phố, rời bỏ sự gắn bó với đất mà những người xung quanh kiên trì chăm sóc. Rồi những hàng xóm cũng sẽ đi về phía chúng tôi đi, tất cả rời bỏ đất vì đất không còn là nơi có thể đút đẫy miệng em bé đói khóc, hay mua quần áo mới cho những đứa vừa vào lớp Một như tôi.

Có một năm mẹ tôi trồng cả quả đồi đậu phộng. Những bao đậu phộng phơi tãi đầy sân chỉ vừa đủ mua đống sách vở và đóng học phí cho chị em tôi, không dư dả thêm đồng nào để mẹ có thể nghĩ xa xôi gì hơn cho ngôi nhà. Tôi mặc áo cũ đi học. Em tôi quá nhỏ nên không biết phàn nàn. Mùa hè đi nhổ đậu phộng làm mặt chị em tôi cháy nắng, làm tay mẹ tôi sạm đen chưa từng thấy. Chị em tôi đã ăn đậu phộng luộc, đậu phộng hấp, đậu phộng rang nhiều đến nỗi hai mươi năm sau tôi vẫn không thể nuốt nổi đậu phộng. Một giấc mơ no đủ quá trớn hoá thành nỗi sợ một loại thực phẩm vô tội.

Quan hệ của tôi với đất là gì? – Câu hỏi khá giống với một dòng trạng thái trên Facebook, nhưng phức tạp đến mức tôi không thể bóc từng lớp để thấy ẩn dưới những tầng tơi xốp, hay những đoạn cứng dày như đất sét là gì. Đứa trẻ cúi đầu đi thu hoạch từng chùm hạt đậu phộng dưới rễ cây đã quên mất mùi hạt đậu phộng thế nào. Tôi đã quên ngày xưa khi ta nói mình có quan hệ với đất, nghĩa là cuộc đời, gia đình và phẩm giá của mình gắn liền ruột liền tay với mảnh đất đó. Vậy tôi là kẻ không còn quan hệ với đất – Những đứa trẻ mất gốc vô tri với sự hiện hữu của nguyên tố dưới chân mình.

Mùa hè vừa rồi, tôi có chuyến đi đến một làng đánh cá nhỏ tên Punta Abreojos ở Baja California (Mexico). Làng là điểm đón bão. Nghĩa là nếu bão đi qua Mexico, đó sẽ là nơi đầu tiên hứng đường gió vào. Dọc biển đầy những ngôi nhà vặn vẹn, xiên đổ vì gió. Có ngôi nhà bị đập bẹp dúm như một lon nước ngọt bị dẫm từ trên xuống. Sức mạnh của gió mùa bão. Làng chỉ có hơn trăm mái nhà, vài trăm người. Khi tôi dừng lại ở bên bờ biển để đi bơi, một người đàn ông bước ra hỏi tôi từ đâu đến. Ông mời chúng tôi về nhà. Hoá ra ông là một người Mỹ đến sống ở làng. Khi chúng tôi nói chuyện, gió chiều quất lên những đợt bụi mù. Bụi mù di chuyển như bàn chân người khổng lồ vung đá vào các ngôi nhà gần đó. Mái nhà của ông được làm khá chắc chắn, nó chỉ rùng mình nhẹ. Sáng hôm sau, trời nóng đến gần 40 độ C. Gió vẫn điên cuồng giật. Gió nóng.

