Jonathan Head và Bùi Thư
Phóng viên Đông Nam Á và BBC News Tiếng Việt
7 tháng 1 2025
Trong nửa đầu năm 2024, Việt Nam có số người vượt biển bằng thuyền nhỏ qua eo biển Manche cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Họ đến từ một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Vậy tại sao nhiều người lại mạo hiểm tính mạng để tới Anh?
Chụp lại hình ảnh: Người vượt biên vào Anh bằng thuyền nhỏ qua eo biển Manche
Phương nhìn chiếc thuyền phao nhỏ và tự hỏi liệu mình có nên bước lên không. Có 70 người chen chúc trên đó và nó đang hơi chìm xuống nước. Cô nhớ lại nét sợ hãi, kiệt sức và tuyệt vọng trên khuôn mặt của họ. Không có đủ áo phao cho tất cả mọi người.
Nhưng Phương đang tuyệt vọng. Cô nói rằng mình đã bị mắc kẹt ở Pháp trong hai tháng, sau khi từ Việt Nam đến đó qua ngả Hungary, ngủ trong lều tạm trong một khu rừng có nhiều cây bụi thấp.
Cô từng từ chối leo lên một chiếc thuyền vì có vẻ quá đông đúc và nguy hiểm, và trước đó đã phải quay về bờ ba lần khi đang ở giữa eo biển do thời tiết xấu hoặc động cơ gặp trục trặc.
Hiền, người em của cô, sống ở London, nhớ lại rằng chị mình thường gọi điện từ Pháp và khóc rất nhiều.
“Chị ấy bị giằng xé giữa nỗi sợ và số tiền nợ nên phải cố mà đi tiếp”.
Chụp lại hình ảnh: Anh quốc đã đề nghị chính quyền Việt Nam tăng cường nỗ lực kiểm soát nạn buôn người, di cư lậu
“Vì chị ấy đã vay rất nhiều tiền – khoảng 25.000 bảng Anh (hơn 790 triệu đồng) – cho chuyến đi này. Bỏ cuộc và quay lại không phải là một lựa chọn”.
Thế rồi, Phương leo lên thuyền.
Hiện Phương sống ở London với em gái mà không có bất kỳ tư cách pháp lý nào. Cô ấy quá lo lắng đến mức không dám trò chuyện trực tiếp với chúng tôi. Phương và Hiền cũng không phải là tên thật của họ. Cô ấy để cho em gái, hiện là công dân Anh, chia sẻ về trải nghiệm của mình.
Trong sáu tháng đầu năm 2024, người Việt Nam chiếm số lượng lớn nhất trong số những người đến Anh bằng thuyền nhỏ – 2.248 người được ghi nhận cập bến tại Anh, vượt qua những nước có vấn đề nhân quyền rõ rệt khác như Afghanistan và Iran.
Những nỗ lực kinh ngạc mà người di cư Việt Nam thực hiện để đến Anh đã được đưa tin nhiều, và vào năm 2024, BBC đã có bài điều tra về việc các băng nhóm người Việt Nam điều hành thành công các hoạt động buôn người.
Điều này không phải không có rủi ro đáng kể. Một số người di cư Việt Nam cuối cùng bị bán vào ngành mại dâm hoặc các trang trại cần sa bất hợp pháp. Họ chiếm hơn một phần mười trong số những người ở Anh nộp đơn lên chính quyền nói rằng mình là nạn nhân của nạn nô lệ hiện đại.
Tuy nhiên, Việt Nam lại là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, được ca ngợi là “Trung Quốc thu nhỏ” nhờ khả năng sản xuất vượt trội. Thu nhập bình quân đầu người cao gấp tám lần so với 20 năm trước. Thêm vào đó là những bãi biển nhiệt đới, phong cảnh đẹp và mức sống phải chăng, đã biến nơi đây trở thành điểm thu hút khách du lịch.
Vậy điều gì khiến nhiều người tuyệt vọng đến nỗi muốn rời khỏi đất nước?
Câu chuyện về hai nước Việt Nam
Việt Nam, một quốc gia cộng sản độc đảng, nằm gần cuối bảng xếp hạng về nhân quyền và tự do. Không có phe đối lập chính trị nào được phép hoạt động. Số ít người bất đồng chính kiến lên tiếng thì đều bị quấy rối và bỏ tù.
Tuy nhiên, hầu hết người Việt Nam đã học cách sống chung với đảng cầm quyền, vốn dựa vào thành tích phát triển kinh tế để củng cố tính chính danh của mình. Rất ít người đến Anh để tránh khỏi sự đàn áp.
