BBC phỏng vấn ông Đoàn Văn Báu

Ông Đoàn Văn Báu: vì sao đi cùng Sư Minh Tuệ và đi để làm gì?

BBC

8 tháng 1 2025

Cựu sĩ quan an ninh Đoàn Văn Báu là một nhân vật nổi bật trong chuyến bộ hành của sư Minh Tuệ tới đất Phật Ấn Độ. Vậy vai trò của ông Báu là gì? 

Chụp lại hình ảnh: Ông Đoàn Văn Báu nói mình là “trưởng đoàn”, còn sư Minh Tuệ nói ông Báu giúp lo thủ tục giấy tờ nhưng “cũng [chỉ là thành viên] trong đoàn thôi chứ… chả có quyền hạn gì to”.

“Việt Nam cũng đã giao cho tôi với trách nhiệm làm trưởng đoàn và cả sư Minh Tuệ cũng thống nhất là giao cho tôi cho tất cả những trách nhiệm về phụ trách để tổ chức cho chuyến bộ hành thành công đến Ấn Độ”,ông Đoàn Văn Báu nói với BBC News Tiếng Việt vào ngày 4/1, trong cuộc phỏng vấn tại một căn nhà ven đường 217 ở tỉnh Ubon Ratchathani ở Thái Lan. 

Sư Minh Tuệ đang trên đường bộ hành tới đất Phật Ấn Độ. Ông đã khởi hành từ Việt Nam hồi tháng 12, đi bộ qua Lào và hiện đang ở Thái Lan. Dự kiến sau đó đoàn sẽ đi qua Myanmar và sang Ấn Độ.

Ông Đoàn Văn Báu đi theo đoàn và thường xuyên quay video về hành trình của sư Minh Tuệ rồi đăng tải lên mạng xã hội.

Trả lời BBC về lý do vì sao đi bộ hành với sư Minh Tuệ, ông Báu nói rằng vì bản thân “có tình cảm sâu sắc” với nhà sư.

“Khi nhận được thông tin là sư Minh Tuệ có nguyện vọng đi Ấn Độ và cần người trợ giúp về thủ tục pháp lý thì ngay lập tức tôi đã xung phong. Ngay ngày hôm sau tôi đã lên để gặp sư Minh Tuệ và là người đầu tiên được sư Minh Tuệ đồng ý, để tôi hỗ trợ về mặt thủ tục và cùng đồng hành cùng với sư trong chuyến bộ hành đến Ấn Độ”, ông Báu chia sẻ.

Ông Báu kể rằng mình đã đi tiền trạm Lào, Thái Lan và Myanmar. Khi quay lại Việt Nam, ông nói mình đã xin phép chính quyền địa phương về việc bộ hành tới Ấn Độ. 

“Khi chính quyền địa phương đồng ý để tôi đưa sư Thích Minh Tuệ và những người mà tôi đề xuất để đi cùng, chính quyền địa phương ở Việt Nam và các cơ quan ban ngành có liên quan đã có những thủ tục pháp lý về công tác lãnh sự để có thể đưa đoàn đến các quốc gia và cũng đã có công tác lãnh sự để các nước bạn trợ giúp ở Lào và Thái Lan và tới đây sẽ là Myanmar”, ông nói. 

‘Trưởng đoàn’ Đoàn Văn Báu

Khi phóng viên BBC tiếp xúc với đoàn, những vấn đề quan trọng đều được những người đi cùng hướng dẫn rằng nên “hỏi anh Báu”. Ngay cả việc phỏng vấn sư Minh Tuệ, chúng tôi cũng được gợi ý nói chuyện thông qua ông Báu. Những điều này phần nào cho thấy sự tín nhiệm của thành viên đoàn đối với ông Báu hoặc cơ cấu sắp xếp tổ chức của đoàn.

Cuộc phỏng vấn ông Báu được thực hiện trong bối cảnh có những lời đồn đoán trên mạng xã hội rằng ông Báu được lực lượng an ninh cài vào để kiểm soát các hoạt động của chuyến đi bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Trước đó, trong một video đăng tải vào đầu tháng 12/2024 trên kênh YouTube Đoàn Văn Báu – Về miền đất Phật của ông Báu, sư Minh Tuệ nói rằng ông Báu tự nguyện đi cùng sư để lo những thủ tục giấy tờ. 

Trong cuộc phỏng vấn ngày 3/1 với BBC, sư Minh Tuệ cũng nhắc tới vai trò của ông Báu. Theo đó, sư Minh Tuệ không biết ông Báu là ai (vào thời điểm gặp mặt), nhưng quyết định tin tưởng ông Báu vì thấy ông Báu tới gặp mình sau khi nhà sư viết lá đơn tìm người hỗ trợ giấy tờ để đi Ấn Độ.