Tôi hỏi vì sao ông lại đến đây sống. Ông bảo đây là ngôi nhà thứ hai của ông. Ông vẫn sống ở Arizona, đi đi về về. Ông làm nghề kỹ sư dò tìm các mỏ năng lượng địa nhiệt (geothermal). Ở đâu có núi lửa thì ở đó có nguồn địa nhiệt, có thể dùng để tạo ra điện năng. Ba mươi năm trước, ông đi công tác ở dãy núi lửa Tres Virgenes (Ba Trinh Nữ) gần đó. Vẫn như bây giờ, nơi đây là đại mạc mênh mông không có người, chỉ có các cụm làng hay thị trấn rất bé ở ốc đảo nào có nguồn nước. Nhưng có một gia đình người Mexico đã mời ông đến đây, họ chăm sóc ông khi ông bệnh, ông cảm nhận được tình bạn mà gia đình họ dành cho ông. Ông mua một mảnh đất nhỏ vì nghĩ sẽ được sống bên tình bạn.

Đã ba mươi năm, con cái của gia đình đó gọi ông là “Nội” và tụi nhỏ chăm sóc ngôi nhà khi ông đi về Mỹ. Tụi nhỏ đến nằm chơi và xem TV trong nhà khi ông đến. Không đứa nào sợ ông. Tụi nó chỉ muốn bám theo ông cả ngày. Ông nói là, “vợ tôi bảo vậy là tự dưng tôi có hai gia đình”. Khi vợ ông qua đời, gia đình người Mexico này đã an ủi và chăm sóc ông suốt thời gian ông “trốn” ở Mexico vì sợ phải về nhà mà không có bà đợi mình. Khi ông kể chuyện, một cơn gió xoáy lên và đất bụi tung mù vào cửa kính. Không ai muốn ở một nơi khắc nghiệt đến vậy, ngay cả người Mexico. Nhưng với ông, làng là một “nơi diệu kỳ”, nơi đã đón ông đi bộ nhiều ngày để dò tìm mỏ, kiệt sức, bệnh, được hồi sinh. Nơi đã cùng ông xây một tổ ấm nhỏ, nơi người lạ cho ông được quay về, đất cát cằn cỗi và gió hú lên từng đợt xung quanh, như thể ông là người thân quen. Đất ở đó không có mùi, không thể trồng được cây gì, và tôi phải đeo khăn choàng để đất không quất vào mặt. Đất với ông là tiếng cười ha hả với bọn trẻ con chạy trong nhà.

Nhưng đất có bao giờ tự tồn tại không? Hay nó chỉ tồn tại vì mục đích của con người, hay nó được biết tới, ghi nhận vì bàn tay của con người? Nạn nhân của loài người – những ngoàm máy xúc khai thác, những chiếc búa đóng ấn vào ruột đất truy tìm tài nguyên.

Có một mùa đông, tôi sống ở thành phố khai mỏ Antofagasta ở Chile nằm giữa sa mạc Atacama khô nhất hành tinh. Nơi đây tồn tại vì những mỏ khai thác đồng và lithium lớn nhất thế giới. Chỉ cần đi lên đồi cao phóng mắt nhìn ra xa, tôi có thể thấy những hố khổng lồ có màu hồng, màu xanh lá cây, hoặc hình thù kỳ dị như đường đi của kiến kéo dài nhiều tầng thành những đường trôn ốc ngoằn ngoèo dẫn sâu xuống khoét vào gương mặt của đất.

Những chiếc hồ màu sắc đó thỉnh thoảng xuất hiện trên ảnh của tờ quảng cáo hành trình du lịch, đưa du khách đến chụp ảnh cạnh hồ nước màu sắc lạ, đặc sản của Antofagasta và những vùng xung quanh. Đó là những hồ nước lọc, hồ thải các chất dùng để rửa và lọc bỏ tạp chất khỏi khoáng sản khai thác được. Những chiếc hồ là hình hài của thịt đất, của một vùng khổng lồ bị ăn vào, khoét sâu, kiếm tìm nguyên tố sẽ tạo nên cuộc sống hiện đại ở nơi nó không hề biết. Những khối pin lithium giúp hàng triệu chiếc xe hơi điện xuất hiện và chạy trên cao tốc như tiếng thở phào, vì con người tưởng mình đã giải quyết được hệ quả môi trường từ xăng dầu. Những chiếc hố khổng lồ và hồ màu sắc sẽ tiếp tục trải rộng trên sa mạc Atacama và ở bất cứ nơi nào con người có thể tìm được nguyên tố lithium. Số phận của đất không chỉ mang hình hài của đất, mà còn mang gương mặt và ước vọng của con người đang hút cạn đất.