Những người di cư cũng không phải là đang chạy trốn khỏi đói nghèo. Ngân hàng Thế giới ghi nhận Việt Nam là một trong những quốc gia có thành tích giảm nghèo gần như vô song đối với 100 triệu dân của mình.
Thay vào đó, họ đang cố gắng thoát khỏi cái mà một số người gọi là “sự hơi thiếu thốn”.
Chụp lại hình ảnh: Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam hiện nay cao gấp tám lần so với 20 năm trước
Mặc dù có thành tích kinh tế ấn tượng, Việt Nam đã khởi đầu chậm hơn so với hầu hết các nước láng giềng châu Á, với sự tăng trưởng chỉ thực sự khởi sắc sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1989.
Kết quả là, mức lương trung bình khoảng 7,3 triệu đồng mỗi tháng, thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng như Thái Lan, và ba phần tư trong số 55 triệu lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, không có an sinh xã hội hoặc bảo trợ xã hội.
“Có sự chênh lệch rất lớn giữa các thành phố lớn như Hà Nội và các vùng nông thôn”, Nguyễn Khắc Giang, một học giả Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á – Viện Yusof Ishak ở Singapore, bình luận.
“Đối với đa số người lao động có kỹ năng hạn chế, tồn tại một giới hạn vô hình. Ngay cả khi làm việc 14 giờ một ngày, họ cũng không thể tiết kiệm đủ tiền để xây nhà hoặc lập gia đình”.
Đây là những gì Phương cảm nhận, dù cô đến từ Hải Phòng, thành phố lớn thứ ba của Việt Nam.
Em gái của cô, Hiền, đã đến Anh chín năm trước, qua đường lậu trong một container vận chuyển. Chuyến đi đã tiêu tốn của cô khoảng 22.000 bảng Anh (hơn 695 triệu đồng) nhưng cô đã có thể trả hết trong hai năm, bằng cách làm việc nhiều giờ trong các nhà bếp và tiệm làm móng (nail). Hiền kết hôn với một người đàn ông Việt Nam đã có quốc tịch Anh, và họ có một con gái. Cả ba đều là công dân Anh.
Ở Hải Phòng, công việc khan hiếm sau đại dịch và ở tuổi 38, Phương muốn có những gì mà em gái cô có ở London: khả năng tiết kiệm và lập gia đình.
“Chị ấy có thể sống ở Việt Nam, nhưng chị ấy muốn có nhà, có một cuộc sống tốt hơn, đỡ phiền lo hơn”, Hiền giải thích.
Chụp lại hình ảnh: Chênh lệch giàu nghèo cũng tăng cao
Tiến sĩ Hoàng Lan Anh, giáo sư nghiên cứu phát triển tại Đại học Melbourne (Úc), đã dành nhiều năm nghiên cứu các mô hình di cư.
“20-30 năm trước, nhu cầu di cư ra nước ngoài không mạnh như bây giờ, bởi vì mọi người đều nghèo”, bà nói.
“Mọi người hài lòng với một con trâu, một chiếc xe máy và ba bữa mỗi ngày”.
“Bỗng nhiên một số người di cư thành công đến các quốc gia như Đức hoặc Anh, để làm việc tại các trang trại cần sa hoặc mở tiệm nail. Họ bắt đầu gửi rất nhiều tiền về quê nhà. Mặc dù điều kiện kinh tế của những người ở lại không thay đổi, họ lại thấy nghèo so với tất cả những gia đình có người thân di cư làm việc ở châu Âu”.
‘Bắt kịp để trở nên giàu có’
Truyền thống tìm kiếm cuộc sống tốt hơn ở nước ngoài có từ những năm 1970 và 1980, khi Việt Nam liên minh với Liên Xô sau thất bại của quân đội Mỹ ở miền Nam.
Nền kinh tế do nhà nước lãnh đạo đã rơi vào tình trạng tồi tệ. Hàng triệu người lâm vào cảnh khốn khó; một số khu vực bị thiếu lương thực. Hàng chục ngàn người đã rời đi để làm việc tại các quốc gia thuộc khối Đông Âu như Ba Lan, Đông Đức và Hungary.
Đây cũng là thời điểm mà 800.000 người, chủ yếu là người Hoa, vượt biên bằng thuyền để trốn thoát sự đàn áp của Đảng Cộng sản, thực hiện những chuyến hải trình nguy hiểm trên Biển Đông, cuối cùng định cư tại Mỹ, Úc hoặc châu Âu.
Chụp lại hình ảnh: Tang lễ tại quê nhà Nghệ An của một trong những nạn nhân vụ 39 người chết trong thùng xe tại Anh vào năm 2019
Những khó khăn kinh tế thời kỳ đó đã đe dọa đến tính chính danh của Đảng Cộng sản, và vào năm 1986, Đảng đã thực hiện một bước ngoặt đột ngột, từ bỏ nỗ lực xây dựng một hệ thống xã hội chủ nghĩa và mở cửa với thị trường toàn cầu.