“Con cũng không biết anh Báu là an ninh hay quân đội hay là người nông dân gì hết”.

“Con cũng không biết họ có hại mình, hay như có người nói là Việt Cộng hay phản động gì, con chả cần biết. Nhưng mà chỉ cần giúp con thủ tục giấy tờ với lại đi thôi, còn những chuyện khác con không biết”, sư Minh Tuệ đã nói như vậy.

Vậy rốt cuộc ông Báu là ai trong đoàn bộ hành?

Theo lời ông Báu, ông là trưởng đoàn – chức vụ mà “thứ nhất là do sự ủy quyền của sư Minh Tuệ và thứ hai là các cơ quan chức năng cũng đã có biên bản, ghi nhận bằng văn bản đề cử làm trưởng đoàn”.

Chụp lại hình ảnh: Ông Báu nói rằng mình đi theo sư Minh Tuệ vì “có tình cảm sâu sắc” với nhà sư.

Vào ngày 5/1, trong một cuộc phỏng vấn khác với ông Báu, BBC đã đề nghị ông Báu cho xem văn bản nói trên. Ông đã trả lời như sau:

“Tôi không cần phải cho xem qua văn bản đó bởi vì các cơ quan chức năng sẽ giữ văn bản đó. Có phóng sự, truyền hình và có cả biên bản ghi nhận lại những sự việc mà ông Thích Minh Tuệ hay còn gọi là ông Lê Anh Tú đã đồng ý cho tôi làm trưởng đoàn và các cơ quan chức năng cử đi”.

Theo lời ông Báu, “cơ quan chức năng” ở đây là Công an tỉnh Gia Lai.

Ông cũng tuyên bố rằng sẽ chịu trách nhiệm, trên cương vị trưởng đoàn, về tất cả những vấn đề có liên quan, gồm phát ngôn, pháp lý và an toàn của đoàn.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi rằng liệu Công an tỉnh Gia Lai, đơn vị mà theo lời ông Báu là ban hành văn bản nói trên, có phải chịu trách nhiệm gì hay không, ông Báu trả lời như sau: 

“Đương nhiên khi một cơ quan chức năng nào đó họ ban hành một cái văn bản nào đó thì đều có tính pháp lý ở Việt Nam”. 

Ông cho biết thêm rằng đoàn không cần giữ liên lạc thường xuyên với Công an tỉnh Gia Lai để thông báo về hành trình. 

“Bình thường đi như thế này thì tôi đã được người ta liên hệ trước với cơ quan lãnh sự Việt Nam tại các nước. Trừ khi có những vấn đề phức tạp gì đó thì mới liên hệ lại để nhờ trợ giúp. Còn bình thường thì chúng tôi cứ đi như bình thường, chỉ cần đăng ký nhập cảnh vào quốc gia sở tại và được sự đồng ý thì chúng tôi cứ đi bình thường”, ông nói. 

Theo quan sát của BBC, ngoài những vấn đề về thủ tục, ông Báu còn phụ trách nhiều mảng khác liên quan tới cuộc bộ hành, như tìm chỗ ngủ nghỉ, tuyển chọn và quản lý‎ thành viên đoàn.

Về phần sư Minh Tuệ, ông từng nói với BBC rằng ông Báu “cũng [chỉ là một người] trong đoàn này thôi chứ anh [Báu] chả có quyền hạn gì to”. 

Ai được đi cùng đoàn?

Trên một số nền tảng mạng xã hội, ví dụ như Facebook, có những ý kiến cho rằng ông Báu là người quyết định sư nào được đi cùng đoàn, sư nào không được. Qua đó, họ nói rằng ông Báu đang “vượt quyền”, đang tự cho phép bản thân mình được quyết định thành viên đoàn. 

Nói tới thành viên đoàn, có thể chia ra hai nhóm chính: nhóm các nhà sư và nhóm người hỗ trợ.

Theo lời kể của ông Báu, trước khi đưa ra quyết định sư nào có đi cùng đoàn được hay không, các sư sẽ thảo luận, còn ông Báu và những người khác, ở đây ông Báu dùng từ “chúng tôi”, sẽ “tư vấn lựa chọn” về việc một nhà sư có đồng hành được cùng với đoàn hay không. 

Sau đó, khi tất cả mọi người thống nhất một danh sách, ông Báu nói rằng mình sẽ công bố ra ngoài. 

