BBC
24 tháng 10 2024
Sau Thái Lan, Malaysia, Việt Nam có thể là thành viên tiếp theo trong ASEAN gia nhập khối BRICS hay không?
Chụp lại hình ảnh: Ông Phạm Minh Chính và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Kazan (Nga) vào ngày 23/10. Nguồn hình ảnh: Maxim Shipenkov/Pool/AFP/Getty Images
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính lần đầu tham dự Thượng đỉnh BRICS tại thành phố Kazan (Nga) từ ngày 23 đến 24/10, theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Đây là lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ Việt Nam đến dự thượng đỉnh thuộc khối BRICS.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, chuyến đi lần này không những giúp khẳng định vị thế và sự chủ động của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn “khẳng định tình bạn thủy chung Việt Nam-Nga”.
Trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, ông Phạm Minh Chính nói Việt Nam luôn coi Nga là một trong những đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Về phần mình, ông Alexander Novak nói Nga rất coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Điện Kremlin đã gọi Thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 (22 đến 24/10) tại thành phố Kazan (Nga) là “sự kiện ngoại giao có quy mô lớn nhất chưa từng có”.
Giới quan sát cho rằng thông qua Thượng đỉnh BRICS, ông Putin muốn cho thấy quốc gia này không bị cô lập sau khi phát động tấn công Ukraine.
Khối BRICS do Trung Quốc và Nga dẫn đầu được nhiều nhà quan sát và chính trị gia xem là một đối thủ địa chính trị lớn của G7 – tập hợp bảy nền kinh tế phát triển hàng đầu của phương Tây do Mỹ dẫn đầu.
Ông Yuri Ushakov, trợ lý chính sách ngoại giao của Tổng thống Nga Putin, nói rằng việc mở rộng BRICS sẽ phải cân nhắc các tiêu chuẩn nhất định và rằng danh sách 13 quốc gia ứng viên đã nhận được sự đồng thuận.
“Chúng tôi sẽ cần phải nói chuyện với họ về mức độ sẵn sàng gia nhập, với tư cách thành viên đầy đủ trong BRICS hoặc theo hình thức khác”, hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời ông Yuri Ushakov.
Chụp lại hình ảnh: Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì lễ đón và chiêu đãi các đoàn tham dự tại Thượng đỉnh BRICS vào ngày 23/10. Nguồn hình ảnh: Alexander Nemenov/Pool/AFP/Getty Images
Khả năng Việt Nam gia nhập BRICS
Việt Nam tuyên bố việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Thượng đỉnh BRICS “một lần nữa khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, sẵn sàng tham gia các sáng kiến, cơ chế hợp tác đa phương phù hợp với nhu cầu, lợi ích của Việt Nam và đóng góp thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới”.
Việt Nam đã cử đại diện tham dự hội nghị Ngoại trưởng khối BRICS năm 2024 diễn ra từ 10 đến 11/6 tại thành phố Nizhny Novgorod, Nga.
Cho đến nay, Việt Nam chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về ý định gia nhập BRICS, nhưng Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 9/5 đã chính thức “bày tỏ sự quan tâm” tới việc mở rộng của khối này:
“Cũng như nhiều nước trên thế giới, chúng tôi theo dõi thảo luận về tiến trình mở rộng thành viên của BRICS”.
Trong năm 2024, hoạt động ngoại giao cấp cao giữa Việt Nam và Nga tương đối dày.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam vào tháng 6 và điện đàm với ông Tô Lâm, lúc bấy giờ là tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, vào tháng 8.
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn thăm Nga vào tháng 9, và nay là chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Chụp lại hình ảnh: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có chuyến thăm chính thức Nga từ ngày 8-10/9. Nguồn hình ảnh: Vyacheslav Prokofyev/Pool/AFP/Getty Images
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, giảng viên cao cấp chuyên về chính trị học và quan hệ quốc tế, Đại học Vin, ngày thứ Năm 24/10 nhận định với BBC News Tiếng Việt:
“Cần lưu ý một điểm nhỏ ở đây là phía Nga rất coi trọng sự tham dự của Việt Nam vào các hoạt động của BRICS trong năm Nga là nước chủ nhà. Ngay từ đầu năm, phía Nga thông qua một số kênh đã gửi tín hiệu và thậm chí bày tỏ sẵn sàng ủng hộ Việt Nam gia nhập BRICS”.
“Chuyến đi này của Thủ tướng Phạm Minh Chính còn gửi đi một thông điệp khéo léo và cân bằng nữa trong quan hệ Việt Nam-Nga-Ukraine. Như chúng ta biết, bên lề Khóa họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cách đây đúng một tháng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội kiến với Tổng thống Ukraine Zelensky”.