Chủ đề mới của câu chuyện quốc gia mà Việt Nam xây dựng lúc đó là bắt kịp và giàu lên bằng mọi cách có thể. Đối với nhiều người Việt Nam, điều đó có nghĩa là đi ra nước ngoài.
“Tiền là tiên ở Việt Nam”, Tiến sĩ Lan Anh nói.
“Ý nghĩa của ‘cuộc sống tốt đẹp’ chủ yếu gắn liền với khả năng tích lũy của bạn”.
“Ngoài ra họ còn có nghĩa vụ giúp đỡ gia đình, đặc biệt là ở miền Trung Việt Nam”.
“Đó là lý do tại sao toàn bộ gia đình cùng họ hàng chung tay góp tiền cho một người trẻ di cư vì họ tin rằng người đó có thể gửi về một khoản tiền lớn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc di cư của những người khác”.
Nhà giàu mới nổi: chiến lợi phẩm từ di cư
Đi qua những cánh đồng lúa phẳng lặng của Nghệ An, một trong những tỉnh nghèo của Việt Nam ở phía nam thủ đô Hà Nội, nơi trước đây từng là những ngôi nhà bê tông nhỏ, thì giờ đây là những ngôi nhà mới bề thế với cổng mạ vàng. Nhiều ngôi nhà khác đang được xây dựng, một phần nhờ vào tiền kiếm được ở phương Tây.
Những ngôi nhà mới là biểu tượng cho sự thành công của những người hồi hương đã làm ăn phát đạt ở nước ngoài.
Chụp lại hình ảnh: Thuyền của ngư dân tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An
Việt Nam hiện đang tận hưởng dòng vốn đầu tư nước ngoài đáng kể, khi được coi là một lựa chọn thay thế cho Trung Quốc đối với các công ty muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ. Dòng đầu tư này thậm chí bắt đầu đổ tới những nơi như Nghệ An.
Foxconn, một tập đoàn khổng lồ sản xuất iPhone, là một trong số các doanh nghiệp nước ngoài đang xây dựng nhà máy tại Nghệ An, tạo ra hàng ngàn chỗ làm mới.
Nhưng mức lương tháng cho công nhân không có tay nghề chỉ khoảng 9,5 triệu đồng, ngay cả khi làm thêm giờ. Điều đó không đủ để cạnh tranh với những câu chuyện hấp dẫn về tiền có thể kiếm được ở Anh, như những kẻ chuyển lậu người đã kể.
Từ đại lý du lịch đến môi giới lao động
Tổ chức việc di chuyển cho những người muốn rời khỏi tỉnh hiện nay là một ngành kinh doanh có lợi nhuận cao.
Các công ty công khai giới thiệu mình là đại lý du lịch hoặc môi giới cho các hợp đồng lao động nước ngoài được phê duyệt chính thức. Nhưng trên thực tế, nhiều công ty cũng đề nghị đưa lậu người đến Anh thông qua các quốc gia châu Âu khác. Họ thường vẽ ra một bức tranh tươi đẹp về cuộc sống ở Anh và nói rất ít về những rủi ro và khó khăn mà họ sẽ phải đối mặt.
“Môi giới” thường tính phí từ 15.000 đến 35.000 bảng Anh (475 triệu – 1,1 tỷ đồng) cho chuyến đi đến Anh. Hungary là một tuyến đường phổ biến vào EU vì nước này cấp thị thực lao động cho người mang hộ chiếu Việt Nam. Giá càng cao, hành trình càng dễ dàng và nhanh chóng.
Chính quyền cộng sản Việt Nam đã bị Mỹ, Anh và các cơ quan của Liên Hợp Quốc thúc giục phải làm nhiều hơn để kiểm soát hoạt động buôn lậu người.
Kiều hối mang về cho Việt Nam khoảng 13 tỷ bảng Anh (hơn 16 tỷ USD) mỗi năm, và chính phủ có chính sách khuyến khích di cư lao động, mặc dù chỉ thông qua các kênh hợp pháp, chủ yếu đến các nước châu Á giàu có hơn.
Hơn 130.000 lao động Việt Nam đã rời đi vào năm 2024 theo chương trình chính thức. Nhưng phí cho các hợp đồng này có thể rất cao và mức lương thì thấp hơn nhiều so với mức mà họ có thể kiếm được ở Anh.