Tuy nhiên, do các sư không sử dụng mạng xã hội, do đó cũng khó kiểm chứng được danh sách ông Báu đưa ra ngoài có giống với danh sách đã thống nhất hay không. 

Khi được hỏi rằng liệu làm thế nào để công chúng có thể kiểm chứng được danh sách thống nhất giữa mọi người và danh sách công bố ra ngoài là giống nhau, ông Báu đã nói rằng chúng tôi có thể xác nhận điều này với sư Minh Tuệ. 

Thời điểm đó, BBC không còn dịp phỏng vấn sư Minh Tuệ nên chưa xác nhận chính xác được liệu có sự thiếu đồng nhất nào hay không. 

Liên quan tới vấn đề này, sư Minh Tuệ từng nói rằng “anh Báu cũng quyết định được” việc sư nào có thể gia nhập đoàn, sư nào không. 

“Con cũng nói là theo quy định của pháp luật nước đó như thế nào thì anh Báu thấy tùy ý hợp thời mà tạo điều kiện được, tốt đẹp thì giúp đỡ cho họ đi. Với lại cũng xem xét trên mạng xã hội họ nói sư này như thế nào, sư kia như thế nào, đi để phá, hay chưa được, hay lung tung ra thì cũng không nên”, sư Minh Tuệ nói. 

Chụp lại hình ảnh: Một chiếc xe chở bốn người luôn theo sát đoàn

Tình nguyện viên và ‘người được Hoàng gia cử đến’

Ngoài các nhà sư, đoàn bộ hành của sư Minh Tuệ còn nhiều thành viên khác, nổi bật nhất là ông Đoàn Văn Báu và ông Lê Khả Giáp, một người đã từng bộ hành qua nhiều nước và khá nổi tiếng trên mạng xã hội.

Theo lời ông Báu, “những tình nguyện viên cũng như là [ông] Giáp phải tuân theo sự chỉ đạo” của ông. 

Phóng viên BBC cũng đã tiếp xúc với bốn người trong một chiếc xe hơi hiệu MG ZS màu trắng luôn đi phía sau đoàn, cách khoảng chừng 5-6 mét. 

Khi chúng tôi hỏi họ có phải cảnh sát hay không, họ nói không. “Vậy xin hỏi các anh có phải tình nguyện viên không?” chúng tôi hỏi. Những người này nói phải, sau đó có một người nói “gần như vậy”, rồi một người nói tiếp: “Có gì thì hỏi anh Báu”. Họ không tiết lộ thêm thông tin, chỉ nói rằng họ ở đây chủ yếu để đảm bảo an toàn giao thông.

Trong cuộc phỏng vấn vào ngày 4/1 với BBC, ông Báu thường xuyên đề cập tới tình nguyện viên, không chỉ ở Thái Lan mà đoàn cũng đã có sẵn tình nguyện viên ở Bangladesh – quốc gia mà ông Báu nói chỉ là “một phương án dự phòng”. Ông cũng chưa hề đi tiền trạm ở quốc gia này. 

Chia sẻ về cách tìm cũng như tiêu chí xét duyệt tình nguyện viên, ông Báu nói rằng tất cả tình nguyện viên là do ông xét duyệt và sư Minh Tuệ không liên quan.

Theo chia sẻ của ông, ông từng đăng tin tuyển tình nguyện viên và ngoài ra “cũng có quan hệ với các kiều bào ở các quốc gia trên”. 

“Tôi sẽ tuyển chọn tình nguyện viên dựa trên mối quan hệ thực tế [của họ] và khả năng, năng lực. Đặc biệt, điều kiện quan trọng nhất của tôi đó là họ phải thực sự yêu kính sư Minh Tuệ thì tôi mới tuyển chọn”. 

“Còn nếu như họ không yêu kính hay họ có thái độ này nọ thì tôi sẽ không tuyển. Cho dù họ có giỏi cỡ nào thì tôi cũng sẽ không tuyển tình nguyện viên đó”.

Chụp lại video: Sư Minh Tuệ tại Thái Lan: chia sẻ vai trò của ông Đoàn Văn Báu và kế hoạch tại Ấn Độ

Một người khác cùng đi với đoàn tại tỉnh Ubon Ratchathani là ông Therawat.

Trong một video đăng tải vào ngày 26/12/2024 trên kênh YouTube của ông Báu, ông từng giới thiệu Therawat là người do “Hoàng gia cử đến”.

Ông Báu đã nói như sau: 

“Anh Therawat sẽ giúp mình có hai cảnh sát của Hoàng gia [Thái Lan] đi theo suốt đến Mae Sot”. 

Mae Sot là tên một huyện và thành phố của Thái Lan giáp với Myanmar. 