“Tuy nhiên, cho đến nay, mặc dù đã tham gia nhiều hoạt động của BRICS, Việt Nam chưa công khai bày tỏ mong muốn trở thành thành viên của BRICS như nhiều nước, trong đó có một số nước ASEAN như Thái Lan, Myanmar và Malaysia. Tôi hiểu là Việt Nam vẫn cần phải tìm hiểu và hiểu rõ hơn mục đích của BRICS. Đặc biệt, Việt Nam nhạy cảm với những thông tin rằng BRICS muốn tạo ra một cơ chế đối đầu hay đối trọng với các cơ chế của phương Tây”.
Trong ASEAN, Malaysia và Thái Lan là hai quốc gia đầu tiên đã tiến hành các bước để gia nhập BRICS.
Còn Myanmar tuyên bố hồi giữa tháng 9 rằng quốc gia này muốn tham gia BRICS với tư cách quan sát viên, không phải thành viên có tư cách đầy đủ.
Việc các quốc gia ASEAN tham gia BRICS có thể tác động đến sự đoàn kết và vai trò trung tâm của khối này, theo một số chuyên gia.
Chính phủ Thái Lan nói rằng việc gia nhập BRICS sẽ giúp nâng cao vị thế của quốc gia này trên chính trường quốc tế sau khi chính thức nộp đơn vào tháng 6.
Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã tuyên bố về ý định gia nhập BRICS và đã tiến hành vận động Nga, Trung Quốc, Ấn Độ về vấn đề này.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải nói đến lợi ích mà Việt Nam có thể có được khi tham gia BRICS trong bối cảnh Tổng Bí thư Tô Lâm thường xuyên nhắc đến “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” và mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Ông bình luận với BBC như sau:
“Tổng Bí thư Tô Lâm và nhiều lãnh đạo của Việt Nam gần đây đã nói đến cụm từ ‘kỷ nguyên vươn mình của dân tộc’ trong các phát biểu. Mặc dù chưa thấy văn bản nào giải thích cụ thể, nhưng tôi tin rằng ‘thịnh vượng về kinh tế’ ở trong nước và ‘ảnh hưởng’ hay ‘có vị thế và tiếng nói’ ở bên ngoài (đối ngoại) là hai trong số những nội hàm của khái niệm này.
“Nói về lợi ích kinh tế của BRICS, có lẽ chúng ta cần thấy rõ hơn những cơ chế hay hiệp định tạo khuôn khổ có tính ràng buộc nhằm thúc đẩy hoạt động đem lại lợi ích kinh tế. Những gì chúng ta thấy ở BRICS cho đến nay còn lỏng lẻo, chưa rõ ràng. Chúng ta đừng chỉ nhìn thuần túy vào con số tổng hợp dân số của BRICS chiếm bao nhiêu dân số thế giới, hay tỷ trọng GDP của BRICS trong GDP của thế giới là bao nhiêu. Hơn nữa, chúng ta đừng quên, các nước BRICS cũng tham gia cơ chế này, cơ chế khác mà hiện tại Việt Nam cũng tham gia; hoặc ở cấp độ song phương, Việt Nam cũng có những thỏa thuận thương mại hoặc cơ chế với từng nước BRICS rồi. Vậy, lợi ích thực sự mà Việt Nam cần từ BRICS là một khuôn khổ tập thể mà cơ chế này tạo ra, chứ không phải vào cơ chế đa phương nhưng lợi ích lại tính ở quan hệ song phương”.
“Về lợi ích đối ngoại hay lợi ích địa chính trị, tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi tham gia BRICS so với những cơ chế khác do các nước phương Tây dẫn dắt bởi tất cả 5 nước ban đầu của BRICS đều có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam”, ông nói thêm.
‘Trăm năm mới có một lần’
Chụp lại hình ảnh: Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 22/10/2024 tại Thượng đỉnh BRICS ở thành phố Kazan (Nga). Nguồn hình ảnh: Maxim Shipenkov/Pool/AFP/Getty Images
Trong cuộc gặp thuộc khuôn khổ Thượng đỉnh BRICS vào ngày 22/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lặp lại ý “thay đổi trăm năm mới có một lần” với Tổng thống Nga Vladimir Putin, như từng nói vào tháng 3 nhân chuyến thăm cấp nhà nước đến Nga.
Trước đó hồi tháng 5, ông Tập và ông Putin đã cam kết về “một kỷ nguyên mới” trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia, hiện được xem là hai đối thủ lớn nhất của Mỹ.
“Hiện tại, thế giới đang trải qua những thay đổi chưa từng có trong 100 năm qua, tình hình quốc tế có những hỗn loạn”, ông Tập Cận Bình nói với ông Putin tại thành phố Kazan của Nga trong phiên khai mạc Thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 vào ngày 22/10.
“Nhưng tôi tin tưởng chắc chắn rằng tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Nga sẽ được tiếp nối trong hàng thế hệ và trách nhiệm của các đại cường quốc đối với nhân dân của mình sẽ không thay đổi”.