Nhiếp ảnh gia người Canada tên Edward Burtynsky nổi tiếng với những loạt ảnh chụp về khai thác tài nguyên (1). Những bức ảnh của ông thường có vẻ đẹp mỹ thuật hài hoà kinh ngạc, như bức tranh được phối màu, đổ khối chi tiết và giàu tưởng tượng.

Nhưng không, không có hoạ sĩ nào ở đó. Ảnh của Burtynsky là ảnh chụp các khu mỏ khai thác khoáng sản, những cánh đồng công nghiệp quy mô lớn, những ngọn núi đã bị khai thác kiệt quệ và bỏ hoang. Những đường nét màu xanh lá, màu đỏ, màu hồng rực, những khối núi hình trôn ốc xám đen đi kèm với đường nét màu loang đổ nhiều sắc độ như cảm hứng pha màu. Hoá chất dạng lỏng bị bỏ lại sau khai thác. Những cánh đồng trồng lương thực ở quy mô công nghiệp chưa từng có (1).

Tôi đứng gần một đoạn đồi dẫn xuống cổng khu khai mỏ. Bên dưới là những chiếc xe kích cỡ lớn khác thường di chuyển chậm chạp như đàn kiến, những loại máy đóng cọc cỡ lớn, lúc nhúc những con người tí hon đang vận hành cuộc đào vào lòng đất để truy tìm thành tựu mới. Burtynsky nói ảnh của ông “chứng kiến cách thế giới văn minh thay đổi hành tinh của chúng ta kinh khủng đến mức nào”. – Tôi thò một chân vào khung hình đó, rùng mình nhận ra chiếc điện thoại tôi đang dùng, một chiếc loa nhỏ cầm tay nghe nhạc, xe hơi điện, pin sạc cho tấm pin mặt trời… tất cả đều đang được tạo ra nhờ những khu mỏ lúc nhúc máy móc đang khoét vào lòng đất. Sự tồn tại của tôi có được nhờ tất cả những hành động kỳ vĩ và tàn khốc này trong lòng trái đất.

Photo by Maksym Ivashchenko on Unsplash

Mối quan hệ của tôi với đất là gì? – Từ rẫy đậu phộng của mẹ, tôi đã rời bỏ ngôi làng nông nghiệp của mình bởi mẹ tôi có tưới hết mồ hôi vào khoai mì và đậu phộng cũng không kiếm đủ tiền để chúng tôi ăn học và trưởng thành. Chúng tôi từ bỏ đất với nỗi sợ chết đói ngay trên những rẫy ruộng cây trái mình gieo trồng mỗi mùa, nhiều đến nỗi ăn ngạt thở và sợ.

Định mệnh có lẽ muốn trả lời cho câu hỏi của mẹ tôi. Vài năm gần đây, tôi vô tình kết bạn với một gia đình làm nghề đánh cá ở Indonesia. Ustad, chủ gia đình, hàng ngày đi đánh cá, và có một tiệm bán hàng phục vụ du khách đến làng tắm biển. Mỗi buổi tối, anh thường nói: “Khi nào con tôi lớn, tôi sẽ vào ruộng sống. Tôi có thể tự trồng cây ăn trái cho mình. Tôi có thể sống nhờ đất”. – Tuyên ngôn của anh thật mới mẻ với tôi. Một người kiếm sống nuôi con bằng hai nghề không liên quan đến đất, lại thường xuyên nhắc về đất với nhớ thương và tin tưởng chắc nịch.