Tuy nhiên, khi trả lời phóng viên BBC, ông Therawat nói rằng mình chỉ là tình nguyện viên, là “một công dân bình thường”. 

Liên quan tới thông tin “hai cảnh sát của Hoàng gia”, BBC News Tiếng Thái đã liên lạc với cảnh sát của huyện Chong Mek, tỉnh Ubon Ratchathani, nơi có cửa khẩu với Lào mà đoàn của sư Minh Tuệ đã đi qua vào ngày 31/12/2024. 

Theo cảnh sát huyện, họ không nhận được bất cứ thông tin gì liên quan tới đoàn bộ hành. Chỉ tới khi người dân địa phương báo cáo có thấy một nhóm các nhà sư Việt Nam lạ mặt, cảnh sát mới tới kiểm tra thử và gặp mặt đoàn của sư Minh Tuệ. 

Thiếu tá Suwit Thongphap từ Phòng Cảnh sát Chong Mek nói hôm 6/1: 

“Chúng tôi không biết gì về các nhà sư Việt Nam trước đó [cho tới khi] chúng tôi được người dân địa phương báo tin. Người dân cũng không biết những nhà sư Việt Nam vừa bước qua biên giới và vào Thái Lan là ai”.

Khi được hỏi Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan hay chính quyền Việt Nam có liên lạc với cảnh sát địa phương để thông báo về việc các nhà sư này nhập cảnh hay không, ông nói không có bất kỳ sự liên lạc nào về vấn đề này.

Tới ngày 7/1, sau sự cố đoàn bộ hành “bị đuổi đi trong đêm” (theo cách gọi trên YouTube của ông Giáp), đã có hai người mặc cảnh phục có chữ “Traffic Police”, tạm dịch là “cảnh sát giao thông”, xuất hiện. 

Theo lời ông Giáp, hai cảnh sát này là do ông Therawat (gọi thân mật là anh Nọng) “có alo để hỗ trợ thêm đoàn”. 

Khi được hỏi về đoàn bộ hành của sư Minh Tuệ, Trung tướng Archayon Kraithong, người phát ngôn Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, nói với BBC News Tiếng Thái vào ngày 8/1: “Tôi không biết gì về việc đó”. 

Có thể thấy, cảnh sát Thái Lan xuất hiện, nếu có, chỉ là trong trường hợp có sự cố xảy ra, chứ họ không có một sự phân công nhân sự đặc biệt nào để theo đoàn suốt chuyến đi tại nước này như các thông tin được phát tán trên mạng. 

‘Không phỏng vấn chuyện chính trị’

Bên cạnh vấn đề “vượt quyền” đã đề cập bên trên, nhiều người cho rằng ông Báu đang ngăn cản truyền thông, gồm cả YouTuber và các kênh truyền thông chính thống, tiếp cận sư Minh Tuệ. 

Trước khi BBC phỏng vấn sư Minh Tuệ vào chiều ngày 3/1, có một nhóm phóng viên từ đài RFA của Mỹ đã tiếp cận đoàn. Tuy nhiên, theo lời của nhóm này thì ông Đoàn Văn Báu đã không cho họ thực hiện cuộc phỏng vấn đối với sư Minh Tuệ.

Trong một video phát vào tối 3/1, RFA (cụ thể là phóng viên Cao Nguyên) cho biết ông Báu muốn đảm bảo nhóm phóng viên, gồm hai người, không hỏi về các vấn đề chính trị và đồng ý để ông Báu ghi hình lại cuộc trò chuyện. Theo họ việc này là một cách để ông Báu “kiểm duyệt thông tin”. 

RFA nói rằng ông Báu đã cản trở việc tác nghiệp báo chí của họ. 

Liên quan tới vấn đề này, ông Báu kể với BBC rằng hai người tới gặp ông đã không nói rõ mình làm cho RFA, nói rằng phóng viên Cao Nguyên lại xưng mình là phiên dịch viên và “khi nào cô ta cũng đeo một cái khẩu trang”. Ông Báu nói rằng chỉ sau khi video của RFA được công bố vào tối 3/1 thì ông mới biết những người này là phóng viên từ RFA.

“Trước khi các bạn ấy phỏng vấn thì tôi chỉ yêu cầu như thế này, là hãy mở khẩu trang ra và tôi quay lại gương mặt của hai bạn và các bạn xác nhận với tôi là các bạn sẽ đăng tin trung thực với những gì phỏng vấn với sư Minh Tuệ. Và chỉ một điều kiện đó thôi nhưng mà các bạn ấy đã không đáp ứng được”, ông nói. 