Về phần mình, ông Putin gọi ông Tập là “người bạn thân” và nói hợp tác với Trung Quốc là động lực cho sự ổn định của thế giới.
“Quan hệ hợp tác Nga-Trung trong vấn đề quốc tế là một trong những nhân tố giúp ổn định trên bình diện thế giới”, ông Putin nói.
“Chúng ta có kế hoạch tăng cường phối hợp trên tất cả các nền tảng đa phương để đảm bảo an ninh toàn cầu và một trật tự thế giới đúng đắn”.
Ông Tập nói hợp tác trong khối BRICS là “một nền tảng quan trọng trong đoàn kết và hợp tác giữa các thị trường mới nổi và các quốc gia trên thế giới ngày nay”.
Ông Tập cũng nói sự hợp tác này là “động lực chính để thúc đẩy thực thi một thế đa cực toàn cầu bình đẳng và có trật tự, cũng như quá trình toàn cầu hóa kinh tế mang tính bao hàm và bền vững”.
Một số chuyên gia đánh giá thượng đỉnh BRICS lần này cho thấy tầm quan trọng mang ý nghĩa biểu tượng cho ông Putin, khi bất chấp cuộc chiến tranh Ukraine, nước Nga vẫn không bị cô lập và có nhiều đối tác quan trọng như Ấn Độ, Trung Quốc và các nền kinh tế lớn đang trỗi dậy khác.
‘Thế đa số toàn cầu’
Chụp lại hình ảnh: Các lãnh đạo quốc gia thuộc BRICS trong thượng đỉnh lần thứ 16 tại Kazan (Nga) vào ngày thứ Tư 23/10. Nguồn hình ảnh: Alexei Danichev/Photohost Agency/Anadolu/Getty Images
“Tư tưởng giống nhau” không phải là từ để mô tả các thành viên hiện tại trong khối BRICS ngày nay.
“Xét theo một số phương diện, chuyện Trung Quốc và Ấn Độ không bao giờ có thể đạt được sự đồng thuận về bất kỳ vấn đề nào là tốt cho phương Tây. Bởi vì nếu hai quốc gia này thật sự nghiêm túc thì BRICS sẽ có một sức ảnh hưởng khổng lồ”, ông Jim O’Neill, cựu kinh tế trưởng của công ty Goldman Sachs, nói với BBC.
“Trung Quốc và Ấn Độ đang nỗ lực hết sức để tránh công kích lẫn nhau. Việc tìm cách để hai quốc gia này thật sự hợp tác với nhau về kinh tế là một thách thức không có hồi kết”.
Khối BRICS không chỉ có căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc, mà còn giữa các thành viên mới như Ai Cập và Ethiopia hay giữa Ả Rập Xê Út và Iran, những quốc gia có mối hiềm khích lịch sử lâu dài trong khu vực.
Vào ngày thứ Năm 23/10, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Thượng đỉnh BRICS.
Thông qua cuộc gặp này, Ấn Độ mong muốn đặt dấu chấm hết cho các căng thẳng biên giới, vốn đã phủ bóng đen trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc trong bốn năm qua.
Cho đến nay, không có thông tin rõ ràng về khả năng BRICS chấp nhận áp dụng một giải pháp thanh toán toàn cầu thay thế cho đồng đô la Mỹ.
Trang web của Thượng đỉnh BRICS có ghi chú về việc các vị khách nhớ mang theo tiền mặt vì thẻ Mastercard và Visa không hoạt động tại Nga và “chỉ có USD hay đồng euro có thể được đổi tự do thành đồng rouble trong hầu hết các ngân hàng của Nga”.
Quy mô của BRICS
Vào năm 2006, Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã thiết lập khối “BRIC”, viết tắt từ tên tiếng Anh của các quốc gia này.
Nam Phi gia nhập vào năm 2010 và khối đã đổi tên thành “BRICS”.
Từ đầu năm 2024, BRICS có thêm 5 thành viên mới gia nhập gồm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Như vậy, BRICS hiện có 10 nước tham gia.
Khối BRICS có tổng dân số khoảng 3,5 tỷ người, tương đương 45% dân số thế giới.
Tổng giá trị nền kinh tế của các quốc gia này đạt hơn 28.500 tỷ USD – khoảng 28% nền kinh tế toàn cầu.
Giới chức Nga nói 30 quốc khác muốn gia nhập BRICS hoặc tìm kiếm các mối liên kết chặt chẽ hơn với khối này. Một số quốc gia đã tham dự thượng đỉnh lần này.
Câu chuyện BRICS đại diện cho “thế đa số trên toàn cầu” cũng được bàn luận nhiều tại thượng đỉnh BRICS lần này.
Nguồn: BBC Tiếng Việt