Ở làng đánh cá có một ngày nghỉ theo lễ Hồi Giáo. Vào ngày đó, Ustad thường đi vào ruộng, là miếng đất nhỏ anh có cách nhà 5 km, nằm phía sau ruộng lúa của vài gia đình. Anh đi phát cỏ, trồng xuống những cây mãng cầu, chôm chôm, cây bơ mà anh chiết được cây con và chăm sóc đến khi khoẻ. Sau đó anh nằm ngủ trưa dưới mái lều mà nông dân hay tụ tập về ngồi ăn trưa, tránh nắng. Anh bảo chỉ cần nghe mọi người nói chuyện, anh biết chúng ta đều có đủ ăn nếu gieo trồng. Đất không phụ mình. Đất làng rất thương người làng. Anh không bao giờ phải lo đói cả. Anh nói và nhớ đến những năm đói nghèo nhất ở Indonesia, đất của cha vẫn trồng nên những củ khoai lang độn vào nồi cơm để anh em của anh lớn.

Bên cạnh sa mạc bụi mù ở Mexico, nơi ông kỹ sư địa nhiệt xây ngôi nhà bắt đầu từ tình bạn, một tập đoàn sản xuất nông nghiệp khổng lồ ở Mỹ thình lình xuất hiện. Ông dùng chữ “thình lình” để tả về sự đổ bộ của những cánh đồng trồng dâu và ớt ngọt hữu cơ để cung cấp cho thị trường Bắc Mỹ. Sa mạc bị cạo sạch. Những cây xương rồng hình thù thô ráp, cao gần chục mét, đường kính to hai người ôm bị đốn ngã. Các loại máy nông nghiệp với ngàm sắt gom xác cây thành những đống khổng lồ kế bên đường cao tốc.

Cánh rừng cây xương rồng đó có thể đã sống 50 năm, hơn 100 năm, giữa đại mạc không người. Chúng bỏ xác cho những quả dâu tươi mọng sẽ ra đời trong những nhà kính bọc nylon trắng xoá. Trèo trên nóc nhà của ông kỹ sư, tôi có thể thấy hàng lớp nhà kính nylon trắng che kín đồi hoang, che kín sa mạc. Nhà kính vươn cánh tay khổng lồ về phía những miền đất xa xôi nhất. Chúng cạo sạch quá khứ mà ông từng nhớ, cạo sạch hiện tại của những đứa trẻ lớn lên trong sa mạc. Đám trẻ có thể không bao giờ biết xương rồng từng cho tổ tiên quả ngọt, nước trong giữa ngày khát bỏng. Lúc này, tôi lại băn khoăn với ý nghĩ của Ustad, nếu đất không phụ mình, có phải mình đã hút cạn đất?

Chúng ta là gì của đất? Hay đất là gì của sự sống này? Sự rối bời đầy thêm, mỗi khi tôi nhớ đến mùi hoá chất tanh nồng bay đầy không khí ở khu mỏ, nhớ đến mùi của hạt đậu phộng hấp tôi đã ăn nhiều quá trớn, nhớ đến mùi cát bụi bay đầy mặt trên sa mạc có mùi phân hoá học. Da thịt tôi tạo từ đất. Sự sống này tôi thở trong mùi của đất.

Chúng ta đã sống, bất an thêm và đầy đủ thêm, nhờ những hạt đất lẫn trong cơ thể mình, nhưng có phải cũng như tôi và mẹ, nhiều người ngày càng rời xa đất vì nỗi sợ sẽ bị đói khổ và thất vọng?

K.Đ.

Chú thích:

(1) Triển lãm lớn nhất của Edward Burtynsky năm 2024 tổ chức ở London: https://www.designboom.com/art/edward-burtynsky-humanity-impacts-planet-saatchi-gallery-exhibition-extraction-abstraction-02-01-2024/

Nguồn: khaidon.substack.com

 

This entry was posted in Khải Đơn, Môi trường và phát triển. Bookmark the permalink.