Ngoài ra, ông Báu nói rằng họ muốn phỏng vấn trực tiếp với sư Minh Tuệ nhưng chỉ yêu cầu ông Báu đi ra chỗ khác còn các sư khác vẫn có thể ở đó. 

Theo ông Báu, những việc trên khiến ông Báu thấy họ “có hành tung mờ ám”. 

Chụp lại hình ảnh: Ông Báu luôn có mặt ở gần khi BBC phỏng vấn sư Minh Tuệ.

Ngoài RFA, nhiều YouTuber khác cũng có những video cáo buộc ông Báu cản trở, không để họ tiếp cận sư Minh Tuệ. 

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Báu nói rằng ông không muốn xảy ra trường hợp có quá nhiều YouTuber đi theo, tương tự như ở Việt Nam. Ông cho rằng tình huống đó có thể sẽ cản trở cuộc bộ hành, nếu việc đông người tụ tập gây mất trật tự ở quốc gia sở tại hoặc nếu có tai nạn giao thông xảy ra. 

“Chẳng hạn như giao thông ở Thái Lan này mà các YouTuber cứ băng qua băng lại [ở đường] như vậy mà tốc độ xe chạy nhanh như thế này rồi xảy ra một tai nạn thì dù muốn hay không sẽ vẫn liên quan đến đoàn bộ hành chúng tôi, bởi vì chúng tôi là nguyên nhân khởi phát. Để cho những YouTuber khác thực hiện những hành vi quay như vậy và sẽ rất là nguy hiểm”.

“Còn khi tôi quan sát thấy các YouTuber của Thái Lan, họ đứng bên đường họ quay và họ đều nói là ‘tôi có thể ghi nhận hình ảnh của các bạn được không?’, thì tôi vẫn đồng ý,” ông nói.

BBC không thể xác định được việc ông Báu có cản trở các nhóm phóng viên khác và các YouTuber hay không. 

Riêng nhóm phóng viên của BBC khi đề nghị phỏng vấn sư Minh Tuệ vào ngày 3/1, ông Đoàn Văn Báu đã đưa ra hai điều kiện: ông sẽ quay phim khi chúng tôi thực hiện phỏng vấn và chúng tôi không được hỏi về chính trị.

Với yêu cầu “quay phim”, chúng tôi chỉ lưu ý rằng ông Báu được quay nhưng không được đăng tải do đây là nội dung báo chí do BBC thực hiện, nên bản quyền thuộc về BBC.

Với điều kiện “không phỏng vấn về chính trị”, chúng tôi nói với ông Báu rằng chúng tôi sẽ hỏi những câu hỏi đúng với chức năng, nhiệm vụ và quyền của nhà báo mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Tất nhiên là nhà sư Minh Tuệ có quyền trả lời hoặc không.

Ông Đoàn Văn Báu nói rằng chính trị là chủ đề không nên hỏi tới vì nhiều người đã xuyên tạc rằng chính quyền Việt Nam không cho sư Minh Tuệ bộ hành dù sư đã đi bộ khất thực vài năm. Ông Báu cũng nói rằng chúng tôi có 15 phút để phỏng vấn vào lúc đoàn nghỉ trưa, bao gồm cả khâu chuẩn bị thiết bị. Về phía mình, chúng tôi bảo lưu lập trường, rằng sư Minh Tuệ, chứ không phải ông Báu, sẽ quyết định trả lời nội dung nào và trong bao lâu. Quyền đặt ra câu hỏi nào vẫn thuộc chúng tôi, những người đến đây với tư cách công khai là tác nghiệp báo chí.

Trong các ngày 3, 4 và 5/1, chúng tôi đã thực hiện hai cuộc phỏng vấn dài với sư Minh Tuệ, hai cuộc phỏng vấn với ông Báu và các cuộc phỏng vấn nhanh với một số người đi trong đoàn. 

Ông Đoàn Văn Báu ngồi khá gần sư Minh Tuệ khi chúng tôi thực hiện hai cuộc phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn ngày 3/1 với sư Minh Tuệ, ông Báu ngồi bên cạnh và lặng lẽ quay phim; trong cuộc phỏng vấn ngày hôm sau, ông Báu đề nghị ông Giáp quay, còn ông ngồi bên cạnh. Ông Báu không có sự can thiệp nào trong suốt quá trình chúng tôi phỏng vấn sư Minh Tuệ.

  • Panisa Aemocha từ BBC News Tiếng Thái thực hiện các cuộc phỏng vấn cảnh sát Thái Lan.

Nguồn: bbc.com

 

This entry was posted in Thích Minh Tuệ. Bookmark the permalink.