Những rủi ro lớn của các tuyến đường bất hợp pháp đến Anh đã được chứng minh rõ ràng vào năm 2019, khi 39 người Việt Nam đã chết ở Essex do bị ngạt thở khi được vận chuyển bên trong một xe container đi qua eo biển Manche.
Tuy nhiên, vụ việc không làm giảm đáng kể nhu cầu dịch vụ của những kẻ chuyển lậu người. Nhưng việc giám sát chặt chẽ xe container hơn đã buộc chúng phải tìm kiếm các tuyến đường thay thế để qua eo biển. Điều này lý giải sự gia tăng mạnh mẽ của số lượng người Việt Nam dùng thuyền nhỏ.
Câu chuyện thành công lấn át nỗi sợ hãi
“Rất tiếc là bi kịch 39 người chết trong xe tải năm 2019 gần như đã bị lãng quên”, người anh họ của anh Lê Văn Hà – một trong những nạn nhân – nói.
Hà để lại vợ, hai con nhỏ và một khoản nợ lớn mà gia đình vay cho Hà đi chuyến đi tử thần ấy.
Anh họ của Hà, người không muốn nêu tên, nói rằng người dân trong xóm anh không thay đổi cách nhìn gì về vấn đề di cư lậu sang Anh.
“Mọi người hầu như không còn quan tâm nữa. Buồn, nhưng đó là sự thật”.
“Tôi thấy trào lưu xuất ngoại thậm chí tiếp tục tăng lên chứ không hề giảm đi. Đối với những người ở đây, câu chuyện thành công, nhà cao cửa rộng đập vào mắt đã lấn át nỗi sợ về những rủi ro”.
Chụp lại hình ảnh: Chiếc xe tải trong vụ 39 người Việt Nam tử vong tại Essex, Anh vào năm 2019
Ba trong số các nạn nhân của vụ 39 người chết là từ tỉnh nông nghiệp Quảng Bình. Hiệu trưởng của một trường trung học phổ thông trong khu vực, người cũng yêu cầu giấu tên, cho biết 80% học sinh sắp tốt nghiệp của trường ông đều đã được gia đình định hướng sẵn là sẽ đi lao động ở nước ngoài.
“Hầu hết các bậc phụ huynh ở đây đều xuất thân từ gia đình thu nhập thấp”, ông giải thích. “Chuyện [khuyến khích con cái họ] mở rộng kiến thức và phát triển kỹ năng không phải là ưu tiên hàng đầu”.
“Đối với họ, việc đưa con cái ra nước ngoài chủ yếu là để kiếm tiền nhanh và gửi tiền về để gia đình có cuộc sống tốt hơn”.
Vào tháng 3/2024, Bộ Nội vụ Anh đã bắt đầu một chiến dịch truyền thông xã hội nhằm ngăn chặn người Việt Nam di cư bất hợp pháp. Chính phủ Việt Nam cũng đã có một số nỗ lực để cảnh báo người dân về những rủi ro khi sử dụng dịch vụ của những kẻ chuyển lậu người.
Nhưng chừng nào cơ hội kinh tế tại các tỉnh này vẫn còn hạn chế, các chiến dịch cảnh báo khó có thể đạt được kết quả đáng kể.
Chụp lại hình ảnh: Hình ảnh 39 nạn nhân được lấy trên mạng xã hội
“Họ không thể chỉ thực hiện các chiến dịch này một lần rồi thôi”, bà Diệp Ngọc Vương, đồng sáng lập tổ chức chống buôn người Pacific Links, nói.
“Cần có sự đầu tư liên tục vào giáo dục”.
Bà Vương có kinh nghiệm trực tiếp trong vấn đề này. Bà rời Việt Nam sang Mỹ vào năm 1980, một phần trong làn sóng thuyền nhân Việt Nam thời kỳ đó.
“Ở Việt Nam, mọi người tin rằng họ phải làm việc chăm chỉ, làm mọi thứ cho gia đình mình. Đó giống như một xiềng xích mà họ không thể dễ dàng thoát khỏi. Nhưng nếu các thông tin tốt được phổ biến trong nhiều năm, họ có thể bắt đầu thay đổi suy nghĩ”.
Các chiến dịch này đang phải đối mặt với một thực tế khó thay đổi. Những người thất bại ở nước ngoài – và không ít người rơi vào hoàn cảnh đó – thường cảm thấy xấu hổ và giữ im lặng về những khó khăn họ đã trải qua. Ngược lại, những người thành công trở về quê hương như ở Nghệ An thường phô trương sự giàu có mà họ kiếm được. Đối với bi kịch của 39 người chết trong container, nhiều người ở Nghệ An vẫn cho rằng đó chỉ là một tai nạn không may.
J.H. & B.T.
Nguồn: bbc.com